Mục từ này cần được bình duyệt
Vải dệt thoi

1. Định nghĩa, khái niệm

Vải dệt thoi (woven fabric) là sản phẩm dệt do hai hệ thống sợi nói chung đan thẳng góc với nhau tạo nên.

Hệ thống sợi nằm theo chiều dài vải (nằm song song với biên vải) gọi là hệ sợi dọc ( từ cũ gọi là canh), còn hệ thống sợi nằm theo chiều ngang tấm vải gọi là hệ sợi ngang (từ cũ gọi là chỉ) (Hình 1).

Hình 1. Vải dệt thoi

Vải dệt thoi hầu hết có dạng tấm, có ba kích thước: dài, rộng, và dày.

Chiều dài tấm vải tùy ý. Chiều rộng (khổ rộng) vải tùy thuộc vào công dụng của vải và thiết bị dệt vải. Chiều dày tấm vải quyết định bởi cỡ sợi và kết cấu của vải.

Trong vải, sợi dọc, sợi ngang đan với nhau theo một qui luật, qui luật này chính là kiểu dệt của vải. Số sợi tối thiểu mà sau đó, kiểu dệt được lặp lại gọi là rappo kiểu dệt. Rappo kiểu dệt càng lớn thì hình hoa của vải càng phong phú và phức tạp. Vì vậy, rappo kiểu dệt quyết định hình dạng bên ngoài của vải.

2. Nguyên liệu, công nghệ sản xuất

Nguyên liệu để làm ra vải có thể là sợi từ xơ tự nhiên (bông, lanh, đay, len…) hay sợi từ xơ nhân tạo (visco, polyamit, polyeste…) ở dạng nguyên chất hay pha nhiều thành phần (vải bông pha polyese, vải polyeste pha len…) nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Để sản xuất vải, nguyên liệu sợi phải trải qua các công đoạn chủ yếu: Chuẩn bị dệt, dệt vải và xử lý hóa học vải.

Chuẩn bị dệt thường gồm các công đoạn: Quấn ống, mắc sợi, hồ sợi (nếu cần), luồn sợi (hoặc nối tiếp sợi) đối với sợi dọc, còn sợi ngang phải qua công đoạn quấn suốt (nếu sử dụng máy dệt thoi) và làm ẩm (nếu sợi ngang có độ săn cao).

Ở công đoạn dệt: Vải được tạo thành trên các khung cửi, máy dệt thoi hoặc máy dệt không dùng thoi (dùng kẹp, kiếm, khí, nước đưa sợi ngang qua miệng vải). Vải lấy trực tiếp từ máy dệt ra sử dụng không qua xử lý hóa học gọi là vải mộc.

Xử lý hóa học vải hay quá trình tẩy, nhuộm, in hoa nhằm biến vải mộc thành vải thành phẩm như vải trắng, vải màu và vải in hoa.

Vải trắng là vải đã qua nấu, giũ hồ và tẩy khử sắc tố để có màu trắng. Vải màu là vải đã qua nấu, có thể tẩy trắng hoặc không, sau đó được nhuộm đều một màu. Vải in hoa là vải được in hình hoa trên nền trắng hoặc nền đã nhuộm màu. Vải trộn màu là vải dệt từ sợi bản thân được kéo từ xơ nhiều màu trộn lẫn.

3. Công dụng

Dựa theo khối lượng của 1m2, vải được chia ra loại nhẹ, loại trung bình và loại nặng (khối lượng tính bằng g/m2) trong Bảng 1. Căn cứ vào khối lượng và các đặc trưng chất lượng khác, vải được dùng cho nhiều mục đích khác nhau: Dùng cho may mặc (vải may áo, vải may quần), dùng cho sinh hoạt (vải khăn bàn, vải trải giường, vải màn), dùng cho văn hóa (vải làm băng, cờ), dùng cho kỹ thuật (vải lọc, vải mảnh làm cốt lốp xe, vải làm đai truyền động v.v…). Vải dệt thoi được xem là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người trong đời sống.

Bảng 1. Phân loại vải dệt thoi [1]

Loại nhẹ Loại trung bình Loại nặng

Vải bông và tơ nhân tạo Dưới 100 100 ÷ 200 Trên 200

Vải len chải kỹ < 150 150 ÷ 300 > 300

Dạ mỏng < 300 300 ÷ 500 > 500

Dạ thô < 400 400 ÷ 600 > 600

Vải lanh < 125 125 ÷ 250 > 250

Lụa tơ tằm < 50 50 ÷ 100 > 100

Ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp sản xuất vải dệt thoi: Công ty CP. Dệt May Nam Định, Công ty CP. Dệt Lụa Nam Định, Công ty CP. Dệt May 19/5, Công ty CP. Dệt May 8/3, Công ty CP. Dệt May Vĩnh Phú, Công ty CP. Dệt May Phong Phú, Công ty CP. Dệt May Việt Thắng… là các công ty tiêu biểu sản xuất vải dệt thoi với sản lượng lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Lân, Thiết kế công nghệ dệt thọi Cấu trúc vải, Nxb Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh 2014

2. PGS. TS. Trần Minh Nam, Chuẩn bị dệt, Nxb. Bách Khoa Hà Nội 2017.

3. Sabit Adanur, Pb.D, Handbook of weaving, Copyright © 2001 by Sulzer Textil Limited Switzerland. All rights reserved.