Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Y học Trung Quốc cổ đại

Y học Trung Quốc cổ đại là một trong những lĩnh vực có lịch sử lâu đời, đạt nhiều thành tựu quan trọng và có ảnh hưởng trên thế giới của Trung Quốc thời cổ đại.

Y học Trung Quốc cổ đại bắt nguồn từ lưu vực sông Hoàng Hà, gắn với tên tuổi của nhiều vị thầy thuốc nổi tiếng và các tác phẩm khảo cứu về y học, dược liệu qua các thời kỳ.

Từ thời Ân Thương cách ngày nay khoảng 3000 năm, người ta đã tìm thấy ghi chép về hơn mười loại bệnh tật khác nhau trên chữ giáp cốt. Dưới thời nhà Chu, các biện pháp khám bệnh như xem/bắt mạch cùng với các biện pháp chữa bệnh bằng thuốc, châm cứu, phẫu thuật đã được áp dụng.

Trong các thời kỳ từ Chiến quốc đến Tần, Hán, Y học Trung Quốc cổ đại đạt nhiều thành tựu với sự xuất hiện của một số danh y và tác phẩm liên quan đến y học. Dưới thời Chiến quốc, danh y Biển Thước (401 - 310 TCN) đã biết vận dụng thành thạo 4 kỹ thuật y khoa để bắt bệnh, bao gồm: nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch. Ngoài ra, ông cũng rất giỏi dùng các thuật loại trị liệu khác như châm cứu, phẫu thuật, kê thuốc, xoa bóp. Đến thời Tam quốc, Hoa Đà (145 – 208) được coi là thần y khi biết dùng thuốc gây mê toàn thân mang tên “Ma phi tán” để phẫu thuật ngoại khoa. Ông được xưng tụng là ông tổ của khoa phẫu thuật sau này.

Dưới thời Hán, những giá trị tinh hoa về y học của Trung Quốc từ thời Tây Chu đến thời Tần, Hán đã được đúc kết và biên thành sách “Hoàng đế nội kinh” (còn có tên đầy đủ là Hoàng đế nội kinh tố vấn). Bộ sách này chủ yếu bàn về các học thuyết, nguyên tắc trị liệu gắn với sinh lí học con người. Sách được coi là tác phẩm kinh điển mở đầu cho những trước tác biên soạn về y học cổ truyền Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có sách “Thương hàn tạp bệnh luận” của “thánh y” của Trương Trọng Cảnh. Cuốn sách này được các nhà y học đời sau vinh danh là “vạn thế bảo điển” vì đã phân tích rất rõ nguyên nhân, triệu chứng, giai đoạn phát triển và phương pháp xử lý bệnh thương hàn, đặt cơ sở phát triển cho y học lâm sàng của thế hệ sau.

Từ thời Ngụy - Tấn đến Tùy, Đường, y học Trung Quốc với các biện pháp chẩn đoán qua mạch đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sách “Mạch Kinh” của Vương Thúc Hòa đời Tấn đã tổng kết được 24 loại mạch khác nhau. Cùng với đó, nhiều tác phẩm có tính chuyên môn hóa trong y học đã được biên soạn: chuyên về châm cứu có “Châm cứu giáp ất kinh”; bàn về ngoại khoa có “Lưu quyên tử quỷ di phương”; luận về nguyên nhân gây bệnh có “Chư bệnh nguyên hậu luận”; chuyên sâu về nhi khoa có “Lư tín kinh”; chuyên sâu về khoa mắt có “Ngân hải tinh vi”...

Dưới thời Đường, thầy thuốc Tôn Tư Mạc đã biết ứng dụng khí công vào thuật dưỡng sinh. Ông viết hai tác phẩm “Thiên kim yếu phương” và “Thiên kim dược phương”, trong đó đã tập hợp và phân loại toàn diện các bài thuốc Trung y từ các thời kỳ trước.

Đến thời Tống, kỹ thuật châm cứu có bước cải tiến to lớn. Vương Duy Nhất đã viết cuốn “Kinh huyệt châm cứu tượng người đồng” và chế tạo hai tượng người đồng bằng nhau để dạy thao tác châm cứu. Cách làm này đã có ảnh hưởng lớn tới cách truyền dạy về kỹ thuật châm cứu các đời sau.

Dưới thời Minh, Thanh, Y học Trung Quốc cổ đại đã có sự phát triển rực rỡ. Dưới thời Minh, các thầy thuốc đã phân loại được các bệnh thương hàn, ôn bệnh và ôn dịch. Nhiều tác phẩm liên quan tới việc điều trị bệnh đậu mùa đã được biên soạn. Đến thời Thanh, vấn đề ôn bệnh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng với tác phẩm “Ôn nhiệt luận”. Cuối thời Minh, Lý Thời Trân (1518 - 1593) được biết đến một trong “tứ đại danh y” nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc (cùng với Biển Thước, Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh). Ông là tác giả của bộ sách “Bản thảo cương mục”. Bộ sách này có tổng cộng 52 quyển, ghi chép về 1892 chủng loại cây, con, vật là các vị thuốc khác nhau. Bộ sách này đã liệt kê 11.096 đơn thuốc, trong đó có 8.000 phương thuốc do cá nhân Lý Thời Trân sưu tập mới hoặc tự sáng chế. Bộ sách được đánh giá là một cuốn bách khoa thư về y học, dược liệu, có tầm quan trọng bậc nhất trong việc phân loại thuốc trong ngành Đông y.

Cũng từ thời Minh, y học phương Tây được truyền vào Trung Quốc, một loạt chuyên gia y học đã chủ trương kết hợp hai loại hình này với nhau, mở đường cho sự kết hợp giữa Trung y với Tây y đương đại.

Thành tựu Y học Trung Quốc cổ đại có ảnh hưởng không nhỏ ở khu vực và trên thế giới. Trong khu vực Đông Á, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đã có sự tiếp nhận chọn lọc, “moden hóa” y thư Trung Quốc để hình thành nền y học dân tộc riêng của mỗi quốc gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Mayanagi Makoto, Nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch y học cổ truyền các nước khu vực đồng văn, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (97), 2009, tr.10-29.
  2. Chun-Su Yuan, Eric J. Bieber, Brent A. Bauer, Traditional Chinese medicine, Informa Healthcare, 2011 (Chun-Su Yuan, Eric J. Bieber, Brent A. Bauer, Y học truyền thống Trung Quốc, Nxb. Informa Healthcare, 2011).
  3. 吴今义,中国古代时间医学成就和现代研究进展,大自然探索》1984第4期 (Ngô Kim Nghĩa, “Thành tựu y học của Trung Quốc thời kỳ cổ đại và những tiến triển nghiên cứu thời kỳ hiện đại”, Tạp chí khám phá tự nhiên, số 4 năm 1984).
  4. 徐寒主编《中国历史百科全书,第4卷 《农业与科技卷,吉林大学出版社,吉林,2004年版 (Từ Hàn chủ biên, Bách khoa toàn thư Lịch sử Trung Quốc, quyển thứ 4 “Nông nghiệp và Khoa học kỹ thuật”, Nxb. Đại học Cát Lâm, Cát Lâm, 2004).
  5. 朱建平,黄健,《医学史话》,社会科学文献出版社,北京,2012年版 (Chu Kiến Bình, Hoàng Kiện, Y học sử thoại, Nxb. Văn hiến Khoa học Xã hội, Bắc Kinh, 2012).