Vương quốc Vijayanagara (1336 - 1614) là vương quốc lớn nhất và hùng mạnh nhất ở Nam Ấn Độ, tồn tại trong khoảng 1336 – 1614, cũng là tên kinh đô của vương quốc, có nghĩa là "Thành phố chiến thắng".
Vương quốc Vijayanagara tồn tại trong 230 năm và trải qua 4 triều đại: Vương triều Sangama (1336-1486); Vương triều Saluva (1486 - 1503); vương triều Tuluva (1503 - 1569); Vương triều Aravidu (1569 - thế kỷ XVII).
Triều đại đầu tiên được hai anh em Bukka và Harihara thành lập vào năm 1336 ở vùng cao nguyên Deccan. Những vị vua đầu tiên của Vijayanagara đã thực hiện các chính sách cai trị khoan dung với những tư tưởng cởi mở, khuyến khích thương mại và không ngừng mở rộng lãnh thổ. Ngay từ vương triều đầu tiên, Harihara đã tiến hành chinh phục các tiểu quốc Hoyasala, Kadamba và Madura. Các vương triều sau đó, đặc biệt dưới thời vua Krishna Deva Raya (1509 - 1530), nhiều tiểu quốc khác được sáp nhập thêm, lãnh thổ Vijayanagara được định hình là một đế chế rộng lớn ở phương Nam và đây cũng là thời kỳ đạt tới sự thịnh vượng về mọi phương diện của vương quốc.
Về chính trị, nhà nước Vijayanagara được tổ chức theo mô hình quân chủ chuyên chế. Vua là người có quyền lực tối cao, là người đứng đầu tôn giáo, cũng là tổng chỉ huy quân đội. Tăng lữ Bà La Môn là tầng lớp có uy tín và quyền lực bên cạnh nhà vua, giữ vai trò cố vấn cấp cao, là cầu nối giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương. Họ là người đứng đầu của các đền thờ và các làng (devadana) để đảm bảo các khoản thuế được sử dụng đúng mục đích.
Các vị vua quản lý đất nước thông qua một hệ thống các thủ lĩnh quân đội địa phương gọi là Nayaka hoặc Amara-nayaka. Đây là nét đặc trưng trong tổ chức nhà nước của Vương quốc Vijayanagara, có nhiều nét tương đồng với các lãnh chúa ở Tây Âu. Các Amara-nayaka thường nói tiếng Telugu hoặc Kannada, là những chỉ huy quân sự được trao lãnh thổ để cai trị. Họ có nghĩa vụ cai quản vùng được được phân phong, thu tô thuế, nuôi một lực lượng quân đội nhất định cho triều đình và hàng năm phải về triều kiến nhà vua. Họ được giữ lại một phần bổng lộc cho cá nhân, được duy trì một số lượng ngựa và voi theo quy định, sử dụng một phần tô thuế để sửa chữa các ngôi đền và công trình thủy lợi.
Hệ thống này tạo ra nhiều Nayaka phục tùng quyền lực của triều đình nhưng cũng luôn xuất hiện nguy cơ nổi loạn, cát cứ và nhà nước phải đàn áp bằng vũ lực. Các vị vua đã hạn chế nguy cơ cát cứ bằng cách thỉnh thoảng điều chuyển Nayaka từ nơi này đến nơi khác. Tuy vậy, trong thế kỷ XVII, nhiều Nayaka vẫn lập được các tiểu quốc độc lập, điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Vijayanagara hùng mạnh.
Về kinh tế, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Lúa và một số loại ngũ cốc, tiêu đen, dừa là những loại cây được trồng phổ biến ở Vijayanagara. Có ba loại sở hữu ruộng đất chính là amara, bhandaravada và nianya. Loại lớn nhất là sở hữu nhiều làng amara, loại này được ban cho các Amara - nayaka, họ không có quyền sở hữu cá nhân nhưng được hưởng các đặc quyền trên vùng đất cai quản. Bhandarvada là sở hữu một làng, tô thuế thu được từ hình thức sở hữu này được sử dụng để duy trì hoạt động của chính làng đó. Nianya là hình thức sở hữu của các cơ sở tôn giáo, tô thuế thu được sử dụng để duy trì các đền thờ Hinđu giáo. Bên cạnh thuế đất, nhiều loại thuế nghề nghiệp cũng được áp dụng như thuế với các chủ tiệm, người chăn cừu, thợ giặt, thợ gốm, nhạc sĩ… Nhà nước còn thu thuế tài sản, thuế chăn thả và thuế nhà.
Vijaynagara đặc biệt phát triển mạnh về thương mại, có quan hệ giao thương với nhiều nước trong khu vực như Ba Tư, Trung Quốc, Srilanka, Ả rập, … Ngựa là mặt hàng được nhập khẩu với số lượng lớn. Ngoài ngựa, ngà voi, ngọc trai, gia vị, đá quý, đường, muối,… cũng là những mặt hàng được thương nhân Vijayanagara mua nhiều. Ngọc trai được mang đến từ Ba Tư và Srilanka, đá quý từ Pegu, satin, lụa, gấm hoa từ Trung Quốc. Gạo trắng, mía và sắt là những mặt hàng xuất khẩu chính, bên cạnh đó còn có kim cương. Vì thế, các nghề cắt và đánh bóng đá quý như kim cương, ngọc bích và hồng ngọc cũng phát triển ở Vijayanagar và Malabar.
Các chợ được mở thường xuyên hoặc định kỳ dọc con đường chính dẫn đến các ngôi đền trong thời gian lễ hội. Ở Vijaynagara có khoảng 80 trung tâm buôn bán lớn. Thương gia trả tiền thuê cho các thị trấn, để có các khu vực buôn bán riêng biệt cho hàng hóa của mình, nhằm cung cấp thực phẩm cho khách hành hương và thực hành nghi lễ. Trong các chợ đã xuất hiện các khu vực bán hàng riền biệt cho các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Về tổ chức xã hội, xã hội Vijaynagara phân chia thành hai giai cấp chính. Giai cấp thống trị gồm: vua, quý tộc trung ương, địa phương và tăng lữ Bà La Môn. Còn giai cấp bị trị được chia thành hai nhóm: Vaishnavas (còn gọi là “cánh tay phải”) chủ yếu sản xuất nông nghiệp và hoạt động thương mại địa phương; Saivites (còn gọi là “cánh tay trái”) là những người thợ thủ công và người buôn bán các sản phẩm phi nông nghiệp. Trong đó, nông dân là lực lượng lao động chính của xã hội.
Về văn hóa, Hinđu giáo là tôn giáo chủ yếu ở Vijayanagara. Những di tích của Vijayanagara hiện còn ở Hampi, gần Bellary, bang Karnataka đã cho thấy một kiến trúc đô thị được quy hoạch khoa học, văn minh với với hệ thống giao thông, đường dẫn nước, khu chợ, pháo đài, các cung điện, đền đài Hinđu tráng lệ.
Có thể nói, Vương quốc Vijayanagara là một trong những vương quốc hùng mạnh nhất Nam Ấn Độ vào thời trung đại. Vijayanagara cũng là thành trì của Hinđu giáo trong giai đoạn người Hồi giáo làm bá chủ ở Ấn Độ. Vương quốc này đã nổi lên như một thế lực thương mại ở khu vực, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thương mại Ấn Độ và góp phần vào quá trình truyền bá văn hóa Ấn Độ ra bên ngoài.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2006
- Robert Sewell, A forgotten Empire (Vijayanagara) – A contribution to the history of India (Vương quốc bị lãng quên (Vijayanagara) – một đóng góp của lịch sử Ấn Độ), Swan Sonnenschein & Co., Ltd, London, 1900.
- K.A. Nilakanta Sastri, A History of South India (Lịch sử Nam Ấn Độ), Oxford University Press, New Delhi, 1955.
- Burton Stein, Vijayanagara (The New Cambridge History of India, Vol.1, Part 2) (Vijayanagara (Lịch sử Ấn Độ, tập 1, phần 2)), Foundation Books, New Delhi, 1989.
- Vasundhara Filliozat, Vijayanagara (Vương quốc Vijayanagara), National Book Trust, New Delhi, 2006.