Viêm da dị ứng (tên khoa học Eczema) là một thuật ngữ chung để mô tả một loạt các tình trạng gây ngứa và phát ban trên da. Viêm da dị ứng là một dạng của eczema, bệnh không lây, triệu chứng điển hình là da bị viêm mãn tính và đôi khi ngứa dữ dội.
Mô tả[sửa]
Viêm da dị ứng có mối liên hệ với một loạt các bệnh thường liên quan đến căng thẳng và dị ứng đường hô hấp như hen suyễn. Mặc dù bệnh viêm da dị ứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em và thanh niên. Các triệu chứng thường giảm bớt trước 25 tuổi và không ảnh hưởng đến sức khỏe chung của bệnh nhân.
Khoảng 1/10 trẻ sơ sinh mắc một dạng viêm da dị ứng được gọi là bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Với biểu hiện điển hình là da bị rỉ nước và đóng vảy, bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện nhất trên mặt và da đầu. Tình trạng này thường cải thiện trước khi trẻ lên 2 tuổi và các biện pháp y tế có thể kiểm soát các triệu chứng cho đến thời điểm đó.
Đối với trẻ lớn, tình trạng viêm, phồng rộp, rỉ dịch và đóng vảy ít rõ rệt hơn. Các vết loét của bệnh nhân trở nên khô, chuyển từ màu đỏ sang màu nâu xám, da có thể dày lên và đóng vảy. Ở những người da ngăm đen, tình trạng này có thể khiến da sáng lên hoặc sạm đi. Triệu chứng ngứa thường tăng lên về ban đêm, đôi khi ngứa dữ dội đến mức bệnh nhân gãi cho đến khi vết loét chảy máu gây ra sẹo và nhiễm trùng.
Viêm da dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số Hoa Kỳ, và khoảng 80% những người mắc bệnh có một hoặc nhiều người thân mắc cùng một tình trạng tương tự. Các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn ở phụ nữ. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện trên bất kỳ phần nào của da và các mảng đóng vảy dày trên ngón tay, lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân có thể tồn tại trong nhiều năm. Ở thanh thiếu niên và thanh niên, viêm da dị ứng thường xuất hiện ở các vùng như: nếp nhăn ở khuỷu tay, phía sau đầu gối, mắt cá chân, cổ tay, mặt, cổ, lòng bàn tay và giữa các ngón tay.
Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]
Viêm da dị ứng là kết quả của hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hoặc một khiếm khuyết di truyền khiến da bị mất độ ẩm bất thường. Tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn bởi một vòng xoắn bệnh lý trong đó ngứa da, bệnh nhân gãi, tình trạng xấu đi, ngứa nặng hơn, bệnh nhân gãi,…Có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách giảm ngứa để da có thời gian lành lại. Da bị tổn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao gây khó khăn cho việc điều trị.
Các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng bao gồm:
- Phát ban ngứa và khô, dày lên ở những vùng da ẩm
- Gãi ngứa liên tục
- Mệt mỏi kéo dài, mất ngủ vào ban đêm do ngứa
Người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị viêm da dị ứng, hen suyễn hay các bệnh dị ứng khác có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh có thể bùng phát khi tiếp xúc với các yếu tố sau:
- Nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Len và vải tổng hợp
- Chất tẩy rửa, chất làm mềm vải và hóa chất
- Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch
Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đậu phộng, sữa bò, trứng và cá có thể gây ra các triệu chứng của viêm da dị ứng. Một số trường hợp có triệu chứng nặng lên sau khi tiếp xúc với bụi, gối lông vũ, vải có kết cấu thô hoặc các vật liệu khác mà bụi bám vào.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán viêm da dị ứng thường dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân và tiền sử sức khỏe bản nhân và gia đình. Các test trên da thường không có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán.
Điều trị[sửa]
Viêm da dị ứng không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh. Nên gặp bác sĩ da liễu khi các triệu chứng lần đầu tiên xuất hiện và nên tắm nước ấm để giảm tình trạng đóng vảy ở da, sau đó thoa thêm sáp dưỡng ẩm hoặc chất dầu dưỡng thực vật để giữ độ ẩm cho da.
Steroid dạng bôi có thể làm giảm bớt triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều kem steroid có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển ở trẻ nhỏ . Steroid tại chỗ cũng có thể gây ngứa, rát, nổi mụn, rạn da, mỏng da và nám da. Bôi steroid tại chỗ vào khu vực xung quanh mắt có thể gây ra bệnh tăng nhãn áp.
Thuốc kháng histamine dạng uống có thể làm giảm các triệu chứng của dị ứng do viêm da dị ứng. Nên dùng kết hợp với steroid bôi tại chỗ cho các triệu chứng dai dẳng. Thuốc an thần nhẹ có thể được kê đơn để giảm căng thẳng và giúp bệnh nhân dễ ngủ, và thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng thứ phát.
Nên hạn chế sử dụng thuốc mỡ cortisone và không bao giờ được dùng các chế phẩm mạnh lên vùng mặt, bẹn hoặc nách. Theo dõi thường xuyên những bệnh nhân sử dụng cortisone dạng bôi để kiểm soát các triệu chứng lan rộng ra các vùng da xung quanh. Cortisone đường uống có thể được kê đơn nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, nhưng bệnh nhân dùng thuốc trong hơn hai tuần có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ khi ngừng điều trị.
Tiêm ngừa dị ứng thường không cải thiện tình trạng viêm da dị ứng và đôi khi làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Dị ứng thực phẩm có thể gây ra viêm da dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Trong trường hợp bệnh nặng có chỉ định điều trị bằng liệu pháp quang học với tia cực tím, bệnh nhân nên quấn khăn ướt để giúp da giữ ẩm. Kỹ thuật này được sử dụng thường xuyên nhất với trẻ em. Vùng mặt của bệnh nhân cần được phủ bằng gạc ướt và quấn bằng băng thun, chân mang tất ướt được phủ bằng tất khô.
Các biện pháp thay thế[sửa]
Các phương pháp điều trị viêm da dị ứng khác bao gồm:
- Bấm huyệt giúp giảm đau, giảm căng thẳng, ngăn ngừa bênh tái phát
- Trị liệu bằng hương thơm, sử dụng các loại tinh dầu như hoa oải hương, cỏ xạ hương (Thymus vulgaris), hoa nhài (Jasminum officinale) và hoa cúc (Matricaria recutita) pha với nước ấm
- Thủy trị liệu: sử dụng nước, nước đá, dung dịch và xông hơi, để kích thích hệ thống miễn dịch
- Tập Yoga để tạo ra cảm giác thư thái
Thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày giúp giảm bớt tình trạng bệnh, bao gồm:
- Thường xuyên đi bộ nhanh, sau đó là tắm nước ấm có tinh dầu oải hương (Lavandula officinalis); dầu oải hương có tác dụng làm thư giãn cho toàn bộ cơ thể bao gồm cả da.
- Bổ sung chế độ ăn uống hàng ngày với kẽm, dầu cá, vitamin A, vitamin E và dầu hoa anh thảo (Oenothera biennis) - là các nguồn dưỡng chất tốt cho da
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ và các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng như sữa bò, đậu phộng, lúa mì, trứng và đậu nành.
- Giảm căng thẳng trong đời sống hằng ngày.
Tiên lượng[sửa]
Bệnh viêm da dị ứng diễn biến khó lường. Mặc dù các triệu chứng xảy ra ít thường xuyên hơn theo tuổi tác và đôi khi biến mất hoàn toàn nhưng chúng có thể tái phát mà không có dấu hiệu cảnh báo. Viêm da dị ứng làm giảm khả năng chống nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Khoảng 60% bệnh nhân viêm cơ địa sẽ thuyên giảm triệu chứng trong suốt cuộc đời của họ.
Phòng ngừa[sửa]
Trẻ cai sữa mẹ trước bốn tháng tuổi có nguy cơ mắc viêm da dị ứng gấp ba lần các trẻ khác. Trẻ sơ sinh nên được che chắn khỏi các chất gây kích ứng như mạt, nấm mốc, lông thú cưng và khói.
Các cách có thể để ngăn ngừa bệnh tái phát bao gồm:
- Loại bỏ các hoạt động gây ra nhiều mồ hôi.
- Tránh tiếp xúc với len, nước hoa, chất làm mềm vải, xà phòng làm khô da và các chất gây kích ứng khác.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Cần đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu:
- Sốt hoặc ngứa không ngừng trong một đợt bùng phát.
- Phát ban không giải thích được ở một người có tiền sử bản nhân hoặc gia đình mắc bệnh eczema hoặc hen suyễn.
- Có biểu hiện nhiễm trùng vùng da tổn thương.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- American Academy of Dermatology, PO Box 4014, Schaumburg, IL, 60168-4014, Fax: (847) 240-1859, (866) 503-SKIN (7546), http://www.aad.org.
- Nguyễn Văn Út. Bài giảng bệnh gia liễu, trường đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản y học, 2002.