Mục từ này cần được bình duyệt
Vải dệt kim

Định nghĩa, giải thích: Vải dệt kim được tạo ra từ các vòng sợi dệt kim. Trong ngôn ngữ dân gian Việt nam vải dệt kim thường được gọi là vải thun hoặc vải móc, vải ren. Trong tiếng Anh vải dệt kim được gọi là knitted fabric, tiếng Pháp gọi là maille, tiếng Nga gọi là тркотаж.

Nguồn gốc, xuất xứ: Thuật ngữ knitting (dệt kim) mô tả kỹ thuật tạo nên cấu trúc dệt bằng cách thắt nút, tạo ra các cột vòng sợi và các hàng vòng sợi từ một sợi dệt dài liên tục.

Đường thặt nút trên sản phẩm may mặc đầu tiên tại Italia thế kỷ 13 [1].

Trong lịch sử, vải dệt kim ban đầu được tạo ra từ các đan hay móc thủ công tạo ra các sản phẩm đan len hoặc đan móc.

Vải dệt kim đan thủ công [1]

Khung dệt thủ công đầu tiên được nhà sáng chế người Anh tên là William Lee, tại làng Calverton, Nottingham chế tạo ra vào năm 1589. Từ chiếc que đan thủ công đến chiếc kim dệt dạng móc do William Lee tạo ra là cả một bước tiến nhảy vọt trong tư duy sang tạo của con người, mở ra con đường cơ giới hóa toàn bộ quá trình tạo vòng sợi, giúp cho năng suất tạo vải dệt kim khi đó tăng lên gấp mười lần so với đan thủ công bằng que đan.

Vải dệt kim được tạo ra từ các vòng sợi cơ bản và các vòng sợi biến đổi. Trong cấu trúc vải dệt kim các vòng sợi liên kết với nhau theo hướng ngang tạo thành các hàng vòng sợi. Các vòng sợi lồng với nhau theo hướng dọc tạo thành các cột vòng sợi.

Hàng vòng và cột vòng của vải dệt kim

Một số thông số cấu trúc của vải dệt kim:

Bước vòng và chiều cao hàng vòng: Khoảng cách giữa hai vị trí tương ứng của hai vòng sợi kề nhau trên một hàng vòng gọi là bước vòng. Chiều cao hàng vòng là khoảng cách giữa hai vị trí tương ứng của hai vòng sợi nằm kề nhau trên một cột vòng.

Mật độ: Mật độ của vải dệt kim thường được định nghĩa bằng số vòng sợi trên một đơn vị chiều dài hay trên một đơn vị diện tích. Nếu dệt từ cùng một loại sợi thì vải có mật độ cao hơn thường sẽ cứng và nặng hơn khi dệt với mật độ thấp hơn.

Hệ số tương quan mặt độ là tỷ số giữa mật độ ngang và mặt độ dọc. Hệ số tương quan mật độ có ý nghĩa về mặt công nghệ, khi dệt vải với hệ số tương quan mật độ hợp lý, vải và sản phẩm dệt kim sẽ ít bị thay đổi kích thước trong quá trình sử dung.

Chiều dài vòng sợi: là tổng chiều dài của các thành phần cấu trúc của một vòng sợi, bao gồm một cung kim, hai trụ vòng và hai cung lien hệ. Chiều dài vòng sợi là thông số được thay đổi trực tiếp trong quá trình dệt và có ảnh hưởng đến các thông số khác của vải dệt kim.

Khối lượng một mét vuông của vải dệt kim: Là thông số định lượng được sử dụng phổ biến trong sản xuất và giao dịch các loại vải dệt kim.

Ra po kiểu dệt: Là thứ tự sắp xếp các vòng sợi trong cấu trúc vải. Do các loại vòng sợi của vải dệt kim phong phú, gồm các vòng sợi cơ bản và các vòng sợi biến đổi nên vải dệt kim cực kỳ đa dạng, đáp ứng các yêu cầu sử dụng không chỉ trong may mặc mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.

Mặt phải, mặt trái của vải dệt kim: Về mặt kỹ thuật, vải dệt kim được quy ước mặt phải và mặt trái.

Mặt phải vải dệt kim Mặt trái của vải dệt kim

Mặt phải là mặt có thể quan sát thấy các vòng sợi phải, có các trụ vòng nổi lên. Mặt trái là mặt nhìn thấy các vòng sợi trái, có các cung kim và cung liên hệ nổi lên. Mặt phải thường bóng, mịn. Mặt trái thường thô, xù xì hơn so với mặt phải.

Vải đan ngang và vải đan dọc: Vải dệt kim được phân chia thành hai loại là vải dệt kim đan ngang và vải dệt kim đan dọc.

Vải dệt kim đan ngang: các vòng sợi trong vải dệt kim đan ngang được tạo ra theo hướng ngang. Các vòng sợi trên một hàng vòng thường được tạo ra từ cùng một hoặc cùng một số sợi

Vải dệt kim đan dọc có các vòng sợi được tạo ra theo hướng dọc. Mỗi vòng sợi được trên một hàng vòng được tạo ra từ một sợi riêng biệt.

Hai loại vải này được dệt ra từ hai công nghệ và hai loại thiết bị khác hẳn nhau. Vì vậy công nghiệp dệt kim bao gồm công nghiệp dệt kim đan ngang và công nghiệp dệt kim đan dọc.

Đặc điểm: Do cấu tạo bởi các vòng sợi nên vải dệt kim thường có độ xốp, mềm mại, độ thoáng khí và độ co giãn đàn hồi tốt hơn so với các loại vải dệt thoi dệt từ cùng loại sợi. Tuy nhiên vải dệt kim thường được coi là dễ thay đổi kích thước trong quá trình gia công và sử dụng.

Công năng: Vải dệt kim được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Trong may mặc, vải dệt kim thường được sử dụng cho các loại sản phẩm mặc lót, cac loại áo thun, áo phông, áo T-shirt, áo len, quần áo thể thao, các mặt hàng ren, bít tất, găng tay…Các đồ dùng vải gia dụng như màn tuyn, rèm cửa, vải bọc ghế…cũng sản xuất từ vải dệt kim.

Trong kỹ thuật, Vải dệt kim được sử dụng để sản xuất bao bì, nhà lưới trong nông nghiệp, lưới đánh bắt cá…địa vải trong xây dựng, làm đường, làm bao bì hộ đê, làm lưới lọc trong công nghiệp hóa chất. Đặc biệt các loại vải dệt kim có cấu trúc không gian ba chiều hiện được sử dụng trong các vật liệu composit cốt dệt.

Trong lĩnh vực y tế vải dệt kim được sử dụng cho các loại băng gạc, các mạch máu nhân tạo, van tim, tất chữa bệnh, …

Sản xuất và tiêu thụ tại Việt nam: Tại Việt nam nghề đan len không biết bắt đầu từ khi nào, có lẽ là những kỹ thuật do những thương nhân phương tây đến từ châu Âu truyền lại.

Năm 1959 tại làng La Phù (Hà Đông, Hà nội) thành lập một hợp tác xã chuyên dệt quần áo len. Có thể coi đây là cái nôi của ngành công nghiệp dệt kim dệt các sản phẩm len ở miền Bắc Việt Nam [3]. Cùng thời gian đó, năm 1959, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Dệt kim Đông xuân cũng được thành lập. Đây là Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của ngành Dệt kim Việt nam.

Hiện nay công nghiệp dệt kim Việt nam rất phát triển, đóng góp nhiều cho các mặt hàng dệt may trong nước và xuất khẩu trên thế giới. Ngành công nghiệp dệt kim được coi là ra đời sau công nghiệp dệt thoi, nhưng đã phát triển rất nhanh chóng. Các mặt hàng xuất dệt kim đa dạng bao gồm áo thun, bít tất, áo len, quần áo thể thao, đồ lót…được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật bản, Mỹ, châu Âu… [5].

Tài liệu tham khảo

1. David J. Spencer. Knitting technology. Woodhead Publishing ISBN 1855733331. 2001.

2. Lê Hữu Chiến. Máy dệt kim. Nhà xuất bản Trường Đại học Bách khoa Hà nội. 1996.

3. Lê Hữu Chiến. Cấu trúc vải dệt kim. Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật. 2003.

4. Sylvie Fanchette, Nicholas Stedman. Khám phá các làng nghề- Mười lộ trình quanh Hà nội. 2016.

5. Các bản tin kinh tế dệt may. Hiệp hội dệt may Việt nam. VITAS.