Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Y học dân gian
Một cửa hàng thuốc Nam tại Sa Pa (Lào Cai)

Y học dân gian là y học cổ truyền của các nền văn hóa bản địa, còn được gọi là y học cổ truyền hay y học bản địa. Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa y học dân gian là sự tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và thực hành dựa trên các lý thuyết, tín ngưỡng và kinh nghiệm bản địa đến từ các nền văn hóa khác nhau cho dù có thể giải thích hay không, được sử dụng trong việc duy trì sức khỏe cũng như trong phòng ngừa, chẩn đoán, cải thiện hoặc điều trị bệnh tật về thể chất và tinh thần. Một quan niệm khác xem y học dân gian là các phương pháp chữa bệnh, các ý tưởng về sinh lý cơ thể và bảo vệ sức khỏe được một số người biết đến trong một nền văn hóa, được truyền tải một cách không chính thức dưới dạng kiến thức chung và được thực hành hoặc áp dụng bởi bất kỳ ai có kinh nghiệm trong nền văn hóa đó.

Y học dân gian được xem là một dạng y học thay thế (tức y học chưa được, không được hoặc không thể chứng minh). Tuy nó là tiền đề, nền tảng cho nền y học mang tính khoa học, Tổ chức Y tế thế giới lưu ý rằng việc sử dụng thuốc hoặc thực hành truyền thống không phù hợp có thể có tác dụng tiêu cực và cần nghiên cứu thêm để xác định tính khả thi của một số phương pháp và loại thuốc được sử dụng bởi các hệ thống y học dân gian. Các nội dung của y học dân gian bao gồm dược liệu, y học dự phòng, tâm lý học, phương pháp điều trị không dùng thuốc, trị liệu bằng tác nhân vật lý, dưỡng sinh, phục hồi chức năng, nắn bó xương khớp…

Ra đời và tích lũy dựa trên hệ thống các kinh nghiệm lâu đời, y học dân gian có vai trò to lớn trong đời sống của nhiều cộng đồng và vai trò đó vẫn tiếp tục kể cả trong xã hội đương đại. Cho đến nay, ở một số nước châu Á và Phi, đại đa số người dân vẫn sử dụng y học dân gian để chăm sóc sức khỏe ban đầu của mình.

Trước khi được ghi chép lại, y học dân gian nói chung được truyền miệng thông qua một hoặc một tập thể người. Trong một nền văn hóa nhất định, các yếu tố của kiếnthức y học bản địa có thể được nhiều người biết đến hoặc có thể được thu thập và áp dụng bởi những người chuyên chữa bệnh, chẳng hạn như thầy cúng hoặc bà đỡ. Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần chính danh hóa vai trò của người chữa bệnh, trong đó nổi bật là kiến thức, năng lực, sự tự tin, hiệu quả hay sự thành công trong công việc của họ và niềm tin của cộng đồng. Nhìn chung, những người sử dụng y học dân gian là những người có niềm tin vào hiệu quả chữa bệnh của nó; hoặc tìm đến nó khi các phương pháp chữa bệnh khác không có hiệu quả; hoặc sử dụng nó như một liệu pháp kết hợp với các phương pháp chữa khác, chẳng hạn như những người mắc bệnh nan y mà y học hiện đại không chữa được. Ngày nay, y học dân gian đang từng bước được đưa vào hệ thống y tế quan phương của một số nước nhằm nâng cao hơn hiệu quả điều trị và tạo dựng bản sắc y học quốc gia.

Việt Nam có một nền y học dân gian lâu đời. Y học dân gian Việt Nam là nền y học gắn liền với kinh tế nông nghiệp và văn hóa phương đông. Có những làng làm thuốc ở miền Bắc có lịch sử gần nghìn năm thực hành nghề này, ví dụ như làng Ninh Hiệp (tên chữ là Phù Ninh), xưa thuộc Bắc Ninh. Và cho đến gần đây, vẫn có những làng chuyên trồng cây thuốc Nam như làng Đại Yên của Hà Nội. Trong lịch sử, các thầy thuốc của nền y học dân gian Việt Nam là những người tự học hoặc có được tri thức từ người đi trước mà không qua trường lớp, và nhiều người trong số đó được vua chúa trọng dụng, trở thành ngự y của các triều đại. Gần nhất có thể kể đến các danh y như Thạch Duy Khiêm, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tán, Nguyễn Khắc Hoạt..., còn xa hơn thì có thể kể đến Hải Thượng Lãn Ông. Tuệ Tĩnh, danh y thế kỷ XIV - người được suy tôn là một trong các tổ sư của nền y học Việt Nam - đã từng đưa ra khẩu hiệu rất nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam), cho thấy sự đánh giá cao của ông đối với nền y học dân tộc này. Giống như y học dân gian trên thế giới nói chung, y học dân gian Việt Nam tồn tại chủ yếu bằng con đường truyền miệng. Vì thế, có tình trạng nhiều bài thuốc thuộc diện “gia truyền” đã bị mất đi sau khi người nắm giữ không còn nữa. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, nhiều đặc điểm của thuốc Nam đã được ghi lại trong một số công trình thành văn nổi tiếng như Nam dược thần hiệu, Nam dược chỉ danh truyền, Tiểu nhi khoa diễn quốc âm…

Ở Việt Nam, y học dân gian chữa bệnh chủ yếu dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành. Dương (nhiệt) và âm (hàn) phân chia nhỏ ở các bộ phận tương ứng trong cơ thể (lục phủ, ngũ tạng) và ngoài cơ thể (chân, tay, lưng, da…). Ngũ tạng trong cơ thể (gan, tim, lá lách, phổi, thận) ứng với ngũ hành (gan tương ứng với mộc, tim tương ứng với hỏa, lá lách tương ứng với thổ, phổi tương ứng với kim, thận tương ứng với thủy). Sức khỏe thể chất phụ thuộc vào sự cân bằng âm dương tức là cân bằng ở các cặp đối lập tương ứng với các bộ phận của cơ thể và sự cân bằng tuần hoàn tương sinh tương khắc của ngũ hành ứng với ngũ tạng. Nếu sự cân bằng bị phá vỡ, cơ thể người sẽ yếu và sinh bệnh. Việc chữa bệnh là bốc thuốc để cân bằng lại âm dương ngũ hành, giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh trở lại. y học dân gian quan niệm rằng cách chữa bệnh này là chữa gốc, thích hợp với những bệnh mãn tính, còn y học hiện đại thì mạnh về chữa ngọn (chữa triệu chứng), thích hợp với những loại bệnh cấp tính.

Y học dân gian Việt Nam sử dụng các nguyên liệu quen thuộc trong môi trường tự nhiên như cây cỏ, động vật, khoáng vật… Tuy nhiên, nổi trội vẫn là cây cỏ. Việc sử dụng động vật (ví dụ như nhộng, nhện…) và khoáng vật là không thực sự phổ biến. Cách chế biến thuốc là đơn giản. Thường thì người ta để nguyên liệu ở dạng tươi hoặc sấy khô hơn là nấu thành cao hay bào chế phức tạp. Cách đo lường cũng mang tính ước lượng chứ không quá chi tiết. Thuốc Nam cơ bản được dùng theo đường uống, nhưng cũng có không ít loại được dùng để xông, xoa đắp hoặc bôi ngoài da. Các bệnh mà y học dân gian Việt Nam hướng tới là những căn bệnh phổ thông như ho, cảm sốt, suy nhược, đau cột sống, tê mỏi tay chân, đầy bụng, trĩ, yết hầu, đậu mùa… Người ta thường dùng các bài thuốc dân gian để trị những bệnh thông thường này mà không cần phải qua sự thăm khám của thầy thuốc. Chẳng hạn, dùng lộc táo và nước lá ổi tàu chữa đi tả, dùng lá xoan chữa đầy bụng, dùng nước lá nhân trần nâng cao thể trạng phụ nữ sau sinh, dùng nước lá ngâu chữa sốt rét… Tuy nhiên, y học dân gian Việt Nam cũng có những bài thuốc giá trị cho những trường hợp đặc thù (chẳng hạn tai nạn) như “thuốc rắn cắn”, “thuốc chó dại”, “thuốc bó xương”… Các can thiệp cơ bản của y học dân gian đối với người bệnh là: chườm, xoa bóp, bấm huyệt, bó thuốc, ngâm thuốc, xông, chích, nắn khớp, rạch da, thực dưỡng trị liệu… So với ngoại khoa thì nội khoa của y học dân gian Việt Nam chiếm ưu thế hơn hẳn. Các thủ thuật ngoại khoa không có nhiều thành tựu đáng chú ý. y học dân gian không chỉ phát triển ở người Kinh mà còn phát triển ở nhiều dân tộc thiểu số của Việt Nam. Trong đó, người Dao đặc biệt nổi tiếng với các bài thuốc tắm sau sinh và thuốc chữa đau nhức xương khớp.

Hiện nay, y học dân gian Việt Nam được chú ý sử dụng trong hệ thống y học chính thức (do những người được đào tạo chuyên nghiệp thực hiện) và thường được kết hợp với y học hiện đại để tăng hiệu quả điều trị. Những lĩnh vực đang được y học dân gian phát huy thế mạnh là thuốc an thần, thuốc hoạt huyết dưỡng não, thuốc tiêu hóa, thuốc xương khớp… do kết quả điều trị được duy trì lâu dài và ít xuất hiện tác dụng phụ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Chí Hóa, Tự trị bệnh bằng y học dân gian, Nxb. Phụ nữ, 1997.
  2. Đỗ Văn Sơn, Cẩm nang thầy thuốc trong mỗi gia đình: Phòng và chữa bệnh bằng y học dân gian, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1997.
  3. Trần Nam Hưng, Y học dân gian: Trị bệnh tại nhà, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, Bến Tre, 1998.
  4. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1999.
  5. Nguyễn Quốc Triệu, Phạm Song (đồng trưởng ban UB chỉ đạo biên soạn), Từ điển bách khoa y học Việt Nam, Nxb. Y học, Hà Nội, 2011.