Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Xung đột môi trường

Xung đột môi trường, bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn và báo chí trong khoảng từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Các tác giả khác nhau đã có những quan niệm tương đối khác nhau về xung đột môi trường.

Có hai quan niệm khác nhau khi bàn về xung đột môi trường. Quan niệm thứ nhất của nhóm ENCOP (The Environment and Conflicts Project) dẫn đầu bởi Gunther Baechler Libiszewski (1992) cho rằng xung đột môi trường là xung đột chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo, lãnh thổ, tộc người, hoặc là xung đột với các nguồn tài nguyên hay là các lợi ích quốc gia, hoặc là bất cứ loại xung đột nào. Đó là những xung đột mang tính truyền thống gây ra bởi sự suy thoái môi trường. Xung đột môi trườngđược đặc trưng bởi sự suy thoái môi trường qua một hoặc hơn một trong số các chiều cạnh sau: lạm dụng nguồn tài nguyên có thể tái sinh, hoặc tình trạng căng thẳng của năng lực môi trường trong việc thẩm thấu hay còn gọi là ô nhiễm. Cả hai nguyên nhân này đều dẫn đến sự xuống cấp của không gian sống. Nhóm nghiên cứu Toronto, do Thomas Homer - Dixon dẫn đầu cho rằng xung đột môi trường là những xung đột dữ dội do sự khan hiếm môi trường (environmental scarcity) gây ra trong sự tương tác với nhiều yếu tố, thường là các yếu tố có tính chất bối cảnh, tình huống cụ thể. xuất hiện qua ba hình thức: khan hiếm do nhu cầu (nghĩa là sự khan hiếm nảy xung đột môi trường sinh do nhu cầu gia tăng, chẳng hạn do gia tăng dân số), khan hiếm do nguồn cung (nghĩa là sự khan hiếm gây ra do sự sụt giảm tổng thể những nguồn tài nguyên cụ thể, có sẵn do suy thoái hoặc cạn kiệt) và khan hiếm cấu trúc (nghĩa là sự khan hiếm nảy sinh từ việc phân bổ không đồng đều các nguồn tài nguyên hoặc là từ việc tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên. Theo các nhà xã hội học môi trường, xung đột môi trường là xung đột về quyền lợi giữa các nhóm xã hội khác nhau trong việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên môi trường. Nhóm này muốn tước đoạt lợi thế của nhóm khác trong việc khai thác sự đấu tranh giữa các nhóm để phân phối lại lợi thế về tài nguyên. Xung đột môi trường diễn ra theo nhiều cung bậc khác nhau. Theo Spillmann (1995), có ba loại xung đột môi trường

  • Thứ nhất là những xung đột do thảm họa thiên nhiên. Đây là những biến đổi môi trường không do con người tạo ra, chẳng hạn như động đất, núi lửa, bão lũ. Những sự thay đổi này không phụ thuộc vào kế hoạch hay quyết định của con người.
  • Loại xung đột thứ hai do những biến đổi môi trường mà con người tạo ra một cách có kế hoạch. Đây là những biến đổi môi trường do quyết định của chính phủ nhằm theo đuổi những lợi ích cho tổng thể đất nước, trong khi những nhóm giới hạn bị tổn hại.
  • Loại xung đột thứ ba có nguyên nhân từ sự thay đổi môi trường và sự thay đổi này do con người tạo ra nhưng không mang tính kế hoạch. Sự thay đổi sinh thái này do hệ quả hành động của từng cá nhân, những hành động đó diễn ra một cách duy lý và nhiều khi là cần thiết. Tuy nhiên, sự tổng hợp hậu quả hành động của từng cá nhân lại tạo ra những hệ quả tiêu cực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Homer-Dixon T.F, On the Threshold: Environmental Changes as Causes of Acute Conflict, Int. Secur., 16(2): 76-116, 1991.
  2. Libiszewski S., What is an Environmental Conflict? This article is the revised version of a paper presented at the first coordination meeting of the Environment and Conflict Project (ENCOP) in Bern/Zurich, April 30 - May 1, 1992.
  3. Nguyễn Tuấn Anh, Giáo trình Xã hội học Môi trường, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
  4. Spillmann K., From Environmental Change to Environmental Conflicts. Swiss Peace Foundation, Bern and Center for Security Studies and Conflict Research, Swiss Federal Institute of Technology, Zurich, 1995.
  5. Vũ Cao Đàm, Xã hội học môi trường, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, 2002.