Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Văn hoá dân gian miền biển

Văn hoá dân gian miền biển là bộ phận văn hóa dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác và đang cư dân ven biển thực hành trong đời sống hàng ngày. Văn hóa dân gian miền biển được xác định bởi các yếu tố: chủ thể, sinh kế và văn hóa phong tục.

Chủ thể[sửa]

Về chủ thể văn hóa, lấy tiêu chí là “sống bằng nghề biển”, chủ thể văn hóa biển gồm toàn thể cộng đồng ngư dân (những người thực hành đánh bắt hải sản) và cư dân ven biển (những người tham gia công việc dịch vụ như sản xuất và mua bán tàu bè, ngư cụ; buôn bán hải sản; nuôi trồng hải sản bằng nước biển). Các nghiên cứu cho rằng, do đặc điểm địa hình Việt Nam có dải đồng bằng hẹp, một bên là núi với địa hình dốc, có các con sông đổ ra biển nên lãnh thổ bị chia cắt. Chính vì đặc điểm địa hình đó nên biển Việt Nam được coi như một hành lang giao thông lý tưởng để nối các vùng miền, và chính nó, đã tạo nên một tầng lớp cư dân bị định hình bởi biển. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cho rằng, cư dân biển Việt Nam vốn là các cư dân nông nghiệp, họ ít có kinh nghiệm vươn khơi mà chủ yếu khai thác biển cận duyên. Ngay cả với các cư dân trên đảo, việc song hành ngư nghiệp và nông nghiệp vẫn là tình trạng phổ biến của cư dân biển đảo và duyên hải Việt Nam.

Sinh kế[sửa]

Về sinh kế, đây là một vấn đề thuộc nghiên cứu đa ngành, nhưng nhìn từ góc độ văn hóa dân gian, sinh kế được nhìn nhận ở khía cạnh tri thức bản địa, kinh nghiệm, quan niệm, thói quen trong việc sáng tạo ra các “nguồn lực vật chất” (gồm phương tiện đi lại, phương tiện đánh bắt và tạo dựng các hình thức cư trú); trong việc thực hiện các “hoạt động cần thiết” để thích ứng và chinh phục biển (trong đó có tri thức dân gian trong việc thực hành sinh kế, kinh nghiệm đi khơi – đi lộng, kinh nghiệm chế biến hải sản, kinh nghiệm trong thương mại và mậu dịch trên biển…). Cư dân biển Việt Nam trước đây sử dụng các phương tiện đơn sơ như bè mảng, ghe bàu, tàu gỗ với công suất từ 20 đến 50 mã lực (CV) và các ngư cụ như các loại lưới, câu, giã, cào…chủ yếu dành cho việc đánh bắt hải sản trong ngày. Với các phương tiện đơn sơ này, ngư trường được khai thác thường là ngư trường truyền thống ở Vịnh Bắc Bộ và ngư trường cận duyên.

Văn hoá phong tục[sửa]

Về văn hóa phong tục, văn hóa dân gian miền biển bao gồm ẩm thực, tập quán, kiêng kỵ, tín ngưỡng, di tích, lễ hội. Với chiều dài hơn ba nghìn cây số bờ biển, trong quá trình thích ứng với biển, cư dân biển Việt Nam đã tạo nên một hệ thống tín ngưỡng thờ cúng các vị thần biển nhằm cầu mong sự phù hộ độ trì của các vị thần trong các chuyến ra khơi đầy rủi ro bất trắc. Các vị thần biển được thờ cúng nhiều ở vùng biển Bắc bộ Việt Nam gồm có Tứ vị Thánh nương, Đông hải đại vương, thần Độc Cước; các vị thần được thờ cúng nhiều ở vùng biển Trung bộ và Nam bộ là Cá Ông (Nam Hải đại vương), Quán Âm Nam Hải, Thủy Long Thánh Mẫu. Lễ hội thờ cúng các vị thần này thường có tục rước nước, bơi chải hoặc thả đèn Long Châu trên biển để cầu mong các vị thần biển phù hộ độ trì cho họ được an toàn và đánh bắt được nhiều tôm cá.

Để cầu mong các vị thần phù hộ cho được mùa tôm cá, cư dân ven biển tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm. Lễ hội này ở miền Trung và Nam bộ được gọi là lễ hội Nghinh Ông cầu Nam Hải đại vương (cá Ông) mong ngài che chở cho ngư dân được an toàn trên biển và đánh được nhiều tôm, cá. Ngoài ra, ở vùng biển miền Trung còn một nghi lễ đặc biệt, đó là lễ Khao lề thế lính của cư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là một nghi lễ được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức để cầu bình an cho những người con của họ tham gia vào đội đi làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa. Trong buổi lễ, người dân đảo làm những hình người bằng giấy hoặc bột gạo, dán giấy ngũ sắc lên đó; họ còn làm các con thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên, đưa ra tế ở đình và thả xuống biển với mong muốn đội thuyền này sẽ chịu các rủi ro trên biển cho những người lính Hoàng Sa.

Đồng thời, để việc ra khơi gặp may mắn, ngư dân của các vùng biển đều có nhiều điều kiêng kỵ dứt khoát phải tránh, chẳng hạn họ tránh ăn cơm khê, tránh gặp phụ nữ khi xuất hành, người có tang hoặc đi đám tang về không được lên thuyền, tránh để mèo nhảy qua lưới, không ăn cá chặt đuôi, không đánh cá ở chỗ có hai dòng nước để tránh bị ngã nước…Ngư dân cũng có nhiều kinh nghiệm về thời tiết, về việc đoán luồng cá, về việc xử lý bệnh tật khi ra khơi, về việc báo hiệu cho các đoàn thuyền bạn trong cứu trợ trên biển.

Trong quá trình thích ứng với biển, người Việt Nam đã sáng tạo nên một kho tàng văn học dân gian phong phú. Các bài nhật ký hải trình, các bài dân ca đối đáp của cư dân Hạ Long, các bài hò bả trạo, hô bài chòi, hò đẩy ghe, lý vãi chài…đã được người dân ven biển thực hành diễn xướng trong đời sống hàng ngày. Kho tàng truyền thuyết về các vị thần phù hộ cho người đi biển như truyền thuyết về cá Ông, truyền thuyết về Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải đại vương, thần Độc Cước, mẹ Nam Hải… được trao truyền từ đời này qua đời khác thể hiện và củng cố niềm tin cho người dân trong quá trình chinh phục và khai thác biển phục vụ cuộc sống của mình.

Mặc dù kinh nghiệm dân gian về sinh kế biển đã được người Việt Nam vận dụng trong một thời gian dài khi thích ứng và khai thác biển, tuy nhiên, trước sự đổi thay về môi trường biển và những đòi hỏi mới để thích ứng với các thay đổi về biến đổi khí hậu, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, sinh kế truyền thống hiện đang được thay thế bằng sinh kế hiện đại với các tàu lớn có công suất từ vài trăm đến vài ngàn mã lực, có thể vươn xa tới các ngư trường rộng hơn. Sự thay đổi về phương tiện sinh kế đòi hỏi chủ thể văn hóa biển hiện nay cần có hiểu biết về tri thức hiện đại, các kinh nghiệm dân gian đang dần được thay thế bằng tri thức khoa học công nghệ, nền văn hóa dân gian biển sẽ chỉ còn là một bộ phận trong nền văn hóa biển Việt Nam ở một thiên niên kỷ mới. Bên cạnh đó, các thách thức đến từ biến đổi khí hậu, từ sự thay đổi bối cảnh chính trị và sự xuất hiện của các vấn đề an ninh phi truyền thống đang làm biến đổi văn hóa biển truyền thống. Một nền văn hóa đại dương sẽ dần thay thế nền văn hóa biển cận duyên, tuy nhiên, nhân lõi của các giá trị văn hóa truyền thống sẽ vẫn còn hiện diện trong cuộc sống cư dân biển hôm nay./.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhiều tác giả,, Văn hóa dân gian làng ven biển, Viện Nghiên cứu VHDG, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
  2. Nguyễn Xuân Hương, Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam Đà Nẵng, Nxb. Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009
  3. Nhiều tác giả, Văn hóa biển đảo Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa xuất bản, Nha Trang, 2012.
  4. Phan Thị Yến Tuyết, Đời sống xã hội – kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb. ĐHQG Tp hát cướiM, 2014
  5. Nhiều tác giả, Biển miền Trung trong xã hội đương đại, Viện NC Văn hóa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2019
  6. Nguyễn Chí Bền, Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  7. Từ Thị Loan, Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  8. Vũ Anh Tú, Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  9. Đỗ Thị Thanh Thủy (chủ biên), Văn hóa ven biển vùng Nam Trung Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  10. Bùi Quang Thanh, Văn hóa đảo và quần đảo vùng Nam Trung Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  11. Đinh Văn Hạnh, Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  12. Phạm Lan Oanh, Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020
  13. Bùi Quang Thắng, Văn hóa biển đảo Phú Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020