Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Xe đạp thồ

Xe đạp thồ (1916 - 1978) là xe đạp được gia cố, cải tiến, trang bị thêm một số phụ tùng cần thiết để chuyên chở hàng, thương binh, bệnh binh; một phương tiện vận chuyển quan trọng và phổ biến trong Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ.

Trong Kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên Xe đạp thồ được sử dụng trong chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952). Trong các chiến dịch lớn, như Chiến dịch Đông - Xuân (1953-54), tổng số Xe đạp thồ được huy động để phục vụ lên tới 25.208 chiếc, nhiều nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 20.991 chiếc (18.491 chiếc trên tuyến vận tải hậu phương, 2.500 chiếc trên tuyến vận tải chiến dịch), mỗi xe thồ bình quân 100 kg, nhiều xe thồ 300 kg, kỉ lục là mức thồ 352 kg của Ma Văn Thắng (dân công Phú Thọ) và 320 kg của Cao Văn Ti (dân công Thanh Hóa). Trong chiến dịch Thượng Lào (mùa xuân 1953), tuyến đường từ Mường Lát đến Sốp Hào dùng 1.700 xe, tổ chức thành từng đoàn 150-180 chiếc, chia thành tiểu đội, trung đội… Trong Kháng chiến chống Mỹ, nhiều đơn vị vận tải được trang bị Xe đạp thồ để vận chuyển hàng hóa. Trên tuyến vận tải đường Trường Sơn, trong những năm 1961-62, Trung đoàn 70 (Đoàn 559) sử dụng Xe đạp thồ vận chuyển hàng ở cung Sê Pôn - Mường Nòong - La Hạp (Nam Lào) đạt kết quả cao; nhiều chiến sĩ thường xuyên thồ 270-280 kg; trong đợt “Thi đua vận chuyển vì đồng bào miền Nam ruột thịt” (6.1962), chiến sĩ Nguyễn Điền đạt danh hiệu “kiện tướng thồ Trường Sơn” với kỉ lục 420 kg. Ở chiến trường miền Nam, Xe đạp thồ được sử dụng rộng rãi ở cả cấp chiến dịch và chiến thuật. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (4.1972), với việc cải tiến nhiều bộ phận của Xe đạp thồ, chiến sĩ Vũ Quang Trung, Đại đội 1, Tiểu đoàn 41, Phòng Vận tải, Cục Hậu cần Quân khu 7 đưa mức thồ một chuyến lên 600 kg.

Xe đạp thồ là phương tiện vận tải thô sơ truyền thống, có tính việt dã cao, thích ứng với nhiều địa hình, điều khiển nhẹ nhàng, thuận lợi, năng xuất vận tải cao hơn vận tải bộ. Có thể vận chuyển nhiều loại hàng, vận chuyển được cả thương binh nặng và thương binh nhẹ. Vận chuyển hàng 200-300 kg; vận chuyển được 4 thương binh (2 thương binh nằm cáng và 2 thương binh ngồi, hoặc 2 thương binh nằm giá thồ hàng và 2 thương binh nằm cáng).

Xe đạp thồ gồm: khung xe, vành xe, tay lái, tay phanh, cọc thồ, giá để hàng, giá đỡ cáng võng, giá chở thương binh và ghế ngồi cho thương binh. Thông thường Xe đạp thồ có một khung ngang, có thể gia cố thêm một khung ngang để tăng độ cứng vững. Vành xe đạp được chế tạo bằng sắt hoặc hợp kim nhôm, có chiều dày 4-5 mm. Nan hoa có đường kính 1,5-2 mm, bảo đảm độ cứng, vững khi thồ hàng. Để tăng độ cứng cho vành xe, mỗi vành xe được gia công 3 thanh gỗ, mỗi thanh có chiều rộng từ 40-45 mm, ghép theo hình sao từ vành xe và liên kết 3 thanh tại may ơ. Tay lái được gia cố thêm tay ngai, làm bằng gỗ hoặc bằng tre, chiều dài tay ngai dài 800-1.000 mm. Tay phanh được gia công theo phương thức đòn bẩy, khi phanh thì tác dụng trực tiếp lên bánh xe và được dẫn lên cọc thồ để điều khiển hãm xe. Cọc thồ được làm bằng gỗ hoặc bằng tre có đường kính 40-50 mm, dài 1.500-1.600 mm, và được gia cố chặt vào khung dọc của xe. Giá để hàng làm bằng gỗ, tre hoặc sắt, được gia công hình chữ nhật có chiều dài 800-900 mm, chiều rộng 400-500 mm; đầu phía trước treo lên tuýt ngang, đầu phía sau treo lên giá đèo hàng (gacbaga) của xe. Giá đỡ cáng (võng) đặt lên hai bên xe được làm bằng tre, gỗ hình chữ T (gồm 2 cái) được buộc chặt vào xe, đặt sao cho hai đòn ngang bằng nhau. Giá chở thương binh được sản xuất bằng sắt, gồm ba phần riêng biệt: đòn gánh trước được sản xuất riêng (không liên quan đến kết cấu xe đạp thồ) khi cần vận chuyển thương binh thì lắp vào xe, liên kết với xe bằng 2 ốc vít. Đòn gánh sau được chế tạo bằng sắt (hoặc bằng gỗ). Hai đầu có 2 vành bán nguyệt để đặt đòn cáng cho vững chắc. Đòn gánh sau được nâng lên, hạ xuống theo chiều thẳng đứng qua hai trụ của giá đỡ của đòn gánh sau, vừa định vị, vừa có thể thay đổi độ cao đầu thương binh theo yêu cầu kỹ thuật vận chuyển thương binh và địa hình vận chuyển. Giá đỡ đòn gánh sau được làm bằng thép, có hai đế (đế dưới và đế trên), đế dưới có các vấu định vị, đế trên đặt 2 ống sắt có khoan trên mỗi ống 3 lỗ nhằm định vị đòn gánh sao cho chặt, độ cao, thấp tùy theo yêu cầu vận chuyển thương binh. Hai đế của giá đỡ đòn gánh sau được liên kết với nhau bằng hai ốc. Ghế thương binh ngồi được làm bằng gỗ, chiều dài 200-220 mm, chiều rộng 160-180 mm, bố trí ở giữa tuýt ngang, có thể làm thêm tay vịn, đai bảo hiểm thương binh.

Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vận chuyển bằng Xe đạp thồ tiếp tục được phát huy, hỗ trợ đắc lực cho các loại phương tiện, phương thức vận tải cơ giới, nhất là vận tải ở cấp chiến thuật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995
  2. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  5. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009