Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng khoang tai giữa, phía sau màng nhĩ. Các biểu hiện điển hình của bệnh là đau, chóng mặt và mất một phần thính giác
Mô tả[sửa]
Ống tai ngoài là ống dẫn từ lỗ bên ngoài của tai đến màng nhĩ. Phía sau màng nhĩ là một khoang được gọi là tai giữa. Trong tai giữa có ba xương nhỏ là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Âm thanh (dưới dạng dao động) gây ra rung động màng nhĩ, qua hệ thống các xương nhỏ truyền dao động đến một cấu trúc ở tai trong, cấu trúc này sẽ gửi thông tin đến não bộ để xử lý.
Mũi hầu là phần ở phía sau mũi, nơi không khí đi qua để đến phổi. Vòi nhĩ là một ống chạy giữa tai giữa và mũi hầu. Một trong những chức năng của vòi nhĩ là giữ cho áp suất không khí trong tai giữa bằng với áp suất bên ngoài. Điều này cho phép màng nhĩ và hệ thống xương con dao động một cách thích hợp để việc nghe diễn ra bình thường.
Hầu hết trẻ em từng ít nhất một lần bị viêm tai giữa. Trẻ trong độ tuổi từ sáu tháng đến sáu tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Trẻ em có nguy cơ cao hơn đối với bệnh viêm tai giữa bao gồm các bé trai, trẻ ở các gia đình nghèo, trẻ bị hở hàm ếch hoặc các dị tật khác của cấu trúc đầu và mặt, trẻ em bị hội chứng Down. Tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ bị viêm tai giữa cũng như các bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ em khi đến trường có nguy cơ bị viêm đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh cao hơn, và do đó có nhiều trường hợp viêm tai giữa hơn. Mùa đông và mùa xuân là thời điểm trẻ hay mắc bệnh viêm tai giữa cũng là thời điểm phổ biến của bệnh viêm đường hô hấp trên.
Viêm tai giữa nếu không điều trị tốt thường dẫn đến ứ đọng dịch trong tai, tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng. Ứ đọng dịch trong tai giữa có thể gây suy giảm thính lực nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển giọng nói bình thường ở trẻ nhỏ.
Ở người lớn, viêm tai giữa cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng như liệt dây thần kinh mặt. Quá trình hồi phục sau những biến chứng này có thể mất từ hai tuần đến ba tháng.
Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]
Tác nhân gây bệnh viêm tai giữa là do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn là chủ yếu, virus chỉ chiếm 15% các trường hợp. Vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất là Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenza và Moraxella catarrhalis.
Viêm tai giữa cũng có thể do các sinh vật gây bệnh khác, bao gồm Bordetella pertussis, tác nhân gây bệnh ho gà và Pneumocystis carinii, thường gây ra các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân AIDS.
Trẻ em có vòi nhĩ nằm ngang và ngắn hơn nên các vật từ mũi hầu (bao gồm cả các vi sinh vật gây bệnh) có thể dễ dàng xâm nhập vào tai giữa. Trẻ em cũng có nhiều tổ chức bạch huyết xung quanh vòi nhĩ. Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, các tổ chức này to ra làm tắc vòi nhĩ. Khi vòi nhĩ bị tắc, tai giữa bị ứ đọng dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến bệnh.
Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa cấp tính xảy ra khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau tai và các vấn đề về thính giác, trẻ sơ sinh có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc. Khi có một lượng dịch đáng kể trong tai giữa, cơn đau tăng lên và thay đổi theo tư thế. Nằm xuống làm tăng áp lực trong tai giữa, do đó trẻ có thể quấy khóc nếu không được giữ đứng thẳng. Màng nhĩ có thể bị thủng gây chảy máu và mủ màu vàng qua lỗ thủng chảy ra ngoài, khi đó áp lực trong tai giảm làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Những tiến bộ gần đây trong việc lập bản đồ gen đã giúp phát hiện ra các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ. Các nhà nghiên cứu đang hy vọng việc phát triển các xét nghiệm sẽ giúp xác định trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán viêm tai giữa thường đơn giản bằng cách khám màng nhĩ bằng kính soi tai. Màng nhĩ xung huyết, có thể bị kéo vào trong hoặc phồng ra ngoài một cách bất thường. Mờ các mốc giải phẫu như cán xương búa và nón sáng.
Bình thường, khi thổi vào tai sẽ làm rung động màng nhĩ. Trong trường hợp tai giữa bị viêm, có dịch ứ đọng phía sau màng nhĩ, sự rung động của màng nhĩ bị giảm đi nhiều. Dịch mủ trong tai được nuôi cấy để xác định căn nguyên gây bệnh.
Điều trị[sửa]
Điều trị bằng thuốc[sửa]
Thuốc kháng sinh được sử dụng cho việc điều trị bệnh viêm tai giữa cấp tính. Lựa chọn thuốc kháng sinh theo kháng sinh đồ hoặc theo kinh nghiệm dựa trên loại trên vi khuẩn có khả năng gây bệnh nhất và phổ tác dụng của kháng sinh. Sử dụng dung dịch ofloxacin 0,3% tại chỗ đã được khuyến cáo là một loại thuốc hiệu quả hơn các loại thuốc kháng sinh uống hoặc thuốc kháng sinh bôi khác. Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc co mạch tại chỗ để cải thiện chức năng vòi nhĩ. Kết hợp thêm các thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm viêm để làm giảm các triệu chứng cơ năng.
Điều trị bằng phẫu thuật[sửa]
Nên chủ động rạch màng nhĩ để dẫn lưu dịch mủ trong tai giữa ra ngoài. Lỗ thủng do rạch màng nhĩ thường tự lành trong khoảng một tuần. Rạch màng nhĩ bằng dao hoặc sử dụng laser để giảm thiểu tối đa tổn thương, vết rạch sẽ lành nhanh hơn so với màng nhĩ tự rách.
Mặc dù một số bác sĩ đã khuyến nghị loại bỏ các tổ chức bạch huyết ở xung quanh vòi nhĩ để ngăn ngừa viêm tai giữa tái phát ở trẻ nhỏ, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phẫu thuật cắt bỏ tổ chức này dường như không mang lại bất kỳ lợi ích nào để ngăn ngừa bệnh.
Các phương pháp thay thế[sửa]
Dị ứng thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa và cần phải loại bỏ các thực phẩm gây dị ứng khỏi chế độ ăn uống.
Một số phương pháp điều trị bằng thảo dược đã được khuyến cáo, bao gồm thuốc nhỏ tai chiết xuất từ cây hải cẩu vàng (Hydrastis canadensis), thảo bản bông vàng (Verbascum thapsus), cây ban âu (Hypericum perforatum), và hoa cúc tím (Echinacea spp.). Trong số các loại thảo mộc thường được khuyên dùng để điều trị viêm tai giữa bằng phương pháp uống có cúc tím và cây vấn vương (Galium aparine), hoặc cây thiên ma (Cimicifuga racemosa) và bạch quả (Ginkgo biloba). Một số các dùng khác bao gồm cây phụ tử (Acontium napellus), Ferrum phosphoricum, cây cà độc dược, cây cúc La Mã, cây thạch tùng, cây phong thảo (Pulsatilla nigricans).
Tiên lượng[sửa]
Bệnh viêm tai giữa được xử trí kịp thời có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, chất dịch tích tụ lâu dài trong tai giữa là nguy cơ gây khó khăn cho việc nghe và nói, và sự tái phát của bệnh. Nếu không điều trị, viêm tai giữa có thể dẫn đến biến chứng viêm xương chũm.
Phòng ngừa[sửa]
Cho con bú bằng sữa mẹ cung cấp kháng thể bảo vệ chống lại viêm đường hô hấp trên, do đó có thể chống lại sự phát triển của bệnh viêm tai giữa. Nếu trẻ bú bình, cha mẹ nên cho trẻ bú thẳng đứng, thay vì để trẻ nằm ôm bình sữa. Thực hiện các biện pháp vệ sinh tốt (đặc biệt là rửa tay) làm giảm số ca nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ. Nên tránh hoặc hạn chế sử dụng núm vú giả. Chúng có thể như những vật truyền bệnh, đặc biệt là trong môi trường nhà trẻ.
Hai loại vắc xin hay được sử dụng để phòng bệnh viêm tai giữa là vắc xin phòng bệnh do nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenza type B và Streptococcus pneumonia, hai nguyên nhân rất phổ biến của viêm tai giữa. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao là đối tượng thích hợp để tiêm chủng các loại vắc xin này. Một báo cáo đồng thuận gần đây giữa các bác sĩ nhi khoa đã khuyến nghị sử dụng định kỳ vắc xin phòng Streptococcus pneumonia cho trẻ em dưới hai tuổi, cũng như những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tai giữa.
Một loại vắc xin khác để phòng bệnh cúm có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm tai giữa ở trẻ em. Mặc dù vắc xin cúm không ngăn ngừa viêm tai giữa trực tiếp, nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em được tiêm chủng trước khi bắt đầu mùa cúm ít có nguy cơ mắc viêm tai giữa hơn 43% so với trẻ không được tiêm chủng.
Tính đến đầu năm 2014, chưa có vắc xin nào có hiệu quả phòng bệnh do M. catarrhalis. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để phát triển một loại vắc xin như vậy, cũng như một loại vắc xin kết hợp chống lại cả ba tác nhân gây bệnh thường gặp trên.
Trẻ sau khi điều trị bệnh viêm tai giữa cần được tái khám để đánh giá về sự tích tụ của chất dịch trong tai giữa. Ở những trẻ em có nguy cơ tái phát viêm tai giữa, cần nhỏ thuốc kháng sinh hàng ngày có thể ngăn ngừa các đợt viêm tái phát nhiều lần. Ở những trẻ có dịch dai dẳng, một thủ thuật đặt các ống nhỏ vào trong màng nhĩ có thể giúp cân bằng áp lực giữa tai giữa và bên ngoài, do đó ngăn ngừa sự tích tụ các chất dịch.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Shin, Jennifer, Christopher Hartnick, and Gregory Ran- dolph,eds. Evidence—Based Otolaryngology. NewYork: Springer, 2010.
- Abes, G., N. Espallardo, M. Tong, et al. “A Systematic Review of the Effectiveness of Ofloxacin Otic Solution for the Treatment of Suppurative Otitis Media.” ORL 65 (March-April 2003): 106-116.
- Bucknam, J. A., and P. C. Weber. “Laser Assisted Myrin- gotomy for Otitis Media with Effusion in Children.” ORL-Head and Neck Nursing 20 (Summer2002): 11-13
- Cripps, A. W., and J. Kyd. “Bacterial Otitis Media: Current Vaccine Development Strategies.” Imnlunology and Cell Biology 81 (February 2003): 46-51.
- Decherd, M. E., R. W. Deskin, J. L. Rowen, and M. B. Brindley.“Bordetella pertussis Causing Otitis Media: A Case Report.” Laryngoscope 113 (February2003): 226-227.
- Goodwin, J. H., and J. C. Post. “The Genetics of Otitis Media.”Current Allergy and Asthma Reports2(July 2002): 304-308.
- Phạm Khánh Hòa. Tai mũi họng, Bộ y tế, Nhà xuất bản giáo dục, 2010.