Văn hóa là một hợp phần cơ bản tạo nên đời sống của con người và xã hội, văn hóa được hiểu theo cả hai nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa hẹp, đó là các sản phẩm và các hoạt động trong lĩnh vực tinh thần như văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức… Còn theo nghĩa rộng, nó được hiểu là toàn bộ những giá trị, kể cả về vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo ra, nó tiêu biểu cho những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong tiến trình lịch sử.
Văn hóa là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, được trao truyền và phát triển thông qua con đường xã hội hóa-tức là quá trình học hỏi, rèn luyện và giao tiếp. Các bằng chứng khảo cổ học và cổ sinh học cho thấy, khi chưa có con người, trái đất của chúng ta chỉ mới là lãnh địa của thế giới tự nhiên nguyên sơ. Chỉ đến khi con người xuất hiện thì trên mặt đất này mới được bổ sung thêm một thực thế mới mà sau này được gọi là văn hóa. Trong mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên, con người và văn hóa, người ta gọi văn hóa là “thiên nhiên thứ hai” cũng vì lẽ ấy.
Nhưng sự hình thành và phát triển của văn hóa không hề đơn giản, đó là một quá trình lâu dài và tiệm tiến: con người đã phải đi từ việc sử dụng các công cụ đá ghè, đá đẽo, đá mài đến các công cụ bằng đồng, bằng sắt, từ các công cụ cầm tay đến cơ giới hóa, từ sự điều khiển bằng sức mạnh cơ bắp đến tự động hóa… Cứ như vậy, phải trải qua hàng triệu năm con người mới dần dần tách mình ra khỏi thiên nhiên, sau đó lại phải mất nhiều nghìn năm để tạo ra một “thiên nhiên thứ hai” như đã nói, để từ đó trở đi con người sống trong văn hóa và sống bằng văn hóa.
Người đầu tiên đưa ra định nghĩa về văn hóa là E. Tylor, trong công trình Văn hóa nguyên thủy, xuất bản ở Anh quốc vào năm 1871. Theo đó, văn hóa là toàn bộ một phức hợp, bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, phong tục, pháp lý, tập quán và những khả năng khác, những nét và thói quen con người với tư cách là thành viên xã hội. Mặc dù có ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu văn hóa trên nhiều phương diện, song nhược điểm của định nghĩa này là ở chỗ nó đã không nói về văn hóa vật chất, cũng không phân biệt giữa văn hóa và văn minh, không tách bạch giữa thế giới của các giá trị và biểu tượng với các phương diện về cấu trúc xã hội. Bởi vậy, sau đó không ít người vẫn tiếp tục định nghĩa về văn hóa, nhằm chi tiết hóa định nghĩa của Tylor, hoặc bổ sung thêm những khía cạnh mà người ta cho là còn khiếm khuyết.
Ở Nga, nhà triết học đồng thời cũng là nhà văn hóa học M.S. Kagan (1996), trong cuốn Triết học văn hóa, đã đi sâu phân tích về văn hóa dựa trên 70 định nghĩa mà ông sưu tầm được. Còn ở Mỹ, từ năm 1952, hai nhà nhân học A.L. Kroeber và C. Kluckholn cũng dành hẳn một cuốn sách mang tên Văn hóa: tổng quan về khái niệm và định nghĩa để luận bàn về chủ đề này. Tập hợp được 161 định nghĩa (sớm nhất là năm 1871, muộn nhất là năm 1951), các tác giả phân chia chúng thành 7 nhóm với các góc nhìn khác nhau: mô tả, lịch sử, chuẩn mực, tâm lý, cấu trúc và phái sinh, trong đó nhóm ít nhất có 20 định nghĩa, nhóm nhiều nhất có đến 40 định nghĩa.
Những dẫn luận trên cho thấy, khái niệm văn hóa không chỉ có nội hàm rất sâu sắc, mà ngoại diên của nó còn bao phủ lên hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống con người. Xét về mặt bản thể, văn hóa được tổ hợp từ hai thành tố là giá trị (được cụ thể hóa ở chuẩn mực) và biểu tượng (thể hiện tập trung ở ngôn ngữ). Trong đó, giá trị là thứ phẩm chất bên trong, điều mà người ta mong muốn có được; còn biểu tượng, với tư cách là hình thức tồn tại của giá trị, cũng không kém phần quan trọng. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, hai tác giả của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới viết rằng: “Mang tính phổ biến, biểu tượng có khả năng cùng lúc thâm nhập vào tận bên trong thực thể xã hội. Thấu hiểu được ý nghĩa các biểu tượng của một cá nhân hay một dân tộc tức là hiểu đến tận cùng của con người và dân tộc ấy”.
Về hình thức tồn tại của nó, trước đây người ta vẫn quen tư duy theo kiểu phân đôi để chia văn hóa thành hai loại hình: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nhưng các thuật ngữ này không đáp ứng được yêu cầu trong việc chỉ đạo hoạt động nhằm bảo tồn các giá trị cổ truyền, UNESCO đã tổ chức thảo luận và đi đến nhất trí dùng các thuật ngữ mới là văn hóa vật thể (tangible culture) và văn hóa phi vật thể (intangible culture) để chỉ hai loại hình, hay nói khác đi là hai dạng thức tồn tại tương đối ổn định và độc lập của văn hóa. Dưới nhãn quan xã hội học, dựa vào ba môi trường sống của con người (tự nhiên, xã hội và nội tâm), người ta chia văn hóa thành ba dạng thức tương đối độc lập với nhau. Nhằm ứng phó với môi trường tự nhiên bao quanh, con người sáng tạo ra văn hóa vật chất (ẩm thực, trang phục, cư trú, đi lại…). Để có thể cùng tồn tại trong thế giới xã hội, người ta tạo ra văn hóa trong các quan hệ giữa người với người (các khuôn mẫu ứng xử, các vai trò và định chế). Còn để ru vỗ cho nội tâm của chính mình thì đấy là văn hóa tinh thần (tri thức, khát vọng, niềm tin). Dù tồn tại ở bất kỳ lĩnh vực nào, các loại hình văn hóa được kiến tạo ra bao giờ cũng mang vác các giá trị và được thể hiện ra bằng biểu tượng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến chuyển đó. Về phía khách quan, đó là do sự thay đổi của khí hậu, thời tiết và môi trường tự nhiên; sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ; sự thịnh suy của tôn giáo; sự hưng vong của các triều đại. Về mặt chủ quan, đó là do quá trình giao lưu, truyền bá và khuếch tán văn hóa; vai trò của lãnh tụ và các nhà văn hóa lớn; rồi do nhu cầu của con người ngày mỗi cao hơn, v.v… Cố nhiên, sự biến đổi của một nền văn hóa cũng như sự biến đổi trong từng thành tố của nó không hẳn chỉ do một, mà thường hơn là do tổng tích hợp của nhiều nguyên nhân trong một thời điểm hoặc thời đoạn nào đó.
Biến đổi văn hóa diễn ra ở cả hai cực: vĩ mô và vi mô. Biến đổi vĩ mô là sự biến đổi của cả nền văn hóa, diễn ra trong không gian rộng lớn của toàn quốc gia-dân tộc. Trong khi đó, biến đổi vi mô là sự biến đổi mang tính cục bộ, diễn ra liên tục ở từng yếu tố của nền văn hóa.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, sự biến đổi văn hóa đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Với việc phát minh ra cách ghi và truyền âm, đã diễn ra sự thay đổi cơ bản ở tất cả các khâu từ sáng tạo, biểu diễn đến việc hưởng thụ, do đó âm nhạc đã trở thành nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi. Việc phát minh ra kỹ thuật và công nghệ in ấn khiến cho các tác phẩm văn học, hội họa, khoa học… không còn dành riêng cho một nhóm nhỏ những người đặc tuyển sống trên tận cùng của tháp phân tầng xã hội, mà trở thành những sản phẩm được phổ biến rộng rãi ở mọi tầng lớp nhân dân. Rồi xe máy, ô tô, tàu hỏa, máy bay đưa con người từ trong các xóm nhỏ đến các chân trời, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Trong khi đó, những phương tiện thông tin hiện đại như truyền thanh, truyền hình, điện thoại di động, internet… lại mang những hình ảnh và tin tức thời sự mới nhất từ khắp nơi trên thế giới đến tận buồng ngủ của mỗi gia đình. Về y học, nhờ phát minh ra bao cao su và thuốc tránh thai mà loài người đã tách được việc sinh hoạt tình dục ra khỏi quan hệ tính giao nhằm tái sản sinh nòi giống, đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên trao quyền cho nữ giới…
Những biểu hiện mới mẻ đó đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu tìm tòi và chỉ ra mối quan hệ giữa biến đổi văn hóa và biến đổi của các loại hình trật tự xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển con người và xã hội một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Jean Chevalier và Alain Gheerbrant. 1969. Dictionary of Sympol.
- Đoàn Văn Chúc. 1997. Văn hóa học. Nxb Văn hóa – Thông tin.
- Kagan, M. S. (1996). Philosophy of culture. p. 416 .(Saint Petersburg: Petropolis LLP TK
- L. Kroeber and C. Kluckhohn Culture. 1952. A Critical Review of Concepts and Definitions
- Taylor culture, 1871. Primitive Culture. UNESCO. 2002. Định nghĩa văn hóa.