Mục từ này cần được bình duyệt
Xã hội học đô thị

1. BỐI CẢNH XÃ HỘI RA ĐỜI MÔN XÃ HỘI HỌC ĐÔ THỊ

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa và kéo theo nó là quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đi kèm với vô số những vấn đề xã hội nảy sinh ở các đô thị đã thu hút sự chú ý của các nhà xã hội học phương Tây.

Xã hội học đô thị có lẽ là chuyên ngành nhiều tuổi nhất của xã hội học. Nó ra đời từ đầu thế kỷ XX, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Và do đặc tính không gian - lãnh thổ mà nó bao quát, hầu như tất cả các chuyên ngành xã hội hội (XHH) khác phát triển sau đó đều có những chiều cạnh (khía cạnh) đô thị riêng của chúng.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, tại các nước đi đầu trong sự phát triển đô thị và quá trình đô thị hoá như Anh, Pháp, Tây Đức, Mỹ, nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu đã tiến hành những công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề xã hội của đô thị và của quá trình đô thị hoá. Hàng loạt công trình nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống đô thị đã được xuất bản. Trên cơ sở đó, từ những năm 20, trong Xã hội học ở châu Âu và Bắc Mỹ đã hình thành một chuyên ngành với tên gọi Xã hội học về đời sống đô thị hay là Xã hội học Đô thị.

Tiếp đó, từ đầu những năm 50, đã có các Hội nghị quốc tế đầu tiên về đề tài nghiên cứu xã hội học đô thị. Hội nghị đầu tiên được tổ chức năm 1953 tại Đại học Columbia (Mỹ) với sự tham gia của các nhà xã hội học các nước Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch. Theo tuyến Liên hợp quốc cũng đã có các Hội nghị quốc tế, Hội thảo chuyên đề, các seminar về các vấn đề đô thị.

Cũng do chỗ đô thị ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của đời sống hiện đại, một số nhà xã hội học thậm chí còn đồng nghĩa XHH Đô thị với chính XHH và bất kỳ một hiện tượng nào trong thế giới hiện đại mà có chiều cạnh đô thị thì đều có thể xem như là đối tượng nghiên cứu của XHH Đô thị. Ngược lại, hầu hết các vấn đề mà XHH Đô thị nghiên cứu cũng là những vấn đề của xã hội hiện đại. Ngay các chuyên ngành XHH khác cũng đều có những chiều cạnh (khía cạnh) đô thị riêng của chúng. Chẳng hạn, tội phạm học và việc nghiên cứu các hành vi sai lệch chủ yếu là những nghiên cứu về điều kiện sống đô thị. Các nhà dân số học thì quan tâm rất nhiều đến các quá trình di cư hay là việc di chuyển nơi cư trú của con người từ nông thôn ra thành thị; những nghiên cứu về chính sách xã hội, gia đình, người già, y tế, khác biệt xã hội, quyền lực, hiện tượng quan liêu,… đều có các chiều cạnh đô thị trong nghiên cứu của họ.

Trong cuốn sách “Xã hội học về các vùng đô thị” đã xác định hệ vấn đề nghiên cứu của xã hội học đô thị như sau: “Gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ con, tội phạm và đặc biệt là tội phạm trẻ em, sự di cư, những vấn đề chủng tộc, người già sức khỏe tâm lý, giai cấp xã hội, tôn giáo, học vấn và các xu hướng trong đời sống xã hội đó là phạm vi các vấn đề mà xã hội học đô thị nghiên cứu”.

Mặt khác, cũng như môn Xã hội học nói chung, chuyên nhành xã hội học đô thị ra đời trong bối cảnh xã hội đang diễn ra sự phân liệt xã hội cổ truyền và phát sinh xã hội đô thị hiện đại. Đây là một xã hội rộng lớn, không thuần nhất, phát triển và biến đổi với tốc độ chưa từng thấy.

Còn việc các nhà xã hội học phương Tây thời kỳ này chú ý nhiều tới các vấn đề đô thị đã được nhà xã hội học Mỹ K. Davis giải thích như sau: Một là, so với các thiết chế xã hội như gia đình, tôn giáo, ngôn ngữ thì đô thị là một hiện tượng mới mẻ trong lịch sử nhân loại (ở đây tác giả lấy điểm khởi đầu là cuộc cách mạng đô thị lần thứ hai, tức là vào giữa thế kỷ XVIII, khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp TBCN). Hai là, trong sự hình thành và phát triển của đô thị đang diễn ra những cải biến có tính chất cách mạng trong lối sống và trong cơ cấu xã hội của xã hội. Ba là, các đô thị và sự phát triển vũ bão của chúng đang trở thành những trung tâm chính, lãnh đạo đối với các vùng nông thôn xung quanh. Bốn là, nhịp độ đô thị ngày càng gia tăng mạnh mẽ khiến cho nảy sinh nhiều vấn đề xã hội mới.

Cùng với sự phát triển của các nghiên cứu thực nghiệm, đặc biệt trong xã hội học đô thị Mỹ đầu thế kỷ XX, hệ vấn đề nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu) của Xã hội học Đô thị cũng dần được cụ thể hoá và khu biệt rõ rệt. Mặc dù cho đến nay vẫn lưu hành nhiều cách định nghĩa về Xã hội học đô thị, song bất luận chấp nhận cách định nghĩa nào, các công trình nghiên cứu xã hội học đô thị đều có liên quan tới việc khảo sát rộng rãi quá trình đô thị hoá, trong đó nêu rõ những ảnh hưởng và tác động qua lại của quá trình này tới các tổ chức, các cá nhân và cộng đồng dân cư đô thị nói chung.

2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI HỌC ĐÔ THỊ QUA CÁC THỜI KỲ

Ra đời vào đầu thế kỷ XX do quá trình đô thị hoá, sự phát triển nhanh chóng của các thành phố công nghiệp và gắn liền với chính xã hội học, xã hội học đô thị đã trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển. Có thể tạm thời đưa ra một sự phân kỳ phát triển của chuyên ngành XHH này thành 2 giai đoạn chính như sau.

2.1 Nửa đầu thế kỷ XX - "kỷ nguyên vàng" của xã hội học đô thị.

Vào buổi đầu, nhiều nhà xã hội học phương tây đã có sẵn một thiên kiến “phản đô thị” trong cách nhìn của họ đối với thực tế phát triển đô thị và quá trình đô thị hoá thế giới trong thời đại của họ. Ngay từ năm 1903, Georg Simmel (1858-1928), nhà xã hội học Đức, trong cuốn sách “The Mertopolis and Methal Life” (Các siêu đô thị và đời sống tinh thần) đã thể hiện những định kiến phản đô thị của ông khi tranh luận về lối sống đô thị và nhân cách. Khi xem xét sự tổ chức xã hội và văn hoá, ông đã mô tả các loại hình đô thị và nhìn thấy ở đó những hậu quả của sự tập trung dân cư quá đông, xem đó như là nguyên nhân dẫn đến hình thành những đặc trưng vật thể của đô thị cũng như những đặc trưng xã hội của thị dân. Đây còn được gọi là cách tiếp cận bệnh lý học xã hội (social pathology) đối với đời sống đô thị.

Với tác giả L. Wirth, người theo thuyết Darwin xã hội, thì có ba đặc trưng phổ biến của các đô thị là: quy mô lớn, mật độ cao và tính khác biệt về xã hội (large size, high dentisy and social heterogeneity) quy định những đặc trưng xã hội của đời sống đô thị như một lối sống (urbanism / life-style).

Những ý tưởng này chính là cơ sở cho sự ra đời của trường phái Chicago rất nổi tiếng trong XHH Đô thị với một hệ quan điểm (pagadigm) giữ vai trò thống trị trong suốt những năm 1920-1950 và vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Ba hệ quan điểm chính trong xã hội học đô thị (trường phái Chicago) thời kỳ này là: Sinh thái học nhân văn (Human Ecology), Bệnh lý học xã hội (Social Pathology) và Tâm lý học xã hội (Social Psychology).

Các nghiên cứu xã hội học thời kỳ này được tập trung tại thành phố Chicago (Mỹ), đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và là một “phòng thí nghiệm xã hội học” cho các giáo sư của trường Đại học Chicago, những người sáng lập nên trường phái này. Nhiều vấn đề xã hội được nghiên cứu như: dân nhập cư, tội phạm và sự lệch chuẩn, lập bản đồ tổ chức không gian xã hội của thành phố để lý giải những sự tương ứng giữa tổ chức không gian và tổ chức xã hội, nghiên cứu các nhóm xã hội đặc biệt, nhóm ngoài lề, các nghiên cứu trường hợp về các nhóm chủng tộc và cơ cấu xã hội nói chung. Thông qua các nghiên cứu này, XHH Đô thị đã trở thành một chuyên ngành rõ rệt với nguồn gốc từ truyền thống này của trường phái Chicago.

Trường phái Chicago cũng gắn liền với phương hướng nghiên cứu thực nghiệm, điền dã trực tiếp, đối lập với các hệ thống hoá trừu tượng và những phương hướng lý thuyết của nhiều nhà XHH trước đây. Robert Park, một trong ba giáo sư là cha đẻ của trường phái Chicago đã dạy sinh viên của ông: “hãy đến ngồi ở các tiền sảnh của các khách sạn sang trọng, bên thềm các nhà hát, đến các khu ổ chuột, các sàn nhảy,... để quan sát và cảm nhận một cách thực sự thế giới hiện thực cần nghiên cứu” (thâm nhập thực tế).

Chỉ dẫn này đã đưa tới một loạt các công trình nghiên cứu thực nghiệm mà sau này trở thành kinh điển trong xã hội học đô thị: Băng nhóm (The Gang, 1927), The Hobo, Bờ biển Vàng và Khu ổ chuột (The Gold Coast and Slum), Xã hội góc phố (The street-corner Society), Gái nhảy chuyên nghiệp (The taxi-hall dancers),… Đây cũng là những thử nghiệm lớn về phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là các phương pháp "quan sát tham dự" và “nghiên cứu trường hợp (case study) trong xã hội học ứng dụng sau này.

2.2 Nửa sau thế kỷ XX - sự bế tắc về lý thuyết và các hướng phát triển mới

Những năm 1960, hệ quan điểm của trường phái Chicago bị phân rã vì các nhà xã hội học không thể thoả mãn với những nghiên cứu các mặt riêng lẻ của đô thị. Con đường của nhận thức cần phải đi từ các nghiên cứu riêng lẻ để khái quát thành các nghiên cứu rông lớn hơn. Để khẳng định xã hội học đô thị như là một bộ môn khoa học độc lập, nó phải có đối tượng lý thuyết, hệ khái niệm và các phương pháp nghiên cứu riêng.

Hebert Gans (Mỹ) và R.E. Pahl (Anh) đã bác bỏ sự liên kết cần thiết giữa các đặc trưng đô thị phổ biến mà L. Wirth đã đưa ra (quy mô lớn, mật độ cao, sự khác loại về thành phần xã hội) với những lối sống đặc thù. Họ phê phán rằng, về mặt lý thuyết, cách tiếp cận như vậy sẽ dẫn đến chủ nghĩa tự nhiên, đề cao trở lại các đặc trưng vật thể của đô thị, coi đó là nguyên nhân chứ không phải là hậu quả của các quá trình xã hội. Từ đó dẫn đến kết luận sai lầm rằng, các khuôn mẫu của đời sống đô thị là do chính các đô thị tạo ra. Đây là sai lầm cả về thực nghiệm lẫn nhận thức luận được nêu ra trong các cuộc tranh luận về một lý thuyết xã hội học đô thị sau này.

Vào thời kỳ này, trong xã hội học đô thị Mỹ đã xuất hiện những quan điểm và tư tưởng mới. Nhiều nhà xã hội học đã không thoả mãn với xu hướng chỉ nghiên cứu những mảng riêng biệt của cơ cấu kinh tế và xã hội cuả các thành phố mà không nghiên cứu chúng một cách tổng thể. Có khá nhiều trường phái, quan điểm khác nhau trong nghiên cứu đô thị. Một số tác giả nhấn mạnh đến những điều kiện bên ngoài và cơ cấu xã hội như là những cái quyết định sự phát triển của thành phố. Số khác lại ưu tiên đề cập đến các giá trị văn hoá và quyền lực chính trị. Ngay trong nội bộ mỗi trường phái cũng không có sự thống nhất hoàn toàn trong các định hướng lý luận và phương pháp luận.

Cuộc tranh luận suốt thập kỷ 70 của thế kỷ XX xung quanh những vấn đề lý luận về xã hội học đô thị được xem là những cố gắng để vượt qua sự khủng hoảng về lý thuyết trong thời gian dài, khi mà một lý thuyết chủ đạo về xã hội học đô thị vẫn chưa định hình và được công nhận một cách triệt để.

Tuy nhiên, rốt cuộc thì cũng xuất hiện những cố gắng đưa ra một lý thuyết mới cho XHH Đô thị, bao gồm: Các luận thuyết Weber mới về giai cấp nhà ở, về giới quản lý đô thị, về cái gọi là XHH Đô thị "phi không gian" hoặc hướng tới sự phân chia ra cái gọi là "các khu vực tiêu dùng" và một quan điểm Mác-xít về đô thị như một không gian của sự "tiêu dùng tập thể".

Những quan điểm trên đã định hình nên một XHH Đô thị mới vào những năm 1970 với công trình nền tảng của Manuel Castell “The Urban Question” (Vấn đề đô thị), đánh dấu một giai đoạn mới trong lý luận và nghiên cứu đô thị.

Sau này Castell gần như đã rời bỏ quan điểm Mác-xít mới để chuyển sang một quan điểm ít kịch tính hơn về những tác động của các phong trào xã hội đô thị. Trong công trình “The Information City” (Thành phố Thông tin. 1989), ông luận giải rằng, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã đánh dấu một giai đoạn mới trong nền sản xuất TBCN và những mô hình phát sinh của sự phát triển đô thị và phát triển vùng. Công trình gần đây nhất của ông theo hướng tiếp cận này là cuốn sách "Information Society and the Welfare State. The Finish model" (Xã hội Thông tin và Nhà nước Phúc lợi. Mô hình Phần Lan) viết chung với một học giả người Phần Lan Pekka Hamanen (Oxford University Press, 2002).

Các phương hướng của XHH Đô thị mới sau này đã góp phần mở rộng các nghiên cứu về đô thị trên các chủ đề đa dạng như kinh tế học chính trị của sự phát triển đô thị và vùng, chính trị học đô thị, các phong trào xã hội ở đô thị, quan hệ giữa không gian và cơ cấu xã hội. Nhiều tài liệu cũng giới thiệu các quan điểm XHH chung hơn như: phân tầng xã hội, hành động xã hội, sự phân phối quyền lực…

Tuy nhiên, có thể nói rằng, cho đến nay, chưa một phương hướng lý luận nào sau này có thể sánh được với trường phái Chicago về mức độ ảnh hưởng tới xã hội học đô thị, cho dù ảnh hưởng của các tiếp cận Mác-xít mới còn khá mạnh.

Mặc dù vậy, trong quá trình đi tìm một môn XHH đô thị có sự phân định rõ về mặt lý thuyết, thì các nghiên cứu XHH Đô thị ứng dụng, thực nghiệm đã và đang có những đóng góp căn bản cho XHH nói chung cũng như cho các môn khoa học xã hội khác nữa.

Nói tóm lại, Xã hội học đô thị, mà tiêu biểu là Xã hội học Đô thị Mỹ, đã có một quá trình phát triển lâu dài gần một thế kỷ. Nét nổi bật của nó là khả năng thâm nhập và tìm hiểu các khía cạnh đa dạng của đời sống đô thị, với kho tàng phong phú các nghiên cứu thực nghiệm, với nhiều quan điểm, cách tiếp cận, trào lưu và trường phái khác nhau, nhiều kết quả trong việc phát triển hệ phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu và sử dụng các công cụ hiện đại với máy tính điện tử. Ở đây, có thể thấy rất nhiều cách tiếp cận phong phú và đa dạng mà các nhà xã hội học đô thị đã sử dụng để “tấn công”, phát hiện, tìm kiếm cách lý giải và giải pháp cho các vấn đề của đô thị ngày nay.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có cảm giác thiếu vắng những lý luận hoàn chỉnh, vững chắc hoặc một lý thuyết tổng thể về xã hội học đô thị. Nói một cách hình tượng, chúng ta có rất nhiều tri thức về đô thị nói chung hơn là hiểu về nó như một chỉnh thể. Và một tấm khảm sặc sỡ các nghiên cứu đơn lẻ, cho dù nó rộng lớn và đa dạng đến đâu, cũng chưa thể cho chúng ta hiểu đầy đủ về đô thị như một chỉnh thể. Có nghĩa là sự phát triển của môn XHH Đô thị về mặt lý thuyết vẫn đang còn là một chủ đề mở với rất nhiều hấp dẫn và thách thức ở phía trước.

Tài liệu tham khảo

1. Ernest W. Burgess. 1923. The growth of the city. An introduction to a research project. Publications of the American Socilogical Society. 18: 85-97.

2. Gideon Sjoberg. 1965. The origin and evolution of cities. Cities: A Scientific American book. N.Y.: Alfred A. Knopf.

3. GSO. 2000. Vietnam Population projection report 1999-2024. Statistical Publisher. Hanoi.