Vương quốc Srivijaya (650 - 1377) là vương quốc cổ trên quần đảo Indonesia và bán đảo Malay, tồn tại từ giữa thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XIV. Vương quốc Srivijaya được coi là một thể chế thương mại hàng hải hùng mạnh của Đông Nam Á thời tiền hiện đại. Trung tâm quyền lực của Vương quốc Srivijaya là vùng duyên hải đông nam Sumatra, trong khi phạm vi ảnh hưởng của thể chế này bao gồm đảo Sumatra, miền tây đảo Java, Borneo và bán đảo Malay.
Sự hình thành của Vương quốc Srivijaya gắn liền với sự phát triển thương mại biển ở Đông Nam Á. Từ thế kỷ III-IV, tiến bộ kỹ thuật hàng hải thúc đẩy hoạt động thương mại từ ven bờ ra đại dương, qua eo Malacca. Vùng duyên hải đảo Sumatra tận dụng vị thế chiến lược để gia nhập vào con đường Tơ lụa trên Biển và gia tăng trao đổi với thị trường Trung Quốc đã được thống nhất thời Tùy, Đường.
Vương quốc Srivijaya bắt đầu được biết đến vào giữa thế kỷ VII. Nhà sư Trung Quốc Nghĩa Tịnh (635-713) dừng chân tại đây trên đường sang Ấn Độ và cho biết tên của thể chế này là Phật Thệ (Thất Lợi Phật Thệ). Ông cũng lưu ý rằng đây là trung tâm thương mại ở vùng biển phía nam. Phần lớn các văn bia quan trọng của vương quốc được biên soạn trong khoảng năm 683-686, tập trung ở khu vực Palembang. Đó là cơ sở để các học giả đoán định về niên đại ra đời và trung tâm của Vương quốc Srivijaya, ban đầu ở Palembang (thế kỷ VII-XI), sau đó dịch chuyển về Jambi ở phía bắc (cuối thế kỷ XI).
Tư liệu Trung Quốc và Arab cho thấy Vương quốc Srivijaya là một trung tâm tôn giáo quan trọng, đầu mối thương mại giàu có, sở hữu nhiều nguồn hương liệu, gia vị, và là một quyền lực hàng hải khu vực. Nhà sư Nghĩa Tịnh mô tả nơi đây có hơn 1000 nhà sư chuyên tâm nghiên cứu các chủ đề Phật giáo giống như tại Ấn Độ và khuyên bất cứ nhà tu hành nào hãy học tập ở Vương quốc Srivijaya một năm trước khi tới Ấn Độ. Nhà địa lý Masudi thì viết: Srivijaya có dân số khổng lồ và những đạo quân đông vô kể. Trong vòng hai năm, không một ai, dù với các tàu thuyền chạy nhanh nhất có thể đi qua hết các hòn đảo có người ở…
Sự phát triển này được cho diễn ra liên tục ở các thế kỷ VII-XIII. Sử nhà Tống chép năm 1017, Maharaja Srivijaya thông báo với Trung Quốc rằng ông ta là “vua của tất cả các vùng đất trên đại dương”. Chu Khứ Phi, quan chức ở thế kỷ XII thì cho biết: trong đánh nhau trên bộ lẫn trên biển, không ai có thể vượt được Srivijaya. Nếu một tàu nước ngoài đi ngang qua mà không ghé vào Palembang thì hạm đội sẽ xuất phát và giết chết đến người cuối cùng.
Tuy vậy, hiểu biết của chúng ta về sự vận hành kinh tế, chính trị của Vương quốc Srivijaya vẫn còn hạn chế. Các nguồn hàng, cảng thị, và trung tâm chính trị của Vương quốc Srivijaya được tổ chức thành hệ thống trao đổi ven sông và duyên hải. Bia Telaga Batu (năm 683) gợi ý về tổ chức chính trị có nhiều đặc thù của thế giới Malay nơi người cai trị dựa trên sự bảo trợ, lòng trung thành, sức mạnh và lợi ích kinh tế. Nhà vua xác lập cung điện (kraton) ở đông nam Sumatra. Ông được gọi là Maharaja theo truyền thống vương quyền Ấn Độ, được sự phò tá của các thủ lĩnh (datus) ở triều đình và chư hầu địa phương.
Chúng ta biết nhiều hơn tới khung cảnh địa lý, tộc người và tài nguyên thiên nhiên giúp duy trì vị thế kinh tế của thể chế này. Thành phần cư dân chủ đạo trong khu vực là những người nói tiếng Malay nổi tiếng với kỹ thuật hàng hải. Vương quốc Srivijaya tọa lạc ở trung tâm của một thế giới biển sôi động, nơi hiện diện nhiều nhóm thương nhân từ Ấn Độ, Arab, Ba Tư, Trung Quốc… Những người bị thu hút bởi tiếng gọi của vàng, trầm hương, đinh hương, hồ tiêu, nhục đậu khấu…
Quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sự vận hành kinh tế và quyền lực chính trị của Vương quốc Srivijaya. Vương quốc phái nhiều sứ đoàn tới triều đình Đường, Tống, nơi mà từ thế kỷ X, nó sẽ xuất hiện với tên gọi Tam Phật Tề. Triều cống không chỉ bảo đảm cho quyền lực của Vương quốc Srivijaya trong thế giới hải đảo mà còn là một kênh thương mại. Vương quốc Srivijaya mở rộng quan hệ với Ấn Độ và dựng một ngôi chùa ở Nalanda (Bengal) vào thế kỷ IX. Tuy nhiên từ thế kỷ X, Vương quốc Srivijaya bị thách thức bởi các đối thủ mới từ miền đông đảo Java. Năm 1016, vương triều Chola (Ấn Độ) tiến hành viễn chinh chiếm giữ các cảng thị trên vùng hải đảo cho tới năm 1045. Cuối thế kỷ XI, Vương quốc Srivijaya tìm cách khôi phục lại vị thế, mặc dù vậy khung cảnh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thay đổi. Cuộc tấn công của nhà Nguyên, gia tăng thương mại tư nhân Trung Quốc, sự xuất hiện của Hồi giáo, sự nổi lên của Sukhothai, Ayutthaya, Majapahit đã dịch chuyển cấu trúc địa chính trị, kinh tế khu vực. Khi Malacca thành lập năm 1400 và mở rộng quyền thống trị vùng eo biển, Vương quốc Srivijaya cũng biến mất khỏi các dòng sử liệu.
Hai thập kỷ qua xuất hiện cuộc tranh luận học thuật liên quan tới tính liên tục và ‘bá quyền’ thực sự của Vương quốc Srivijaya. Cơ sở của nó bắt nguồn từ sự thiếu vắng những dấu tích khảo cổ ‘xứng tầm” với một ‘đế chế’ kéo dài bảy thế kỷ. Tuy nhiên việc phục dựng và đánh giá vai trò lịch sử của Vương quốc Srivijaya có lẽ cần dựa vào tính chất thương mại và hàng hải đặc thù của các thể chế biển phi nông nghiệp, không sở hữu những vùng định cư lâu đời và hệ thống sản xuất phức tạp. Sự hưng vong của Vương quốc Srivijaya gắn với thăng trầm của thương mại biển Đông Nam Á. Vương quốc này là bá quyền hàng hải (thalassocracy) thứ hai sau Phù Nam, tham gia tạo dựng một giai đoạn bản lề của lịch sử tiền hiện đại khu vực.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Đức Liêm, “Tiếp cận Khu vực học trong Nghiên cứu cổ sử Đông Nam Á: trường hợp Srivijaya.”, Nghiên Cứu Đông Nam Á, 9 (2011): 26–37.
- Cœdès, George. “Le Royaume de Çrīvijaya” (Vương quốc Srivijaya), BEFEO, Année 18 (1918): 1–36.
- Wolters, Oliver W., Early Indonesian Commerce: A Study of the Origins of ʹSrīvijaya (Lịch sử thương mại Indonesia sơ kỳ: nghiên cứu về các nguồn gốc của Srivijaya). Ithaca: Cornell University Press, 1967.
- Wolters, Oliver W., The Fall of Śrīvijaya in Malay History (Sự sụp đổ của Srivijaya trong lịch sử Malay). Ithaca: Cornell University Press, 1970.
- Andaya, Leonard Y. Leaves of the Same Tree : Trade and Ethnicity in the Straits of Melaka (Lá cùng một cội: thương mại và tộc người ở eo biển Melaka). Honolulu: University of Hawai’i Press, 2008.
- Kulke, Hermann, K. Kesavapany, and Vijay. Sakhuja, eds. Nagapattinam to Suvarnadwipa : Reflections on the Chola Naval Expeditions to Southeast Asia (Từ Nagapattinam đến Suvarnadwipa: Phản ánh về các cuộc viễn chinh hàng hải của Chola tới Đông Nam Á). Singapore: ISEAS, 2009.