Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một cuộc nổi dậy của người dân Âu Lạc chống lại chính quyền, khoảng năm 40 đến 43, trong thời kỳ Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sau khi đánh bại chính quyền địa phương của Thái thú Tô Định, Trưng Trắc xưng vương, đóng đô ở huyện Mê Linh, được thuế của nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trong 2 năm.(TKC, tr.425) Năm 42, nhà Hán cử đạo quân do tướng Mã Viện dẫn đầu tiến đánh nghĩa quân Hai Bà Trưng. Năm 43, nhà Hán đã tái kiểm soát hoàn toàn Âu Lạc. Tuy dành được độc lập trong thời gian ngắn ngủi, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là sự kiện có giá trị đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, không chỉ là cột mốc bản lề khẳng định thành tựu bất hủ trong thời đại dựng nước đầu tiên, mà còn định hướng cho tương lai phát triển của cuộc đấu tranh thoát khỏi ách thống trị nghìn năm của các đế chế phương Bắc.
Nhà Đông Hán và chính sách thống trị Âu Lạc
Sau thất bại của An Dương Vương vào năm 179 TCN, nước Âu Lạc bị rơi vào ách thống trị của nhà Triệu (179 TCN - 111 TCN), tiếp đến nhà Tây Hán (111 TCN - 8 SCN), nhà Tân (8 SCN - 23 SCN). Năm Ất Dậu (25 SCN), Lưu Tú, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Hán (Đông Hán), đóng đô tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), khẳng định quyền thống trị trên toàn bộ đất đai của nhà Tây Hán và nhà Tân trước đó. Nhà Đông Hán tồn tại gần 2 thế kỷ (25-220) là thời kỳ phát triển cường thịnh của đại đế chế Trung Hoa, trong đó hơn 60 năm đầu (25-88) là giai đoạn Trung Quốc ổn định ở bên trong và có điều kiện mở rộng bành trướng ra bên ngoài, đặc biệt xuống khu vực phía Nam.
Dựa vào tầng lớp đại địa chủ miền Trung Nguyên, Lưu Tú đã khôi phục lại đại đế chế Hán, đến đây Hán Quang Vũ bằng quyền uy tối thượng của mình lại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tầng lớp quan lại, địa chủ đẩy mạnh di dân (nông dân phá sản, tội nhân, chiến binh) xuống “khẩn thực” ở miền Giang Nam. Chính sách di dân “khẩn thực” của nhà Đông Hán không chỉ trực tiếp giải quyết tình trạng nông dân mất đất, phá sản và lưu vong đang là ngòi nổ của các cuộc đấu tranh làm đảo lộn xã hội miền Trung Nguyên, mà thực sự đã mở rộng các trang trại ở phương Nam, tăng cường thế lực cho các “cự tộc”, làm cơ sở (kinh tế, chính trị, xã hội) cho chính sách thống trị của nhà Đông Hán ở vùng đất mới phương Nam. Cũng từ đầu Công nguyên, thương mại, đặc biệt là thương mại trên Biển Đông phát triển mạnh, khu vực miền Nam Trung Quốc, trong đó có Giao Châu thực sự trở thành đầu mối của các chính sách bành trướng, nô dịch và bóc lột của nhà Đông Hán.
Buổi đầu nhà Đông Hán vẫn duy trì cơ cấu tổ chức của nhà Tây Hán trước đây. Ở bên trên nhà Đông Hán vẫn đặt châu Giao Chỉ thống suất 7 quận: Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương với khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam) và tiếp tục đặt trị sở tại thành Luy Lâu - trung tâm của quận Giao Chỉ là quận lớn nhất và quan trọng nhất trong toàn châu. Thành Luy Lâu (thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đến đầu đời Đông Hán vừa là trị sở của châu Giao Chỉ, vừa là trị sở của quận Giao Chỉ.
Đứng đầu châu Giao Chỉ là chức Thứ sử (hay còn gọi là Giao Chỉ Thứ sử). Đứng đầu các quận thuộc châu là chức Thái thú. Các Thái thú ở các quận thuộc châu Giao Chỉ lúc này phần nhiều đều là những người đã giữ chức vụ từ cuối thời Tây Hán và được nhà Đông Hán bổ nhiệm lại.
Tích Quang là người vùng Hán Trung (Thiểm Tây, Trung Quốc) làm Thái thú Giao Chỉ từ thời Hán Bình Đế (1-5 SCN), theo sách Hậu Hán thư, “vào thời Vương Mãng, Tích Quang đóng cửa giữ Giao Chỉ; Hán Quang Vũ lên ngôi, năm Kiến Vũ thứ nhất (25 SCN) sai sứ triều cống, được phong Diêm Thuỷ hầu”. Tích Quang là người có công “dạy cho dân địa phương biết lễ nghĩa, tiếng tăm ngang hàng với Nhâm Diên” (HHT, q.76).
Nhâm Diên được Hán Quang Vũ trực tiếp cử về làm Thái thú quận Cửu Chân. Nhâm Diên là người huyện Uyển (Nam Dương, Hà Nam), năm 12 tuổi học tại Trường An, giỏi về kinh Thi, Dịch, Xuân Thu, nổi danh tại Thái học, được ca tụng là “Nhâm thánh đồng”. “Vào năm Kiến Vũ thứ nhất (25 SCN) chiếu vời làm Thái thú Cửu Chân. Vua Quang Vũ cho gặp, ban y phục tơ lụa màu đen, lệnh vợ con lưu tại Lạc Dương (tỉnh Hà Nam). Lúc bấy giờ dân Cửu Chân quen nghề săn bắn, không biết cày ruộng bằng trâu bò, nên thường phải mua lương thực của Giao Chỉ, dân chúng sống khốn khó. Diên ra lệnh đúc khí cụ canh tác, dạy cách cày cấy; nhờ đó ruộng đất khai khẩn rộng ra, dân chúng được cung cấp sung túc”(HHT, q.76). Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết rõ, đến Cửu Chân, Nhâm Diên thấy: “Tục người Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá, đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ. Dân nghèo không có sính lễ cưới vợ, Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, cùng một lúc lấy vợ có đến 2.000 người. Diên coi việc được 4 năm thì bị gọi về” (ĐVSKTT, t.1, tr.155).
Theo sách Hậu Hán thư: “Thời vua Quang Vũ trung hưng, Tích Quang tại Giao Chỉ, Nhâm Diên tại Cửu Chân chỉ cho dân cách cày cấy, chế mũ giày, đặt ra sính lễ môi giới mới biết việc giá thú; mở học hiệu dạy cho lễ nghĩa” (HHT, q.116). Cả Tích Quang và Nhâm Diên trước sau đều dùng lối sống Hoa cải biến phong hóa Việt. Họ mở trường dạy lễ nghĩa và buộc người Việt phải tuân theo các thứ lễ nghĩa Trung Quốc, từ những việc như lấy vợ, gả chồng, cho đến ăn mặc và cả việc tổ chức sản xuất cũng đều phải theo truyền thống, tập quán và kỹ thuật Hán. Sử cũ đã lý tưởng hóa những việc làm của Tích Quang và Nhâm Diên, coi đây là công lao “khai hóa văn minh” cho khu vực Giao Chỉ, Cửu Chân. Sách Hậu Hán thư khẳng định: “Văn hoá đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai viên Thái thú này” (HHT, q.76).
Có thể xem đây là một dấu mốc quan trọng xác nhận sự chuyển biến về xã hội và văn hóa trên địa bàn Giao Chỉ, Cửu Chân, nhưng trên thực tế chính là thủ đoạn thống trị, bóc lột và đồng hóa hết sức tinh vi của chính quyền đô hộ Đông Hán, mà trước đó nhà Tây Hán và nhà Tân chưa bao giờ làm được. Trải qua 200 năm thống trị Âu Lạc, đến đây Trung Quốc lần đầu tiên mới đưa được văn hóa Hán, lối sống Hán vào trong xã hội Giao Chỉ, Cửu Chân, áp dụng pháp luật Hán, bắt người dân phải tuân theo lễ giáo phong kiến Hán và xóa bỏ lối “dùng tục cũ mà cai trị” của người Việt. Trên cơ sở này, nhà Hán càng ngày càng đẩy mạnh thêm chính sách bóc lột và đồng hóa. Ngoài việc bắt dân Giao Chỉ, Cửu Chân phải cống nạp nhiều của quý, vật lạ của phương Nam, nhà Đông Hán ráo riết thi hành chính sách bóc lột tô thuế nặng nề, chiếm đất lập trang trại, nắm độc quyền sản xuất và mua bán một số mặt hàng thiết yếu. Hán Quang Vũ ra sức củng cố và hoàn thiện chính quyền đô hộ ở Giao Chỉ, tiến hành điều tra cụ thể và vươn xuống nắm trực tiếp số nhân khẩu và hộ khẩu của từng huyện trong các quận để cai quản và thu thuế; tổ chức mỗi huyện là một thành (gọi chung là huyện thành) theo một mô hình tương đối thống nhất và quy củ.
Năm 34, Tô Định thay Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, đã hiện nguyên hình là kẻ “tham lam, tàn bạo”, vô nhân cách. Chính Mã Viện cũng không giấu nổi thái độ khinh bỉ khi phải nhắc đến một viên Thái thú của nhà Đông Hán luôn coi tiền bạc là tất cả, “thấy tiền thì giương mắt lên”. Lê Tắc trong An Nam chí lược cũng cho biết Tô Định “đầu năm Kiến Vũ, làm Thái thú quận Giao Chỉ, tính tham lam mà hung dữ” (ANCL, tr.162). Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại cho đó là thực trạng xã hội những năm cuối thập kỷ thứ ba đầu Công nguyên khi người dân “khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc” (ĐVSKTT, t.1, tr.156). Sách Việt sử lược cũng giống như Đại Việt sử ký toàn thư, không quy tất cả vào tội lỗi của cá nhân Thái thú Tô Định, mà cho rằng việc “Thái thú Tô Định lấy pháp luật trói buộc” (VSL, tr.24) mới là nguyên nhân của mọi nỗi lầm than, cơ cực của xã hội. Tô Định là đại diện của chính quyền Đông Hán đã ra sức vơ vét thuế khóa, khống chế, đè nén các Lạc tướng và con cháu họ, áp đặt một cách cực đoan pháp luật Hán ở Giao Chỉ, khiến cho cả quý tộc cũ và dân chúng đều oán hận chính quyền đô hộ. Đấy chính là lý do chủ yếu làm bùng nổ các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn bộ đất đai Âu Lạc cũ và cuối cùng đã quy tụ lại trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm Canh Tý (40 SCN).
Quê hương, gia thế Hai Bà Trưng và quá trình chuẩn bị khởi nghĩa
Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái của một gia đình Lạc tướng huyện Mê Linh. Vào đầu công nguyên, huyện Mê Linh là vùng đất rất rộng lớn, lấy sông Hồng đoạn từ khoảng phía dưới thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) xuôi xuống đến phía trên cầu Thăng Long (thành phố Hà Nội) làm trung tâm và trải rộng sang cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn, bao lấy toàn bộ các vùng núi Ba Vì (ở phía Nam), núi Tam Đảo (ở phía Bắc) và các vùng phụ cận, gồm phần lớn đất đai các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, phần phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, một phần đất các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên hiện nay. Huyện Mê Linh thời Hán rất rộng lớn, nhưng trung tâm huyết mạch của huyện là sông Hồng và vùng tụ cư quan trọng nhất là các làng xã ven sông đoạn từ Hạ Lôi lên đến Việt Trì. Nguồn tư liệu thư tịch cổ của Trung Quốc, Việt Nam, kể cả thần tích Hạ Lôi và Hát Môn tuy không cho biết cụ thể nhưng vẫn thiên về xác định dòng họ nội của Hai Bà Trưng là dòng họ quý tộc cũ có uy thế hàng đầu ở trung tâm huyện Mê Linh thời Hán, nhưng vì cha mất khi Hai Bà Trưng còn rất nhỏ tuổi, nên gần như toàn bộ tuổi ấu thơ và trưởng thành của Hai Bà Trưng đều chỉ gắn bó với mẹ, cũng thuộc dòng dõi quý tộc cao cấp ở vùng trung tâm này. Nguồn tư liệu dân gian cho phép hình dung Hai Bà Trưng được sinh ra và lớn lên ở quê mẹ (thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Hai Bà Trưng sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc Việt, cha là Lạc tướng huyện Mê Linh, mẹ là cháu ngoại vua Hùng. Cha mất sớm, người mẹ tần tảo với nghề trồng dâu nuôi tằm nuôi nấng hai con gái lớn khôn. Hai Bà Trưng sớm tỏ ra là những người có chí khí lớn, can đảm và dũng lược.
Lớn lên, Trưng Trắc lấy chồng tên là Thi, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên. Huyện Chu Diên khi đó được quan niệm là vùng lưu vực sông Đáy và mở rộng sang cả sông Hồng, bao gồm khu vực Hà Nội tính từ các quận nội thành xuống phía Nam và sang phía Đông, tỉnh Hà Nam, một phần tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình và Ninh Bình hiện nay. Sách Hậu Hán thư cho biết: “Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho người Chu Diên tên là Thi lấy làm vợ” (HHT, q.80). Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên cũng chép tương tự: “Con trai Lạc tướng (huyện) Chu Diên tên là Thi (sách) lấy con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ” (TKC, tr.424). Sách Đại Việt sử ký toàn thư và thư tịch cổ Việt Nam cũng cho biết: “Thi (Sách) cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau” (ĐVSKTT, t.1, tr.156). Cuộc hôn nhân này làm cho thế lực của hai gia đình Lạc tướng mạnh thêm. Sự liên kết giữa hai gia đình Lạc tướng tạo cho họ một thế đứng vững chắc ở cả vùng thượng và trung châu thổ sông Hồng.
Mê Linh và Chu Diên là hai huyện trung tâm và quan trọng hàng đầu của quận Giao Chỉ. Ban đầu, nhà Hán đã đặt Châu trị, Quận trị và Đô úy trị tại Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội). Mê Linh là vùng đất bản bộ của vua Hùng, địa bàn trung tâm bao gồm các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Trong khi đó Chu Diên nằm ở khu vực sông Đáy và sông Hồng, trung tâm bao gồm khu vực các huyện phía Nam Hà Nội, các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên hiện nay. Lúc này, Chu Diên là huyện có tiềm lực kinh tế lớn, là nơi người Việt đã hoàn tất khai phá vùng trung tâm và đang đẩy mạnh công cuộc khai hoang lập làng trên toàn vùng hạ châu thổ.
Cuộc hôn nhân của Thi và Trưng Trắc là sự liên kết của hai thế lực lớn, một nơi là đất bản bộ của vua Hùng, một nơi đại diện cho sức mạnh kinh tế đang lên của người Việt. Sự liên kết ấy giúp họ có thanh thế, lực lượng để mưu sự nghiệp lớn. Sự liên minh của hai thế lực Lạc tướng qua con đường hôn nhân chắc chắn cũng đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền đô hộ Đông Hán.
Chính sách cai trị tàn bạo của nhà Đông Hán đã thôi thúc Trưng Trắc cùng chồng hiệp mưu, tính kế nổi dậy chống lại. Công việc chuẩn bị dường như mới chỉ bắt đầu thì đã bị chính quyền đô hộ của Đông Hán phát hiện.Thái thú Tô Định thẳng tay đàn áp ngay lập tức. Người đúng đầu cuộc vận động khởi nghĩa, cũng là chồng mới cưới của Trưng Trắc (tên là Thi, không rõ họ), chưa kịp đối phó thì đã bị Tô Định đánh úp và giết chết. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay là Trưng Trắc “khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu”(ĐVSKTT, t.1, tr.156).
Hành động đàn áp dã man của Thái thú Tô Định không dập tắt được ý chí đấu tranh của Trưng Trắc, mà trái lại càng làm cho ngọn lửa căm thù ngùn ngụt bốc cao.
Tô Định dường như không phải mất nhiều công sức, không đến mức phải hao binh, tổn tướng để dẹp yên một cuộc đấu tranh đang còn trong trứng nước. Ông ta tự mãn đề cao thành công của mình và chủ quan xem thường lực lượng khởi nghĩa, càng không một chút để ý đến vai trò đang lên của những phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành, quyết không đội trời chung với bè lũ thống trị tàn bạo. Sách Việt sử lược cho biết lực lượng đầu tiên tham gia khởi nghĩa là người Phong Châu (vùng Mê Linh): “Thái thú Tô Định lấy pháp luật trói buộc. Trắc giận bèn cùng em gái là Nhị đem binh Phong Châu đánh hãm các quận huyện” (VSL, tr.24). Tư liệu dân gian cũng cho hay là Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã triệt để khai thác cơ hội thuận lợi này, đi khắp mọi nơi vận động và tập hợp dân chúng, trong đó đối tượng quan trọng nhất là những người phụ nữ cùng trang lứa và địa bàn quan trọng hàng đầu là hai huyện Mê Linh, Chu Diên, miền đất căn bản của các Lạc hầu, Lạc tướng.
Cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thắng lợi trên phạm vi toàn quốc
Mùa xuân năm 40, tháng Hai, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị, đã quyết định chọn cửa sông Hát (nay xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) làm nơi hội binh, tổ chức Hội thề và tuyên bố khởi nghĩa. Trưng Vương ngọc phả cổ lục dựa vào truyền thuyết dân gian khu vực xứ Đoài cho biết công việc tập hợp lực lượng đã diễn ra từ hơn một năm trước đó, đến đây lực lượng nghĩa binh đã có hàng vạn người (chủ yếu là nữ) tụ hội ở sông Bạch Hạc thành Phong Châu (khu vực thành phố Việt Trì hiện nay) rồi xuôi theo dòng sông Hồng, kéo thẳng đến cửa sông Hát, tập hợp đại quân tại Trường Sa Châu (Bãi Cát Dài) thiết lập Đại Đồn, lập Đàn Tế, cầu đảo trời đất bách thần.
Vào đầu công nguyên, cửa sông Hát nằm ở khu vực phía trước đền Hát Môn hiện nay. Ở đấy còn dấu tích một ghềnh đá lớn nằm chắn ngang cửa sông, khi nước sông Hồng đổ về mạnh, nước chẩy xô vào ghềnh đá tạo thành tiếng giống tiếng thác đổ gầm thét dữ dội, nên dân gian gọi là cửa sông Hát (Hát Môn). Ở đấy có Trường Sa Châu (bãi Cát Dài) rộng như một quảng trường, xung quanh cây cối mọc thành rừng. Mãi về sau này, cho đến thế kỷ XVII, người đi qua Hát Môn vẫn còn cảm thấy đầy đủ cái vẻ hiểm yếu và kỳ vĩ của vùng đất cửa sông này (TNNL, tr.87):
- Hát Môn có thế dụng binh,
- Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà
Vị thế đặc biệt quan trọng của Hát Môn càng được nhân lên vì nó ở rất gần các trung tâm chính trị và quân sự quan trọng hàng đầu của chính quyền đô hộ Đông Hán như thành Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) bên bờ sông Hồng, thành Cổ Loa (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) bên bờ sông Hoàng Giang và thành Luy Lâu (Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh) ngay cạnh sông Dâu ăn thông với sông Đuống.
Từ cửa sông Hát có thể dễ dàng xuôi xuống Chu Diên quê chồng Trưng Trắc, nơi lực lượng khởi nghĩa vừa mới bắt đầu nhen nhóm đã bị quân Đông Hán dồn sức đánh tan, cũng có thể từ đây lan tỏa theo các dòng sông Hồng, sông Đáy với các chi lưu đến khắp dải đồng bằng sông Hồng và xuôi xuống cửa biển Thần Phù đi vào Cửu Chân và vùng đất phương Nam. Hai Bà Trưng đã triệt để khai thác vị trí thuận lợi về đường thủy cùng địa hình hiểm trở ở Hát Môn biến Hát Môn thành trung tâm quy tụ lực lượng và phát động cuộc khởi nghĩa toàn dân.
Từ khắp mọi miền đất nước, các cánh quân ít nhiều đã có sự tổ chức và huấn luyện nhất lệnh kéo về Hát Môn tụ nghĩa.
Tất cả những người về Hát Môn tụ nghĩa đều mang trong mình lòng quật khởi chống lại nhà Đông Hán, chống sự tham lam vô độ của Thái thú Tô Định. Họ là những người không có tên, hoặc tên do người đời sau thêm vào, nhưng họ gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi giới từ nam thanh nữ tú tuổi đời chưa đến đôi mươi cho đến các bậc phụ lão đang nắm quyền cai quản làng quê, gồm đủ các thành phần xã hội, đủ mọi miền đất nước. Những người đến Hát Môn dự Hội thề non nước đều chứa chất quyết tâm đánh đuổi bạo tàn, giành độc lập cho đất nước, thoát cảnh nô lệ, dựng lại non sông gấm vóc Lạc Hồng. Như vậy, một lời hiệu triệu sông núi của Hai Bà Trưng đã vang vọng khắp mọi thôn ngõ từ vùng biển cả, đồng bằng lên đến trung du, núi cao. Đâu đâu cũng mang trong mình một khí thế hồ hởi kéo về Hát Môn tụ nghĩa.
Hai Bà Trưng đã tổ chức hội thề tại Trường Sa Châu là cánh đồng trước cửa đền Hát Môn ngày nay. Hội thề sông Hát mùa xuân năm 40 SCN đã đi vào lịch sử như Hội thề đầu tiên, đến nay vẫn còn ngân vang mãi lời thề bất hủ được Thiên Nam ngữ lục - thiên sử ca đượm tính dân gian thế kỷ XVII ghi lại (TNNL, tr.89):
- Cùng nhau hợp cửa Hát Môn,
- Cắt tay lấy máu lên đàn thề nhau...
- ... Một xin rửa sạch nước thù,
- Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
- Ba kẻo oan ức lòng chồng,
- Bốn xin vẹn vẹn thửa công lênh này”
Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Hội thề Hát Môn mùa Xuân năm 40 là Hội thề quy tụ sức mạnh của cả nước và cũng là Hội thề Non nước đầu tiên. Đó là hội thề của tụ nghĩa, của sức mạnh giành độc lập cho dân tộc, thoát khỏi ách nô dịch, cường quyền và bạo ngược. Hội thề Hát Môn năm ấy là biểu tượng cao nhất của truyền thống yêu nước, của ý chí sắt đá quét sạch kẻ thù xâm lược ra khỏi bờ cõi, giải phóng đất nước, bảo toàn nền văn hóa và lối sống dân tộc. Hội thề Non nước đầu tiên ấy còn mang ý nghĩa hội tụ và lan tỏa: Hội tụ các anh hùng hào kiệt, hội tụ tất cả mọi người dân yêu nước về cửa sông Hát dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và lan tỏa ra khắp mọi miền quê trên đất Văn Lang - Âu Lạc xưa,tích hợp và cộng hưởng thành những cơn địa chấn, những lớp sóng thần quét sách bầy giặc dữ.
Hội thề Hát Môn cũng đồng thời là đại lễ xuất quân của Hai Bà Trưng.
Từ cửa sông Hát, từ Trường Sa Châu, đại quân của Hai Bà Trưng ào ra sông Hồng nhanh chóng đánh thẳng vào Đô Úy trị của nhà Hán đang đóng tại làng Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Trưng Vương ngọc phả cổ lục căn cứ vào các di tích và truyền thuyết còn lại ở làng Hạ Lôi mô tả trận đụng độ đầu tiên của đại quân Hai Bà Trưng với đội quân tiên phong tinh nhuệ của Thái thú Tô Định ở Đô Úy trị và phụ cận (vùng xung quanh khu vực xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội hiện nay) như một trận kịch chiến và thắng lợi đã thuộc về quân khởi nghĩa: “Ngày hôm đó truyền chia các đạo tiến thẳng đến thành của Tô Định, tiếng hô vang bốn phía, các đạo cùng xuất phát. Quân của Tô Định chưa kịp ra khỏi thành. Tướng sĩ của Trưng Vương vây bốn phía, xa gần tiếp ứng. Quân Tô Định thua to dẫm đạp lên nhau bỏ chạy tán loạn. Trưng Vương đuổi theo quân Tô Định đến địa phận trang Cổ Lôi. Trưng Vương đã đặt đồn binh mai phục tại đây (tức trang Cổ Lôi). Trưng Vương truy đuổi quân Tô Định đến đất Cổ Lôi, binh lính phục sẵn các nơi đều ra nghênh chiến ở khắp bốn phía, tướng sĩ Tô Định không còn đường thoát. Quân truy đuổi chém được hơn 1.000 đầu giặc. Đất Cổ Lôi máu chẩy thành sông, thây chất thành núi...”.
Thừa thắng, nghĩa quân tấn công chiếm lại thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Cổ Loa kinh thành và quân thành của nhà nước Âu Lạc, sau thất bại của An Dương Vương vào năm 179 TCN đã trở thành trung tâm cai quản quan trọng của phương Bắc đối với không chỉ bộ lạc Tây Vu ở miền núi rừng, trung du mà cả vùng châu thổ. Cổ Loa có thành cao hào sâu che đỡ, lại ở vào đầu mối của các tuyến đường giao thông thủy bộ nối liền và hỗ trợ hiệu quả cho cả Mê Linh và Luy Lâu. Trưng Vương đã triệt để huy động lực lượng tại chỗ bao vây cô lập thành Cổ Loa từ trước và sau khi hạ thành Mê Linh, phối hợp với lực lượng chủ công ở Mê Linh ào sang đã nhanh chóng đánh tan toàn bộ quân Đông Hán đang cố thủ ở tòa thành Cổ Loa.
Với khí thế tấn công trào dâng như vũ bão, Hai Bà Trưng quyết định kéo đại quân xuôi theo dòng sông Đuống tiến vào sông Dâu và đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền đô hộ đang ở trong tòa thành Luy Lâu (xã Lũng Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay).
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca mô tả về cuộc tấn công này (ĐNQSDC, tr.56):
- Ngàn Tây nổi áng phong trần,
- Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
- Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
- Đuổi ngay Tô Định dẹp yên Biên thành.
Thành Luy Lâu - đại bản doanh của Thái thú Tô Định, trung tâm đầu não của chính quyền đô hộ Đông Hán ở Giao Chỉ, là một tòa thành kiên cố, được bố phòng cẩn trọng với lực lượng quân đội tinh nhuệ và đông đảo hơn tất cả các căn cứ trọng yếu khác. Quân khởi nghĩa nhanh chóng bao vây bốn mặt và tràn vào chiếm thành. Thái thú Tô Định hoảng sợ bỏ cả ấn tín, thay đổi trang phục, râu tóc, vô cùng hoảng hốt tháo chạy về Trung Quốc (VSTGCM, t.1, tr.114). Chính quyền đô hộ phương Bắc ở thành Luy Lâu sụp đổ tan tành.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có sức hội tụ và lan tỏa kỳ diệu. Trước sức mạnh quật khởi của hướng tấn công chủ đạo, như một kế hoạch đã định trước hay một phản ứng dây chuyền, dân chúng cả nước vùng lên hưởng ứng, đồng loạt tấn công vào các lỵ sở của chính quyền đô hộ phương Bắc, giải phòng quê hương và giành chính quyền về tay quân khởi nghĩa. Sách Hậu Hán thư do Phạm Việp (398-445) đời Tống (thuộc Nam triều) soạn cũng không thể không thừa nhận khi Trưng Trắc đánh phá quận Giao Chỉ thì “Man Di ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, cướp được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, Trắc tự lập làm vua” (HHT, q.24). Sách Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều bộ chính sử của Việt Nam cũng chép tương tự: Khi Trưng Trắc cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu, “các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua” (ĐVSKTT, t.1, tr.156). Đặng Xuân Bảng trong sách Việt sử cương mục tiết yếu cho biết: “Vương [Trưng Vương] rất oai hùng. Vì Tô Định cai trị tham tàn giết chồng bà. Bà cùng em là Nhị, đem quân đánh lấy trị sở của châu, Định chạy về Nam Hải. Quân bà tới đâu, nơi đó đều đi theo. Dân Man các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Đánh lấy được hơn 60 thành ở Lĩnh Nam. Thứ sử Giao Chỉ cùng Thái thú các quận chỉ lo giữ được mình”.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nhanh chóng trở thành cuộc nổi dậy của toàn dân, vừa mang tính chất quy tụ, vừa mang tính chất tỏa rộng. Đó là sự quy tụ về cửa cửa sông Hát, về khu vực trung tâm quận Giao Chỉ, quy tụ trong sự lãnh đạo thống nhất của nữ tướng anh hùng trẻ tuổi Trưng Trắc. Đó là sự tỏa rộng không chỉ trên các vùng lãnh thổ của Lạc Việt, Âu Việt, mà còn lan tỏa đến các bộ lạc ở cả phía Nam và phía Bắc của nước Âu Lạc, lôi cuốn được nhiều bộ tộc Việt khác ở miền Nam Trung Quốc cùng đi theo. Thư tịch cổ Trung Quốc, Việt Nam đều thống nhất khẳng định không chỉ có các quận Giao Chỉ, Cửu Chân (thuộc đất Âu Lạc xưa) mà cả các quận Nhật Nam (ở phía Nam Âu Lạc), Nam Hải, Hợp Phố (ở phía Bắc Âu Lạc) đều nhất tề đứng lên tham gia vào sự kiện trời long đất lở này.
Chính quyền Trưng Vương và kinh đô Mê Linh
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã thu phục được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ phạm vi lãnh thổ của nước Âu Lạc trước khi bị Trung Quốc đô hộ. Các viên quan đô hộ từ châu Giao Chỉ cho đến các quận huyện hoặc trốn chạy về Trung Quốc, hoặc đầu hàng và dâng nộp chính quyền cho quân khởi nghĩa, nền độc lập của dân tộc được khôi phục trong hào quang chiến thắng. Trưng Trắc xưng vương và chọn vùng Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) làm đất đóng đô, khẳng định quyết tâm xây dựng chính quyền, bảo vệ quốc gia độc lập.
Lời thề của Trưng Trắc lúc xuất quân khẳng định, đi liền với “rửa sạch nước thù” là “nối lại nghiệp xưa họ Hùng”. Sau khi đánh đuổi toàn bộ quan quân đô hộ Đông Hán ra khỏi đất nước, thu phục toàn bộ non sông, bờ cõi, Trưng Trắc chính thức lập nước, xưng vương. Bà không ở lại thành Luy Lâu là kinh đô cũ của chính quyền đô hộ Đông Hán, cũng không chọn Cổ Loa vừa là quân thành vừa là vương thành của nước Âu Lạc hơn 2 thế kỷ trước, mà kéo quân về định đô tại tòa thành Mê Linh, nơi ghi dấu những chiến công quyết định đầu tiên của quân khởi nghĩa.
Sách Thủy kinh do người thời Tam Quốc (220-265) biên soạn cho biết Trưng Trắc “đánh phá châu quận, các Lạc tướng đều quy phục, tôn Trưng Trắc làm vua, đóng đô ở huyện Mi Linh, được thuế của nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trong 2 năm” (TKC, tr.425).
Sử sách Việt Nam dựa theo Thủy kinh chú cũng ghi nhận: “Bà [Trưng Trắc] tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Các thứ sử, Thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi” (VSTGCM, t.1, tr.114). Đặc biệt, sách Đại Nam quốc sử diễn ca còn ghi lại khá cụ thể (ĐNQSDC, tr.56):
- Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
- Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
- Ba thu gánh vác sơn hà,
- Một là báo phục, hai là bá vương
- Uy thanh động đến Bắc phương…
Mê Linh (hay Mi Linh) quê hương Hai Bà Trưng hồi đầu Công nguyên là một vùng rất rộng lớn trải dọc trên hai bên bờ sông Hồng và lấy đoạn sông Hồng từ phía trên bến Chèm thuộc nội thành Hà Nội đến Ngã ba Bạch Hạc phía dưới thành phố Việt Trì làm trung tâm.
Lê Tắc trong sách An Nam chí lược cho rằng Mi Linh trước khi được Trưng Vương chọn làm kinh đô đã là tòa thành “trị sở của quan Đô Úy quận Giao Chỉ đời Hán” (ANCL, tr.59). Quốc sử quán thời Nguyễn trong sách Đại Nam nhất thống chí đã giải thích rõ thêm: “Thành cổ Mê Linh: Theo An Nam chí thì Mê Linh ở phía Tây phủ Giao Châu, thời thuộc Hán là huyện của quận Giao Chỉ; nhà Hậu Hán vẫn theo như thế; giữa đời Kiến Vũ, Hai Bà Trưng đóng đô ở đây; thời Tam Quốc nhà Ngô đặt làm quận Tân Hưng, sau thuộc quận Tân Xương; đời Lương và đời Trần bỏ huyện, gồm vào huyện Gia Ninh”. Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng nói rõ: “Huyện Mi Linh nay là Yên Lãng. Trưng Vương đóng đô ở đấy”. Huyện Mi Linh trong trường hợp Phan Huy Chú đề cập đến ở trên phải được hiểu là thành cổ Mê Linh hay kinh đô Mê Linh của Hai Bà Trưng. Huyện Yên Lãng nằm ở vị trí giáp giới giữa huyện Mê Linh và huyện Chu Diên nên có sách chép thuộc Chu Diên, có sách chép thuộc Mê Linh, nhưng tòa thành kinh đô của Hai Bà Trưng trên đất huyện Yên Lãng thì các sách đều chép thống nhất là thành Mê Linh.
Thành cổ Mê Linh xã Hạ Lôi (xưa là Cổ Lôi hay Cổ Lai trang, nay là xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) được đắp trên một dải đất cao ngay trên bờ Bắc sông Hồng, hình giống như con voi đang uống nước, chỗ dài nhất 1.700m và chỗ rộng nhất 500m, được coi là dấu tích kinh đô của Trưng Vương năm 40-43 đầu Công nguyên. Tại đây ngoài những viên gạch Hán có thể là những hiện vật gốc, dấu tích còn lại của các công trình kiến trúc Đô Úy trị và thành cổ Mê Linh, còn hầu như chỉ là các địa danh, thần tích và truyền thuyết nhạt nhòa về tòa thành và cung điện của Trưng Vương gần 2000 năm trước. C.L. Madrolle trong cuốn sách Bắc Kỳ thời cổ đại (BEFEO, t.38, 1937) cho biết: “Người dân am hiểu ở đấy còn chỉ cho chúng tôi thấy một mô đất xung quanh có gò đắp cao lên, ở giữa mô đất là lâu đài của Trưng Trắc, tức Đầu Bằng Thượng (頭 朋 上) mà Trung Hoa chắc chắn đã ra lệnh phá hủy. Đằng sau mô đất này là chùa của làng. Đằng trước là đình có sân và cổng. Toàn bộ các đền chùa này dường như có từ mấy trăm năm nay. Chính điện của đình làng để dành riêng thờ các vị anh hùng của sự nghiệp vĩ đại các năm 40 đến 44”.
Vị trí, ý nghĩa trong tiến trình lịch sử Việt Nam
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một cuộc nổi dậy đồng loạt của toàn dân trên phạm vi cả nước. Hai Bà Trưng đã dựa vào dân mà khôi phục lại sự nghiệp rạng rỡ của vua Hùng, vua Thục sau hơn 200 năm mất nước, sau các triều đại phương Bắc càng ngày càng đẩy mạnh chính sách đồng hóa nhằm biến Âu Lạc vĩnh viễn trở thành quận huyện của Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giành lại nền độc lập của đất nước giữa lúc nhà Hán ra sức thi hành chính sách “bình thiên hạ”, truyền bá tư tưởng “tôn quân đại thống nhất” coi các dân tộc phương Nam là “Man Di”, là “thuộc quốc” và buộc tất cả phải phục tùng “Thiên tử”, “Thiên triều”. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng với thành công hết sức nhanh chóng và cả nước đồng lòng suy tôn Trưng Trắc lên nắm quyền quản lý, điều hành đất nước là sự trỗi dậy của ý thức dân tộc, của ý thức tự chủ của nhân dân ta, phủ định hiên ngang cái cường quyền sai trái của Đại Hán.
Chính sách cai trị tàn bạo, bòn rút của nhà Hán trước kia làm cho toàn dân lầm than, cơ cực, khởi nghĩa thắng lợi Trưng Vương nhanh chóng thực thi các chính sách khoan thư sức dân, đem lại lợi ích thật sự cho nhân dân. Cảnh thái bình khắp nơi trên đất nước ta lại được khôi phục. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và sự ra đời của một nhà nước non trẻ là sự kiện có giá trị đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Sau thất bại cuộc khởi nghĩa của Tây Vu Vương, đến đây sau hơn 100 năm, Hai Bà Trưng đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho phong trào đấu tranh chống Bắc thuộc của nhân dân ta. Sức mạnh của cuộc khởi nghĩa đến từ sự hiệp đồng hưởng ứng của toàn dân. Sau hơn 200 năm chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, đến đây nước nhà đã được độc lập, nghiệp xưa của Hùng Vương - An Dương Vương đã được phục hồi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa còn phản ánh ý thức dân tộc mạnh của các Lạc tướng và toàn thể nhân dân trong các bộ lạc tụ họp thành Văn Lang - Âu Lạc trước kia.
Cuộc khởi nghĩa khẳng định ý chí khôi phục nền độc lập của dân tộc đã mất từ hơn 2 thế kỷ trước. Khi cuộc khởi nghĩa diễn ra, sức lan tỏa vô cùng lớn, từ Hát Môn cuộc khởi nghĩa đã thu hút được sức mạnh từ khắp nơi về tụ họp. Trưng Trắc lập nước, xưng Vương đã khẳng định sức trường tồn vĩnh cửu của đất nước, nhân dân. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đặt nền móng cho những thắng lợi tiếp theo của dân tộc trong cuộc chiến chống đô hộ phương Bắc.
Mặc dù nền độc lập non trẻ được Hai Bà Trưng khôi phục chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn ngủi, nhưng công lao to lớn của Hai Bà Trưng sống mãi trong ký ức nhân dân, sống mãi trong lòng dân tộc, đúng như Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa” (ĐVSKTT, t.1, tr.157-158). Cảm phục đức độ, tài năng của Hai Bà Trưng, nhiều nơi đã lập đền thờ Hai Bà. Đền thờ Hai Bà không chỉ có ở nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa, nơi diễn ra Hội thề non nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc mà còn có ở rất nhiều nơi ở châu thổ Bắc Bộ, phía Nam Trung Quốc.
Đánh giá thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, nhà sử học thời Trần thế kỷ XIII Lê Văn Hưu cho rằng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành trì ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương” (ĐVSKTT, t.1, tr.156-157). Sang thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên nhà sử học thời Lê ca ngợi: “Họ Trưng giận Thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng không chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa” (ĐVSKTT, t.1, tr.157). Sử thần Nguyễn Nghiễm thế kỷ XVIII bàn thêm: “Trưng Vương là dòng dõi bực thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh đi đến đâu gần xa đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều được thu phục, người chịu khổ sở từ lâu, không khác gì đã ra khỏi vực thẳm được thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người” (ĐVSKTB, tr.74). Còn vua Tự Đức trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã dành lời phê rất đỗi khâm phục, tự hào: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách” (VSTGCM, t.1, tr.116).
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một hiện tượng hết sức độc đáo trong lịch sử dân tộc và hiếm có trong lịch sử thế giới cổ đại. Thật khó có thể hình dung người phụ nữ tuổi chưa tròn đôi mươi, trong điều kiện muôn vàn khó khăn và hạn chế của một xã hội nông nghiệp trồng lúa nước cách ngày nay gần 2000 năm lại có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa toàn dân giành thắng lợi nhanh chóng, tạo nền kỳ tích phi thường đến như vậy. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chính là một cái mốc bản lề khẳng định những giá trị vĩnh viễn của thời đại dựng nước Hùng Vương-An Dương Vương, của nền văn hoá, văn minh Văn Lang-Âu Lạc, đặt cơ sở nền tảng cho thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh trường kỳ đi đến độc lập hoàn toàn suốt một thiên niên kỷ. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vì thế không chỉ là sự mở đầu cho tương lai phát triển của đất nước ở thiên niên kỷ đầu tiên, mà còn là sự định hướng cho toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam trong các thiên niên kỷ tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
- Nhị thập tứ sử, Hậu Hán thư (HHT), Súc ấn nạp bản, Thương vụ ấn thư quán Trung Quốc, Thượng Hải, 1958.
- Lịch Đạo Nguyên, Thủy kinh chú (TKC), trong Thủy kinh chú sớ, Nxb Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
- Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t.1.
- Việt sử lược (VSL), Nxb Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (VSTGCM), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, t.1.
- Thiên Nam ngữ lục (TNNL), Nxb Văn học, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.
- Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca (ĐNQSDC), Sống mới xuất bản, Sài Gòn, 1972.
- Lê Tắc, An Nam chí lược (ANCL), Nxb Thuận Hóa, 2002.