Mục từ này cần được bình duyệt
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Kon Ka Kinh là một Vườn Quốc gia (VQG) được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao ở Tây Nguyên, ngày 18.12.2003 theo Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn di sản, VQG Kon Ka Kinh được công nhận là một trong 4 Vườn Di sản ASEAN đầu tiên của Việt Nam.

Đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội[sửa]

Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên[sửa]

VQG Kon Ka Kinh có diện tích 41.780 ha, nằm về phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km về phía đông bắc, thuộc địa bàn của các xã Đăk Roong, Kon Pne, Kroong (huyện KBang); xã AJun (huyện Mang Yang) và xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa). VQG Kon Ka Kinh giới hạn trong tọa độ địa lý: từ 14°09' đến 14°30' vĩ độ Bắc, từ 108°16' đến 108°28' kinh độ Đông. VQG này bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ- hành chính với diện tích tương ứng là 16.673,0 ha; 25.037,0 ha và 70 ha. Vùng đệm của VQG có diện tích 15.184,48 ha, gồm 7 xã thuộc 3 huyện: Ayun, Hà Ra, Đăk Jơta (huyện Mang Yang), Hà Đông (huyện Đăk Đoa), Đăk Roong, Kroong, Kon Pne (huyện KBang).

VQG Kon Ka Kinh có nền nham thạch hình thành từ 4 nhóm đá mẹ chính: nhóm đá mác ma axit, chủ yếu là đá granít; nhóm đá mác ma kiềm trung tính, chủ yếu là đá bazan; nhóm đá phiến sét biến chất, chủ yếu là đá phiến thạch sét và phiến thạch mi ca.

VQG Kon Ka Kinh phân bố trong vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Pleiku với cao nguyên Kon Hà Nừng, gồm nhiều dẫy núi có độ cao trung bình từ 1.200 - 1.500 m, cao nhất là đỉnh Kon Ka Kinh 1.748 m, thấp nhất là vùng đất phía đông với độ cao khoảng 600 m. Địa hình của VQG Kon Ka Kinh thấp dần từ bắc xuống nam. Sườn đông ngắn với độ dốc lớn, có độ cao khoảng 800 - 1.700 m. Sườn tây của khối núi Kon Ka Kinh thấp dần từ đông sang tây, dốc dài, thoải dần, mức độ chia cắt của địa hình không phức tạp, độ cao dao động từ khoảng 900 - 1.500 m.

Theo đặc điểm các yếu tố hình thành đất, VQG Kon Ka Kinh có lớp phủ thổ nhưỡng gồm 6 loại đất chính. Đất Feralit mùn vàng đỏ phát triển trên đá mác ma axít (FHa): phân bố tập trung ở vùng trung tâm và sườn phía tây Kon Ka Kinh; hình thành trong các điều kiện khí hậu lạnh, ẩm, có tầng thảm mục thô chưa phân huỷ dày từ 5 - 8 cm, đất tơi xốp (pHKCl 4,0 - 4,6), thành phần cơ giới thịt trung bình và thịt nặng. Đất Feralit mùn nâu vàng phát triển trên đá mác ma kiềm trung tính (FHk): phân bố chủ yếu ở phía đông bắc Kon Ka Kinh; đất hơi chua (pHKCl<5,5), thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, tầng mùn mỏng, đất tơi xốp, độ dày tầng đất từ 50 - 100 cm. Đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá sét biến chất (FHs): phân bố chủ yếu ở phía tây bắc Kon Ka Kinh; đất ít chua, thành phần cơ giới thịt nhẹ, thịt trung bình, tầng mùn mỏng. Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá mác ma axit (Fa): phân bố chủ yếu trên sườn phía đông bắc Kon Ka Kinh, thuộc cao nguyên Kon Hà Nừng, và một số ít diện tích thuộc xã AJun; đất chua (pHKCl 3,9 - 4,7), có tỷ lệ mùn thấp (0,5 - 0,7%), thành phần cơ giới thịt nhẹ và thịt pha sét, độ dầy tầng đất trung bình. Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá mác ma kiềm trung tính (Fk): phân bố chủ yếu ở sườn đông Kon ka Kinh; đất có tầng dày trên 100 cm, hơi chua (pHKCl<5,5), thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc thịt trung bình, hàm lượng hữu cơ tương đối cao. Đất phù sa ven sông suối (P): Phân bố dọc theo các thung lũng ven sông suối; đất trung tính (pHKCl 7,0 - 7,2), thành phần cơ giới thịt trung bình, tỷ lệ mùn 2,7 - 3,2%, độ dầy tầng đất trung bình 50 - 100 cm (Lê Xuân Cảnh và nnk, 2012).

Kon Ka Kinh chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng V đến tháng XI, mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21°C đến 25°C. Tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất là 25°C, tháng I có nhiệt độ thấp nhất trung bình thấp nhất là 16°C. Khu vực đỉnh Kon Ka Kinh chịu tác động của quy luật giảm nhiệt độ theo đai cao nên có nhiệt độ dưới 15°C. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm biến động từ 2.000 - 2.500 mm. Trong đó lượng mưa tập trung từ tháng V đến tháng XI, chiếm 70 - 75% lượng mưa cả năm. Độ ẩm bình quân năm 80%. Hàng năm có 2 hướng gió chính, gió mùa Tây Nam thịnh hành vào các tháng mùa mưa, gió mùa Đông Bắc phổ biến vào các tháng mùa khô.

VQG Kon Ka Kinh có 3 hệ thống suối chính thuộc đầu nguồn của các con sông trong vùng, với nhiều nhánh suối nhỏ, có mật độ tương đối dày, phân bố tương đối đều. Đặc điểm của hệ thống suối nơi đây về mùa mưa có lưu lượng nước khá lớn ngược lại về mùa khô lại rất thấp. Lưu vực sông Ba là hệ sông lớn nhất, được bắt nguồn từ các nhánh suối ở phía bắc xã Đăk Roong, chảy theo hướng bắc nam với chiều dài khoảng 11 km. Toàn bộ các hệ thống suối ở mạn sườn đông bắc, đông nam Kon Ka Kinh đều thuộc lưu vực của sông Ba, với diện tích khoảng 230 km2. Lưu vực sông Đăk Pne bắt nguồn từ nhiều nhánh suối ở sườn tây dãy Kon Ka Kinh thuộc địa bàn xã Kon Pne, với diện tích lưu vực khoảng 144 km2. Sông Đăk Pne chảy theo hướng bắc, nhập với sông Đăk Bla tại huyện Kon Plông, chảy qua thành phố Kon Tum, nhập với sông Pô Kô, cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Ya Ly, thủy điện Sê San III. Lưu vực sông A Yun bắt nguồn từ sườn nam của dãy Kon Ka Kinh, với tổng diện tích lưu vực là 60 km2.

Dân cư và kinh tế - xã hội[sửa]

Theo tính toán từ số liệu thống kê năm 2015, vùng đệm VQG là nơi sinh sống của 1.929 hộ gia đình, tương đương với 9.004 nhân khẩu, còn vùng lõi không có dân sinh sống. Mật độ dân số bình quân toàn vùng hiện là 21 người/km². Trong đó, xã A Yun có mật độ dân số cao nhất với 85 người/km2 và xã Kon Pne có mật độ dân số thấp nhất với 8 người/km2. Tổng số lao động là 4.474 người, chiếm 49,7% tổng dân số. Cơ cấu nguồn lao động trong vùng đệm theo ngành kinh tế: nông nghiệp: 8.563 người, chiếm 95,1%; lâm nghiệp: 117 người chiếm 1,3%; tiểu thủ công nghiệp: 45 người, chiếm 0,5% và các ngành khác: 279 người, chiếm 3,1%.

Hơn 80% cư dân trong vùng là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Ba Na sinh sống ở 2 huyện K’Bang và Đăk Đoa; Đặc biệt xã Hà Đông có 98% dân cư là người dân tộc Ba Na. Người Kinh chủ yếu sinh sống ở các xã của huyện Mang Yang, chiếm từ 30 - 40%.

Cộng đồng dân tộc Ba Na là người bản địa sinh sống lâu đời ở đây, họ đã định canh, định cư thành các thôn, bản ven các trục đường giao thông và ven các thung lũng sông suối. Mô hình canh tác đất đai theo hộ gia đình, diện tích canh tác nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây đồng bào dân tộc đã làm lúa nước một vụ, chưa áp dụng các biện pháp thâm canh nên năng suất không cao. Văn hóa cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, bỏ mả, cưới hỏi... mang tính cộng đồng cao, họ đánh chiêng, múa hát tập thể vào các dịp lễ tết, mùa thu hoạch. Phong tục, xã hội mẫu hệ, người phụ nữ được đề cao trong gia đình, con cái mang họ mẹ, nhưng phụ nữ cũng là những người phải lao động nặng nhọc nhất. Người đàn ông chỉ làm các việc như: làm nhà, làm rẫy, đan lát, săn bắn thú rừng... Kinh tế các xã trong vùng kinh tế nhìn chung còn khó khăn. Các nguồn thu nhập chính của người dân trong vùng là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và một phần sản phẩm phi gỗ thu hái từ rừng. Phần lớn các xã vùng đệm VQG thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp.

Sinh vật và đa dạng sinh học[sửa]

VQG Kon Ka Kinh được xem là có khu vực quan trọng toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học do gìn giữ tính đa dạng sinh học độc đáo của sinh cảnh quan trọng về đa dạng sinh học Trung Trường Sơn trong Vùng sinh thái Trường Sơn mở rộng. Ở vùng cảnh quan này, VQG Kon Ka Kinh thuộc khu vực ưu tiên 1.

Đa dạng động vật[sửa]

Hệ động vật của VQG Kon Ka Kinh rất phong phú và có tính đặc hữu cao. Đã ghi nhận được 470 loài động vật, trong đó có 265 loài động vật có xương sống ở cạn thuộc 29 bộ, 74 họ khác nhau và 205 loài động vật không xương sống. Các loài thú cần được bảo tồn gồm Vượn đen má hung Bắc (Nomascus annamensis), Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis). Khu hệ chim ở VQG Kon Ka Kinh là một phần của vùng chim đặc hữu Bắc Tây Nguyên ở độ cao từ 1000 - 1700 m. Tại đây đã ghi nhận được 3 loài đặc hữu cho Việt Nam gồm: Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui), Khướu Kon Ka Kinh (Garrulax konkakinhensis) và 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và Lào gồm: Khướu đầu xám (Garlulax vassali), Trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae), Gà lôi vằn (Lophura nycthemera) và Thầy chùa đít đỏ (Megalaima lagrandieri); đã ghi nhận một loài phụ mới cho khoa học là Khướu cằm hung (Garrulax rufogularis). Đặc biệt có một loài chim mới phát hiện lần đầu tiên ở Kon Ka Kinh là loài Khướu Kon Ka Kinh (Garrulax konkakinhensis). Khu hệ bò sát VQG Kon Ka Kinh có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam, trong đó: Thằn lằn Buôn Lưới (Sphenomorphus buonluoicus) là loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn (Lào); ba loài đặc hữu cho Việt Nam: Thằn lằn đuôi đỏ (Scincella rufocaudata), Chàng Sapa (Rana chapaensis), Ếch gai sần (Rana verrucospinosa). Ngoài những loài mới phát hiện và những loài có giá trị đặc hữu nêu trên, hệ động vật rừng VQG Kon Ka Kinh còn có 26 loài thú, 9 loài chim và 12 loài lưỡng cư bò sát quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Đa dạng thực vật[sửa]

Do đặc điểm đa dạng về địa hình, đai cao, khí hậu, đất đai và các nhân tố hình thành rừng khác, đã tạo cho hệ thực vật rừng ở VQG Kon Ka Kinh rất phong phú và đa dạng, nơi đây là điểm hội tụ của các luồng thực vật từ các khu hệ khác nhau. Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam có các loài cây thuộc họ Đậu, họ Thầu dầu, họ Mộc lan, họ Dâu tằm, họ Na, họ Re, họ Giẻ, ... Luồng thực vật này thường phân bố nhiều ở khu vực chịu ảnh hưởng chế độ mưa ẩm nhiệt đới. Rừng thường có nhiều loài cây trên đơn vị diện tích và các loài ưu thế có tổ thành không lớn. Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam - Quý Châu và chân dãy núi Himalaya có các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như Thông nàng, Hoàng đàn giả, Kim giao, Pơ mu. Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaixia - Inđônêxia: Đại diện cho luồng thực vật này là các loài cây thuộc họ Dầu như Chò chai, Chò đen, Chò chỉ, Cẩm liên. Luồng thực vật India - Mianma: Tiêu biểu có các loài cây thuộc họ Bàng như Choại, họ Tử vi như Bằng lăng ổi.

Hệ thực vật VQG Kon Ka Kinh có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Qua kết quả điều tra hệ thực vật rừng ở VQG Kon Ka Kinh bước đầu đã thống kê được 1.022 loài thực vật thuộc 568 chi và 158 họ. Trong đó ngành thực vật cây hạt kín chiếm đa số (127 họ, 519 chi, 930 loài). Các ngành khuyết thực vật có 24 họ, 41 chi và 81 loài. Ngành hạt trần có 7 họ, 8 chi, 13 loài. Một số loài đặc hữu cần được bảo tồn nguồn gen như: Thông Đà Lạt hay Thông năm lá (Pinus dalatensis), Hoa khế (Craibiodendron scleranthum), Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), Trắc (Dalbergia cochinchinesis), Xoay (Dialium cochinchinensis), Bọ nẹt Trung bộ (Alchornea annamica), Du moóc (Baccaurea sylvestris), Song bột (Calamus poilanei), Lọng hiệp (Bulbophyllum hiepii) và Lan hoàng thảo vạch đỏ (Dendrobium ochraceum). Cho đến nay, có tổng cộng 22 loài thực vật bị đe dọa được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN đã ghi nhận hiện diện ở VQG Kon Ka Kinh. Trong đó, ở mức độ toàn cầu có 2 loài Cực kỳ nguy cấp (CR), 1 loài Nguy cấp (EN) và 6 loài Sẽ nguy cấp (VU). Ở mức độ quốc gia, có có 2 loài Cực kỳ nguy cấp, 9 loài Nguy cấp và 8 loài sẽ nguy cấp. (Hội Động vật học Frankfurk và VQG Kon Ka Kinh, 2013).

Đa dạng hệ sinh thái[sửa]

VQG Kon Ka Kinh ngoài đa dạng về loài động, thực vật, còn phong phú về các kiểu hệ sinh thái rừng. Trong 33.146 ha đất có rừng, các kiểu sinh cảnh rừng trên núi trải rộng theo đai cao từ 700 - 1.748 m chiếm 80% diện tích của Vườn. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng hỗn giao cây lá rộng - lá kim phân bố đến 2.000 ha. Đây là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam. Theo phân loại sinh thái phát sinh của Thái Văn Trừng (1998), thảm thực vật rừng của VQG Kon Ka Kinh gồm có các kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng kín hỗn giao lá rộng - lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. Bên cạnh đó là một diện tích rất đáng kể của rừng thứ sinh chịu tác động của con người, bao gồm rừng kín lá rộng nghèo kiệt, rừng kín phục hồi tái sinh sau đốt nương làm rẫy và khai thác. Ngoài ra, còn một tỉ lệ nhỏ các kiểu rừng le, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ.

Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp là kiểu rừng có diện tích lớn nhất VQG, phân bố ở đai cao từ 900 m hoặc 1000 m trở lên. Thực vật trong kiểu rừng này tương đối đa dạng, thường chiếm ưu thế ở tầng ưu thế sinh thái, điển hình là các loài cây trong họ Giẻ, họ Sim, họ Re, họ Chè, họ Sau sau, họ Đỗ quyên, họ Mộc lan,...

Ở những đỉnh cao trên 1.500 m, nơi có chế độ nhiệt thấp, khí hậu lạnh ẩm, quanh năm có gió mạnh, còn thường xuất hiện dạng rừng cằn. Đặc điểm của dạng rừng này là đường kính cây thường nhỏ trên dưới 10 cm, chiều cao cây thấp 10 - 15 m, thân hình cong queo, phân cành thấp, xung quanh thân bám đầy rêu và địa y. Dạng rừng này thường có mật độ cây/ha cao, nhưng trữ lượng thấp (trung bình 80 m3/ha).

Kiểu rừng hỗn giao lá rộng - lá kim thường phân bố ở đai cao 1.000 - 1.500 m. Trong kiểu rừng này, ngoài các loài cây trong ngành hạt kín, các loài cây trong ngành hạt trần cũng chiếm vị trí ưu thế trong một số lâm phần hỗn giao cây hạt kín và hạt trần. Tùy vào độ cao mà có các loài cây hạt trần cụ thể khác nhau: Các loài Hoàng đàn giả, Thông nàng mọc khá phổ biến ở độ cao từ 900 - 1.300m, trong khi loài Pơ mu lại chỉ phân bố tập trung ở độ cao từ 1.300 m trở lên và chủ yếu mọc tập trung ở sườn Đông Kon Ka Kinh. Chính vì vậy, các loài này đã hình thành nên các lâm phần hỗn giao đơn ưu, đa ưu, tạo nên kiểu rừng kín cây lá rộng, lá kim.

Ngoài các kiểu thảm thực vật chính chiếm diện tích lớn, VQG Kon Ka Kinh còn có nhiều kiểu rừng phụ thứ sinh như: Rừng kín thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng tre nứa, rừng trồng, đất trống trảng cỏ, đất trống cây bụi và đất trống cây gỗ rải rác. Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới: phân bố tập trung ở đai cao dưới 900 - 1.000 m, tuy vậy sự phân bố thực vật và cấu trúc rừng vẫn thấy có sự khác biệt. Trong kiểu rừng này, các loài cây họ Dầu, họ Đậu có kích thước lớn như Chò chỉ, Sến mủ thường chiếm giữ tầng vượt tán và tầng ưu thế sinh thái. Những loài này tuy có số lượng cá thể không nhiều nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định trữ lượng lâm phần. Các tầng tán khác có các loài cây thuộc họ Thầu dầu, Trúc đào, Xoan, Trám, Na,... mặc dù không chiếm tổ thành lớn nhưng lại có vai trò lớn trong việc nâng cao độ che phủ của rừng và làm tăng mức độ phong phú của hệ thực vật.

Giá trị của VQG Kon Ka Kinh[sửa]

Đa dạng sinh học và bảo tồn[sửa]

VQG Kon Ka Kinh có giá trị đa dạng sinh học rất cao với nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng và còn khá nguyên vẹn, đặc biệt có 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim, với các loài cây quý hiếm như: Pơmu, Trắc, Chò đãi, Kim giao. Đây là khu rừng đặc dụng duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này. Hệ thực vật rất đa dạng và phong phú với 1.022 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có tới 22 loài có ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và sách đỏ thế giới năm 2010. Hệ động vật rừng của VQG cũng rất đa dạng với 470 loài, trong đó có tới 16 loài đặc hữu, 47 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và sách đỏ thế giới năm 2010.

Với hệ động thực vật đa dạng và phong phú, hệ sinh thái đặc trưng, VQG Kon Ka Kinh là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và là kho lưu trữ vô giá các loài động thực vật quý hiếm của vùng Tây Nguyên.

Phòng hộ môi trường sinh thái[sửa]

Không chỉ biết đến là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học VQG Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn là sông Ba, sông Đăk Pne, sông A Yun, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Không những thế rừng Kon Ka Kinh góp phần điều hòa khí hậu, ngăn ngừa lũ lụt, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ và duy trì cân bằng sinh thái cho lưu vực sông Ba, sông Đăk Pne và sông A Yun. Ngoài ra rừng Kon Ka Kinh còn là nơi cung cấp, điều tiết nguồn nước cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện trong lưu vực như hồ thủy điện sông Hinh, đập thủy lợi Đồng Cam (tỉnh Phú Yên), hồ thủy điện Yaly, hồ thủy điện Sê San III (tỉnh Gia Lai).

Cảnh quan và du lịch[sửa]

Sức hấp dẫn của khu VQG Kon Ka Kinh ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như: thác Ba Tầng, thác Nàng Tiên, Thác Đá, sông La Bà... Thác 95 với độ cao khoảng 40 m nổi tiếng kỳ vĩ. Nhìn từ xa Thác 95 giống như một dải lụa trắng lượn lờ theo những giai điệu của đại ngàn trên nền rừng xanh thẳm. Ngoài hệ thống thác ghềnh tuyệt đẹp, đến Kon Ka Kinh du khách có cơ hội nhìn tận mắt những thảm thực vật rừng nguyên sinh bạt ngàn, những cây đại thụ và nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như Gấu Ngựa, Sơn Dương, Mang Trường Sơn,... xen lẫn tiếng hót véo von của các loài chim.

Với địa hình đa dạng nhiều dãy núi cao hùng vĩ, hệ thống thác ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, cùng hệ động thực vật đa dạng, phong phú và khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, dễ chịu vùng núi cao. VQG Kon Ka Kinh là một địa điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hấp dẫn với du khách gần xa.

Khu vực VQG Kon Ka Kinh với tài nguyên du lịch độc đáo và đặc sắc, có thể tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch mạo hiểm theo các tuyến tham quan thác Ba tầng, Vườn thực vật và Khu cứu hộ động vật hoang dã, núi Đá trắng, làng văn hóa dân tộc Ba Na ở xã Kroong và xã Kon Pne, khám phá chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Thái Văn Trừng, Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1998
  • Le Trong Trai, Le Van Cham, Tran Quang Ngoc, Tran Hieu Minh, Nguyen Van Sang, nastyrskii, A. L., Hayes, B. D. and Eames, J. C., An Investment Plan for Kon Ka Kinh Nature Reserve, Gia Lai Province, Vietnam: A Contribution to the Management Plan. BirdLife International Vietnam Programme, Hanoi, Vietnam, 2000
  • Kon Ka Kinh National Park, Sourcebook of Existing and Proposed Protected Areas in Vietnam, Second Edition, 2004
  • Ha Thang Long, Nguyen Thi Tinh, Tran Huu Vy and Ho Tien Minh, Activity budget of grey-shanked douc langurs (Pygathrix cinerea) in Kon Ka Kinh National Park, Vietnam, Vietnamese Journal of Primatology (2010) 4, 27-39, 2010
  • Lê Xuân Cảnh (Chủ nhiệm), Điều tra đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xây dựng danh lục và tiêu bản động vật, thực vật rừng, thủy sinh vật ở VQG Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai, Báo cáo tổng hợp dự án, 2012
  • Nguyễn Thị Thu Hà, Nghiên cứu hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc Bahnar vùng đệm tác động đến đa dạng sinh học Vườn quốc gia Kon Ka King, tỉnh Gia Lai, Tạp chí Khoa học Trường Đại học sư phạm, Khoa học Tự nhiên, Tập 58, số 3, tr. 133-140, 2013
  • Cáp Kim Cương, Trần Thị Hảo, Thành phần loài và phân bố của bò sát ở Vườn Quốc gia Kon Ka King, Kỷ yếu Hội nghị Sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 5, 417-423, 2013
  • Hội động vật học Frankfurk và VQG Kon Ka Kinh, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh: Vùng đa dạng sinh học quan trọng của Tây Nguyên, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2013
  • Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Báo cáo xác định vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh., 2014
  • Nguyễn Thị Oanh, Trương Văn Tuấn, Sự suy giảm tài nguyên rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka King (tỉnh Gia Lai): Nguyên nhân và giải pháp, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, tr.189-196, 2015
  • Manh Hung Bui, Structure and restoration of natural secondary forests in the Central Highlands, Vietnam, Dissertation for the Degree of Doctor of Forest Science, Institute of Silviculture and Forest Protection, Germany, 2016