Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vladimir Prelog
Vladimir Prelog, khoảng năm 1945

Vladimir Prelog (1906 -1998) là một nhà hoá học đã đoạt giải Nobel hoá học năm 1975.

Tiểu sử[sửa]

Vladimir Prelog sinh ngày 23.7.1906 tại Sarajevo thuộc Bosnia, nơi trước đây thuộc nền đế chế Áo - Hung vào năm 1918, sau trở thành một phần của Nam Tư. Khi chiến tranh thế giới thứ Nhất bắt đầu, gia đình Prelog chuyển đến Zagreb, thủ đô của Croatia. Tại đây, sau khi học xong trung học, Prelog theo học hóa học tại Viện Công nghệ Czech tại Prague. Năm 1929 ông nhận bằng tiến sỹ dưới sự hướng dẫn của GS. Emil Votocek và người cố vấn Rudolf Lukes. Đúng vào thời điểm đã xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế nên việc tìm việc làm rất khó khăn, mãi đến năm 1935, ông mới xin được làm giảng viên tai Đại học Zagreb. Tại đây, ông cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi đã giải quyết được hầu hết các vấn đề của phòng thí nghiệm đặt ra. Sau một thời gian làm việc tại đó, ông nhận được lời mời của Leopold Ruzicka, cả gia đình ông đã chuyển sang Thụy Sỹ.

Thông qua Ruzicka, ông sớm được sự ủng hộ của công ty CIBA và bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học hữu cơ thuộc Viện Công nghệ Liên bang tại Zurich. Với sự hợp tác của Ruzicka, trong nhiều năm đã giúp ông thăng tiến từng bước một, Bắt đầu là trợ giảng, sau trở thành GS. năm 1952. Năm 1957, Prelog kế tục Ruzicka làm lãnh đạo phòng thí nghiệm, một vị trí mà ông chưa bao giờ mơ tới khi còn là sinh viên.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của Prelog là hợp chất tự nhiên, từ adamantine và alkaloid đến rifamycine và boromycine. Đối với các hợp chất tự nhiên, vấn đề hóa học lập thể nổi lên ở mọi khía cạnh mà ông rất quan tâm.

Ông thành lập gia đình năm1933, sinh được một người con trai năm 1949. Ông qua đời ngày 7 tháng 1 năm 1998.

Giải Nobel hoá học[sửa]

Năm 1975, giải Nobel Hóa học được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao cho GS. Vladimir Prelog, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ về công trình “Nghiên cứu về hóa học lập thể các phân tử và phản ứng hữu cơ”.

Hoá lập thể là bộ môn nghiên cứu cấu hình của các hợp chất hóa học và ảnh hưởng của cấu trúc không gian đến tính chất của những phân tử và khả năng phản ứng của chúng. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để hiểu biết thế giới các hợp chất hữu cơ ở mức độ hóa sinh cơ bản nhất.

Cahn - Ingold - Prelog (CIP) là quy tắc trình tự, được lấy tên của các nhà hóa học hữu cơ Robert Sidney Cahn, Christopher Kelk Ingold và Vladimir Prelog - còn gọi là quy tắc ưu tiên CIP, hệ thống hoặc quy ước. Đó là một quy trình tiêu chuẩn được sử dụng trong hóa học hữu cơ để đặt tên chính xác và rõ ràng một đồng phân lập thể của một phân tử. Mục đích của hệ thống CIP là gán bộ mô tả R hoặc S cho mỗi tâm lập thể và bộ mô tả E hoặc Z cho mỗi liên kết đôi để có thể xác định cấu hình của toàn bộ phân tử duy nhất bằng cách bao gồm các bộ mô tả trong tên có hệ thống của nó. Đây cũng là danh pháp CIP, được dùng để xác định cấu hình tuyệt đối của các nguyên tử carbon phi đối xứng trong một phân tử hữu cơ. Quy tắc CIP quy định về thứ tự độ ưu tiên của các nhóm trong việc xác định cấu hình.

Một ví dụ về mức độ ưu tiên của cấu trúc bên trong hệ thống CIP: mức độ ưu tiên được chỉ định theo sự thay thế của các nguyên tố có số hiệu nguyên tử cao hơn, hoặc các nhóm kèm theo khác; màu đỏ là nhóm thế xác định mức độ ưu tiên cuối cùng

Quy tắc CIP gồm một số điểm chính như sau:

  • Số hiệu nguyên tử lớn hơn thì ưu tiên hơn.
  • Nếu là đồng vị thì đồng vị có số khối lớn hơn ưu tiên hơn.
  • Nếu có đồng phân hình học thì Z > E.
  • Nếu có đồng phân quang học thì ưu tiên…

Quy tắc trình tự CIP góp phần vào việc đặt tên chính xác mọi đồng phân lập thể của mọi phân tử hữu cơ và cơ kim.

Những đóng góp của Vladimir Prelog là đã đặt danh pháp cho các chất có cấu hình không gian, mô tả chính xác vị trí của chúng, dùng phương pháp nhiễu xạ tia X để xác định cấu hình của nhiều phân tử hữu cơ và nêu ảnh hưởng của cấu hình đến tính chất của một chất. Dựa trên những suy luận của mình, Prelog đã tổng hợp được các hợp chất vòng chứa từ 8 đến 12 nguyên tử carbon và đưa ra một số quy luật về sự hình thành các đồng phân lập thể.

Nghiên cứu của Prelog và Cornforth (người cũng được giải Nobel năm 1975 với “Các công trình về hóa học lập thể của các phản ứng xúc tác enzyme”) bổ sung cho nhau, làm hóa học lập thể có cơ sở lý thuyết vững chắc. Minh họa cho lý thuyết ấy là quá trình tổng hợp cholesterol. Để từng bước tổng hợp cholesterol, Hai ông và các đồng nghiệp đã tìm ra phương pháp giảm dần những nguyên tử carbon trong vòng 19 của cholesterol, bằng phương pháp nguyên tử đánh dấu, có thể sắp xếp các phân tử acid acetic, từ đó, cấu trúc lại hệ. Khi đã nắm vững các giai đoạn trung gian sẽ vạch ra các bước để đi đến sản phẩm cuối cùng. Cholesterol là hợp chất sinh hóa có công thức chung C27H45OH, thuộc họ sterol có trong máu, mô não, gan, mật, thành phần chính của thành động mạch, sỏi mật… có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa hormone sinh dục. Thừa cholesterol gây ra một số bệnh, đặc biệt là tim mạch (thường gọi là bệnh mỡ máu). Nghiên cứu quá trình tạo thành cholesterol có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị loại bệnh này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Quốc Tín, Các nhà Hoá học được giải Nobel, Nxb. Giáo dục 2012.
  2. P.T. Cleve, Les Prix Nobel en 1901, Nxb. Royale, Stockholm 1904.
  3. James, Laylin K, Nobel Laureates in Chemistry, 1901-1992, American Chemical Society & Chemical Heritage Foundation, Nxb. Washington DC. 1993.