Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Văn minh cổ Babylone
Hammurabi (đứng), nhận biểu tượng hoàng gia từ Shamash (hoặc có thể là Marduk). Hammurabi đưa hai tay lên miệng như một biểu tượng của lời cầu nguyện[10] (khắc ở phần trên của tấm bia bộ luật Hammurabi).

Văn minh cổ Babylone là thời kỳ huy hoàng nhất của lịch sử Lưỡng Hà, kéo dài từ năm 1894 đến 1595 TCN.

Vương triều III Ua đã bị liên minh người Elam và người Amorites lật đổ vào năm 2024 TCN. Sau đó, người Elam cướp bóc, vơ vét của cải của Lưỡng Hà rồi rút quân về nước. Ngược lại, người Amorites đã từ bỏ đời sống du mục, định cư ở khu vực Lưỡng Hà và xây dựng nhiều thành thị của họ.

Khoảng năm 1894 TCN, người Amorites chọn thành Babylone ở bên bờ sông Euphrates làm thủ đô, thành lập vương quốc chiếm hữu nô lệ. Vương quốc Babylone luôn tìm cách mở rộng cương giới của mình, dần dần khống chế toàn bộ vùng Lưỡng Hà, mà cư dân sống ở vùng này dù là người Sumer, Akkad hay Amorites cũng được gọi chung là người Babylone.

Nước Babylone hưng thịnh nhất và mở mang lãnh thổ rộng lớn nhất dưới triều vua thứ sáu, Hammurabi (1792 – 1750 TCN). Bằng vũ lực và những biện pháp ngoại giao khôn khéo, Hammurabi đã lần lượt chinh phục được các vùng đất của người Elam ở miền Tây cao nguyên Iran, sáp nhập với lưu vực Lưỡng Hà thành một đơn vị chính trị thống nhất. Hammurabi mở mang công trình thủy lợi, phát triển nông nghiệp, đề xướng việc chăn nuôi, khuyến khích công thương nghiệp. Babylone trở thành trung tâm công thương nghiệp lớn ở phương Đông cổ đại.

Để củng cố nền thống trị của giai cấp quý tộc chủ nô, Hammurabi đã dựa trên những tục lệ, tập quán ở khu vực Lưỡng Hà để chế định một bộ luật mới khá hoàn chỉnh, bộ luật Hammurabi, gồm 282 điều, khắc trên một cột bia đá. Nhờ bộ luật này được tìm thấy nguyên vẹn mà chúng ta có thể biết được tình hình kinh tế, xã hội của vương quốc Babylone thời đó.

Bộ luật Hammurabi đã cho biết công cụ sản xuất của người Babylone ở giai đoạn phát triển của đồng thau, sắt cũng đã xuất hiện nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Hệ thống thủy lợi được mở mang, chăm sóc, hoạt động kinh tế nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ nền kinh tế Lưỡng Hà. Trong xã hội Babylone, ngoài giai cấp nô lệ là đông đảo những người tự do, bao gồm những nông dân công xã, thợ thủ công, binh lính, thương nhân, cả quan lại và quý tộc, địa vị xã hội của họ có khác nhau.

Nhà nước Babylone được xây dựng theo hình thái nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Nhà vua Babylone tập trung trong tay vương quyền lẫn thần quyền. Vua là kẻ chỉ huy tối cao về quân sự, chính trị, kinh tế, đồng thời cũng là tăng lữ tối cao, thay mặt thần Marduk để trị dân. Nhà vua cai trị dân thông qua bộ máy nhà nước quan liêu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và một đội quân thường trực chuyên nghiệp mà nhiệm vụ chủ yếu là giúp vua trưng thu thuế má, sản vật trong nước và cống vật của nước ngoài. Quân đội thường trực này được huấn luyện kỹ và có kỷ luật nghiêm. Binh sĩ nào bỏ trốn, luật pháp xử rất nặng, binh sĩ không thực hiện lệnh điều động ra mặt trận sẽ bị tử hình. Chính nhờ lực lượng quân sự hùng hậu và có kỷ luật này, Hammurabi đã tiến hành thắng lợi các cuộc viễn chinh xâm lược, chinh phục toàn xứ Lưỡng Hà, ổn định tình hình, phát triển kinh tế, đưa Babylone trở thành “thời kỳ hoàng kim” của lịch sử Lưỡng Hà.

Sau khi vua Hammurabi chết (1750 TCN) thì vương quốc Babylone dần dần suy yếu. Trong nước, ngoài việc trấn áp những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa của nô lệ, dân nghèo, nhà nước Babylone phải đương đầu với sự phản kháng của những quý tộc địa phương ở phía nam. Cùng lúc đó, bên ngoài là những đợt tấn công xâm nhập ồ ạt của các tộc người sống xung quanh khu vực Lưỡng Hà: người Semites, người Elam, người Kassite. Năm 1518 TCN, người Kassite chiếm được Babylone và thống trị ở đây mãi cho tới năm 1165 TCN. Sau đó, bị đế quốc Assyria thôn tính.

Babylone mất vai trò chính trị quan trọng của mình trong nhiều thế kỷ, mãi cho tới thế kỷ VII TCN, khi vương quốc Tân Babylone được thiết lập, địa vị chính trị của Babylone mới được khôi phục.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Đức An, Đặng Quang Minh, Định Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng (sưu tầm và tuyển chọn), Tư liệu giảng dạy lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1983.
  2. Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000
  4. D.T.Potts, Mesopotamian Civilization – The Material Foundations (Văn minh Lưỡng Hà – Những cơ sở nền tảng), NCROL, 1997
  5. https://www.britannica.com/place/Babylonia