Vận mệnh hiển nhiên là thuật ngữ biểu đạt niềm tin rằng Hoa Kỳ có sứ mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương kết hợp cùng với tinh thần của “chủ nghĩa bành trướng” và “chủ nghĩa quốc gia” nhằm biện hộ và bảo vệ cho việc thu phục và xâm lấn các vùng lãnh thổ khác.
Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong bài tiểu luận nhan đề “Sáp nhập/Annexation” của nhà báo John L. O’Sullivan công bố năm 1845. Lúc này Hoa Kỳ đang tiến hành việc sáp nhập nước Cộng hòa Texas vào Liên bang và O’Sullivan là người cổ xúy cho xu hướng này: “Vận mệnh hiển nhiên của chúng ta là phủ người của mình trên khắp lục địa mà Thượng đế đã dành cho”. O’Sullivan cũng cho rằng, với việc truyền bá kinh nghiệm “tự do”, Hoa Kỳ có thể mở rộng lãnh thổ mà không cần dùng bạo lực. Những người phản đối khái niệm này khi đó cho rằng O’Sullivan đã lợi dụng Thượng đế để bào chữa cho những hành động mang tinh thần chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến và tư lợi cá nhân. Sau này sử gia Shaker đã mô hình hóa “Vận mệnh hiển nhiên” bằng ba yếu tố: Đức tính của nhân dân Mỹ cùng thể chế chính trị; Sứ mệnh truyền bá thể chế chính trị này và tái tạo thế giới theo hình ảnh của Hoa Kỳ; Vận mệnh được Thượng đế giao phó.
Thực tiễn sự phát triển của lịch sử Mỹ sau thời kỳ lập quốc, trong hai phần ba thế kỷ XIX như là những minh chứng đầy thuyết phục cho vận mệnh hiển nhiên theo cách hiểu trên. Tính đến những năm 60 của thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã mở rộng lãnh thổ đến Thái Bình Dương nối liền hai đại dương lớn và xác định biên giới của quốc gia như ngày nay.
Thực tiễn tạo ra niềm tin và niềm lại dẫn dắt hành động. Dường như khi tư tưởng về vận mệnh hiển nhiên ngấm sâu vào tầng lớp tinh hoa thì thông điệp của nó lại mang nhiều hàm ý sâu xa hơn. Tổng thống Theodore Roosevelt, trong một bài phát biểu năm 1904 đã định nghĩa lại việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Mỹ, đó là cần chấm dứt việc bành trướng lãnh thổ và chỉ nên ảnh hưởng bằng “chủ nghĩa can thiệp/interventionism”. Nối tiếp tinh thần đó, Tổng thống Woodrow Wilson, tái định nghĩa “Vận mệnh hiển nhiên” và “sứ mệnh của Hoa Kỳ” ở một ý nghĩa rộng lớn hơn. Ông cho rằng, chính Hoa Kỳ cùng vận mệnh hiển nhiên của mình là người dẫn dắt “tinh thần” này cho thế giới. Ông nêu bật sứ mệnh lãnh đạo thế giới vì chính nghĩa dân chủ của Hoa Kỳ đồng thời bác bỏ chủ nghĩa bành trướng, cổ súy cho quyền tự trị của mỗi quốc gia. Điều này phù hợp để ông và nhiều Tổng thống sau này dẫn dắt Hoa Kỳ từ bỏ chủ nghĩa biệt lập, can dự vào các vấn đề thế giới. Và Vận mệnh hiển nhiên từ cách tiếp cận này đã trở thành cơ sở cho các chiến lược toàn cầu của Mỹ được hoạch định và triển khai từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai cho đến ngày nay.
“Vận mệnh hiển nhiên” một mặt tạo động lực cho sự phát triển vươn lên trở thành cường quốc của Hoa Kỳ, song mặt trái của nó là góp phần hình thành “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ” với chiến lược toàn cầu. Theo đó dẫn đến sự can dự của Mỹ vào các quốc gia ở hầu khắp các khu vực trên thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay, trong đó có Việt Nam (1954 - 1973).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cook Don, The Long Fuse: How England Lost the American Colonies, 1760-1785 (Cách nước Anh đánh mất các thuộc địa Mỹ, 1760-1785, Nxb. Atlantic, 1995.
- Hietala, Thomas R, Manifest Design: American Exceptionalism and Empire (Thiết kế vận mệnh hiển nhiên: Chủ nghĩa ngoại lệ và đế quốc Mỹ, Nxb. Đại học Cornell, 2003.
- Howard Zinn, A people's history of the United States. 1492 – present (Lịch sử của nhân dân Hoa Kỳ, 1492 - hiện tại), Nxb. HarperCollins, New York, 2005.