, viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý biển, vật lý hải dương và các lĩnh vực khác có liên quan.
VĐCĐVLB được thành lập trên cơ sở Phân Viện Hải dương học tại Hà Nội theo Quyết định số 747/QĐ- KHCNVN ngày 02.6.2005 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện được nâng cấp thành viện cấp quốc gia, theo Nghị định số 62/2008/NĐ-CP, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1107/QĐ-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trước đây, Phân viện Hải dương học tại Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Vật lý địa cầu ứng dụng (1989) và Trung tâm Nghiên cứu Địa chất biển (1989), theo quyết định số 53/KHCNQG-QĐ ngày 22.6.1993 của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia. Trụ sở của viện: 18 Hoàng Quốc Việt, Quận Từ Liêm, Hà Nội (Hình 1). Website: http://imgg.vast.vn/
Viện có 1 Viện trưởng, 2 Phó viện trưởng 11 phòng chuyên môn, 1 Trung tâm Dữ liệu khoa học và công nghệ biển và phòng Quản lý tổng hợp, 2 trạm nghiên cứu tại Tam Đảo và đảo Trường Sa. Ngoài trụ sở chính, VĐCĐVLB còn có trạm nghiên cứu hỗn hợp Tam Đảo, đóng tại Tam Đảo (Hình 1).
VĐCVĐLB có nhiệm vụ
a) Về nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản về biển: nghiên cứu môi trường địa chất và các loại tai biến tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu địa động lực và cấu trúc sâu của vỏ Trái đất phục vụ tìm kiếm khoáng sản và xây dựng các công trình biển; nghiên cứu các trường địa vật lý phục vụ an ninh quốc phòng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; nghiên cứu vật lý khí quyển và vật lý hải dương phục vụ xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, dự báo và phòng chống giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên và năng lượng biển cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế biển; điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, khoáng sản vùng biển Việt Nam và vùng kế cận.
b) Về phát triển công nghệ: ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng dụng công nghệ cao vào thăm dò, khai thác, xây dựng và bảo vệ các công trình biển và đảo; thu thập, cập nhật các nghiên cứu mới nhất về Biển Đông phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền lãnh hải; xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ biển phục vụ nghiên cứu, quy hoạch và phát triển kinh tế biển; triển khai và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới về biển vào sản xuất, kinh doanh; liên doanh, liên kết và hợp tác nghiên cứukhoa học, triển khai công nghệ biển với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước
c) Tham gia thẩm định trình độ khoa học và công nghệ, luận chứng kinh tế, kỹ thuật các công trình biển quan trọng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
d) Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan
e) Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan
g) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan
h) Quản lý về tổ chức, bộ máy, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
i) Quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước
k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch giao.
VĐCĐVLB là đơn vị tiên phong trong khảo sát nghiên cứu khoa học trên biển, đặc biệt trong các chuyến khảo sát quốc tế: với Pháp trong lĩnh vực kiến tạo Biển Đông trên tàu Attalant năm 1993, với Đức trong lĩnh vực trầm tích và môi trường Biển Đông trên tàu SONNE (các năm 1999, 2006), với Hoa Kỳ về châu thổ ngầm đồng bằng sông Cửu Long (năm 2013, 2014), với Philippines Viện đã chủ trì bốn chuyến khảo sát (2000, 2003, 2005 và 2007) trong khảo sát định kỳ JOMSRE-SCS. Lần đầu tiên lấy được khoáng sản rắn (vỏ Fe-Mn) ở độ sâu trên 1500 m bằng tàu khảo sát của Việt Nam (2019).
VĐCĐVLB là đơn vị tham gia chính trong Đề án Nhà nước CSL07 (2008-2009) về xây dựng các báo cáo về ranh giới thềm lục địa theo Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Viện chủ trì biên soạn và xuất bản bộ Atlas (2007) về “Điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và kế cận” bao gồm 61 bản đồ về địa chất, khoáng sản, sinh học biển và hải dương học, khí tượng thủy văn biển (Hình 2).
Viện chủ trì hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về KHCN biển: 3 Hội nghị khoa học địa chất biển toàn quốc (2008, 2013 và 2019); các tiểu ban KHCN Biển trong các Hội nghị KHCN Biển toàn quốc (2005, 2010, 2015); Hội nghị Hợp tác quốc tế về nghiên cứu Biển Đông (2012).
Viện phối hợp tổ chức các khóa đào tạo với Úc về dữ liệu biển (1997- 1999); với Pháp về kiến tạo Biển Đông (2000); với Nhật Bản về sự phát triển châu thổ (2007); với CHLB Đức về thềm lục địa (2006, 2008); với Hoa Kỳ về châu thổ ngầm (2005, 2012); và với Trung Quốc về sự phát triển châu thổ (2016-2018).
Trong mười lăm năm xây dựng và phát triển, viện đã nhận được nhiều phần thưởng: 4 Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong Đề án CSL07 (2009); Cờ thi đua Chính phủ (2012); Huân chương Lao động hạng Ba (2013); Bằng khen của Chính phủ (2019).
Hình 1. Tòa nhà chính của Viện ĐC&ĐVL Biển tại 18 HQV và Trạm nghiên cứu hỗn hợp Tam Đảo
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu của Phân Viện hải dương học tại Hà Nội năm 2000.
2. Kỷ yếu của Viện Địa chất và Địa vật lý biển năm 2013.
3. Kỷ yếu của Viện Địa chất và Địa vật lý biển năm 2019.