Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vương triều Toungoo
Triều Toungoo ở mức độ lớn nhất (1580)

Vương triều Toungoo (1510 - 1752) là vương triều thứ hai của người Miến trong lịch sử Myanmar, tồn tại từ năm 1510 đến năm 1752.

Bối cảnh ra đời của vương triều Toungoo là sự sụp đổ của đế chế Pagan thế kỷ XIII gây ra tình trạng phân tán với bốn thế lực chính trị nổi lên trên lãnh thổ Myanmar. Đầu tiên là người Shan di cư từ vùng Vân Nam tới chiếm giữ các vùng cao ở phía đông bắc. Tại vùng Thượng Miến, vương quốc Ava (1364 -1555) được thành lập, kế thừa các tuyền thống của Pagan. Ở phía tây là vương quốc Arakan và trên vùng Hạ Miến là vương quốc người Môn Ramanna. Trong khi Arakan và Ramanna lợi dụng sự suy yếu của Ava và tận dụng sự gia tăng thương mại hàng hải quốc tế để phát triển thì xung đột thường xuyên giữa Ava và người Shan duy trì tình trạng phân tán vùng Thượng Miến.

Các cuộc tấn công của người Shan dần đẩy nhiều người Miến xuống hạ lưu Irrawaddy. Từ năm 1350 đến năm 1500, diện tích đất canh tác ở đây mở rộng từ 120.000 ha lên 400.000 ha. Bên cạnh lúa gạo, bông là cây trồng mới nhanh chóng phổ biến trên các vùng đất khô cằn của Myanmar, trở thành mặt hàng thương mại quan trọng với Vân Nam, cùng với đá quý, gia vị, ngọc và muối để đổi lấy đồ đồng, sắt, vũ khí, trà, lụa, và bạc. Hạ Miến vì thế trở thành trung tâm thương mại liên vùng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á hải đảo.

Khi xu thế thống nhất lãnh thổ mới xuất hiện khi quyền lực trung tâm dần dịch chuyển xuống phía nam, hướng đến Toungoo. Vùng đất này chào đón những người di cư từ phía bắc và tận dụng các cơ hội thương mại quốc tế. Người mở đầu cho sự trỗi dậy này là Minkyinyo (1486–1531). Ông kết hôn với công chúa Ava, từ đó giành quyền kiểm soát vựa lúa gạo Kyaukse và tiến hành các chiến dịch quân sự kéo dài sang thế kỷ XVI.

Tới năm 1510, Vương triều Toungoo chính thức được thiết lập, trở thành trung tâm chính trị, quân sự và kinh tế lớn nhất trên lãnh thổ Myanmar. Với tầm nhìn hướng tới hải thương quốc tế, con trai Minkyinyo là Tabinshweihti (1531-1550) đã đánh chiếm cảng Pegu của người Môn vào năm 1539 và biến thành kinh đô của vương triều. Giữa lúc người Shan nắm quyền ở miền bắc, vương quốc Ayutthaya khống chế vùng trung tâm Đông nam Á lục địa và người Bồ đào Nha kiểm soát Malacca, vùng châu thổ Irrawaddy trở thành căn cứ để Vương triều Toungoo vươn tầm khu vực.

Nhà chinh phục nổi bật nhất của vương triều này là Bayinnaung (1551-1581). Là em vợ và cánh tay đắc lực của Tabinshweihti, ông nắm quyền sau khi người tiền nhiệm bị ám sát. 31 năm trị vì của Bayinnaung được coi là thời kỳ huy động sức người lớn nhất trong lịch sử Myanmar cho các cuộc chinh phục liên tiếp. Vương triều Toungoo trở thành đế chế rộng nhất trong lịch sử Đông Nam Á, trải dài từ bờ biển Arakan đến Cambodia, từ vịnh Thái Lan đến Vân Nam. Theo quan niệm Phật giáo, Bayinnaung cai trị như một Chakkravartin (Vua của Vũ trụ), trong khi người Thái gọi ông là Phra Chao Chana Sip Thit (Kẻ chinh phục Mười phương).

Thành công của Bayinnaung đến từ việc kiểm soát các nguồn lực thương mại biển, tập trung nhân lực cho sản xuất nông nghiệp và chiến tranh, đồng thời sử dụng lợi thế của pháo và súng tay mới từ người Bồ Đào Nha. Từ 1/5 đến 1/3 lực lượng quân Miến được trang bị các vũ khí phương Tây.

Tuy nhiên đế chế Toungoo là một thực thể chính trị lỏng lẻo, quá rộng lớn để có thể cai trị từ hạ lưu Irrawaddy. Phần lớn các nước bị thôn tính biến thành chư hầu triều cống và khó có thể kiểm soát trực tiếp. Thêm nữa, các vùng lãnh thổ trực trị của vương triều được trao cho các bayins (hoàng thân). Những người này có quyền duy trì quân đội riêng, thu thuế địa phương, nhiều trường hợp cha truyền con nối. Giới quý tộc đặc quyền thường có xu thế li tâm khỏi triều đình Pegu khi chính quyền TW suy yếu trong khi các viên quan cai trị địa phương khác xuất thân từ myo-zas (hoàng tử có thứ bậc thấp) thậm chí còn dễ bị dao động hơn trong những tình huống bất ổn. Điều đó đã diễn ra khi Bayinnaung qua đời. Một loạt chư hầu nổi dậy, tách ra khỏi Myanmar, đặc biệt là các thể chế người Thái. Cùng với các cuộc tấn công của người Bồ Đào Nha, năm 1599, quý tộc bayins, Arakan và Ayutthaya bao vây, đốt phá Pegu. Một loạt các biến động khu vực và quốc tế khác cũng làm mất điều kiện thuận lợi để Vương triều Toungoo duy trì sự hưng thịnh. Tính năng động của thương mại quốc tế ở các thế kỷ XVI-XVII bắt đầu suy giảm do lượng bạc từ châu Mỹ ít dần. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dần nhường chỗ cho Hà Lan vốn đang tìm cách kiểm soát thương mại hàng hải khu vực. Thêm nữa là tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Niño gây hạn hán, mùa màng thất bát và nạn đói. 1601 là năm có mùa hè lạnh nhất trong 600 năm. Những thách thức này tác động trực tiếp đến sự khủng hoảng của Vương triều Toungoo.

Kết quả là họ phải rời bỏ hạ lưu Irrawady, dịch chuyển hơn 500 km về phía bắc, lên vùng Thượng Miến, đóng đô tại trung tâm cũ của vương triều Ava. Lịch sử gọi đây là Nyaungyan (Vương triều Toungoo Trung Hưng, 1597-1752). Tận dụng cơ sở kinh tế, chính trị vùng trung tâm Myanmar và tiến hành thương mại với người Shan, Vân Nam, Ayutthaya, vương quốc mới đã giành được một số thành tựu. Cháu trai của Bayinnaung là Anaukpetlun (1605–1628) một lần nữa thống nhất Myanmar vào năm 1613 và đánh bại cuộc xâm lược của người Bồ Đào Nha. Tuy vậy, cạnh tranh phe nhóm và cát cứ địa phương đã làm sụp đổ vương triều vào năm 1752.

Là đế chế thứ hai của người Miến, Vương triều Toungoo củng cố xu thế thống nhất, thúc đẩy quá trình hình thành bản sắc Myanmar. Qua các cuộc di cư, mở rộng hệ thống kinh tế và thương mại, chiến tranh chinh phạt, vương triều này không chỉ lần đầu tiên kết nối vùng hạ Irrawaddy vào cấu trúc quyền lực Myanmar và khu vực mà còn thúc đẩy giao thương quốc tế, chuyển giao kỹ thuật vũ khí, tôn giáo, tạo ra các luồng di cư và góp phần định hình bản đồ địa chính trị vùng Đông Nam Á lục địa thời sơ kỳ hiện đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Mya Sein, Daw. 1973 (1938). The Administration of Burma: Sir Charles Crosthwaite and the Consolidation of Burma (Nền hành chính của Myanmar: Sir Charles Crosthwaite và sự thống nhất của Myanmar). Kuala Lumpur and Singapore: Oxford University Press
  2. Lieberman,Victor B. 1984. Burmese Administrative Cycles:Anarchy and Conquest, c. 1580–1760 (Các chu kỳ hành chính của Myanmar: hỗn loạn và chinh phục, khoảng 1580-1760). Princeton: Princeton University Press.
  3. Lieberman, Victor B. Strange Parallels: Volume 1, Integration on the Mainland: Southeast Asia in Global Context, c.800–1830 (Những sự song trùng kỳ lạ, Tập 1: Sự hội nhập của Đông Nam Á lục địa trong khung cảnh toàn cầu, khoảng năm 800-1830). Cambridge: Cambridge University Press, 2003.
  4. Aung-Thwin, Michael, and Maitrii Aung-Thwin. A History of Myanmar since Ancient Times: Traditions and Transformations (Lịch sử Mayanmar từ các thời kỷ cổ xưa: truyền thống và chuyển đổi). London: Reaktion Books, 2013.