Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vụ tập kích Sơn Tây

Vụ tập kích Sơn Tây (Vụ tập kích thị xã Sơn Tây, 20.11.1970), là vụ tập kích đường không của lực lượng đặc biệt Mỹ nhằm giải thoát một số phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam, được cho là bị giam giữ tại một địa điểm ở ngoại vi thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).

Giữa năm 1970, lợi dụng việc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho phép phái đoàn hoà bình Mỹ sang thăm và gặp gỡ một số phi công Mỹ bị bắt khi tham gia đánh phá miền Bắc Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã bí mật vạch kế hoạch mang mật danh “Kingpin” nhằm giải thoát cho số phi công Mỹ được cho là bị giam giữ ở trại giam Sơn Tây. Kế hoạch tập kích do Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và Bộ Quốc phòng Mỹ trực tiếp chỉ đạo, được chuẩn bị công phu và tổ chức huấn luyện thuần thục trên đất Mỹ, có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng biệt kích và phản động nội địa hoạt động bí mật ở miền Bắc Việt Nam. Thông qua các hoạt động thu thập tin tức tình báo, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị địa hình mô phỏng khu vực trại giam như thực địa để huấn luyện, đồng thời tuyển lựa và thành lập lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ tập kích. Lực lượng này được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, đặc chủng và có quyền huy động cao nhất sự hỗ trợ của các lực lượng hải quân, lục quân, không quân trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Sau gần 6 tháng chuẩn bị và tổ chức huấn luyện, bảo đảm tuyệt đối bí mật, Tổng thống Mỹ Nichxơn trực tiếp ra lệnh thực hiện tập kích, mục tiêu được xác định chính thức là trại giam ở khu vực ngoại vi tx Sơn Tây.

Theo kế hoạch, đêm 20 rạng 21.11.1970 lực lượng đặc nhiệm Mỹ gồm 56 người, do Đại tá Simôn chỉ huy, được chở bằng 6 máy bay trực thăng cất cánh từ một căn cứ bí mật, dùng cách bay thấp và lợi dụng địa hình che khuất để tránh bị phát hiện, từ hướng tây theo dãy núi Ba Vì đột nhập khu vực vùng trời thị xã Sơn Tây. Cùng thời gian, các lực lượng hoạt động “ngầm” ở nội địa cũng phối hợp hoạt động, bí mật cắt đứt toàn bộ hệ thống đường dây thông tin liên lạc giữa các cơ quan, đơn vị quân đội trong khu vực Sơn Tây và các khu vực xung quanh; đồng thời, lực lượng không quân và hải quân Mỹ được lệnh tăng cường hoạt động ở vùng biển Hải Phòng, thả pháo sáng ở các khu vực đảo Vạn Hoa và đảo Long Châu để nghi binh, đánh lạc hướng sự chú ý theo dõi của lực lượng phòng không miền Bắc. Ngoài ra, để yểm trợ và bảo đảm an toàn cho máy bay trực thăng chở lực lượng làm nhiệm vụ tập kích tiếp cận mục tiêu ở tầng thấp, không quân Mỹ còn sử dụng các tốp máy bay tiêm kích F-4 bay ở tầng trung, theo đường bay từ hướng tây nam lên tây bắc Hà Nội (như vẫn thường bay vào đánh phá Hà Nội), làm nhiệm vụ nghi binh và sẵn sàng chế áp máy bay MiG hoặc hoả lực phòng không của miền Bắc Việt Nam.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, khoảng 2 giờ 4 phút ngày 21.11 các máy bay trực thăng chở lực lượng đặc biệt Mỹ tiếp cận chính xác mục tiêu mà không bị phát hiện, sau đó chia thành 2 bộ phận đổ bộ xuống các khu vực được dự kiến trước, trong đó bộ phận chủ yếu đổ bộ xuống khu vực trại giam làm nhiệm vụ đánh chiếm trạm biến thế điện, lục soát nhà giam và tổ chức chốt chặn ở cầu sông Tích đề phòng lực lượng vũ trang Việt Nam tiến công từ phía đông. Đồng thời, một bộ phận khác được đổ bộ xuống khu vực Đền Và và khu vực nhà máy đường ở phía tây trại giam, nhằm tạo thế bao vây, yểm trợ và phối hợp với nhau, đề phòng bị tiến công. Cuộc tập kích của lực lượng đặc biệt Mỹ vào khu vực trại giam diễn ra theo kịch bản, nhưng không giải cứu được phi công, do trước đó các phi công Mỹ bị bắt đã được phía Việt Nam di chuyển đến nơi khác. Sau gần 1 giờ bắn phá các mục tiêu trong trại giam và khu vực lân cận, làm chết và bị thương một số thường dân, lực lượng đặc biệt Mỹ buộc phải rút lui, kết thúc cuộc tập kích sau khi nổ mìn phá huỷ 1 máy bay trực thăng HH-3E do trục trặc kỹ thuật không cất cánh được. Vụ tập kích Sơn Tây là hành động mạo hiểm, diễn ra trên địa bàn nằm sâu trong nội địa và lần đầu tiên được Mỹ tiến hành trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

Đối với phía Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuy Mỹ không giải cứu được phi công và không bị gây nhiều thiệt hại, nhưng Vụ tập kích Sơn Tây đã để lại bài học kinh nghiệm về tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang và lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong đối phó với kẻ thù xâm lược. Cụ thể, tại thời điểm diễn ra vụ tập kích, vào lúc 2 giờ 8 phút ngày 21.11 rađa đã phát hiện nhiều tốp máy bay F-4 hoạt động ở tầng trung và thông báo trên mạng tình báo quốc gia; sau đó Sư đoàn Phòng không 361 lệnh các đơn vị vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu, nhiều đơn vị tên lửa phát hiện máy bay địch, nhưng tham số lớn không đánh được. Đặc biệt, Tiểu đoàn 41 (Trung đoàn Tên lửa 263) phát hiện có máy bay trực thăng bay dọc theo dãy núi Ba Vì lên hướng Sơn Tây, nhưng lại cho là máy bay của ta nên không đánh; sau đó Trường sĩ quan Phòng không ở Sơn Tây cũng phát hiện máy bay trực thăng đang hoạt động trong khu vực, nhưng không báo cáo kịp thời với cấp trên do đường dây hữu tuyến bị cắt đứt, thông tin vô tuyến chưa đến giờ liên lạc. Mặc dù trong thời gian từ 2 giờ 39 phút đến 2 giờ 52 phút ngày 21.11.1970, hai tiểu đoàn 43, 44 thuộc Trung đoàn Tên lửa 263 đã bắn rơi 2 máy bay F-4 của Mỹ ở khu vực vùng trời diễn ra Vụ tập kích Sơn Tây, nhưng đây là trận chiến đấu không thành công, để lại bài học lớn cho các lực lượng phòng không và nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. (1.188 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1-Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2015.
  2. Đặng Vương Hưng, ký sự “Sự thật về vụ tập kích cứu Phi công Mỹ tại Sơn Tây”, Báo An ninh Thủ đô, 2014.
  3. Đặng Vương Hưng, Phi công Mỹ ở Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.2015.
  4. http://warfarehistorian.blogspot.com/2019,02/son-tay-berets-vietnam-war-pow-rescue.
  5. Schemmer, Benjamin F. (Lê Trọng Bình, Lâm Hải Hồ biên dịch), Vụ tập kích Sơn Tây, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.2005 (tham khảo nội bộ).