hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng xe buýt có các điểm dừng đón, trả khách và phương tiện chạy theo biểu đồ vận hành.
Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt là loại hình VTHKCC phổ biến nhất hiện nay. Xe buýt đầu tiên được đưa vào khai thác ở thủ đô Luân Đôn (Anh) vào năm 1900. Đặc điểm nổi bật cơ bản của ô tô buýt là có tính cơ động cao, thích ứng với những tuyến có công suất luồng hành khách không lớn lắm. Ô tô buýt đóng vai trò chủ yếu ở những thành phố có quy mô vừa và nhỏ, những vùng đang xây dựng và phát triển.
VTHKCC bằng xe buýt là loại hình VTHKCC thông dụng nhất trong hệ thống VTHKCC. Nó đóng vai trò chủ yếu trong vận chuyển hành khách ở những vùng đang phát triển của thành phố, những khu vực trung tâm và đặc biệt là ở những thành phố cổ.
Ưu điểm chính của VTHKCC bằng xe buýt là tính linh hoạt, dễ thích nghi với những thay đổi về hình dạng phát triển của thành phố, thay đổi nhu cầu về số lượng và chất lượng. Nếu cần, những tuyến đường xe buýt hiện tại chỉ qua một đêm có thể sửa đổi. Những tuyến xe buýt mở rộng hoặc tuyến mới có thể được áp dụng nhanh chóng và với một chi phí tương đối thấp ... Hệ thống thông qua với công suất và tốc độ tương đối lớn gồm các xe buýt có kích thước tiêu chuẩn, mỗi xe chở được gần 80 hành khách, có khả năng chở tới 10 000 hành khách/ giờ trong làn giao thông hỗn hợp. Hệ thống gồm những xe buýt lớn hơn với sức chở 120 hành khách hoặc hơn nữa, hoạt động trong cùng điều kiện trên, có thể chở tới 15 000 hành khách/ giờ. Tốc độ khai thác trong làn giao thông hỗn hợp có thể đạt trong khoảng 12km/ giờ.
Kinh nghiệm phát triển giao thông của các đô thị trên thế giới cho thấy ở các thành phố có quy mô dân số từ 20 000 100 000 người thì ô tô buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân
Nhược điểm của hình thức vận tải này là năng lực vận chuyển không cao, gây ô nhiễm môi trường, năng suất vận chuyển thấp, tốc độ khai thác còn thấp (12 15 km/h) và giá thành tương đối cao. Tuy nhiên ô tô buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Thuật ngữ xe buýt được thể hiện như sau:
+ Ô tô buýt: Là loại ô tô khách (passinger car) có kết cấu và trang bị dùng để chở người và hành lý mang theo, có số chỗ ngồi lớn hơn 9 bao gồm cả ghế của người lái. Ô tô buýt có thể có 1 hoặc 2 bảng điều khiển và cũng có thể kéo theo 1 toa moóc.
+ Ô tô mini buýt: Là loại ôtô buýt chỉ có 1 bảng điều khiển duy nhất có số ghế ngồi không quá 17 bao gồm cả ghế của người lái.
+ Ô tô buýt thành phố (Urban bus): là loại ô tô buýt được thiết kế và trang bị dùng trong thành phố và ngoại ô. Loại xe này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho hành khách và cho phép hành khách di chuyển tương ứng với việc đỗ xe thường xuyên.
+ Ô tô buýt liên tỉnh (Interurban coach): Là ô tô buýt được thiết kế và trang bị cho vận tải hành khách liên tỉnh. Loại xe này không bố trí chỗ cho hành khách đứng nhưng xe có thể cho hành khách đứng ở lối đi giữa các hàng ghế trên những quãng đường ngắn.
+ Ô tô buýt nối toa (Articulated bus): Là loại ô tô buýt gồm hai toa cứng vững được nối với nhau bằng một khớp quay. Trên loại xe này, các không gian cho chỗ ngồi của hành khách được bố trí trên mỗi toa cứng vững. Hành khách có thể đi lại tự do từ toa cứng vững này sang toa cứng vững khác qua khớp quay. Ô tô buýt nối toa có thể được trang bị như ô tô buýt thành phố hoặc như ô tô buýt liên tỉnh. Việc nối hoặc tháo toa có thể được tiến hành ở xưởng chế tạo.
+ Ô tô buýt hai tầng: Là loại ô tô buýt có hai sàn, phía trên chỉ dành cho hành khách ngồi, có sức chứa lớn hơn xe buýt thông thường, nhưng chiếm ít không gian đường phố hơn.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (VTHKCC bằng xe buýt) bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ và phương tiện: (1) Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt là các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác bao gồm: đường dành riêng cho xe buýt; điểm đầu; điểm cuối; điểm dừng; biển báo; nhà chờ; điểm trung chuyển; bãi đỗ xe buýt; trạm điều hành; trạm bảo dưỡng sửa chữa; trạm cung cấp năng lượng cho xe buýt. (2) Phương tiện VTHKCC bằng xe buýt là các loại ô tô buýt được trình bày ở trên.
Tài liệu tham khảo
1. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1,2, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.
2. URBAN PUBLIC TRANSPORTATION SYSTEMS Vukan R. Vuchic, Professor, Department of Systems Engineering, University of Pennsylvania, Philadelphia, PA, USA
3. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014, Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.