Chiến tranh Lạnh | |
---|---|
1947–1991 Một phần của kỷ nguyên hậu Thế chiến II | |
Trên: NATO và khối Warszawa trong Chiến tranh Lạnh Đám mây hình nấm của vụ thử hạt nhân Ivy Mike, 1952; một trong hơn một ngàn vụ thử tương tự mà Hoa Kỳ tiến hành giai đoạn 1945–1992 Thiếu nữ Triều Tiên cõng em trai trên lưng mệt mỏi lê bước gần xe tăng M46 Patton, Haengju, Hàn Quốc, 1951 Công nhân Đông Đức xây dựng bức tường Berlin, 1961 Máy bay của Hải quân Mỹ theo dõi tàu hàng Liên Xô trong khủng hoảng tên lửa Cuba, 1962 Phi hành gia Hoa Kỳ Thomas P. Stafford (phải) bắt tay phi hành gia Liên Xô Alexei Leonov (trái) ngoài không gian, 1975 Tàu Bezzavetny của Liên Xô đâm vào tàu USS Yorktown, 1988 Bức tường Berlin sụp đổ, 1989 Xe tăng tại Quảng trường Đỏ trong Đảo chính tháng 8, 1991 |
Chiến tranh Lạnh là thời kỳ căng thẳng địa chính trị giữa Liên Xô cùng đồng minh (Khối Đông) và Hoa Kỳ cùng đồng minh (Khối Tây) sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Các nhà sử học không hoàn toàn thống nhất về thời điểm bắt đầu và kết thúc, nhưng nhìn chung giai đoạn này kéo dài từ lúc học thuyết Truman được thông báo (12 tháng 3 năm 1947) đến khi Liên Xô tan rã (26 tháng 12 năm 1991).[1] Sở dĩ gọi là "lạnh" bởi không có giao tranh quy mô lớn trực tiếp giữa hai siêu cường mà mỗi bên chỉ hỗ trợ những cuộc xung đột địa bàn lớn gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Căn nguyên của sự đối đầu là tham vọng giành được sức ảnh hưởng về ý thức hệ và địa chính trị trên toàn cầu của cả hai sau mối liên minh tạm thời cùng chiến thắng trước Đức Quốc xã vào năm 1945.[2] Bên cạnh phát triển vũ khí hạt nhân và triển khai quân sự thông thường, cuộc đấu vì thế thống trị còn được thể hiện qua những phương thức gián tiếp như chiến tranh tâm lý, hoạt động tuyên truyền, tình báo, cấm vận, ganh đua tại những sự kiện thể thao và cạnh tranh về công nghệ như Chạy đua Không gian.
Khối Tây dẫn đầu là Hoa Kỳ và các quốc gia Thế giới thứ Nhất khác mà nhìn chung dân chủ tự do nhưng bị ràng buộc với một mạng lưới các nước chuyên chế mà đa phần là cựu thuộc địa của họ.[3] Liên Xô và Đảng Cộng sản nước này lãnh đạo Khối Đông đồng thời có tầm ảnh hưởng khắp Thế giới thứ Hai. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ các chính phủ cánh hữu cùng những cuộc nổi dậy, trong khi chính phủ Liên Xô tài trợ các đảng cộng sản và những cuộc cách mạng trên thế giới. Sau khi hầu hết các nước thuộc địa giành độc lập vào thời kỳ 1945–1960 thì nơi đó đã biến thành chiến trường Thế giới thứ Ba của Chiến tranh Lạnh.
Tham khảo
- ↑ Robert Service, The End of the Cold War: 1985-1991 (Macmillan, 2015)
- ↑ Sempa, Francis (ngày 12 tháng 7 năm 2017), Geopolitics: From the Cold War to the 21st Century, Routledge, ISBN 978-1-351-51768-3
- ↑ G. Jones 2014, tr. 176–79.