Vụ khủng bố 11 tháng 9 ở Mỹ (11.9.2001), là ), các vụ tiến công liều chết do tổ chức khủng bố quốc tế Al Qeada tiến hành trên lãnh thổ Mỹ.
Al Qeada là một tổ chức vũ trang bắt nguồn từ những người Hồi giáo Sunni do Osama bin Laden thành lập. Mục tiêu của tổ chức này là thanh lọc sự ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ ra khỏi các quốc gia Hồi giáo, đồng thời thiết lập luật Hồi giáo. Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan 1979, Osama bin Laden đồng sáng lập tổ chức MAK (Maktab Al-Khiamat) chuyên tuyển dụng, điều phối và cung cấp tài chính cho các chiến binh thánh chiến chống quân đội Liên Xô tại Apganixtan. Năm 1989, bin Laden tách khỏi MAK và thành lập mạng lưới Al Qeada có mặt ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong những năm 90, thế kỉ XX, Al Qeada tổ chức nhiều cuộc tiến công khủng bố vào các mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài, điển hình như vụ đánh bom ở Aden (Yemen) ngày 29.12.1992, Trung tâm Thương mại thế giới (Mỹ, 1993), Đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi (1998), tiến công tàu khu trục USS Cole (Yemen, 2000). Năm 1996, bin Laden còn lên kế hoạch ám sát tổng thống Mỹ Clinton tại Manila khi ông đang tham dự Hội nghị Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương… Cùng với các vụ tiến công, vào năm 1996, bin Laden cùng một số phần tử thánh chiến lên kế hoạch tiến công vào các trung tâm quyền lực của Mỹ như: Lầu năm góc, Nhà trắng, Trung tâm thương mại thế giới … Thực hiện mưu đồ đó, bin Laden tìm cách tuyển mộ và huấn luyện binh lính. Cuối 1999, một nhóm người gốc Arập từ Hamburg (Đức) đến Afghanistan và được bin Laden tuyển mộ, nhiều người trong số họ từng tham gia cuộc chiến tranh tạiAfghanistan và Checnhia (Nga). Từ tháng 3 đến tháng 12.2000, nhiều thành viên trong nhóm khủng bố đã tham gia và tốt nghiệp các khóa đào tạo phi công tại các trường hàng không của Mỹ ở California và Nam Phlorida. Cuối tháng 4.2001, nhóm khủng bố lần lượt đến Mỹ chuẩn bị các vụ khủng bố vào các mục tiêu đã định.
Sáng 11.9.2001, gần như cùng một lúc, 19 không tặc lên các chuyến bay hành khách nội địa để thực hiện âm mưu khủng bố. 8 giờ 45 phút (giờ New York), trên chuyến bay số 11 của hãng hàng không American Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế Logan (Boston) đi sân bay quốc tế Los Angeles, 5 không tặc xông vào buồng lái, giành quyền kiểm soát máy bay. Mohamet Atta, một thành viên Al Qeada được đào tạo phi công đã lái máy bay đâm vào toà tháp phía bắc (tháp số 1) của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC). Với 38 nghìn lít xăng máy bay, chiếc Boing 767-223ER biến thành một quả bom lửa thiêu đốt toà tháp, làm nó sụp đổ sau 102 phút.
9 giờ 3 phút, chuyến bay số 175 của hãng hàng không United Airlines bị 5 không tặc khống chế, cho máy bay đâm vào toà tháp phía nam (tháp số 2); toà tháp sụp đổ sau 56 phút; 9 giờ 37 phút một nhóm 5 không tặc khác khống chế chuyến bay số 77 của hãng American Airlines, đâm vào cạnh phía tây Lầu năm góc tạo thành cột khói đen bốc cao hàng trăm mét. Lầu Năm góc báo động khẩn cấp và ra lệnh sơ tán. Chuyến bay số 93 của hãng United Airlines rời sân bay quốc tế Nioac đi San Francisco chậm 42 phút so với lịch trình. 9 giờ 24 phút, đội bay nhận được thông tin từ kiểm soát không lưu yêu cầu cảnh giác với hành động xâm nhập buồng lái sau khi Trung tâm Thương mại thế giới bị tấn công. Nhưng 4 phút sau, 4 thành viên không tặc sử dụng dao và đe doạ có bom, chiếm được máy bay. Nhiều hành khách sử dụng điện thoại di động gọi cho người thân dưới mặt đất nên biết được kết cục của các chuyến bay số 11, 175, 77. Một số hành khách tấn công nhóm không tặc trong buồng lái. 10 giờ 03 phút, chiếc máy bay đã đâm xuống Somerset bang Pennsylvania làm tất cả những người trên máy bay thiệt mạng, nhưng hành động dũng cảm của họ đã ngăn chặn bọn khủng bố thực hiện âm mưu tấn công vào Tòa nhà Quốc hội (điện Capiton).
Vụ khủng bố tại Mỹ làm chết 2.977 người (không tính 19 thành viên khủng bố không tặc), bị thương gần 6 nghìn người; hơn 90 quốc gia có công dân chết tại Trung tâm Thương mại thế giới. Ngoài toà tháp đôi 110 tầng còn có 45 toà nhà khácbị phá huỷ hoặc hư hại nghiêm trọng. Vụ khủng bố đã gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ: thị trường chứng khoán Mỹ mất 1.400 tỉ đôla sau một tuần đóng cửa; hoạt động hàng không suy giảm 20%; 3 tháng tiếp theo, thành phố New York mất 430 nghìn việc làm và 2,8 tỉ đô la... Ngay sau vụ tấn công, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở chiến dịch điều tra và đi đến kết luận Al Qeada với thủ lĩnh bin Laden là thủ phạm chính của vụ khủng bố. Gần một tháng sau vụ tấn công, Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế chống khủng bố tấn công quân sự vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban bị cáo buộc chứa chấp tổ chức khủng bố Al Qeada, phối hợp với Pakistan bắt giữ hàng trăm thành viên Al Qeada, trong đó có kẻ chủ mưu của vụ khủng bố, Sec Mohamet. 22 giờ 30 phút (giờ Pakistan) ngày 30.4.2011, lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden đang lẩn trốn ở thành phố Abbottabat (Pakistan). Vụ khủng bố 11.9 đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình quốc tế. Cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa khủng bố trở thành mặt trận nóng bỏng diễn ra trên nhiều châu lục. Nhiều nước lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác khiến tình hình thế giới trở nên căng thẳng. Sau vụ khủng bố 11.9. 2001 ở Mỹ, dưới danh nghĩa chống khủng bộ, nhiều cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ đã nổ ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- GS,TS Trần Hữu Tiến: Về sự kiện ngày 11 tháng 9, Tạp chí lý luận chính trị, 2/2002.
- Sự kiện 11 tháng 9, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- .Bối cảnh lịch sử sự kiện 11 tháng 9, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- Viện Chiến lược và Khoa học công an, Báo cáo của Ủy ban 11 tháng 9, (Tài liệu tham khảo) Hà Nội. 2005.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2015, tr.1107-1108.