Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vương quốc Pagan
Vua Anawrahta, vị vua sáng lập nên Đế chế Pagan, và thống nhất các vùng lãnh thổ tương đương Myanma ngày nay.
Quang cảnh thành phố Bagan, từng là kinh đô của Pagan.

Vương quốc Pagan (1044 - 1287) là tên của đế chế đầu tiên trong lịch sử Myanmar, có kinh đô là thành Pagan thuộc vùng Thượng Miến, cg. Bagan, hay Arimaddanapura (Thành phố của Người chinh phục Kẻ thù).

Lãnh thổ Myanmar ngày nay là không gian của nhiều nền văn hóa kim khí thời tiền sử. Tính chất đa dạng tộc người và quá trình chuyển cư liên tục tác động sâu sắc tới diễn trình lịch sử vùng đất này. Nhà nước sơ kỳ đầu tiên là của người Pyu vốn di cư vào lưu vực Irrawaddy từ Vân Nam. Tới thế kỷ VI có các vương quốc của người Môn tại vùng Hạ Miến. Với sự mở rộng của vương quốc Nam Chiếu (Vân Nam) ở thế kỷ IX, người Miến bắt đầu di cư vào thượng lưu sông Irrawaddy. Khoảng năm 850, khu định cư Pagan được xác lập.

Pagan tọa lạc gần nơi hợp lưu của sông Irrawaddy và Chindwin, giúp kiểm soát các tuyến giao thương qua Assam, Vân Nam, và thung lũng Sittang. Khu vực này còn sở hữu các ‘vựa lúa’ của Myanmar là Kyaukse và Minbu. Tại đây, người Miến còn kế thừa thành tựu phát tiển của người Pyu đồng thời tiếp thu tôn giáo và chữ viết nguồn gốc Ấn Độ từ người Môn. Đó là cơ sở để trong vòng hai thế kỷ, Vương quốc Pagan phát triển từ 19 ngôi làng thành trung tâm lớn mạnh trải dài theo chiều bắc-nam là 200 dặm và đông-tây là 80 dặm (năm 1044).

Vương quốc Pagan phát triển đỉnh cao ở thế kỷ XI-XII dưới thời kỳ trị vì của vua Anawrahta (1044–1077), Kyanzittha (1084–1113), Alaungsithu (1113–1167), và Narapatisithu (1173–1210). Những người này đã mở rộng lãnh thổ ra phần lớn Myanmar hiện nay tới vùng duyên hải Tenasserim.

Anawrahta là nhà vua tài năng mở đầu cho vương triều cầm quyền của 11 vị vua kéo dài 250 năm. Ông đã chinh phục toàn bộ vùng châu thổ Irrawaddy, mở cánh cửa ra biển cho Vương quốc Pagan. Lãnh thổ Vương quốc Pagan được mở rộng về phía tây bắc tới Arakan và Chittagong, về phía đông bắc tới Bahmo và Tali. Anawrahta cũng là người đặt nền móng cho việc thống nhất không gian chính trị đa tộc người trên lãnh thổ Myanmar.

Trong giai đoạn này, Phật giáo Theravada đóng vai trò quốc giáo, chi phối đời sống chính trị, xã hội Myanmar. Các vua của Vương quốc Pagan cai trị với danh hiệu Chakravartin (Vua của Vũ trụ). Anawrahta phái các nhà sư học tập ở Sri Lanka để cải cách Phật giáo, bắt đầu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo này và chính trị vẫn còn duy trì tới nay. Dưới thời vua Kyanzittha, Tam tạng Phật giáo (Tripitaka) đã được sửa đổi lại thay thế cho phiên bản ảnh hưởng của người Môn.

Lãnh thổ vương quốc được chia làm vùng trung tâm do Pagan cai trị trực tiếp và vùng ngoại vi, nơi thủ lĩnh địa phương có quyền lực lớn, chủ yếu ràng buộc qua tuyên thệ trung thành với triều đình. Về kinh tế, nông nghiệp lúa nước là ngành chủ đạo. Các chùa Phật giáo có vai trò lớn trong tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. Vương quốc Pagan còn tiến hành trao đổi thương mại với Ấn Độ qua vịnh Bengal và Vân Nam.

Thành tựu nghệ thuật đặc sắc nhất của thời kỳ này chính là khu đền tháp Pagan. Hiện nay chỉ còn lại khoảng 3000 tháp trong tổng số gần 10.000 đã được xây dựng từ thế kỷ XI đến XIII. Các văn bia cho thấy cả hoàng gia và người bình dân tham gia nhiệt thành vào việc xây dựng các ngôi tháp này. Chúng là chứng nhân của một thời kỳ thịnh vượng kinh tế, phản ánh tài năng của các thợ thủ công, hoạt động tôn giáo sôi động của sư tăng và tín đồ từ quý tộc tới thương nhân, quan chức, binh lính; và bình dân.

Về phong cách kiến trúc, đền tháp Pagan có thể chia làm ba giai đoạn: sơ kỳ, trung kỳ, hậu kỳ. Ở giai đoạn đầu các thiết kế chú trọng để ánh sáng mặt trời chiếu qua hành lang hẹp tới các bức tượng Phật trong tòa tháp. Giai đoạn hai bắt đầu từ thế kỷ XII, phản ánh ảnh hưởng của kiến trúc theo vũ trụ quan Pyu, ít có sự phân biệt giữa sảnh và điện thờ, ít quan tâm tới điều tiết ánh sáng. Trong giai đoạn cuối (1170-1300) được đặc trưng bởi các tháp có bình đồ 5 mặt. Tiêu biểu trong số này là tháp Shwe-hsan-daw, tương truyền được Anawrahta xây dựng để cất giữ sợi tóc thiêng của Đức Phật từ Thaton. Tháp Myinkaba-Kubyauk-Gyi xây dựng bởi hoàng tử Rajakumar (1113) với tấm bia bốn mặt khắc chữ Pyu, Môn, Miến cổ và Pali.

Cuộc tấn công của Mông Cổ là một phần nguyên nhân sụp đổ của Vương quốc Pagan. Trước đó, sự gia tăng ruộng chùa đã làm giảm nguồn lực tài chính và nhân lực của nhà nước. Từ giữa thế kỷ XIII, Vương quốc Pagan đối mặt với các cuộc nổi dậy ở Arakan và Martaban. Hai lần quân Mông Cổ yêu cầu triều cống (1271, 1273) đều bị người Miến từ chối. Hệ quả là năm 1277, Vương quốc Pagan bị xâm lược và quân đội của họ bị đánh bại tại trận Ngasaungyan. Tới năm 1283–85 người Mông Cổ lại tấn công và nhà vua Narathihapate (1255–1287) bỏ chạy xuống phía nam. Ông được gọi là Tarokpye Min – Nhà vua chạy trốn người Trung Quốc. Năm 1287, Narathihapate bị giết bởi con trai mình, mở đầu thời kỳ hỗn loạn cho tới khi nhà vua cuối cùng là Kyawzwa bị phế truất năm 1298. Khi đó, Vương quốc Pagan bị phân chia thành ba trung tâm: Sagaing, Pinya, Pagan.

Vương quốc Pagan đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử Myanmar. Đây không chỉ là vương quốc đầu tiên xác lập nền cai trị của người Miến với tư cách là tộc người trung tâm mà còn xây dựng nền tảng tôn giáo, văn hóa, bản sắc chính trị, lãnh thổ cho các vương triều sau này, đặc biệt là mở đầu cho xu thế thống nhất lãnh thổ đa sắc tộc của Myanmar. Đối với lịch sử khu vực, Vương quốc Pagan và Angkor là hai vương quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á lục địa ở thế kỷ XI-XII, tạo lập cơ sở cho các mối giao lưu khu vực trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là tôn giáo và thương mại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Harvey, G. E. History of Burma: From the Earliest Times to 10 March 1824 (Lịch sử Myanmar từ những thời kỳ xa xưa nhất cho tới ngày 10/03/1824). London: Frank Cass & Co. Ltd, 1925.
  2. The Glass Palace Chronicle of the Kings of Burma (Biên niên sử Lâu đài Kính của các vương quốc Myanmar), (Luce, Gordon H., and U Pe Maung Tin, Trans.). Rangoon: Rangoon University Press, 1960.
  3. Coedes, George. The Making of Southeast Asia (Sự ra đời của Đông Nam Á). Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1967.
  4. Aung-Thwin, Michael. Pagan: The Origins of Modern Burma (Pagan: các nguồn gốc của Myanmar hiện đại). Honolulu: University of Hawai’i Press, 1985.
  5. Inglis, Kim, ed. Myanmar Style: Art, Architecture and Design of Burma (Phong cách Myanmar: Nghệ thuật, Kiến trúc và bài trí Myanmar). Bangkok: Asia Books, 1998.
  6. Lieberman, Victor B. Strange Parallels: Volume 1, Integration on the Mainland: Southeast Asia in Global Context, c.800–1830 (Những song trùng kỳ lạ: Tập 1, Sự hội nhập của Đông Nam Á lục địa trong khung cảnh toàn cầu, khoảng năm 800-1830)). Cambridge: Cambridge University Press, 2003.