Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tranh Đông Hồ
Đám cưới chuột
Lợn ỉ có xoáy Âm dương
Tranh "Đàn gà" hoặc "Sân gà" cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn
Vinh hoa, với ý nghĩa tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử như nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn

Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật khắc ván gỗ để in hình và màu trên giấy dó quét điệp. tranh Đông Hồ do nghệ nhân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, khắc, in, phục vụ cho nhu cầu chơi tranh của người dân khắp các làng quê Việt Nam.

Tranh Đông Hồ phát triển vào các thế kỷ XVII, XVIII, tuy vậy khởi nguồn của nó được nhìn nhận sớm hơn mốc thời gian này. Căn cứ vào gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng có 20 đời làm tranh, tính đến nay gần 500 năm, từ đó suy đoán tranh Đông Hồ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI.

Có ý kiến cho rằng tổ nghề tranh Đông Hồ là nhà Nho nổi tiếng thời Lê Sơ, Lương Nhữ Hộc (có tài liệu ghi Lương Như Hộc), người đã được dân làng Hồng Lục, tỉnh Hải Dương thờ là tổ nghề khắc ván in, tuy nhiên hiện nay chưa tìm được tài liệu xác tín. Những nghiên cứu muộn hơn cho biết, mỗi năm vào mùa làm tranh, người làng cúng tiên sư, thánh sư bản nghệ, tuy nhiên không rõ danh tính cụ thể của tiên sư, thánh sư. Thời kỳ hưng thịnh, trong làng có 17 dòng họ làm tranh, ngày nay chỉ còn lại hai gia đình gìn giữ nghề cổ truyền. tranh Đông Hồ có trên 180 mẫu tranh chia thành 5 chủ đề: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh truyện, thể hiện khát vọng và niềm mơ ước của người làm nông nghiệp gửi gắm qua các biểu tượng về đời sống hạnh phúc, mùa màng sinh sôi, người người thành đạt, trường thọ, viên mãn. tranh Đông Hồ gần gũi với suy nghĩ của muôn nhà vạn người, được người dân ưa thích, mua treo trong nhà, ngoài cửa như là một cách lấy khước cầu may, cầu an hay trấn trừ, trấn yểm theo tín ngưỡng dân gian.

Tranh Đông Hồ là sản phẩm của trí tuệ dân gian. Mỗi bức tranh là sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhiều người dân, nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Các mẫu tranh Đông Hồ do nghệ nhân sáng tác. Mặc dù cùng gọi là nghệ nhân song nghệ nhân ra mẫu khác với nghệ nhân cắt ván hoặc nghệ nhân in tranh. Trong làng chỉ có vài người biết ra mẫu, đó thường là các nhà nho am hiểu đời sống văn hoá, chính trị, lịch sử, xã hội, có khả năng tạo hình. Mẫu tranh mới ra được treo trên vách để ghi nhận sự góp ý của người làng bởi họ chính là những người cắt ván hoặc thực hiện việc in ấn tranh, ý kiến của họ đến từ kinh nghiệm làm tranh, điều đó giúp cho mẫu tranh hoàn thiện hơn từ mọi khía cạnh.

Làng nghề xưa không chú trọng việc ghi lại tên tuổi của những người ra mẫu, nên mẫu tranh không có tên tác giả, khi đem cắt ván có thể thay đổi, điều chỉnh một vài chi tiết khác với nguyên mẫu, có thể thêm bớt chữ, thay đổi loại chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc ngữ, điều đó tạo nên các dị bản khác nhau cho cùng một mẫu tranh. Nghệ nhân Đông Hồ là người khởi phát việc đưa chữ quốc ngữ vào tranh dân gian.

Ván khắc tranh Đông Hồ được coi là vật gia bảo truyền đời của từng gia đình, dòng họ. Khi nghề tranh thất bát, ván in mất, hỏng, lưu lạc, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sưu tầm, thu gom, gìn giữ trên 400 ván in của các gia đình làm tranh trong làng và ông đã trở thành người gìn giữ bảo vật của cả một dòng tranh. Giấy dó quét điệp là nét đẹp tinh hoa của tranh Đông Hồ, vì vậy tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh điệp. Tuy nhiên người làng Đông Hồ không tự làm ra loại giấy đặc trưng này mà đây là sản phẩm của làng Đạo Tú, một làng ở cùng xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thợ làng Đạo Tú mua giấy dó của làng Yên Thái, nay là cụm cư dân phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, mua quặng điệp ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hoặc các làng ven biển tỉnh Thái Bình, chế biến thành thứ bột xà cừ dùng để quét lên giấy dó. Giấy dó quét điệp của làng Đạo Tú được thương nhân Hà Nội mua về quét lớp dầu bóng, sau đó người làng Đông Hồ mới dùng để in tranh. Ngoài giấy điệp, trong số các công cụ làm nghề tranh của nghệ nhân Đông Hồ, thét (chổi lá thông để quét điệp, lấy mầu) cũng do làng Đạo Tú cung cấp. Mỗi làng nghề chuyên môn hoá một công đoạn và liên kết tạo thành một mạng lưới các làng nghề thủ công tham gia vào việc sản xuất tờ tranh của làng Đông Hồ.

Người làng Đông Hồ sản xuất tranh theo vụ, đáp ứng nhu cầu mua tranh chơi Tết của người dân khắp các vùng. Tranh bán ngay trong làng, trong nhà nghệ nhân và trong chợ tranh lập nơi đình làng. Hằng năm vào tháng chạp, đình làng biến thành chợ tranh, họp các phiên vào mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Các thuyền buôn tranh từ các nơi cập bến sông, mang theo nhiều sản vật vùng miền đến đây trao đổi hoặc bán lấy tiền “ăn tranh”. Hết ngày 26, các gia đình mang tranh bán ở khắp chợ quê.

Đình làng Đông Hồ cổ kính không thờ tổ nghề tranh nhưng lại là không gian gắn bó với nghề tranh của làng, được nhiều người gọi là đình tranh. Vào ngày hội làng, người dân thực hiện các nghi thức tế lễ, thi mã, thi tranh, họ còn dựng cầu bằng tranh, tượng trưng cho sự giao lưu hoà hợp. Hội làng cũng là không gian để người làng giao lưu, đàm đạo về nghề làm tranh.

Là một phần tạo nên phong vị Tết xưa của người nông dân, tranh Đông Hồ không chỉ đẹp trong đời sống thực tiễn mà còn đi vào những áng văn, vần thơ gợi tả nét văn hoá Việt. Trải qua nhiều thăng trầm, tục lệ mua tranh Đông Hồ treo chơi ngày Tết đã lùi vào dĩ vãng, người làm tranh, nghề làm tranh theo đó cũng mai một. Nhờ công gìn giữ của hai gia đình nghệ nhân dòng họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu mà dòng tranh Đông Hồ chưa mất đi, kỹ thuật nghề tranh vẫn được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau để mạch nguồn nghệ thuật dân gian tiếp tục dòng chảy trong đời sống đương đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1989.
  2. Nguyễn Thái Lai, Làng tranh Đông Hồ, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.
  3. Chu Quang Trứ, “Tranh điệp Đông Hồ”, trong: Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập 2, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr.273.
  4. Lê Văn Hải, Nguyễn Trung Dũng, “Tranh khắc gỗ Đông Hồ với Bảo tàng Dân tộc học”, in trong: Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.1211.
  5. Pierre Gourou, Người nông dân Châu thổ Bắc Kỳ, Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2015.