Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Xe bếp dã ngoại

Xe bếp dã ngoại là phương tiện kỹ thuật quân lương dùng để nấu ăn và vận chuyển thức ăn nóng, nước uống cung cấp cho bộ đội trong điều kiện hoạt động chiến đấu và dã ngoại.

Theo kết cấu khung gầm và cách thức vận chuyển, có: xe bếp ô tô, xe bếp rơmooc, bếp đặt trên xe ô tô, xe bếp ngựa kéo... Theo cách thức chuẩn bị thức ăn, có: xe bếp nấu ăn cơ động, xe bếp nấu ăn tĩnh tại.

Xe bếp dã ngoại ra đời từ rất sớm ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Năm 1753, quân Đức có xe bếp dã chiến ngựa kéo, đánh dấu sự ra đời bếp ăn dã chiến được chuyên chở trên xe. Năm 1817, Đức sản xuất loại xe bếp đơn trục cho ngựa kéo đầu tiên. Năm 1836, Nga đã nghiên cứu, chế tạo được xe bếp loại nhẹ, có thể mang vác theo khi hành quân. Trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-05), loại xe bếp ngựa kéo đơn trục có tính cơ động tốt, thể tích nhỏ, thao tác đơn giản, được sử dụng phổ biến. Năm 1906, Quân đội Đức nghiên cứu, chế tạo thành công Xe bếp dã ngoại trục đơn, triển khai thuận tiện, thao tác đơn giản, tính cơ động tốt và được phổ cập nhanh trong quân đội các nước châu Âu. Năm 1910, Quân đội Nga cho ra đời Xe bếp dã ngoại một nồi súp de và hai nồi súp de đặt trên xe khung gỗ do ngựa kéo.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Quân đội Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nga... sử dụng xe bếp làm phương tiện chủ yếu để nấu ăn bảo đảm trên chiến trường. Quân đội Nga được trang bị Xe bếp dã ngoại do ngựa kéo, loại 2-4 bánh, với 1 hoặc 2 nồi súp de, bảo đảm nấu ăn cho một đại đội. Các loại Xe bếp dã ngoại sử dụng trong giai đoạn này tuy có kiểu dáng và công năng khác nhau, nhưng đều dùng củi (than) làm nhiên liệu. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, sự phát triển của công nghiệp dầu mỏ và công nghiệp xe hơi trên thế giới tạo tiền đề để phát triển trang bị nấu ăn dã chiến. Năm 1930, Mỹ phát minh ra xe ca nấu ăn và đến 1937, nghiên cứu chế tạo thành công loại xe bếp kiểu rơmooc. Cũng thời gian này, Hồng quân Liên Xô được trang bị xe bếp KP-3-37, sau đó ít lâu quân Đức nghiên cứu, chế tạo xe bếp kiểu rơmooc trục đơn với 4 bánh lốp. Năm 1938, Pháp cải tiến xe bếp do ngựa kéo thành xe rơmooc trục đơn với 2 bánh lốp, có độ việt dã cao và được kéo sau ô tô. Năm 1940, Liên Xô đưa vào sử dụng loại xe bếp 1 nồi súp de và loại 2 nồi súp de đặt trên xe ngựa kéo cho đơn vị kị binh; năm 1941, Quân đội Nga trang bị xe bếp ô tô 1 nồi súp de KP-41 cho các đơn vị cơ giới. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô được trang bị 64.700 xe bếp các loại. Cuối chiến tranh, nhiều loại xe bếp được cải tiến hoàn chỉnh và trang bị cho quân đội, như: xe bếp ô tô PAK-200, PAK-200M (cho 200 người ăn) đặt trên sát xi xe ô tô Zin-131, xe bếp khí hơi KG-30Đ (cho 30 người ăn) đặt trên xe GAZ-66G, xe bếp rơmooc KP-125, KP-125M (cho 125 người ăn) đặt trên xe rơmooc ô tô kéo và xe bếp KP-130 (cho 130 người ăn) đặt trên khung xe chuyên dụng... Những năm 50 thế kỷ XX, Pháp, Tây Đức hợp tác chế tạo Xe bếp dã ngoại kiểu rơmooc, khắc phục được nhược điểm về thể tích, tính thích ứng, khả năng cơ động và tính năng sử dụng của các loại xe bếp trước đó. Vào thập niên 60 thế kỷ XX, loại xe bếp của Quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam có thiết kế đơn giản, cơ động kém, triển khai và tháo dỡ chậm, khả năng phòng hộ hạn chế. Cũng trong thời gian này, Quân đội Trung Quốc trang bị xe bếp cho các đơn vị cấp phân đội (Trung Quốc sản xuất xe bếp đầu tiên năm 1952), trang thiết bị nấu ăn đặt trên sàn xe do ngựa kéo phục vụ cho 150 người ăn. Loại xe bếp này nhẹ, di chuyển được trên đường đất nông thôn, sử dụng than để nấu. Đến cuối những năm 70, Quân đội Trung Quốc đã cải tiến nhiều xe bếp, xe chế biến bánh mì phù hợp với điều kiện tác chiến của họ. Đầu những năm 80, Trung Quốc đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại xe bếp mới, như: xe bếp cấp tiểu đội kiểu 80, xe bếp kiểu 83 thế hệ thứ nhất, xe làm bánh mì kiểu 83, xe bảo đảm nước uống, xe chế biến bán thành phẩm bữa ăn chính và bữa ăn phụ...

Ngày nay, quân đội nhiều nước trên thế giới được trang bị Xe bếp dã ngoại hiện đại có thể nấu ăn được cả trong điều kiện cơ động và khi đóng quân cố định.

Những năm 90 thế kỷ XX, quân đội các nước đã đầu tư nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại trang thiết bị nấu ăn đồng bộ: Quân đội Trung Quốc nghiên cứu chế tạo thành công loại xe bếp rơmooc kiểu S91 và kiểu XTC97 thế hệ thứ 2, xe bếp chế biến thực phẩm chính, xe bếp tự hành và xe làm bánh mì XCM93... Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc còn được trang bị loại Xe bếp dã ngoại kiểu tự hành trong các đơn vị tăng thiết giáp, rađa, tên lửa và những đơn vị hoạt động ở khu vực cao nguyên giá lạnh.

Để đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao, quân đội nhiều nước trên thế giới đang từng bước được trang bị nhiều loại Xe bếp dã ngoại cơ động hiện đại. Mỹ có xe bếp triển khai nhanh (RDK), xe bếp F3S đặt trên rơmooc, xe bếp chuyên dùng FSU, xe bếp KCLFF-E... một số loại Xe bếp dã ngoại kiểu mới như: xe bếp tiến công (AK), xe bếp triển khai nhanh (RDK) và xe nấu ăn kiểu côngtenơ (CK). Quân đội Anh trang bị hệ thống xe bếp cơ động cao TFK và xe bếp dã chiến kiểu tổ hợp MFK, có khả năng vừa hành quân vừa nấu ăn, phục vụ cho các tổ, đội đến cấp trung đội. Lục quân Pháp sử dụng xe bếp đa năng, sử dụng nhiều loại nhiên liệu, bảo đảm cho 150 người ăn. Quân đội Ấn Độ được trang bị xe bếp Sactina, trên xe lắp đặt các trang thiết bị hiện đại: bếp ga, bếp điện, tủ lạnh, bồn chứa nước nóng; có thể cung cấp 1.000 L nước uống và lương thực, thực phẩm phục vụ 200 người ăn trong 2 ngày. Quân đội Nhật Bản được trang bị xe bếp dã chiến thế hệ thứ hai tự hành phòng chống tia hồng ngoại, hạt nhân, sinh học, hóa học.

Ở Việt Nam, Xe bếp dã ngoại được trang bị cho một số đơn vị bộ binh cơ giới, học viện, nhà trường vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX (do Liên Xô viện trợ), chủ yếu làm mô hình huấn luyện; ít được sử dụng cho nấu ăn dã ngoại. Năm 2000, Cục Quân nhu đã nghiên cứu, cải tiến trên cơ sở xe bếp KP-125M của Liên Xô để sản xuất xe bếp QN-24, đã thử nghiệm tại Quân đoàn 3, tuy nhiên do giá thành cao, một số tiêu chí chưa đáp ứng được yêu cầu dã ngoại, hiện chủ yếu để dự trữ phục vụ sẵn sàng chiến đấu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995
  2. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  5. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009