Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vua Charles I
Chân dung nhà vua, vẽ bởi Anthony van Dyck, 1636

Charles I (1600 - 1649) là vua của Anh, Scotland từ năm 1625 đến năm 1649, nổi tiếng là vị vua đối đầu gay gắt, tiến hành nội chiến với Nghị viện và bị đưa lên máy chém.

Sinh ngày 19.11.1600 tại cung điện Dunfermline (Scotland), trong gia đình Stuart, Charles I là con trai thứ hai của vua Scotland James VI và công nương Anne của Đan Mạch. Sau khi cha thừa kế ngai vàng Anh (với tên gọi James I) năm 1603, Charles I chuyển đến Anh và sinh sống chủ yếu ở đây cho đến cuối đời.

Từ nhỏ Charles I là một đứa trẻ có thể chất và tinh thần yếu ớt với vóc dáng nhỏ bé. Ông không được đánh giá cao như anh trai Henry Frederick Stuart nên bạn đầu không được lựa chọn kế vị ngai vàng ở Anh. Tuy nhiên, là con trai thứ hai của dòng họ Stuart, ông được phong làm Công tước Albany ở Scotland năm 1603, Công tước xứ York ở Anh năm 1605. Sau khi anh trai qua đời vì bệnh thương hàn vào năm 1612, Charles I đương nhiên trở thành người thừa kế ngai vàng. Tháng 11.1616, ông được phong làm Hoàng tử xứ Wales và Bá tước Chester.

Với sự tính toán và sắp xếp của cha và các cận thần, năm 1623 Charles I đã đến Tây Ban Nha để tìm kiếm cuộc hôn nhân với công chúa Tây Ban Nha như một động thái ngoại giao khi Chiến tranh Ba mươi năm bùng nổ. Tuy nhiên, do không đạt được các mục tiêu chính trị trong cuộc đàm phán với triều đình Tây Ban Nha nên cuộc hôn nhân bị hủy bỏ. Không thỏa thuận được với Tây Ban Nha, James I đã tìm cách thương lượng với Pháp và kết quả của nó là cuộc hôn nhân chính trị giữa Charles I và công chúa Henrietta Maria của vương triều Bourbon.

Sau khi kế vị vào năm 1625, giữa Charles I và Nghị viện Anh đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Charles I tin vào quyền lực tuyệt đối của các vị vua và quyết tâm cai trị nước Anh theo cách mình muốn. Điều này đã vấp phải sự phản đối của quý tộc mới và tư sản, đặc biệt là việc tự ý tăng thuế mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Cần tiền để tiến hành chiến tranh với Tây Ban Nha, để duy trì triều đình và trả các khoản nợ đáng kể của cha để lại, Charles I đã đề nghị Nghị viện cung cấp tiền, nhưng Nghị viện đã từ chối. Không dừng lại ở đó, năm 1628, Nghị viện yêu cầu Charles I phải chấp nhận Kiến nghị của Pháp luật, trong đó nhấn mạnh quyền lực hạn chế của nhà vua. Charles I coi đây là sự vi phạm về đặc quyền của nhà vua và từ chối nó. Thể hiện thái độ cứng rắn của mình trước sự chống đối của Nghị viện, năm 1629, ông giải tán Nghị viện và cai trị nước Anh trong suốt 11 năm sau đó mà không có Nghị viện. Bên cạnh đó, các chính sách tôn giáo và cuộc hôn nhân với một người Công giáo La Mã của Charles I đã tạo ra ác cảm và sự ngờ vực từ các nghị sỹ Thanh giáo, Giáo hội Scotland.

Với mong muốn áp đặt Giáo hội Scotland sử dụng Kinh cầu nguyện có nội dung gần giống Kinh cầu nguyện của Anh giáo đã dẫn đến sự bùng nổ cuộc Chiến tranh Giám mục năm 1638. Cuộc chiến tranh không thể kết thúc sớm như dự tính của Charles I đã đẩy nước Anh vào tình trạng khó khăn về kinh tế, tài chính. Không còn giải pháp tối ưu hơn, ngày 13.4.1640, Charles I đã phải triệu tập Nghị viện đề nghị cấp một khoản tài chính cho cuộc chiến ở Scotland. Tuy nhiên, Nghị viện đã chất vấn yêu cầu của Charles I và bị ông giải tán ngày 5.5.1640. Không đủ kinh phí để duy trì chiến tranh, theo đề xuất của các cố vấn, Charles I đã thương lượng và ký Hiệp ước hòa bình Rippon với Scotland vào tháng 10.1840. Theo đó, Scotland chiếm đóng Northumberland, Durham và Anh sẽ phải trả một khoản tiền cho họ. Tình thế cấp bách, Charles I buộc phải triệu tập lại Nghị viện. Ngày 3.11.1640, Nghị viện được triệu tập. Việc làm đầu tiên của Nghị viện là luận tội và bắt giam hai cố vấn của Charles I là William Laud và Bá tước Strafford – những người phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong cuộc chiến với Ssotland. Charles I đã nhượng bộ, chấp nhận Đạo luật ba năm, quy định việc triệu tập Nghị viện phải được thực hiện ít nhất là ba năm một lần. Thậm chí, sau đó ông cũng đồng ý không giải tán Nghị viện nếu không được sự cho phép của nó. Tuy nhiên, Charles I đã không chấp nhận được việc Nghị viện muốn kiểm soát nhiều hơn nữa quyền lực của nhà vua trong việc bổ nhiệm các sỹ quan chỉ huy quân đội, các thành viên nội các cũng như các chính sách đối ngoại, chính sách tôn giáo… bằng Dự luật Dân quân (tháng 3.1642) và Mười chín kiến nghị (tháng 6.1642).

Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng ở phía Bắc từ tháng 1.1642, tại Nottingham, ngày 22.8.1642, Charles I khẳng định quyền lực của nhà vua và tuyên chiến với Nghị viện Anh, bắt đầu cuộc nội chiến giữa lực lượng Bảo hoàng và Nghị viện. Mặc dù ban đầu quân đội của Charles I chiếm ưu thế, nhưng điều đó không kéo dài được bao lâu. Năm 1645, thất bại trong trận chiến Naseby, Charles I cố gắng chạy trốn đến Scotland, nhưng ông đã bị bắt và bị giao nộp cho Nghị viện Anh. Không từ bỏ nguyên tắc và niềm tin về quyền lực tuyệt đối của mình, ông đã tìm cách trốn thoát khỏi nơi giam cầm vào tháng 11.1647 và liên hệ với các thế lực Bảo hoàng ở Scotland tiếp tục tập hợp lực lượng chống lại Nghị viện. Tuy nhiên, lực lượng quân đội của Charles I không còn khả năng chiến thắng trước đội quân “sườn sắt” của Nghị viện. Cuối năm 1648, quân đội của ông lại thất bại và ông đã bị bắt. Charles I đã bị Nghị viện đưa ra xét xử và bị kết án xử tử vì tội muốn xóa bỏ các luật lệ và quyền tự do cổ xưa, cơ bản của nước Anh cùng tội đánh thuế tùy ý và gây nên cuộc nội chiến. Ngày 30.1.1649, ông bị đưa lên máy chém ở bên ngoài Nhà tiệc của cung điện Whitehall, London.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Đức Mãn, Lược sử nước Anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  2. Cust R, Charles I: A Political Life (Charles I: Đời sống chính trị), Harlow, 2005.
  3. David Cressy, Charles I and the People of England (Charles I và người dân Anh), Nxb. Đại học Oxford, 2015.