Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Y học hải quân

Y học hải quân là chuyên ngành của y học biển và y học quân sự nghiên cứu những vấn đề bảo đảm khả năng lao động, chiến đấu của bộ đội hải quân trên mặt nước, dưới mặt nước, trên đảo, trên đất liền.

Lịch sử ra đời và phát triển của chuyên ngành y học biển nói chung, Y học hải quân nói riêng gắn liền với sự phát triển kinh tế biển và các hoạt động quân sự trên biển. Y học hải quân có nhiệm vụ nghiên cứu bảo đảm quân y cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng hải quân khi làm việc trên tàu, dưới mặt nước, trên đảo và trên đất liền

Nội dung nghiên cứu của Y học hải quân gồm: Khám tuyển, giám định sức khỏe; nuôi dưỡng, rèn luyện, cấp cứu, điều trị, sinh lý lao động, vệ sinh phòng dịch; tổ chức và chiến thuật quân y hải quân. Về tổ chức khám và giám định sức khỏe, Y học hải quân tiến hành các nghiên cứu để xác định những đặc điểm riêng biệt của bộ đội hải quân, chẩn đoán, tiên lượng, thu thập thông tin về tiền sử bệnh, thăm khám, xét nghiệm… nhằm xác định quân nhân có đủ sức khỏe để phục vụ trong các đơn vị hải quân hay không. Về nuôi dưỡng bộ đội, Y học hải quân nghiên cứu các vấn đề về bảo đảm dinh dưỡng cho bộ đội, một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển thể chất, khả năng làm việc và chiến đấu của bộ đội hải quân. Nội dung kiểm soát của Y học hải quân về dinh dưỡng cho bộ đội hải quân gồm: kiểm soát y tế về chế độ ăn đầy đủ, kiểm soát y tế về an toàn ăn uống, kiểm soát y tế về tình trạng vệ sinh tại bộ phận phục vụ thực phẩm, kiểm soát y tế về tình trạng sức khỏe của bộ đội. Về việc cấp cứu, điều trị bộ đội hải quân khi tàu hoạt động trên biển, trong thời gian đi biển, cán bộ và chiến sĩ phải chịu sự tác động của một loạt yếu tố có nguy cơ dẫn đến suy giảm sức khỏe, gia tăng các dấu hiệu quá mệt mỏi, căng thẳng thần kinh - tâm lý quá mức, xuất hiện bệnh lý với những căn nguyên khác nhau. Để cứu chữa nội khoa, Y học hải quân có nhiệm vụ: nghiên cứu những đặc điểm bệnh lý do vũ khí của địch gây nên và các biện pháp điều trị; nghiên cứu bệnh lý nội khoa thường gặp và diễn biến bệnh của thủy thủ; nghiên cứu sự biến đổi trạng thái chức năng của cơ thể và những đặc điểm bệnh lý do hoạt động nghề nghiệp của thủy thủ, đồng thời đề ra các biện pháp điều trị và dự phòng; nghiên cứu những đặc điểm tổn thương do nhiễm độc khi xảy ra sự cố (tai nạn) trên tàu. Đối với cứu chữa ngoại khoa, Y học hải quân có nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm đặc thù trên biển như: tổ chức cứu chữa ở cách xa các cơ sở chữa bệnh, khả năng di chuyển bệnh nhân và người bị thương bị hạn chế, việc xét nghiệm và nghiên cứu phẫu thuật hạn chế, phải xác định phương án phẫu thuật trong thời gian ngắn nhất có thể, các đặc điểm của điều kiện thời tiết và khí hậu. Về vấn đề vệ sinh quân sự, Y học hải quân nghiên cứu sự ảnh hưởng của môi trường, đặc điểm sinh hoạt và lao động của bộ đội hải quân tới sức khỏe, khả năng chiến đấu và công tác của sĩ quan, thủy thủ trong cả thời bình và thời chiến. Nội dung nghiên cứu gồm vệ sinh trú quân, vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh nguồn nước, vệ sinh phóng xạ và các dạng bức xạ, vệ sinh quân phục, vệ sinh lao động quân sự và vệ sinh công nghiệp. Về tổ chức và chiến thuật quân y hải quân, Y học hải quân nghiên cứu phát hiện những quy luật khách quan chi phối công tác bảo đảm quân y hải quân bằng cách nghiên cứu toàn diện, những điều kiện hoạt động và phương thức tổ chức bảo đảm quân y trong thời chiến; tìm ra những hình thức và biện pháp tổ chức hợp lý nhất, hiệu quả nhất bảo đảm quân y cho bộ đội hải quân chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Nội dung nghiên cứu cụ thể của Y học hải quân về tổ chức và chiến thuật quân y gồm: lịch sử ra đời và phát triển của tổ chức và chiến thuật quân y hải quân; nhiệm vụ và tổ chức trong thời chiến; đặc điểm, điều kiện ảnh hưởng đến tổ chức bảo đảm quân y; các nguyên tắc tổ chức bảo đảm quân y; nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, trang bị của các đơn vị, phân đội, cơ sở quân y; công tác chỉ huy quân y hải quân thời chiến.

Ngày này, cùng với sự phát triển của lực lượng Hải quân, Y học hải quân cũng ngày càng phát triển, Y học hải quân Việt Nam đã tập trung nghiên cứu các phác đồ điều trị bệnh lý y học dưới nước, bệnh nghề nghiệp của bộ đội hải quân, quy trình kỹ thuật lặn an toàn, xây dựng chương trình dinh dưỡng cho bộ đội tàu ngầm, đặc công nước, đặc công người nhái, phi công hải quân, thủy thủ tàu sau các đợt huấn luyện và tác chiến trên biển. Nghiên cứu và thực hiện bảo đảm y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các lao động, quân và nhân dân trên biển, đảo của Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển đảo. Trong đó tập trung vào phát triển nguồn nhân lực y học biển, Y học hải quân, triển khai nghiên cứu toàn diện về y học biển, Y học hải quân, bao gồm các lĩnh vực: y học lao động và bệnh nghề nghiệp, quản lý sức khỏe nghề nghiệp biển, tâm sinh lý lao động biển, cấp cứu và phòng chống thảm họa biển, y học dưới nước và áp suất cao, y học hải đảo, tổ chức mạng lưới y tế biển đảo. Đồng thời phát triển và ứng dụng các công nghệ cao phục vụ y học biển, đảo như Tele-Medicine và y học viễn thông, y học áp suất cao và ôxi cao áp, nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ tuyển chọn khả năng chịu sóng cho người làm nghề biển.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Mấy vấn đề cơ bản của công tác quân y trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1982
  2. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1989
  3. Học viện Quân y, Y học quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1991
  4. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
  5. Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001
  6. Học viện Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002
  7. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  8. Cục Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
  9. Cục Quân y, Tổ chức và chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
  10. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  11. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
  12. Học viện Quân y, Y học Hải quân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2013