Mục từ này cần được bình duyệt
Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng nhiễm khuẩn của ruột thừa do vi khuẩn trong lòng ruột thừa phát triển. Viêm ruột thừa rất hiếm khi tự khỏi, có xu hướng phát triển nặng lên, nếu không được xử lý ruột thừa viêm có thể vỡ gây viêm màng bụng, nguy hiểm đến tính mạng.

Dịch tễ học[sửa]

Viêm ruột thừa là một cấp cứu bụng ngoại khoa hay gặp nhất,. Bệnh thường gặp ở tuổi vị thành niên và trưởng thành, ít gặp ở người già và hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Viêm ruột thừa ở tuổi dưới 25 nam gặp nhiều hơn nữ, sau 25 tuổi tỷ lệ này ngang nhau. Trung bình cứ 1.000 người dân có 1 người bị viêm ruột thừa. Tỷ lệ viêm ruột thừa của người dân sống ở thành phố cao hơn ở nông thôn. Viêm ruột thừa phổ biến ở tất cả các chủng tộc và dân tộc, không phụ thuộc vào các yếu tố nòi giống, địa lý. Tuy vậy có sự liên quan của viêm ruột thừa với nhiễm sắc thể 1p37.3. Có khoảng 1 người trong 100,000 người sinh ra không có ruột thừa; cũng có vài trường hợp hiếm thấy có 2 ruột thừa.

Mô tả[sửa]

Ruột thừa có đường kính trung bình 4-6 mm, dài 6-12 cm, bám vào đáy manh tràng. Ruột thừa có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch và chống nhiễm khuẩn. Tuy vậy ruột thừa rất dễ bị viêm và khi viêm bắt buộc phải cắt bỏ. Triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa là đau bụng dưới bên phải, kèm theo nôn và sốt, xét nghiệm máu bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao. Các triệu chứng nặng dần. Sau 48 giờ nếu không được điều trị, ruột thừa viêm xưng to sẽ vỡ gây viêm phúc mạc đe dọa trực tiếp cuộc sống bệnh nhân.

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân viêm ruột thừa là do tắc nghẽn trong lòng ruột thừa. Sự tắc nghẽn này có thể do hệ thống nang lem phô trong lòng ruột thừa xưng to bít miệng ruột thừa, do niêm dịch trong lòng ruột thừa cô đặc lại, do sỏi phân, thức ăn thừa, do ký sinh trùng như giun đũa…Sau khi bị tắc vi khuẩn trong lòng ruột thừa phát triển gây viêm. Chế độ ăn không cân đối ít rau, nhiều thịt, táo bón cũng là các yếu tố thuận lợi cho viêm ruột thừa.

Triệu chứng[sửa]

Không có một hay một nhóm triệu chứng đặc hiệu cho viêm ruột thừa mà tất cả người bệnh đều có, vì viêm ruột thừa có nhiều hình thái khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng dưới rốn bên phải chiếm 80-90%, số còn lại có thể đau ở bụng trên bên phải, dưới rốn, thậm chí ở bụng bên trái. Thường là đau âm ỉ, liên tục, đau tăng lên trong những giờ sau. Kèm theo đau có thể là buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón. Sốt là triệu chứng hay gặp, thường trên dưới 38 độ.

Chẩn đoán[sửa]

Chẩn đoán viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng nêu trên. Ngoài ra khám bụng vùng dưới rốn bên phải có một điểm đau cố định và thành bụng căng cứng. Thăm trực tràng có thể giúp chẩn đoán. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu đa nhân trung tính. protein S100A8/9 tăng cao. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ đều có giá trị cao trong chẩn đoán viêm ruột thừa, với tỷ lệ phát hiện bệnh và độ chính xác của chẩn đoán trên 95%.

Chẩn đoán viêm ruột thừa khá khó khăn. Chỉ có khoảng một nửa số ca bệnh có biểu hiện những triệu chứng điển hình. Nửa số ca còn lại chỉ có những triệu chứng ít đặc trứng, đặc biệt là ở phụ nữ có thai, người già và trẻ sơ sinh. Một số nguyên nhân làm chẩn đoán phức tạp là sự đa dạng của tổn thương ruột thừa và vị trí bất thường của ruột thừa.

Điều trị[sửa]

Phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp duy nhất và triệt để đối với viêm ruột thừa, loại bỏ khả năng ruột thừa viêm vỡ đe dọa tính mạng người bệnh. Có hai phương pháp cắt ruột thừa. Phương pháp mổ mở: vào ổ bụng bằng một đường rạch dài 6-8 cm ở bụng dưới bên phải người bệnh. Tìm ruột thừa và cắt bỏ nó ở gốc. Mỏm ruột thừa được buộc tại gốc và có thể được khâu vùi. Ngày nay khoảng 90% ruột thừa viêm được cắt bằng phẫu thuật nội soi. Bằng 3 đường rạch nhỏ ở bụng từ 1 đến 1,5 cm, bác sỹ phẫu thuật đưa các dụng cụ chuyên biệt vào ổ bụng để cắt ruột thừa. Phẫu thuật nôi soi có ưu điểm ít gây sang chấn cho người bệnh, vì vậy ít đau sau mổ, hồi phục sức khỏe nhanh và thời gian nằm viện ngắn.

Sau mổ nên vận động sớm trên giường và tập đi sau 24 giờ. Bệnh nhân có thể được dùng kháng sinh và thuốc giảm đau nhóm opioid hoặc nhóm chống viêm không steroid. Ăn uống bình thường sau 2-3 ngày khi có trung tiện.

Tiên lượng[sửa]

Hầu hết những trường hợp cắt ruột thừa chưa vỡ tiến triển rất tốt sau mổ. Thời gian nằm viện từ 2-5 ngày, hồi phục sức khỏe hoàn toàn từ 2-6 tuần. Biến chứng sau mổ khoảng 5%. Những trường hợp viêm ruột thừa vỡ có biến chứng sau mổ nhiều hơn ruột thừa chưa vỡ 10 lần. Tỷ lệ tử vong mổ viêm ruột thừa rất thấp khoảng 0,2-0,8 %. Hầu hết các trường hợp tử vong là do biến chứng của viêm phúc mạc. Tỷ lệ tử vong cao ở người viêm ruột thừa vỡ, trẻ em và người già. Biến chứng muộn của mổ viêm ruột thừa là dính ruột, tắc ruột do dính và dây chằng

Phòng bệnh[sửa]

Có một số bằng chứng cho thấy những người có thói quen ăn nhiều chất xơ thì ít có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột thừa hơn những người ăn chế độ ít chất xơ. Tỷ lệ chất xơ cao trong thành phần chế độ ăn giúp hệ tiêu hóa hoạt động kết quả hơn, giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn ruột thừa. Vận động cơ thể thường xuyên, chống táo bón cũng góp phần giảm nguy cơ tắc nghẽn ruột thừa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Bách khoa tự điển Việt nam, Tự điển bách khoa Việt nam, tập 4, Nxb Tự điển bách khoa Hà nội, 2005, Tr. 873-874.
  • Bộ môn ngoại Trường Đại học y Hà nội, Bệnh học ngoại khoa, Tập 1, Nxb Y học, 2001,Tr. 119-134.
  • Bộ Y tế, Bách khoa thư bệnh học, Tập 1, Nxb Trung tâm Quốc gia biên soạn Tự điển bách khoa Việt nam Hà nội, 1991, Tr. 358-364.
  • Jacqueline L. Longe The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum 1, 2015, Tr 488-492
  • C.Sabiston, Texbook of surgery, Volum 2, 2001, Tr.918-926