Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Xét nghiệm nhóm máu và đọ chéo

Xét nghiệm nhóm máu và đọ chéo là xét nghiệm dùng để xác định nhóm máu cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân cần truyền máu thì cần phải làm xét nghiệm phản ứng chéo trước đó, đây là xét nghiệm để xác định sự phù hợp giữa máu của người cho và người nhận.

Mục đích[sửa]

Để xác định máu của người cho phải phù hợp với máu của người nhận. Một người phải nhận được cùng nhóm máu, nếu không, có thể dẫn đến phản ứng tan máu, có thể dẫn đến tử vong.

Để chẩn đoán và dự phòng bệnh lý tan huyết ở trẻ sơ sinh. Đứa bé có nhóm máu khác với mẹ thường tăng nguy cơ mắc loại bệnh này.

Các nhóm máu có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Nhờ vậy, có thể sử dụng nhóm máu để xác định nhóm máu tương đối của mẹ hoặc cha đứa trẻ.

Trong điều tra hình sự cần xác định nhóm máu và các dịch khác của cơ thể, ví dụ như tinh dịch hoặc nước bọt, để xác định người đó có phạm tội hay không.

Quy trình[sửa]

Xác định nhóm máu và phản ứng chéo được tiến hành ở khoa huyết học truyên máu. Xét nghiệm được thực hiện trên máu sau khi đã phân tách các tế bào máu và huyết thanh.

Xét nghiệm nhóm máu và phản ứng chéo dựa trên sự phản ứng kháng nguyên, kháng thể. Cơ thể của người có nhiều loại kháng nguyên. Kháng nguyên được tìm thấy ở bề mặt của tế bào hồng cầu và nó quyết định nhóm máu. Khi tế bào hồng cầu có kháng nguyên được trộn với huyết thanh chứa kháng thể chống lại kháng nguyên đó, kháng thể sẽ “tấn công” và gắn vào kháng nguyên. Trong ống xét nghiệm, quan sát được phản ứng ngưng kết.

Mặc dù có khoảng hơn 600 kháng nguyên tế bào hồng cầu đã biết, được phân thành 22 hệ thống nhóm máu, xét nghiệm nhóm máu và phản ứng chéo thường quy chỉ bao gồm 2 hệ thống: hệ thống nhóm máu ABO và Rh.

Xét nghiệm nhóm máu[sửa]

Hệ thống nhóm máu ABO

Hệ thống nhóm máu ABO- A, B, O – dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên A và B trên tế bào hồng cầu. Nhóm máu A chỉ có kháng nguyên A và nhóm máu B chỉ có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu. Nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B, và nhóm máu O không có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu.

Trước 6 tuổi, ở người tự phát triển kháng thể chống lại kháng nguyên thiếu hụt trên bề mặt hồng cầu. Vì thế, một người có nhóm máu A thường có kháng thể anti- B, và một người có nhóm máu B thường có kháng thể anti- A, một người có nhóm máu AB không có kháng thể nào, nhưng một người nhóm máu O có cả 2 loại kháng thể.

Xác định nhóm máu ABO lần đầu được thực hiện để tiến hành truyền máu. Một người phải nhận được cùng nhóm máu ABO. Bất đồng nhóm máu ABO là nguyên nhân hay gặp nhất của phản ứng tan máu truyền máu. Kháng nguyên ABO cũng có thể được tìm thấy ở phần lớn các cơ quan, vì vậy hòa hợp nhóm máu ABO đóng vai trò rất quan trọng trong ghép tạng.

Bất đồng nhóm máu ABO giữa phụ nữ mang thai và thai nhi là nguyên nhân ít gặp của bệnh lý tan huyết ở trẻ sơ sinh và thường không gây ảnh hưởng cho thai nhi. Cấu trúc của kháng thể ABO cản trở kháng thể di chuyển qua bánh rau và tấn công tế bào hồng cầu mẹ.

Xác định quan hệ huyết thống có thể dựa trên sự di truyền của nhóm máu, nhưng chỉ mang tính tương đối nên độ chính xác không cao. Ví dụ, đứa trẻ có nhóm máu B và người mẹ có nhóm máu O, thì nhóm máu của người cha phải là nhóm máu AB hoặc nhóm máu B, người cha có nhóm máu O không thể là cha của đứa bé.

Ở một số người, kháng nguyên ABO có thể tìm thấy ở dịch cơ thể ngoài máu, ví dụ nước bọt hoặc tinh dịch. Xác định nhóm ABO cung cấp bằng chứng để tìm ra thủ phạm trong các vụ án.

Hệ thống nhóm máu Rh

Rh, hay Rhsus, hệ thống nhóm máu lần đầu được phát hiện năm 1940 bởi Landsteiner và đồng nghiệp. Alexander Weiner khi tiêm máu từ khỉ Rhsus cho thỏ và chuột lang.

Trong xét nghiệm nhóm máu thường quy và phản ứng chéo, chỉ có một trong 50 kháng nguyên thuộc hệ thống nhóm máu này được xét nghiệm là kháng nguyên D. Nếu kháng nguyên D có mặt, người có có nhóm máu Rh dương, nếu kháng nguyên D không có mặt, người đó có nhóm máu Rh âm.

Các kháng nguyên quan trọng khác trong hệ thống Rh là C, c, E và e. Các kháng nguyên này thường không được kiểm tra trong xét nghiệm nhóm máu thường quy. Tuy nhiên, xét nghiệm sự có mặt của kháng nguyên này rất hữu ích khi xét nghiệm quan hệ cha con, và khi kĩ thuật viên cố gắng xác định kháng thể Rh hoặc xác định nhóm máu chéo cho cá thể có kháng thể với một trong các kháng nguyên ấy.

Không giống hệ thống ABO, kháng thể với kháng nguyên Rh không hình thành tự nhiên. Nó hình thành như là một đáp ứng miễn dịch sau truyền máu hoặc mang thai. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1000 người mới có 1 người), nên được gọi là nhóm máu hiếm.

Trong truyền máu, hệ nhóm máu Rh quan trọng thứ hai sau hệ nhóm máu ABO. Phần lớn người nhóm máu Rh âm mà nhận được nhóm máu Rh dương sẽ hình thành kháng thể anti-D. Lần tiếp theo, người đó truyền máu Rh dương có thể gây phản ứng truyền máu tan máu nghiêm trọng hoặc có thể tủ vong.

Bất đồng nhóm máu Rh là một trong những nguyên nhân phổ biến và nặng nhất của bệnh lí tan huyết trẻ sơ sinh. Sự bất đồng xảy ra khi người mẹ mang nhóm máu Rh âm và người bố nhóm máu Rh dương, đứa trẻ sinh ra có nhóm máu Rh dương. Tế bào hồng cầu của thai nhi có thể qua bánh rau và đi vào máu mẹ, làm người mẹ sản xuất kháng thể anti-D. Không giống kháng thể ABO, cấu trúc của kháng thể anti-D dễ di chuyển qua bánh rau và đi vào máu thai nhi. Sau đó, nó có thể phá hủy tế bào hồng cầu thai nhi, gây ra thiếu máu thai nhi trầm trọng.

Bước đầu tiên để dự phòng là xác định nhóm máu Rh của bố mẹ. Nếu người mẹ nhóm máu Rh âm và người bố nhóm máu Rh dương, đứa trẻ có nguy cơ cao mắc HDN. Sau đó, xét nghiệm huyết thanh mẹ để đảm bảo người đó không có kháng thể anti-D từ lần mang thai trước hoặc truyền máu. Quá trình này tương tự với định danh nhóm máu. Cuối cùng, người mẹ Rh-âm được tiêm immunoglobin Rh (RhIg) vào tuần 8 của thai kì và một lần nữa sau sinh, nếu đứa trẻ có nhóm máu Rh dương. RhIg gắn vào bất kì tế bào Rh dương nào của thai nhi ở trong máu mẹ, cản trở sản xuất kháng thể anti-D trong máu mẹ. Người mẹ nhóm máu Rh âm nên được tiêm RhIg sau sảy thai, hoặc chửa ngoài tử cung.

Các hệ thống nhóm máu khác[sửa]

Một số nhóm máu khác có thể liên quan đến bệnh lý tan máu trẻ sơ sinh và phản ứng tan máu truyền máu như Dully, Kell, Kidd, MNS và P. Xét nghiệm kháng nguyên từ các hệ thống đó không được tiến hành trong các xét nghiệm thường quy, nhưng được sử dụng phổ biến hơn trong xét nghiệm huyết thống cha con.

Giống như kháng thể Rh, kháng thể trong các hệ thống không hình thành tự nhiên, mà do phản ứng miễn dịch sau truyền máu và trong quá trình mang thai.

Phản ứng chéo nhóm máu[sửa]

Phản ứng chéo là bước được tiến hành trước khi truyền máu. Thông thường, nó được gọi là xét nghiệm kiểm tra sự hòa hợp nhóm máu.

Trước khi thực hiện phản ứng chéo giữa máu người cho và người nhận, cả hai hệ nhóm máu ABO và Rh được xác định. Ngoải ra, sàng lọc kháng thể được thực hiện để tìm kháng thể cho kháng nguyên Rh, Duffy, MNS, Kell, Kidd và P. Quá trình này phải được lặp lại trước khi mỗi quá trình truyền máu được thực hiện.

Để bắt đầu phản ứng chéo, máu từ người cho có cùng nhóm máu ABO và Rh của người nhận được lựa chọn. Trong ống nghiệm, huyết thanh của bệnh nhân được trộn với hồng cầu của người người cho. Nếu hiện tượng ngưng kết xảy ra, máu của người cho không hòa hợp; nếu hiện tượng ngưng kết không xảy ra, máu của người cho là hòa hợp. Nếu kháng thể khác được tìm thấy ở trong máu của người bệnh hoặc người cho, khoa huyết học sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm để khẳng định máu của người cho là hòa hợp.

Trong cấp cứu, khi không có đủ thời gian để xác định nhóm máu và phản ứng chéo, nhóm máu O có thể được sử dụng để truyền máu, đặc biệt là Rh- âm. Nhóm máu O được gọi là người cho phổ biến do nó không có kháng nguyên ABO cho kháng thể bệnh nhân tấn công. Ngược lại, nhóm máu AB được gọi là người nhận phổ biến do nó không có kháng thể ABO để tấn công các tế bào hồng cầu của người truyền. Trong trường hợp này, phản ứng chéo vẫn được thực hiện, mặc dù quá trình truyền máu đã diễn ra trước đó.

Chuẩn bị[sửa]

Để lấy đủ 10 mL máu tĩnh mạch. Xác định nhóm máu và phản ứng chéo phải thực hiện trước khi truyền máu nhiều nhất là 3 ngày. Người bệnh không cần thay đổi chế độ ăn, thuốc, hoặc hoạt động thể lực trước khi thực hiện xét nghiệm này. Người bệnh cần phải thông báo cho bác sĩ hoặc y tá biết nếu trong 3 tháng gần nhất có truyền máu hoặc các chế phẩm về máu, hoặc có chụp X quang có tiêm chất cản quang. Các yếu tố đó có thể gây phản ứng ngưng kết giả ở cả xét nghiệm xác định nhóm máu và phản ứng chéo.

Sau xét nghiệm[sửa]

Khi lấy máu, bệnh nhân có thể đau nhẹ hoặc xuất hiện vết bầm tại vị trí mà kim xuyên qua da, hoặc có thể chóng mặt hoặc ngất. Khi dùng ngón tay ấn vào vị trí đâm kim cho đến khi máu ngừng chảy, vết bầm sẽ không lan ra.

Rủi ro[sửa]

Truyền máu có nguy cơ xảy ra phản ứng tan máu truyền máu. Y tá theo dõi sát bệnh nhân trong toàn bộ quá trình truyền máu.

Kết quả[sửa]

Xác định được máu người cho phù hợp với máu người nhận nhưng phản ứng chéo nhóm máu không đảm bảo được có hay không phản ứng phụ có thể xảy ra trong quá trình truyền máu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. American Association of Blood Banks, 8101 Glenbrook Road, Bethesda, MD, 20814-2749, (301) 907-6977, Fax: (301) 907-6895, http://www.aabb.org.
  2. Đỗ Trung Phấn. Bài giảng huyết học tuyền máu, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2006.