Định nghĩa
Vắc xin phòng cúm dùng trong tiêm phòng nhằm bảo vệ con người chống lại nhiễm virus cúm. Sự bảo vệ là không hoàn toàn vì virút cúm có thể đột biến. Vắc xin phòng cúm được thay đổi mỗi năm để điều trị chủng cúm đang hiện có. Tiêm chủng nhắc lại nên được khuyến cáo hàng năm.
Mô tả
Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch lớn. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 0,5-1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Hầu hết trường hợp cúm tử vong xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim, phổi hoặc những bệnh gây suy yếu hệ thống miễn dịch.
Vắc xin cúm chứa các virút cúm không còn khả năng gây bệnh. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Sau khi tiêm ngừa khoảng hai tuần thì Vắc xin có hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, một số trường hợp (1-5% số người chích ngừa cúm) sau khi tiêm ngừa vẫn bị cúm. Nguyên nhân có thể do cơ địa không đáp ứng với Vắc xin, hoặc do bảo quản Vắc xin không đúng, hoặc do nhiễm typ virút cúm khác vì Vắc xin ngừa cúm hiện nay chỉ phòng được những virút cúm thông thường là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và một typ cúm B. Cần lưu ý các Vắc xin tiêm ngừa cúm mùa hiện nay không thể bảo vệ con người chống lại virút cúm A/H5N1 cũng như chủng cúm mới xuất hiện là H7N9. Tuy nhiên, khi chưa có Vắc xin ngừa cúm H5N1, H7N9 cho người. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm thông thường cho tất cả mọi người vì người bệnh sau khi mắc cúm sẽ bị suy giảm miễn dịch nên dễ nhiễm các bệnh khác như viêm phổi và cúm H5N1. Ngoài ra, nếu một người bệnh đang mắc bệnh cúm thông thường mà lại nhiễm thêm virút cúm H5N1 thì hai loại virút này có thể kết hợp với nhau tạo nên một biến thể mới, khiến việc lây truyền cúm từ người sang người mạnh hơn. Từ đó sẽ gây ra đại dịch cúm
Tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để được bảo vệ khỏi bị cúm. Ở các khu đô thị lớn với tỉ lệ cao của người chưa được tiêm chủng, có khả năng xảy ra dịch cúm; Do đó, việc cải thiện tỷ lệ tiêm chủng chung là rất cần thiết. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người cao tuổi chọn tiêm phòng nói chung có sức khoẻ tốt hơn những người không tiêm, vì vậy nên xây dựng các chiến lược kiểm soát cúm để hướng tới mục tiêu vào những người không được chủng ngừa.
Có hai loại vắc-xin cúm: thuốc dùng đường tiêm và thuốc xịt. Thuốc tiêm cúm bao gồm các virút cúm bất hoạt (bị giết) và được tiêm vào cơ. Với thuốc xịt, vắcxin cúm sống, suy yếu (LAIV) được xịt vào lỗ mũi, nhưng loại Vắc xin này không được khuyến cáo cho những người trên 49 tuổi. Vắcxin chích và vắc xin xịt chứa ba loại vi-rút cúm: hai loại virút A và một loại virut loại B. Các chủng virut trong vắc xin thay đổi hàng năm dựa trên số liệu giám sát quốc tế của các ca bệnh cúm và các ước tính của các nhà khoa học về loại virút và chủng virút sẽ phổ biến trong mùa cúm sắp tới. Khi các chủng có trong vắc-xin tương thích tốt với các chủng có trong cộng đồng, Vắc xin thường có thể bảo vệ 7-9 trong số 10 người được tiêm phòng. Ở người cao tuổi, Vắc xin có thể không hoạt động tốt trong việc ngăn ngừa cúm, nhưng sẽ làm giảm mức độ trầm trọng của triệu chứng và nguy cơ biến chứng về sức khoẻ.
Tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng đối với những người không có sức khoẻ tốt. Việc tiêm chủng được khuyến cáo cho những người gặp khó khăn khi nuốt hoặc thở, đang được điều trị bằng steroid kéo dài, hoặc những người bị đau tim, bệnh tim, bệnh phổi như hen, khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính, tiểu đường, HIV, rối loạn máu, thiếu máu tế bào lưỡi liềm hoặc các bệnh huyết khối khác, bệnh thận hoặc gan, hoặc các hệ thống miễn dịch suy yếu. Những cá nhân có các tình trạng như vậy có nguy cơ gia tăng các biến chứng nghiêm trọng do cúm. Những người có nguy cơ cao bị biến chứng và những người chưa chủng ngừa cúm vào mùa thu hoặc mùa đông trước đó phải được chủng ngừa trước khi đi du lịch tới vùng nhiệt đới, đi du lịch với các nhóm du lịch hoặc đi du lịch tới Nam bán cầu trong suốt tháng Tư đến tháng Chín.
Liều khuyến cáo
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo các nhóm sau nên được tiêm phòng chống cúm theo mùa: Trẻ em từ 6 tháng tới 19 tuổi, phụ nữ có thai, người cao tuổi trên 50 tuổi, người có các vấn đề về sức khỏe mạn tính , nhân viên y tế, người chăm sóc hoặc sinh sống với trẻ dưới 5 tuổi, người chăm sóc hoặc sống cùng với người có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng từ cúm, người khỏe mạnh ở bất cứ độ tuổi nào muốn giảm khả năng nhiễm cũm, đặc biệt sống ở ký túc xá hay các doanh trại quân đội.
Tất cả những người từ 50 tuổi trở lên đều phải tiêm một liều tiêm bắp Vắc xin cúm theo mùa bất kỳ mỗi năm. Các cá nhân từ 2-49 tuổi có thể dùng thuốc xịt hơn là thuốc tiêm. Lý tưởng nhất là tiêm vắc xin nên xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến giữa tháng 11, nhưng tiêm chủng sau đó vẫn có thể gây tác dụng. Cúm có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ tháng 11 đến tháng 5 ở bán cầu bắc, với trường hợp thường đạt đỉnh điểm vào tháng Giêng hoặc tháng Hai. Vắc-xin cúm có thể được tiêm cùng với các loại vắc-xin khác một cách an toàn, bao gồm vắc-xin phế cầu.
Thận trọng
Những đối tượng sau không nên tiêm phòng cúm nếu không có sự hướng dẫn của cán bộ y tế, bao gồm: Dị ứng nghiêm trọng với trứng gà, phản ứng nghiêm trọng với vắc xin phòng cúm trước đó, tiền sử mắc hội chứng Barre-Guillain (một bệnh hiếm gây ra yếu hoặc tê liệt cơ) trong vòng 6 tuần sau khi tiêm phòng cúm
Thêm vào đó, người có bệnh ốm từ trung bình tới nặng kèm theo sốt nên đợi cho tới khi khỏi bệnh trước khi tiêm phòng cúm.
Thời gian tạo ra tác dụng bảo vệ khoảng 2 tuần sau khi tiêm phòng, và kéo dài tác dụng bảo vệ tới 1 năm.
Tác dụng không mong muốn
Mặc dù nguy cơ mà vắc xin phòng cúm có thể gây ra tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hoặc tử vong là rất nhỏ và nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ từ virút cúm. Tương tự như các thuốc khác, vắc xin có thể gây ra phản ứng dị ứng với thuốc. Bởi vì trong vắc xin chứa các virút chết, do vậy không ai có thể nhiễm cúm từ viêm phòng vắc xin. Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra kéo dài từ 1-2 ngày bao gồm: Đau, sung đỏ, kích ứng vị trí tiêm, sốt nhẹ, nhức mỏi cơ, cảm giác mệt mỏi, chảy nước mũi, chó thở, khò khè, đau họng .
Hầu hết các vấn đề nghiêm trọng có thể liên quan tới vắc xin phòng cúm là các phản ứng dị ứng đe dọa tới tính mạng. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong vài phút cho tới vài giờ sau khi tiêm. Nên ở lại trung tâm y tế khoảng 15 phút sau khi tiêm phòng, trong trường hợp các phản ứng có hại có thể xảy ra, bao gồm: phát ban, khó thở, hoặc sưng cổ họng, lưỡi, hoặc môi. Nếu phản ứng nghiêm trọng xảy ra sau khi đã rời khỏi phòng khám, thì nên đưa ngay người đó đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tỉ lệ xảy ra phản ứng bất lợi như vậy xảy ra ước tính dưới 1 trên một triệu người.
Tương tác
Chưa có báo cáo vắc xin phòng cúm có thể tương tác với bất cứ loại thuốc hay thực phẩm nào.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jacqueline L. Longe, The Gale encyclopedia of Medicine 5th Edition, , pp. 2714-2717.
2. ‘‘Flu.’’ MedlinePlus. April 7, 2010. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/flu.html
3. ‘‘Flu Vaccine (Influenza Immunization).’’ MedicineNet.com. November 2, 2009. http://www.medicinenet.com/flu_vaccination/article.htm
4. ‘‘Vaccines.’’ Centers for Disease Control and Prevention (CDC). March 30, 2010. http://www.cdc.gov/vaccines
5. Centers for Disease Control and Prevention (CDC), 1600 Clifton Road, Atlanta, GA, 30333, (404) 639-3534, 800-CDC-INFO (800-232-4636). TTY: (888) 232-6348, [email protected], http://www.cdc.gov.
6. World Health Organization, Avenue Appia 20, 1211 Geneva 27, Switzerland, +22 41 791 21 11, Fax: +22 41 791 31 11, [email protected], http://www.who.int.