Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vi Xương Huy

Vi Xương Huy (1826 - 1856) là một trong những lãnh tụ của Thái Bình Thiên Quốc, chỉ được phong là Bắc vương.

Vi Xương Huy quê ở thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ông ra trong một gia đình địa chủ, ít học, từng đi thi vài lần, nhưng không đậu. Năm 1848, dưới ảnh hưởng của Phùng Vân Sơn, ông gia nhập Hội thượng đế, trở thành một trong những trung thần của Tiêu Triều Quý. Tháng 1.1850, ông được Hồng Tú Toàn tôn làm Hậu hộ hựu phó quân sư, là chủ tướng của Hữu quân. Tháng 12.1851, trong đợt phong vương tại Vĩnh An, ông được Hồng Tú Toàn gia phong là Bắc vương, xưng Lục thiên tuế. Năm 1853, Vi Xương Huy được giao nhiệm vụ phụ trách phòng thủ cho Thiên Kinh.

Năm 1854, Nhị thừa tuyên của Bắc điện là Trương Tử Bằng gây biến ở thuỷ doanh. Nhận được tin báo, Dương Tú Thanh lập tức đến Bắc vương phủ, phạt Vi Xương Huy mấy trăm trượng, Trương Tử Bằng 1000 trượng. Vì chuyện này mà Vi Xương Huy bất mãn với Dương Tú Thanh. Dương Tú Thanh cũng nhiều lần lấy danh nghĩa “Thiên phụ” để hạ nhục Vi Xương Huy.

Mùa hè năm 1856, dưới sự chỉ huy của Dương Tú Thanh, nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc đại phá được cuộc bao vây tấn công Thiên Kinh của hai đại doanh trại Giang Bắc, Giang Nam của quân Thanh. Sau sự kiện này, Dương Tú Thanh lại càng sinh kiêu ngạo. Ông buộc Hồng Tú Toàn phải phong cho mình làm “Vạn tuế”, có ý muốn được ngang quyền với Hồng Tú Toàn. Yêu cầu này khiến Hồng Tú Toàn không thể chấp nhận được, quyết định phải trừ Dương Tú Thanh.

Năm 1856, Hồng Tú Toàn mật lệnh cho Vi Xương Huy đến Thiên Kinh, giết Dương Tú Thanh và toàn thể gia quyến. Ngày 1.9.1856, Vi Xương Huy đem 3000 tinh binh, giữa đêm hội quân cùng Yến vương Tần Nhật Cương ngoài thành. Đến rạng sáng ngày 2.9.1856, Vi Xương Huy cho bao vây Đông vương phủ, giết chết Dương Tú Thanh và toàn bộ gia quyến. Tiếp đó, được sự cho phép của Hồng Tú Toàn, Vi Xương Huy mượn cớ tìm bắt “Đông đảng” thẳng tay chém giết. Trong vòng mấy ngày, Vi Xương Huy đã giết chết hơn hai vạn tướng sĩ của Thái Bình Thiên Quốc. Tháng 11.1856, Dực vương Thạch Đạt Khai đang ở Vũ Xương hay tin vội về Thiên Kinh có ý trách Vi Xương Huy giết quá nhiều người vô tội. Hai bên trở nên bất đồng. Nửa đêm, Thạch Đạt Khai trốn ra ngoài thành, nhưng Vi Xương Huy đã giết sạch gia quyến và thuộc hạ trong Dực vương phủ.

Hành động của Vi Xương Huy làm cho toàn thể tướng sĩ của Thái Bình Thiên Quốc đều phẫn nộ, Thạch Đạt Khai từ An Khánh khởi binh đánh Vi Xương Huy. Lúc này, đại đa số quân Thái Bình Thiên Quốc ngoài Thiên Kinh đều ủng hộ Thạch Đạt Khai. Trong tình thế cấp bách, Vi Xương Huy phải đánh vào Thiên vương phủ, cuối cùng bị tướng sĩ trung thành với Thiên vương và những thuộc hạ còn lại của Đông vương đánh bại. Vi Xương Huy bị giết, xác bị treo lên cổng thành. Con cái ông sau đó bị cắt hết tước vị.

Vi Xương Huy từng tham gia trực tiếp các trận đánh, vì vậy ít nhiều ông cũng có những năng lực nhất định trong tác chiến. Về mặt chính trị, trong thời gian ở Thiên Kinh, ông đã xử lý các công việc hàng ngày và chịu trách nhiệm trực tiếp và là người thực hiện những quyết sách của Dương Tú Thanh. Ông là người có công lớn trong những ngày đầu thành lập Thái Bình Thiên Quốc. Tuy nhiên, ông vừa là người có tâm kế, vừa là người có tham vọng. Vì vậy, trong quá trình tranh đoạt quyền lực trong nội bộ nghĩa quân, Vi Xương Huy đã phạm sai lầm là giết hại rất nhiều tướng sĩ vô tội, gây tổn thất nghiêm trọng cho phong trào Thái Bình Thiên Quốc. Sự thất bại của Thái Bình Thiên Quốc sau này có một phần trách nhiệm của Vi Xương Huy.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. Cát Kiếm Hùng (chủ biên), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
  3. 太平天国历史博物馆编,太平天国文书汇编,中华书局,1979年 (Bảo tàng lịch sử Thái Bình Thiên Quốc, Thái Bình Thiên Quốc văn thư hội biên, Trung Hoa thư cục, 1979).
  4. 钟文典,太平天国人物,广西人民出版社,1984年 (Chung Văn Điển, Nhân vật Thái Bình Thiên Quốc, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1984).