Mục từ này cần được bình duyệt
Xã hội học tôn giáo

Hầu hết các nhà xã hội học tôn giáo không nghiên cứu vấn đề tôn giáo giống như các nhà tôn giáo học. Phần lớn các nhà xã hội học và các nhà tôn giáo học đều mong muốn hai lĩnh vực này của họ có sự phân tách rõ ràng. Tuy nhiên, giữa hai ngành khoa học đó có khoảng chung. Xã hội học tôn giáo là bộ môn ghép lại từ hai môn khoa học đó. Hơn nữa, nhiều nhà tôn giáo học không phải là các nhà tôn giáo xã hội, tôn giáo học là một bộ môn khoa học gần với và có nhiều đặc điểm giống môn khoa học cơ bản.

Xã hội học tôn giáo là môn khoa học nghiên cứu niềm tin, thực hành và các thiết chế tôn giáo bằng các công cụ và phương pháp của xã hội học. Phương pháp khảo sát được sử dụng trong xã hội học tôn giáo có thể là các phương pháp định lượng (bảng hỏi, thống kê, mô tả, phân tích điều tra dân số….) và các phương pháp định tính (quan sát tham dự, phỏng vấn, phân tích tài liệu….)

Lịch sử xã hội học tôn giáo

Tư tưởng xã hội học tôn giáo được đề cập đến ở những nhà sáng lập bộ môn xã hội học. August Comte, nhà xã hội học người Pháp, người tạo ra ngành xã hôi học, xem xã hội học là ngành khoa học nghiên cứu các tổ chức xã hội. Nền tảng lý thuyết về xã hội của ông được trình bày trong tác phẩm Giáo trình triết học thực chứng (1926), với quy luật phổ biến xuyên suốt tất cả là quy luật ba giai đoạn. Vấn đề tôn giáo được ông đặt ra trong lý thuyết về quy luật 3 giai đoạn của mình. Theo đó, xã hội tiến hóa từ một giai đoạn nguyên thủy có tính “thần học hư ảo” sang một giai đoạn thứ hai, trung gian, có tính “siêu hình hay trừu tượng”, cuối cùng sang giai đoạn cuối cùng là “thực chứng hay khoa học”.

Xã hội học tôn giáo hiện đại bắt đầu với công trình nghiên cứu của Emile Durkheim về tỉ lệ tự tử giữa hai cộng đồng Công giáo và Tin lành. Ông là nhà xã hội học theo trường pháp chức năng luận, người đã có đóng góp lớn trong sự hình thành bộ môn xã hội học. Theo Durkheim, xã hội học là bộ môn khoa học nghiên cứu các sự kiện xã hội (social facts). Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo, môi trường gia đình có ảnh hưởng đến quan điểm tôn giáo của ông, tuy nhiên, sau này, ông trở thành một người bất khả tri. Xã hội học của Durkheim chủ yếu xoay quanh vấn đề về mối quan hệ giữa con người và xã hội. Vấn đề chức năng tôn giáo lần đầu tiên được Durkheim đặt ra trong tác phẩm Tự sát (1897).

Durkheim nghiên cứu hiện tượng tự sát trong hai cộng đồng tôn giáo là Công giáo và Tin lành. Kết quả cho thấy, tỉ lệ tự sát cao hơn nhiều tại các nước Tin lành và thấp hơn ở các nước Công giáo. Giải thích của Durkheim cho vấn đề này như sau: “trong khi đạo Tin lành đặt các cá nhân vào một ý thức chủ quan về trách nhiệm và nguy cơ thì Công giáo và Do thái giáo lại đem tới cho các cá nhân một tính cộng đồng có khả năng áp đặt bằng một bộ luật giá trị và ứng xử theo kiểu tập thể. Ý thức quy thuộc vào một cộng đồng, một nhóm xã hội-tôn giáo, đã củng cố thêm ý thức về sự hội nhập với phần còn lại của xã hội. Những điều này không được bảo đảm trong các xã hội mà nền đạo đức Tin lành nổi trội, (Sabino Acquaviva, 1998)”. Phân tích sâu hơn các chiều cạnh xã hội của sự tự sát, Durkheim cho rằng gốc rễ của tự sát nằm trong tổ chức xã hội nhiều hơn là tâm lý cá nhân. Đó chính là sự thiếu chuẩn mực xã hội, thiếu cân bằng của cơ thể xã hội. Phân tích vai trò của Công giáo trong việc làm giảm tỉ lệ tự sát là tạo ra hệ chuẩn mực xã hội có khả năng áp đặt lên các cá nhân. Nói cách khác, ý thức tập thể mà Công giáo đem lại hòa nhập và củng cố cho ý thức tập thể của xã hội. Tôn giáo trong tác phẩm tự sát được phân tích như một nhân tố thống nhất xã hội. Chính từ tác phẩm tự sát, Durkheim đã tách xã hội học ra khỏi các môn khoa học khác như tâm lý học.

Chức năng của tôn giáo sau này được Durkheim nhấn mạnh hơn trong tác phẩm Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo (1926). Trong tác phẩm này, “tôn giáo được nghiên cứu như một ví dụ quan trọng về cách hình thành, tái hiện của ý thức tập thể. Tôn giáo góp phần tạo dựng và duy trì một ý thức tập thể, (Sabino Acquaviva, 1998).” Trong xã hội bộ lạc kiểu tô tem, tôn giáo (tô tem) xác nhận một mối liên hệ, một sự quy thuộc vào biểu tượng thiêng. Tô tem phân định ranh giới giữa cái thiêng liêng và cái trần tục. Theo Durkheim sự phân định tô tem mang lại giống như một hệ thống thứ bậc xã hội. Chức năng của tôn giáo được nhìn nhận như một nhân tố cố kết xã hội thông qua niềm tin vào chuẩn mực giá trị siêu xã hội mà trên cơ sở những chuẩn mực siêu xã hội đó, trật tự xã hội được tạo nên.

Marx Weber, nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức là đại diện cho trường phái xung đột trong xã hội học nói chung và xã hội học tôn giáo nói riêng. Cũng như Durkheim, ông là người đề cao giá trị của tôn giáo tuy nhiên, nếu Durkheim cho rằng tôn giáo là nhân tố đoàn kết xã hội thì Weber cho rằng tôn giáo là nhân tố tạo nên sự biến đổi xã hội. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Weber là Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Góc nhìn tôn giáo từ chiều cạnh xã hội được Weber phát triển mạnh và đặt nó vào tâm điểm của nghiên cứu khoa học. Khi nghiên cứu vai trò của tôn giáo đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, Weber lập luận rằng, tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Ông đã nghiên cứu tinh thần Tin lành khổ hạnh mà cụ thể là Tin lành Calvin và nhấn mạnh tầm quan trọng của những đặc điểm triết lý Calvin, cho nó là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự phát triển chủ nghĩa tư bản, hệ thống hành chính và nhà nước pháp quyền tại phương Tây. Chức năng của tôn giáo theo ông không phải là cái tạo nên trật tự xã hội hiện có mà mà góp phần để tạo ra những biến đổi xã hội và những xung đột và chính những xung đột này về lâu dài tạo nên sự đổi mới quan trọng cho xã hội.

Phương pháp luận của Weber nhìn nhận vấn đề tôn giáo và xã hội khác biệt với Durkheim. Durkheim trong Những quy tắc của phương pháp xã hội học (1894) cho rằng người ta chỉ có thể giải thích một hiện tượng xã hội này bằng một hiện tượng xã hội khác và do vậy cần tập trung tới các “sự kiện xã hội” (social facts) khách quan bên ngoài và không cần quan tâm tới động cơ hay ý định chủ quan của các cá nhân. Từ đó, nguyên tắc phương pháp luận xã hội học của Durkheim là đi tìm nguyên nhân quyết định của một sự kiện xã hội nơi các sự kiện xã hội xảy ra trước đó, không phải ở nơi các trạng thái ý thức cá nhân. Theo quan niệm của Weber, sự kiện xã hội không giống như sự kiện vật lý. Sự kiện xã hội được hình thành từ những tác nhân xã hội. Do vậy, cần phải hiểu được ý nghĩa nội tại của các hành động xã hội. Weber quan niệm rằng các cá nhân trong xã hội trong khi hành động đã gán cho các hành động những ý nghĩa xác định. Do vậy, cái mà các nhà xã hội học cần tìm là mối quan hệ giữa các hành động đã được các cá nhân gán ý nghĩa đó. Từ đó, cấu trúc xã hội theo ông được giải thích thông qua các ứng xử của các nhân. Ông cho rằng, cần phải xây dựng kiểu hành động lý tưởng. Quan điểm này được ông tiếp cận từ góc độ thần học Calvin. Theo đó, có sự lựa chọn giữa hai kiểu lý tưởng trong những phái sinh đạo đức là chủ nghĩa tư bản và tôn giáo Calvin. Đây không phải là một liên hệ nhân quả mà chỉ là sự tồn tại của những yếu tố đạo đức trong lý thuyết Calvin đã có thể góp phần sinh ra tâm thức của chính nhà doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa hiện đại. Ông đã tìm ra rằng đạo đức của Tin lành có những nét phù hợp với hoạt động kinh doanh hiện đại. Con người tự cứu rỗi mình bằng niềm tin rằng mình sẽ được Thượng Đế cứu rỗi.

Như vậy, với việc phân tích vai trò của đạo Tin lành trong việc hình thành chủ nghĩa tư bản, Weber đưa ra năm điểm chính trong luận thuyết của ông là:

Thứ nhất, có một đấng Thiên Chúa tuyệt đối, siêu việt, đã tạo nên và cai trị trời đất, nhưng nằm ngoài khả năng hiểu biết của trí tuệ hữu hạn của con người.

Thứ hai, đấng Thiên chúa toàn năng và huyền bí này đã tiền định sự cứu độ hay lên án đối với mỗi con người chúng ta, và chúng ta không thể thay đổi gì được điều này bằng các sự nghiệp của mình.

Thứ ba, Thiên Chúa đã tạo dựng ra thế giới vì sự vinh quang của chính Người.

Thứ tư, con người cho dù được cứu độ hay bị kết án, đều có nghĩa vụ lao động cho sự vinh quang của Thiên Chúa và tạo dựng nên vương quốc của Người ngay trên thế gian này.

Thứ năm, theo quan điểm của Max Weber, những công việc trần thế, bản tính con người, và thân xác, tất cả đều thuộc về trật tự của tội lỗi và của sự chết, và đối với loài người, sự cứu độ chỉ có thể là một món quà tặng không của ân huệ Thiên Chúa.

Niềm tin tôn giáo tại Việt Nam hiện nay

Niềm tin tôn giáo là một vấn đề quan trọng trong xã hội học tôn giáo. Đây là một yếu tố quan trọng cấu thành tôn giáo. Cho đến nay, có rất nhiều định nghĩa về niềm tin tôn giáo. Theo Minh Chi, “Niềm tin tôn giáo hay trong hợp từ tín ngưỡng tôn giáo hàm ý một niềm tin ở những cái siêu nhiên, nhưng đối với tôn giáo vẫn rất hiện thực, thậm chí còn hiện thực hơn cả thế giới hiện tượng nữa, nhưng vẫn ở ngoài tầm nắm bắt của giác quan và tri thức của con người bình thường”, (Võ Văn Thành, 2014). Nguyễn Xuân Vũ cho rằng, tôn giáo là một giá trị cốt lõi của xã hội, nó hướng đến cái thiêng, cái thần thoại, xác lập một niềm tin, thông qua các nghi lễ để đi đến một cái chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Mỗi một Tôn giáo có một niềm tin riêng, họ tin vào đấng tối cao của họ một cách tuyệt đối, không gì có thể lay chuyển được, chính vì vậy Tôn giáo ngoài việc thông cảm, chia sẻ thì cũng có xung đột, đấu tranh. Khi bị xúc phạm đến niềm tin, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ niềm tin đó. Ngoài ra, tôn giáo nào cũng bao gồm một hệ thống niềm tin, được hình thành do những tình cảm thông qua những hành vi tôn giáo biểu hiện rất khác nhau..., được quy định bởi một nội dung mang tính siêu thực ( hay siêu nghiệm) nhằm tập hợp những thành viên trong một cộng đồng có tính xã hội, bổ trợ cho nhau một cách vững chắc, làm cho các tín đồ một tôn giáo tin tưởng và thực hành, quên đi những điều mà người ngoài coi là phi lý, mà lại cho đó là siêu lý, để trở thành một tín đồ trung thành. Như vậy, niềm tin tôn giáo là niềm tin vào cái thiêng, niềm tin vào một quyền lực siêu linh, được san sẻ không đồng đều cho những thành viên của một cộng đồng tôn giáo. Niềm tin tôn giáo chủ yếu được cảm nhận, hoặc dựa trên truyền thống kinh nghiệm, do sự tu luyện để được khẳng định vững chắc. Niềm tin tôn giáo không cần chứng minh. Đó là niềm tin vào những điều vĩnh hằng, tuyệt đối. Nội dung của niềm tin tôn giáo phụ thuộc vào những tín điều, giáo lý của từng tôn giáo do đó có sự khác biệt trong niềm tin tôn giáo giữa các tín đồ tôn giáo khác nhau, và trong từng tôn giáo.

Niềm tin tôn giáo là yếu tố rất khó đo lường, bởi niềm tin tôn giáo một mặt gắn với việc thực hiện hành vi tôn giáo nhưng mặt khác hành vi tôn giáo không biểu đạt được hết niềm tin tôn giáo. Mặc dù vậy, người có niềm tin tôn giáo không thể không có thực hành tôn giáo, đồng thời niềm tin tôn giáo còn được xây dựng và củng cố qua nhận thức tôn giáo, trải nghiệm tôn giáo cá nhân. Vấn đề niềm tin tôn giáo tại Việt Nam hiện nay được các nhà nghiên cứu đo lường thông qua hành vi tham gia vào các hoạt động tôn giáo; nhận thức về những giáo lý cơ bản của tôn giáo. Trước hết là chỉ báo về hành vi đi lễ tại các cơ sở tôn giáo.

Nghi lễ tôn giáo tại Việt Nam dẫu phản ánh sự hội nhập và có những thay đổi trong điều kiện xã hội hiện đại tuy nhiên vẫn tuân thủ các nghi lễ như trước đây. Nếu tại Mỹ, chúng ta dễ dàng tham dự buổi lễ nhà thờ Công giáo sử dụng nền nhạc Pop, Rock cho thánh ca thì tại Việt nam điều này là hoàn toàn không thể. Những đặc trưng và giá trị truyền thống cũng góp phần không nhỏ tạo nền tảng cho sự thuần thành và niềm tin sâu sắc của tín đồ tôn giáo Việt nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Sabino Acquaviva, 1998, Xã hội học tôn giáo, bản dịch của Lê Diên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

2. Emile Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Nxb Tri thức

3. Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch, nxb Tri thức

4. Võ Văn Thành, 2014, Thử bàn về niềm tin đời thường và niềm tin tôn giáo, Nguyệt san Giác ngộ, Phụ trương nghiên cứu Phật học của Báo Giác ngộ, số 215, tháng 2/2014

5. Nguyễn Xuân Vũ, Một vài suy nghĩ về mối tương quan giữa tôn giáo và các bộ môn nghệ thuật, http://mkscrc.qtttc.edu.vn/index.php/tin-tuc/Bai-viet-nghien-cuu/Mot-vai-suy-nghi-ve-moi-tuong-quan-giua-ton-giao-va-cac-bo-mon-nghe-thuat-9/#.U75SxEDsHIU

6. Đặng Nghiêm Vạn, 2001, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt nam, nxb Chính trị quốc gia, Hà nội