(Trò chơi khác với chơi, ở đây dùng chung hai từ.) |
n (Marrella đã đổi Trò chơi (Tên cũ: Chơi) thành Trò chơi) |
(Không có sự khác biệt)
|
Bản hiện tại lúc 21:54, ngày 26 tháng 9 năm 2023
Chơi là một dạng hoạt động đặc biệt của động vật và người.
- Ở động vật bậc cao, trò chơi là một dạng hoạt động quan trọng của các con non xuất hiện do nhu cầu tái tạo kinh nghiệm của loài để thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống. Ở trẻ em, trò chơi là một loại hoạt động được tổ chức ra để tái tạo lại các hành động, các mối quan hệ xã hội của người lớn trong những hoàn cảnh đặc biệt. Trò chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tức là, nó tạo ra những thay đổi quan trọng nhất trong tâm lý của trẻ, phát triển nhân cách, chuẩn bị cho trẻ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cao hơn. Ở người lớn, hoạt động trò chơi chủ yếu là các hình thức vui chơi, giải trí và cả các loại hình sinh hoạt văn hóa khác, mang tính cá nhân của người chơi. Trò chơi nói chung mang tính tự do, được thực hiện theo ý muốn của chủ thể, vì niềm vui của chính quá trình hoạt động, chứ không chỉ vì kết quả. Trò chơi có tính năng động, sáng tạo, mang tính chất ngẫu hứng là chủ yếu. Trò chơi kích thích cảm xúc, sự cạnh tranh, nhận biết đối thủ, cuốn hút. Trong mọi trò chơi đều có các quy tắc (trực tiếp hoặc gián tiếp) phản ánh nội dung, tính hợp lý và thời gian diễn ra của nó.
- Ở phương diện lịch sử, loài người đã quan tâm nghiên cứu về trò chơi từ rất sớm. Thời cổ đại, người Hy Lạp đã rất chú trọng đến trò chơi như một phương tiện giáo dục và đào tạo công dân ở một đất nước polis cổ đại. Nhà triết học Plato (427 - 347, TCN, Hy Lạp) coi con người là “một loại đồ chơi do Thượng đế sáng chế ra” và tất cả mọi người đều “chơi những trò chơi hay nhất”. Cùng với tính chất thiêng liêng của trò chơi ông đã coi chức năng giáo dục và giáo dưỡng của nó. Aristotle (384 - 322, TCN, Hy Lạp) trong các tác phẩm “Chính trị”, “Hùng biện”, “Thơ ca” đã mở rộng khái niệm “Trò chơi” ra cả “âm nhạc” và “thể dục”. Thời Trung Cổ, khi ý thức thần học trở nên thống trị, các trò chơi được tuyên bố là “Trò chơi của quỷ”. A. Augustine (354 - 430, Algeria) cho rằng các trò chơi là biểu hiện của cuộc sống vô luân và tội lỗi đã tiêu diệt người La Mã. Chỉ đến thế kỷ XII, Victor Hugo (1802 - 1885, Pháp) mới xem trò chơi là một hoạt động mang tính giải trí. Sự phát triển của lý thuyết trò chơi được bắt đầu từ thế kỷ XVIII, chủ yếu gắn liền với tên tuổi của I. Kant (1724 - 1804, Đức) và F. Schiller (1759 - 1805, Đức). Trong chuyên luận “Phê phán khả năng phán đoán”. I. Kant đề cập đến phán đoán với một khái niệm thẩm mỹ, vì nó biểu thị “Trò chơi chủ quan của các khả năng tinh thần”. Nhà giáo dục và nhà tâm lý học người Đức F. Frebel (1782 - 1852) đã phát triển thêm các ý tưởng về vui chơi, người coi vui chơi là cách tốt nhất để đưa trẻ em đến hoạt động sáng tạo.
Trò chơi là một hiện tượng liên ngành phức tạp, bao hàm nhiều dạng hoạt động của con người với những biểu hiện rất phong phú của nó. Do vậy, hiện nay trong Tâm lý học vẫn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về trò chơi. H. Spencer (1820 - 1903, Anh) cho rằng chơi chính là sự giải tỏa năng lượng dư thừa ở trẻ em giống như con vật non. K. Groos (1861 - 1946, Đức) xem trò chơi là một hình thức hoạt động sống mà trong đó các cơ thể non trẻ được hoàn thiện. S. Hall (1846 - 1924, Mỹ ) coi sự phát triển tâm lý của đứa trẻ là sự thu gọn, lặp lại những thời kỳ phát triển của loài người. S. Freud (1856 - 1939, Áo) cho rằng trò chơi trẻ em là biểu hiện của hành vi bản năng tình dục. J. Piagie (1896 - 1980, Thụy sĩ) coi TC là một trong những hoạt động trí tuệ, là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ, tạo ra sự thích nghi của trẻ với môi trường. W. Stern (1871 - 1938, Đức) cho rằng sự phát triển của trò chơi là kết quả của sự hội tụ của dữ liệu bên trong với các điều kiện môi trường bên ngoài. H. Vallon (1879 - 1962, Pháp) cho rằng, trò chơi của trẻ là sự phản ánh cuộc sống, là hoạt động của chúng được quy định bởi những điều kiện xã hội. Các nhà tâm lý học Mác-xít coi trò chơi là một hoạt động đặc trưng của xã hội loài người, phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt của con người. Trò chơi của trẻ em có nguồn gốc xã hội, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác theo con đường giáo dục. Cụ thể: Theo G.V. Plêkhanốp (1856 - 1918, Nga) TC là cầu nối các thế hệ với nhau, là phương tiện truyền tải thành tựu văn hóa từ đời này sang đời khác. X.L. Rubinstein (1889 - 1960, Nga), hiểu trò chơi là nhu cầu vĩnh cửu của trẻ em, sinh ra từ những tiếp xúc với thế giới bên ngoài, như một phản ứng đối với chúng. L.X. Vưgotsky (1896 - 1934, Nga), A.N. Leonchev (1903 - 1979, Nga) xem trò chơi trẻ em là một loại hoạt động đặc biệt, một cách thức hiệu quả để đưa trẻ em hòa nhập vào thế giới các hành động và mối quan hệ của người lớn. Đ.B. Encônhin (1904 - 1984, Nga) cho rằng nhu cầu và sự ham hiểu biết thế giới xung quanh chính là nguồn gốc động lực giúp trẻ tích cực hoạt động trong trò chơi. Trẻ có nhu cầu chơi vì chúng mong muốn hiểu biết thêm về thế giới xung quanh.
Trò chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo: Vào tuổi mẫu giáo, nhiều hình thức hoạt động phong phú đã xuất hiện như “vui chơi”, “học tập”, “lao động”, nhưng trò chơi mà cụ thể, trò chơi đóng vai theo chủ đề là hình thức hoạt động chủ đạo. Khi tham gia vào trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ được thỏa mãn nguyện vọng là sống và hoạt động như người lớn.
Đặc điểm hoạt động[sửa]
Đặc điểm hoạt động trò chơi của trẻ mẫu giáo:
- Hoạt động vui chơi mang tính hồn nhiên, vô tư. Nghĩa là trong khi chơi trẻ không chủ tâm nhằm tới một lợi ích thiết thực nào cả. Cái thúc đẩy trẻ chơi chính là sự hấp dẫn của đồ chơi và bản thân quá trình chơi chứ không phải kết quả chơi
- Hoạt động vui chơi là hoạt động mang tính tự do, tự nguyện, tự lập. Vì trò chơi hấp dẫn trẻ, trẻ tự tạo ra nó, làm chủ được nó. Hơn nữa, do hành động chơi xuất hiện từ nguyện vọng và hứng thú cá nhân chứ không do sự áp đặt máy móc từ phía người lớn
- Hoạt động vui chơi là hoạt động mang màu sắc xúc cảm chân thực, mạnh mẽ. trò chơi đã tác động mạnh mẽ và toàn diện đến trẻ, vì nó thâm nhập dễ dàng hơn cả vào thế giới tình cảm của trẻ, mà tình cảm đối với trẻ là động cơ hoạt động mạnh mẽ nhất
- Hoạt động vui chơi mang tính chất tượng trưng. Vì hoạt động vui chơi của trẻ là mô phỏng lại cuộc sống của con người, mô phỏng lại những mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội
- Hoạt động vui chơi của trẻ mang tính sáng tạo. Tính sáng tạo được thể hiện rất đa dạng: trong việc lựa chọn trò chơi, đồ chơi, nội dung chơi, hoàn cảnh chơi, cách chơi
- Trò chơi của trẻ thay đổi theo lứa tuổi. Nếu ở lứa tuổi hài nhi, hành động chơi chưa thể hiện rõ và thường xuất hiện sau những hành động mang tính ngẫu nhiên, tình cờ; Bước sang tuổi ấu nhi hành động chơi thể hiện rõ hơn khi xuất hiện những hành động mang tính chủ động. Cuối tuổi ấu nhi TC thao tác giả bộ xuất hiện. Đến tuổi mẫu giáo trò chơi ngày càng phong phú và hoàn thiện.
Chức năng[sửa]
Các chức năng của trò chơi:
- Chức năng giáo dục cho phép xã hội giải quyết các vấn đề cụ thể của giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, nhằm mục đích đồng hóa tài liệu và quy tắc, chương trình nhất định mà người chơi phải tuân theo
- Chức năng giải trí góp phần gia tăng giai điệu tích cực về mặt cảm xúc, phát triển các hoạt động thể chất, nuôi dưỡng tâm trí trẻ những ấn tượng bất ngờ và sống động, tạo mảnh đất màu mỡ để thiết lập tình cảm giữa người lớn và trẻ nhỏ
- Chức năng giao tiếp là phát triển nhu cầu trao đổi kiến thức và kỹ năng với các bạn trong trò chơi, giao tiếp với họ và thiết lập các mối quan hệ thân thiện trên cơ sở này là bằng lời nói
- Chức năng giáo dục nhân cách giúp xác định các đặc điểm riêng của trẻ em, cho phép bạn loại bỏ những biểu hiện không mong muốn trong tính cách của học sinh
- Chức năng phát triển bao gồm sự phát triển của đứa trẻ, sửa chữa những gì vốn có và biểu hiện trong nó
- Chức năng thư giãn là phục hồi thể lực và tinh thần của trẻ
- Chức năng tâm lý là phát triển các khả năng sáng tạo của trẻ em.
Vai trò[sửa]
Vai trò của trò chơi trong sự phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo: Những phẩm chất tâm lý và những đặc điểm nhân cách của trẻ em mẫu giáo được phát triển mạnh mẽ trong hoạt động trò chơi. Hoạt động trò chơi ảnh hưởng mạnh tới sự hình thành tính chủ định của quá trình tâm lý; ảnh hưởng thường xuyên tới sự phát triển của hoạt động trí tuệ của đứa trẻ mẫu giáo; ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo; có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo; tác động rất mạnh đến sự phát triển của đời sống tình cảm của trẻ mẫu giáo. Phẩm chất ý chí của trẻ mẫu giáo được hình thành mạnh mẽ trong trò chơi, đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề.
Đồ chơi: Đồ chơi là vật thay thế cho đồ vật thật, mô phỏng những đồ vật thật nên giúp trẻ thực hiện những hành động chơi tương ứng với hành động thực. Đồ chơi phản ánh nền văn hóa của mỗi dân tộc. Đồ chơi mang tính hiện đại, tính toàn cầu. Đồ chơi chỉ là mô tả một cách ước lệ và khái quát những vật dụng trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt hàng ngày của xã hội. Đồ chơi giúp cho trẻ thực hiện được các trò chơi, mà trò chơi chính là cuộc sống của trẻ thơ. Thế giới đồ chơi của trẻ vô cùng phong phú bao gồm nhiều loại: Loại đồ chơi mang tính hình tượng; Loại đồ chơi kỹ thuật; Loại đồ chơi vật liệu lắp ghép xây dựng cơ bản; Đồ chơi vận động; Đồ chơi mang tính hài hước vui nhộn; Đồ chơi âm nhạc; Đồ chơi dân gian.
Đồ chơi và hoàn cảnh chơi: Đồ chơi chỉ là vật thay thế nên thao tác chơi của trẻ không trùng với hành động của vai, đó là lý do làm nảy sinh hoàn cảnh tưởng tượng (tức là hoàn cảnh chơi).
Đặc điểm đặc trưng[sửa]
Những đặc điểm đặc trưng của trò chơi đóng vai:
- Chủ đề chơi: Là các mảng hiện thực được phản ánh vào trò chơi, nên nó mang tính chất muôn màu, muôn vẻ
- Vai chơi: Là trẻ ướm mình vào vị trí của một người lớn nào đó và bắt chước hành động của họ như là để thực hiện các chức năng xã hội
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề mang tính hợp tác: trò chơi này mô phỏng lại cuộc sống xung quanh của người lớn. Bản chất của trò chơi này là mô hình hóa những quan hệ xã hội mà trẻ chịu sự chi phối
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề mang tính biểu trưng cao, đó là chức năng ký hiệu tượng trưng của trò chơi này. Giả tượng trưng cho thật, thể hiện trong khi chơi mỗi trẻ tự nhận cho mình một vai và hành động theo vai của mình nhưng tất cả những gì diễn ra trong trò chơi chỉ là giả vờ mà thôi.
Cấu trúc[sửa]
Cấu trúc của trò chơi đóng vai theo chủ đề:
- Chủ đề và nội dung: Trong trò chơi đóng vai theo chủ đề trẻ em đã phản ánh cuộc sống xung quanh rất đa dạng với các mảng hiện thực được phản ánh vào chủ đề của trò chơi. Nội dung của trò chơi là những hoạt động của người lớn mà đứa trẻ nhận thức được và phản ánh vào trò chơi của mình
- Vai chơi và hành động chơi: Vai tức là ướm mình vào vị trí của người lớn và bắt trước hành động của người đó. Đóng vai là con đường để trẻ thâm nhập vào cuộc sống của người lớn xung quanh
- Những mối quan hệ qua lại của trẻ trong trò chơi mô phỏng những mối quan hệ của người lớn trong xã hội. Đó là những quan hệ được trẻ quan tâm và trở thành đối tượng hành động của chúng. Nó làm nảy sinh luật lệ hành động của các vai, buộc trẻ phải tuân theo như những quy tắc xã hội (sẽ biến thành luật chơi).
Yêu cầu tổ chức trò chơi đóng vai theo chủ đề: Đảm bảo tính chính xác của nhiệm vụ giáo dục khi tổ chức cho trẻ chơi. Phải giải thích rõ cho trẻ về các quy tắc và phương pháp của trò chơi. Đảm bảo sự phù hợp của trò chơi với độ tuổi, trình độ phát triển và sở thích của trẻ em. Đảm bảo trò chơi tuân thủ đúng phương hướng giáo dục chung của nhà trường và nhiệm vụ của bài học cụ thể. Giáo viên phải thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mình trong quá trình chơi của trẻ. Cần đảm bảo tính đổi mới, mức độ lặp lại và sự thay đổi của các trò chơi .
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.
- Paglieri, F., Playing by and with the rules: norms and morality in play development//F. Paglieri//Topoi, Vol. 24, № 3, 2005.