Xâm lượclà hành động của một nước (hoặc liên minh một số nước) sử dụng vũ lực hoặc các phương thức khác xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các giá trị khác của một nước (vùng lãnh thổ) nhằm thực hiện quyền thống trị đối với nước (vùng lãnh thổ) đó dưới các hình thức khác nhau.
Xâm lược là một hiện tượng chính trị - xã hội gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước, chiến tranh và quân đội. Thể chế nhà nước bóc lột coi xâm lược là một phương thức tồn tại, phát triển, là con đường nhanh chóng trở nên hùng mạnh để bá chủ khu vực, thế giới.
Hành động xâm lược bao gồm: bao vây, phong tỏa, tiến công quân sự hoặc các phương thức khác từ bên ngoài vào lãnh thổ của một nước khác. Quy mô, lực lượng tiến công cấp chiến lược, chiến dịch, bằng lục quân hoặc các quân, binh chủng; đánh chiếm và giữ một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ nước đối phương hoặc các phương thức khác có thời hạn hoặc không thời hạn.
Mục đích chính trị, nhằm thôn tính lãnh thổ nước khác, sáp nhập và mở rộng lãnh thổ quốc gia, văn hóa, kinh tế, xã hội trong thời gian dài. Về quân sự, tiêu diệt lực lượng vũ trang xóa bỏ các cơ sở quân sự, chế độ quân sự của nước đối phương, lập chính quyền quân sự nước bản địa để đàn áp phong trào nổi dậy của các lực lượng yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc. Về kinh tế để mở rộng thị trường, chiếm quyền khai thác tài nguyên và nhân lực, biến nước bại trận thành nơi sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa cho nước đi xâm lược. Về văn hóa là đồng hóa văn hóa, xóa bỏ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa chính quốc vào nước bị xâm lược.
Những hành vi bạo lực do lực lượng chính quy của một nước tiến hành (có tuyên chiến hoặc không tuyên chiến), sử dụng lực lượng vũ trang đột nhập hoặc tiến công vào lãnh thổ của nước khác; chiếm đóng quân sự (bất kể tạm thời hay lâu dài); sử dụng vũ lực để chiếm một bộ phận hoặc toàn bộ lãnh thổ nước khác; ném bom hay sử dụng bất kì loại vũ khí nào để tiến công vào lãnh thổ nước khác; sử dụng lực lượng vũ trang phong tỏa cảng biển và bờ biển, tiến công lực lượng hải, lục, không quân của nước khác; sử dụng lực lượng vũ trang đóng trên lãnh thổ nước khác theo thỏa thuận giữa hai nước song vi phạm các quy định của thỏa thuận hoặc tiếp tục ở lại sau khi kết thúc thời gian đóng quân, được coi là hành vi xâm lược trực tiếp. Những hành vi xâm lược tự phát của một nước hoặc do các nhóm, băng đảng vũ trang, lực lượng quân sự không chính quy, lính đánh thuê không thuộc lực lượng vũ trang một nước tiến hành, sử dụng vũ lực tương đương hành vi xâm lược, trực tiếp chống lại nước khác là xâm lược gián tiếp. Hành vi cho phép nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện hành vi xâm lược chống lại nước thứ ba là đồng lõa xâm lược.
Hiện nay, khái niệm xâm lược được mở rộng, không chỉ bằng “sức mạnh cứng” mà còn bằng cả “sức mạnh mềm”; không chỉ trong quân sự mà còn được sử dụng trong các lĩnh vực khác như kinh tế (xâm lược kinh tế), tư tưởng văn hóa (xâm lược văn hóa)... và chưa có sự thống nhất cao trong quan niệm giữa các quốc gia. Theo Nghị quyết số 3314 (29) của Đại hội đồng Liên hợp quốc: xâm lược là việc một quốc gia sử dụng vũ lực để chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác hoặc bằng một cách nào khác không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, là tội ác chống lại hòa bình thế giới và phải chịu trách nhiệm quốc tế; mọi lí do về chính trị, kinh tế, quân sự đều không thể biện minh cho hành vi xâm lược, mọi hành động chiếm đóng lãnh thổ hay lợi ích nào thu được từ xâm lược đều bị coi là bất hợp pháp.
Việt Nam luôn coi trọng giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, không sử dụng vũ lực hoặc de dọa dùng vũ lực trong các quan hệ quốc tế; giải quyết các tranh chấp với quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bao gồm đất liền, đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời; sẵn sàng sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Từ điển bách khoa quân sự Liên Xô, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
- Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Nà Nội, 2005.
- Quốc Hội, Luật quốc phòng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Thuật ngữ pháp luật quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009. (tr: 417- 419; 151, 152).
- Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2009, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr: 18 - 23.
- Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.