Mục từ này cần được bình duyệt
Văn học pháp

một trong những nền văn học rực rỡ nhất của nhân loại bao gồm các tác phẩm của các nhà văn mang quốc tịch Pháp viết bằng tiếng Pháp, hoặc quốc tịch Pháp viết bằng các ngôn ngữ địa phương trên đất Pháp như ngôn ngữ Basque, Breton v.v. Lịch sử văn học Pháp bắt đầu từ thời Trung cổ cho đến ngày nay.

VĂN HỌC TRUNG CỔ

Văn chương Trung cổ Pháp là thời kỳ văn học từ giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XV. Văn chương Trung cổ là giai đoạn mở đầu của văn học Pháp. Trung cổ là một thời kỳ dài kèm theo những biến động phức tạp, có nhiều phương ngữ khác nhau. Ngôn ngữ Pháp không ngừng được phát triển dựa trên mối liên hệ và ảnh hưởng của tiếng Latin và quá trình Pháp hóa tiếng Latin. Hầu như tất cả các tác giả thời Trung cổ đều phải thành thạo tiếng Latin, đọc Kinh thánh, làm quen với nền văn hóa, văn học cổ đại Hy Lạp.

Giai đoạn đầu tiên của Văn học Trung cổ Pháp kéo dài từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVII. Tiếng Pháp cổ là ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ truyền giáo lý. Xuất hiện những trường ca cổ nhất như Bài ca Roland (trước năm 1100) là những bài thơ dài nhiều khổ thơ dài ngắn không đều. Đây là thể loại sử thi anh hùng kể về các chiến công của người anh hùng. Tiểu thuyết ra đời muộn hơn trường ca anh hùng, lúc đầu chỉ có tiểu thuyết bằng thơ. Giai đoạn này xuất hiện Tiểu thuyết về cáo Renard, thuộc truyện thơ tiếu lâm, không phải là câu chuyện liền mạch, mà là chùm chuyện được sáng tác từ cuối thế kỷ XI đến thế kỷ XIII tập hợp thành các tập xoay quanh nhân vật trung tâm là con cáo. Một trong những nhân vật xuất sắc nhất thời kỳ này là nhà viết tiểu thuyết Chrétien de Troys, tác giả Truyện kể về Graal. Ông là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của toàn bộ lịch sử Văn học Pháp không chỉ Văn học Trung cổ với những tác phẩm đỉnh cao về hình thức và nội dung.

Thế kỷ XIII, kinh tế phát triển cùng với sự phát triển của thành thị và những người có học, là đỉnh cao của Văn học Trung cổ Pháp. Đầu thế kỷ tiểu thuyết bằng văn xuôi xuất hiện. Tiểu thuyết Hoa hồng, một tác phẩm có 22.000 câu thơ 8 âm tiết gồm hai phần khác nhau (của hai tác giả khác nhau) là cuốn sách được đọc nhiều nhất ở thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI ở Pháp và có ảnh hưởng sâu rộng trong các thế kỷ sau. Nhà thơ nổi tiếng nhất thế kỷ XIII là Rutebeuf người sáng tác nhiều với những đề tài hết sức phong phú. Với ngôn ngữ thơ phong phú, các tác phẩm của ông báo hiệu cho sự xuất hiện của Vilon về sau này.

Trong các thế kỷ XIV-XV hoạt động sân khấu với nhiều thể loại khác nhau trở nên sôi nổi khi sử thi đã hoàn toàn biến mất, tiểu thuyết phong nhã cũng lụi tàn, còn thơ trữ tình không phát triển. Các loại kịch hài được ưa chuộng và phát triển mạnh. Đặc biệt tác phẩm Thày cãi Pathelin là vở kịch hề bằng thơ do nhiều tác giả sáng tác đã có ảnh hưởng lớn đến tận thời hiện đại. Vào thế kỷ XIV-XV xuất hiện dạng trữ tình mới, hình thức nổi bật nhất là ballade và rondeau. Rondeau là thể thơ bắt đầu từ một điệp khúc, điệp khúc này sẽ được nhắc lại vào giữa và cuối bài thơ. Ballade là loại thơ có ba khổ kèm điệp khúc là một hay hai câu thơ.

François Villon (1431(32) – 1463) là nhà thơ nổi tiếng nhất của Văn học Trung cổ Pháp. Mồ côi cha từ nhỏ, đời ông vô cùng gian truân, chìm nổi và được gắn với nhiều thành tích “bất hảo”. Ông sẽ được coi là nhà thơ của một thời kỳ mới có tên là Phục hưng. Trong thơ ông thể hiện một tâm hồn say mê nhưng nổi loạn, một cuộc đời nghèo khổ và đầy bất trắc. Sáng tác của thơ ông gắn với những thể loại tiêu biểu nhất của thơ trữ tình đương thời. Ông là cầu nối giữa hai thời kỳ Trung cổ và Phục hưng.

VĂN HỌC THẾ KỶ XVI

Thế kỷ XVI thường gắn với văn hóa, văn học Phục hưng, một thời đại của những đổi mới, sự tươi trẻ, sức sống dựa trên phát hiện lại thời cổ đại Hy- La. Đó là thời đại gắn với những cuộc cách mạng của tiến bộ: kỹ thuật máy in Gutenberg (1441), cách mạng trong thiên văn học với tên tuổi của Copernic, châu Mỹ được phát hiện với Ch. Colomb đã mở ra một thế giới mới, cuộc cải cách tôn giáo với tinh thần phủ định lật đổ của M. Luther, những cuộc cải cách trong giáo dục từ những cai trị đất nước đã làm phát triển văn hóa và tạo điều kiện cho văn chương phát triển. Đứng trên vai khổng lồ của những tri thức cổ đại Hy Lạp, La Mã cùng với thành quả từ những cải cách ấy mà hàng loạt các trung tâm văn hóa Phục hưng xuất hiện: nhóm Tao đàn ở Paris, Collège de France, các trường học ở Bordeaux…

Nói đến thế kỷ Phục hưng là nói đến chủ nghĩa nhân văn (gốc Latin của thuật ngữ này có nghĩa là con người). Con người giờ đây được khẳng định cùng với những quyền lực và phẩm giá của nó. Xã hội Phục hưng vẫn là một xã hội Kitô giáo, nhưng chủ nghĩa nhân văn lấy con người làm điểm xuất phát mà không phải là Chúa và Thượng đế. Chính cách nhìn nhận mới về con người đã mở đường cho những con người vĩ đại của thế kỷ xuất hiện - những con người của chủ nghĩa Phục hưng với những chuẩn mực mới, tầm nhìn mới. Con người khẳng định quyền của mình đối với hạnh phúc trần thế, nhờ vào sự hiểu biết, con người có thể tiến bộ và cải thiện điều kiện sống của mình.

Thế kỷ này về cơ bản vẫn thuộc thời kỳ văn hóa của tình trạng văn, sử, triết bất phân. Nhưng người ta vẫn có thể hình dung ra diện mạo chung của văn học. Vào năm 1525, Tân ước bằng tiếng Pháp lần đầu tiên xuất hiện, kéo theo đó là hàng loạt tác phẩm các thể loại của cổ đại từ triết học, thơ ca, lịch sử, luật, y, toán, chính trị v.v. được chuyển dịch từ tiếng Latin sang tiếng Pháp. Nền văn hóa của thế giới cổ Hy Lạp có tính chất đa thần giáo và nhân văn đã góp phần thúc đẩy chủ nghĩa nhân văn ở Pháp. Trong giai đoạn đầu, văn chương sát cánh với các cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng, nhiều người trong số các nhà nhân văn đã dũng cảm bảo vệ những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn, chấp nhận một cuộc đời nguy hiểm, thậm chí mất cả mạng sống của mình.

Thế kỷ XVI, thế kỷ gắn với nền văn hóa Phục hưng có thể coi là bước chuẩn bị cần thiết với những tìm tòi và thử nghiệm cho kịch cổ điển Pháp ở thế kỷ sau qua việc dịch và học tập kinh nghiệm lý luận kịch từ Hy Lạp cổ đại dàn dựng bi kịch Hy Lạp cổ đại. Từ đây xuất hiện các tác giả bi kịch Pháp, đặc biệt là với các sáng tác của Robert Garnier (1534-1590). Trong lĩnh vực văn xuôi, ngoài việc xuất hiện một số tác giả truyện ngắn thì hai cái tên Rabelais và Montaigne thực sự là những cấy đại thụ trùm bóng cả thế kỷ trong thể loại này. Đồng thời có thể thấy thơ ca là thể loại chiếm vị trí nổi trội nhất, vô cùng phong phú và đa dạng trong suốt thế kỷ với nhiều thể loại từ thơ trữ tình đến truyện thơ anh hùng ca, thơ trào phúng, thơ triết học v.v… Hai xu hướng nghệ thuật đã ảnh hưởng rõ rệt nhất trong thơ ca thế kỷ XVI là nghệ thuật kiểu cách (maniérisme), một thuật ngữ xuất phát từ hội họa Phục hưng hướng về tự nhiên, khẳng định tính đa dạng của sự vật trong sự hài hòa của tự nhiên và nghệ thuật baroc tìm về một sự thống nhất thông qua những biện pháp ngoa dụ, những hình ảnh kỳ vĩ.

François Rabelais (1484-1553) nhà văn lớn của thời đại Phục hưng, sinh ra trong một gia đình luật sư, thuở nhỏ sống ở nông thôn và theo học trường dòng, sau đó học ở Tu viện, nhưng ông lại quan tâm đến khoa học, học tiếng Latin, Hy Lạp, nghiên cứu những tác phẩm cổ đại, có điều kiện đi nhiều nơi trên đất Pháp, có dịp giao du tiếp xúc với nhiều nhà nhân văn nổi tiếng. Tác phẩm Gargantua và Pantagruel (1532-1564) bộ truyện gồm 5 quyển của ông thể hiện những khát vọng cháy bỏng của thời Phục hưng giải phóng con người khỏi chế độ phong kiến và nền giáo dục thần học giáo điều kinh viện của thời trung cổ, tấn công toàn diện chế độ phong kiến Trung cổ: từ tư tưởng đến tổ chức, từ nền giáo dục đến những con người đại diện cho hệ tư tưởng và nền giáo dục đó. Tiếng cười nhạo báng của Rabelais là tiếng cười có tầm cỡ thế kỷ, thể hiện một cuộc đảo lộn vĩ đại, hướng tới sự giải phóng cá nhân con người khỏi những ràng buộc chật hẹp tối tăm của tôn giáo và chế độ phong kiến, thể hiện thái độ sống lạc quan tin tưởng vào sức mạnh của con người, tin vào bản chất tốt đẹp của con người, hướng đến những quy luật tự nhiên, đến sự hài hòa và hạnh phúc trần thế.

Pierre de Ronsard (1524-1585), nhà thơ trữ tình lớn của nước Pháp thời Phục hưng. Sinh ra trong một gia đình quý tộc, từ nhỏ đã có điều kiện nhiều dịp đi ra nước ngoài và thấm đẫm ảnh hưởng của văn hóa La Mã cổ đại và văn hóa Italia. Sự nghiệp thơ ca của ông rất phong phú, thể hiện những tư tưởng nhân văn thời Phục hưng và lòng yêu đời, tình yêu trần thế, yêu mến thiên nhiên, xa lạ với tư tưởng tôn giáo thần bí và trừu tượng của thơ ca trung cổ.

Tên tuổi của Ronsard gắn chặt với nhóm Pléiade xuất phát từ tên một chòm sao 7 ngôi được 7 nhà thơ Pháp thời Phục hưng đặt tên cho nhóm thơ của mình. Pléiade ra đời với phương châm phục vụ chủ nghĩa nhân văn cao quý trên tinh thần yêu nước. Vẫn cần đến sự học tập văn hóa cổ đại, nhưng Pléiade cho rằng cần tránh sự nô lệ, đặc biệt hướng đến việc khẳng định sự tồn tại và tôn vinh tiếng Pháp, khẳng định các giá trị văn hóa trong cuộc đấu tranh của dân tộc. Họ khẳng định vai trò cá nhân nhà thơ với tư cách một người sáng tạo, một con người trần tục chống lại quan niệm từ thời Trung cổ chỉ biết đến Chúa và sự sáng tạo bất tử của Chúa. Thơ của nhóm Pléiade ca ngợi các vẻ đẹp của cuộc sống và kêu gọi mọi người hãy hưởng thụ hạnh phúc của cuộc đời, của tình yêu. Pléiade đòi hỏi nhà thơ phải tôn trọng hai nguyên tắc giản dị và tự nhiên, từ bỏ lối thơ cầu kỳ và công thức trước đó. Các tác phẩm của Ronsard, ngôi sao chói lọi nhất trong chòm thất tinh từ thế kỷ XVI đã có ảnh hưởng mạnh mẽ vượt ra ngoài biên giới Pháp.

Nói đến văn học Pháp thế kỷ XVI không thể bỏ qua một tên tuổi nổi tiếng khác, đó là Montaigne (1553-1592), một nhà triết học, nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm Tiểu luận (1580) ngay sau khi công bố, đã được tái bản nhiều lần ở Paris và ở Bordeaux quê hương của ông, một trung tâm văn hóa đương thời. Tác phẩm của Montaigne không theo một kết cấu chặt chẽ, thể hiện những suy nghĩ, những quan điểm riêng về triết học, chính trị, giáo dục, chống lại những quan điểm giáo điều thần bí của thế giới quan phong kiến Trung cổ. Ông ca ngợi tự nhiên, hướng về những quy luật của tự nhiên, đồng thời thể hiện một chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc, khuyên mọi người hãy thận trọng khi nhận định các vấn đề. Những luận điểm tiến bộ của Montaigne còn ảnh hưởng đến thế kỷ XVII, XVIII sau này.

THẾ KỶ XVII

Thế kỷ XVII thường được gọi là Đại thế kỷ được đánh dấu với nhiều sự kiện, nhiều khuynh hướng, nhiều tài năng lớn và thường được gắn với chủ nghĩa cổ điển. Trong thực tế, nói đến văn học Pháp thế kỷ XVII, chúng ta cần có góc nhìn rộng hơn thế để bao quát được bức tranh vô cùng phong phú đa dạng của nó.

Trước hết, đó là sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của các salon (phòng khách) ngay từ những năm đầu thế kỷ được khởi xướng bởi một số quý tộc Pháp để tiếp bạn bè là quý tộc, các nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, họa sĩ… Đó là một sinh hoạt văn hóa quan trọng, là cái nôi ươm mầm tài năng cho nhiều tác giả lớn của văn chương Pháp. Tính chất văn chương không phải đã được khẳng định ngay từ những salon đầu tiên, mức độ đậm nhạt, cung cách thể hiện cũng rất khác nhau trong các salon tồn tại trong suốt thế kỷ, không chỉ ở trung tâm Paris, mà còn ở một số thành phố lớn khác. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các salon văn chương này trong suốt đời sống văn học Pháp thế kỷ XVII, nó là môi trường thuận lợi tạo cảm hứng cho các tác giả, là nơi gặp gỡ, làm nảy nở nhiều tài năng và là lò rèn luyện sáng tác của nhiều tác giả trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tiếp theo là Viện Hàn lâm Pháp được thành lập năm 1635, một dấu mốc quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn học trong suốt thế kỷ, tuy quá trình hình thành và tồn tại phát triển của nó là một câu chuyện rất dài với nhiều biến cố, nhiều sự kiện và không ít thăng trầm, phức tạp. Có thể nói việc thành lập của Viện Hàn lâm Pháp đã làm thay đổi cục diện của nhiều vấn đề gắn với văn chương Pháp: uy tín của nhà văn với tư cách là người sáng tác được quan tâm và được nâng cao, tiếng Pháp được xây dựng thành một ngôn ngữ thống nhất trong cả nước với các nhiệm vụ của Viện như xây dựng Từ điển, biên soạn các công trình về Thi pháp, Ngữ pháp, Tu từ v.v.

Nổi trội nhất trong thế kỷ XVII là sự tồn tại của chủ nghĩa cổ điển, một khuynh hướng trong văn học nghệ thuật không chỉ ở Pháp mà còn ở châu Âu. Xuất phát từ hoạt động của một số nhà nhân văn của Italy từ thế kỷ XVI, chủ nghĩa cổ điển đạt đến độ hoàn thiện của nó ở thế kỷ XVII thể hiện ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Trong văn học thế kỷ XVII tại Pháp cũng như trong nghệ thuật, chủ nghĩa cổ điễn chú ý đến mối tương tác giữa con người và xã hội hướng về tính sáng rõ và trật tự, sùng bái lý trí. Nguyên tắc mỹ học căn bản của chủ nghĩa cổ điển là trung thành với tự nhiên, mang tính quy phạm rõ rệt. Với sự xuất hiện của tác phẩm Nghệ thuật thi ca của Boileau (1674), thi pháp của chủ nghĩa cổ điển được hoàn thiện thành hệ thống trong khung cảnh nhiều cuộc tranh luận về văn chương vô cùng sôi nổi, thậm chí là nảy lửa. Kết thúc một thế kỷ tranh luận là cuộc tranh cãi gây dấu ấn thế kỷ giữa Phái cũ và Phái mới, mở đầu cho sự xuất hiện một thi pháp mới, một mặt nó vẫn tiếp tục những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển, đồng thời nó tìm cách vượt qua những quy tắc ấy nhờ vào các tư tưởng triết học, mỹ học của Descartes (1596-1650) người đã làm lay chuyển những gông xiềng của kinh viện học, của dư luận và định kiến, hướng tới những khát vọng lớn lao, tới lòng tin phi thường vào khả năng của con người sẽ trở thành chủ nhân cuộc đời với câu nói bất hủ “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.

Nói đến bi kịch cổ điển Pháp, người ta không thể không nhắc đến Corneille và Racine, hai đại biểu kiệt xuất của thế kỷ. Pierre Corneille (1606-1684) là tác gia tiêu biểu nhất của kịch Pháp nửa đầu thế kỷ XVII. Các sáng tác của ông đã góp phần đưa bi kịch cổ điển Pháp lên đỉnh cao của vinh quang, chiếm vị trí lớn lao trong lịch sử kịch của nhân loại nói chung. Hướng tới những đề tài lớn lao, cao đẹp, kịch của Corneille gắn liền với những vấn đề thiêng liêng, trọng đại trong xã hội và quan tâm đến những nghĩa vụ với gia đình, dòng họ, với tổ quốc, vì thế tiếng gọi lý trí trong kịch của ông là tiếng nói dẫn đường cho các nhân vật kịch. Các anh hùng trong tác phẩm của ông sự thể hiện cao đẹp, tính duy lý của thời đại, là những con người lý tưởng của xã hội đương thời, họ luôn hy sinh cái riêng, hy sinh cuộc sống tình cảm cho sự nghiệp chung.

Le Cid là vở kịch xuất sắc nhất mang dấu ấn phong cách Corneille trong sự nghiệp của ông. Vở kịch được công diễn lần đầu vào năm 1636 tại Paris, được hoan nghênh nhiệt liệt và mang lại biết bao vinh quang cho tác giả. Các nhân vật trong vở kịch thể hiện những tính cách của người anh hùng với ý thức rõ ràng về nghĩa vụ của bản thân phải bảo vệ danh dự gia đình, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của đất nước. Đồng thời, họ đứng trước những xung đột nảy lửa giữa những tình cảm cá nhân nồng nàn, tha thiết và những nhiệm vụ cao cả. Họ luôn phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt, những giằng xé đau khổ để cuối cùng chiến thắng thuộc về lý trí và những lý tưởng cao đẹp.

Racine (1639-1699), địch thủ số một của Corneille, là người viết tiếp lịch sử bi kịch cổ điển Pháp, kết thúc thời kỳ nhằm tới những lý tưởng, những nghĩa vụ cao cả và quan tâm nhiều hơn cho những niềm mê say cuồng nhiệt. Lớn lên và trưởng thành từ môi trường thấm đẫm tư tưởng của giáo phái Jansen, đối lập với sự chuyên chế của triều đình lúc bấy giờ, Racine không muốn trở thành tu sĩ mà muốn sống bằng nghề viết văn. Sau một vài vở kịch đầu tay, vở Andromaque (1667) gây tiếng vang ở thủ đô Paris, tài năng của Racine được khẳng định, đồng nghĩa với việc lu mờ dần của Corneille và tạo ra một bi kịch mới, khác hẳn với bi kịch anh hùng của người đi trước. Hành động trong bi kịch của ông tuy đơn giản, nhưng lại thể hiện những xung động dữ dội của những đam mê mãnh liệt: đam mê tình yêu, đam mê quyền lực gây xúc động sâu sắc và mạnh mẽ nơi khán giả. Vở Andromaque tập trung những đặc điểm bi kịch đậm chất Racine, từ đề tài, nhân vật, tuy dựa trên chất liệu văn học cổ đại Hy Lạp nhưng là hình ảnh cuộc sống đương thời. Kịch của Racine tuân theo quy luật “ba duy nhất” của chủ nghĩa cổ điển, mô tả hết sức tinh vi đời sống tình cảm của con người đương thời. Với những khám phá sắc sảo cuộc sống nội tâm của con người với những đam mê mãnh liệt của nó, kịch Racine ghi một dấu mốc đặc biệt trong bi kịch thế kỷ XVII và trong văn học cổ điển Pháp nói chung.

Góp phần vào danh sách những tác giả từ chối những thuận lợi trong cuộc đời để đắm mình trong cuộc sống nghệ sỹ và cuộc đời sáng tạo đầy phiêu lưu là Molière (1622-1673), một tài năng lỗi lạc không ai sánh kịp trong lĩnh vực hài kịch. Bước vào nghề bằng hoạt động thành lập đoàn kịch từ 1644 ở Paris, sau nhiều năm lăn lộn với nghề, không ít lần thất bại phải đóng cửa, dần dần Molière trở thành một tác giả hài kịch sáng giá. Ông vừa phụ trách đoàn kịch, vừa tham gia diễn xuất, vừa sáng tác. Các vở hài kịch của ông thể hiện sinh động bức tranh xã hội thời Louis XIV, từ cung đình thành thị đến tỉnh lẻ, nông thôn… mặc cho các ý đồ xấu xa tìm cách bôi nhọ, chê bai và gây khó khăn cho ông. Cùng với các vở kịch nổi tiếng của ông như Trường học làm vợ, Tartuffe, Don Juan, Người ghét đời, Lão hà tiện… hài kịch Pháp có một diện mạo mới thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Descartes, đồng thời thể hiện cái hài phóng túng, tự do của tinh thần nghệ thuật baroc. Kịch của Molière có tính triết học rõ rệt mang hơi thở và tiếng nói của thời đại vì vậy tiếng cười, phê phán của ông đã khiến bọn quý tộc ưa lối sống cầu kỳ với những thói giả dối phải tức tối, những kẻ muốn thực hiện chính sách ngu dân phải bực mình. Tiếng cười dí dỏm, chua cay trong các sáng tác của ông mang tính xã hội sâu sắc, tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân văn thế kỷ XVII.

Bức tranh văn học Pháp thế kỷ XVII ngoài các tác giả kịch nêu tên trên còn có sự tỏa sáng của nhiều nhân vật kiệt xuất. Nếu như Pascal (1623-1662) là một tài năng xuất chúng trong văn xuôi cổ điển thể hiện sự hài hòa giữa trí tuệ sâu sắc và tình cảm nhiệt tình, sôi nổi của “một cây sậy biết tư duy” thì La Fontaine là một trong những nhà văn độc đáo nhất của thế kỷ đưa thơ ngụ ngôn Pháp lên tầm cao mới. Góp thêm phần phong phú và đa dạng của văn học Pháp thế kỷ XX, sáng tác của bà De Lafayette không chỉ đại diện cho “một nửa kia” của thế giới, mà thực sự làm cho văn xuôi cổ điển khẳng định vai trò của nó bên cạnh bi kịch của Corneille, Racine, hài kịch của Molière và các thể loại khác.

VĂN HỌC THẾ KỶ XVIII

Thế kỷ XVII ở Pháp là thế kỷ của cách mạng Pháp, có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với nước Pháp mà đối với toàn châu Âu và thế giới nói chung. Đó còn là “Thế kỷ Ánh sáng”, “Thế kỷ triết học” và “Văn học Ánh sáng”, một thế kỷ được gây dựng nên bởi nhiều nhân vật vĩ đại trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, xã hội, triết học, văn hóa, văn học v.v. Một trong những đặc điểm đặc biệt trong văn chương thế kỷ này là khuynh hướng triết lý của nó: phần lớn các nhà văn của thế kỷ XVII đồng thời là các triết gia nổi tiếng, ngược lại, nhiều nhà triết học lại được các nhà nghiên cứu coi như các nhà văn. Có thể nói, chưa khi nào mà trình độ trí tuệ của con người lại được gắn với tiêu chí triết lý chặt chẽ đến thế.

Các salon từng nổi tiếng thế kỷ XVII với các sắc thái đa dạng khác nhau được coi như những trung tâm văn hóa, sang thế kỷ này càng phát triển, nhưng mang không khí triết lý của thời đại một cách rõ rệt. Tinh thần triết học của thời đại Ánh sáng còn len lỏi đến những nơi chốn bình dân hơn như các tiệm cà phê Paris nơi gặp gỡ trao đổi tư tưởng và tranh luận. Đặc biệt, việc phát triển của báo chí, sách xuất bản đã giúp cho việc lan truyền rộng rãi hơn các tư tưởng triết lý của thế kỷ Ánh sáng.

Trong những năm đầu thế kỷ, cuộc đấu tranh giữa Phái cũ và Phái mới từ thế kỷ trước vẫn tiếp tục, thể hiện qua sáng tác của một số tác giả ví như Fénelon (1651-1715), một bộ óc bách khoa toàn thư của thời đại Ánh sáng, thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm khoa học từ 1697, người nhiệt tình ủng hộ Phái mới.

Thời kỳ tiếp theo thuộc nửa đầu thế kỷ XVIII xuất hiện nhiều tác phẩm và tác giả tiêu biểu cho tinh thần Ánh sáng. Montesquyeu với tiểu thuyết Những bức thư Ba Tư (1721) và một số tác phẩm khác, cùng với Voltaire đã thực sự ghi dấu ấn trong giai đoạn này như một nhà văn triết gia. Sự nghiệp của Marivaux với tư cách là nhà viết hài kịch và tiểu thuyết cũng góp phần làm rạng rỡ cho văn học Pháp nửa đầu thế kỷ.

Nửa sau thế kỷ gắn liền với nhiều sự kiện vĩ đại của những người xuất chúng. Bộ Bách khoa toàn thư do Diderot lãnh đạo biên soạn thu hút rất nhiều nhà khoa học được soạn thảo trong gần 30 năm, là một công trình mang tầm thế kỷ về ý nghĩa, về nội dung, về mức độ hoành tráng hùng vĩ của nó. Không thể không nhắc tới công trình bề thế này khi đề cập đến văn học Pháp thế kỷ XVIII bởi nó không chỉ gắn liền với vị “công trình sư” nổi tiếng Diderot, nhà triết học, nhà văn tiêu biểu của thế kỷ, mà còn liên quan trực tiếp đến hàng loạt nhà văn thành danh ghi dấu ấn sâu sắc trong tác phẩm của mình như Rousseau, Voltaire…

Nếu như đầu thế kỷ XVIII, thể loại hài kịch gắn liền với tên tuổi của Marivaux, thì ở giai đoạn cuối thế kỷ, Baumarchais với nhân vật Figaro bất hủ đã thực hiện được phương châm sáng tác của mình là: “Sân khấu là một người khổng lồ, đánh đâu là gây tử thương ở đấy”. Bi kịch ở thế kỷ này đã có những thay đổi lớn lao về nội dung và hình thức, thể hiện rõ trong nhiều vở của Voltaire. Trong khi các luận văn triết lý phát triển mạnh mẽ đặc trưng cho tinh thần thế kỷ Ánh sáng trong thể loại văn xuôi thì hình như thế kỷ XVIII không phải là thế kỷ của thơ ca, tuy nhiên vẫn có những nhà thơ nổi tiếng như André Chénier cùng một số tên tuổi khác trong đó không thể không nhắc đến “người khổng lồ” Voltaire với những vần thơ tiêu biểu cho thời đại.

Montesquyeu (1689-1755), một con người đọc rộng, ham hiểu biết, một nhà tư tưởng tiêu biểu của thời đại Ánh sáng vào năm 1721 (32 tuổi) đã “trình làng” văn chương Pháp với một tác phẩm gây tiếng vang lớn không chỉ ở Pháp mà cả ở châu Âu. Tiểu thuyết Những bức thư Ba Tư đã khiến Montesquyeu một công chức ngành luật ở tỉnh lẻ ngay lập tức nổi danh là nhà văn nổi tiếng ở Paris với bẩy lần tái bản ngay trong năm 1721. Những bức thư Ba Tư góp phần tích cực vào việc phát triển thể loại truyện triết học đặc trưng cho văn xuôi thế kỷ XVIII và thể hiện rõ rệt tinh thần phê phán xã hội và con người theo tư tưởng của thời đại Ánh sáng. Sau tác phẩm nổi tiếng đó, Montesquyeu lại một lần nữa làm “dậy sóng” văn đàn nước Pháp với tác phẩm Tinh thần pháp luật (1748), mang lại vinh quang cho tác giả trên khắp châu Âu kèm theo những trận công KÍCH dữ dội khiến tác giả phải có lời Bảo vệ tinh thần pháp luật (1750) để nói rõ quan điểm của mình. Chỉ với hai tác phẩm lớn được sáng tác cách xa nhau hơn 20 năm trong cuộc đời sáng tác không thật dài của nhà văn cũng đủ ghi tên Montaisquyeu vào danh sách những nhà văn, nhà tư tưởng lớn trong lịch sử văn học thế kỷ XVIII ở Pháp và trên thế giới.

Voltaire (1694-1778) ngọn cờ đầu của phong trào Ánh sáng thế kỷ XVIII, thực sự là cây đại thụ trùm gần suốt thế kỷ. Không mặn mà với nghiệp công chức thuộc ngành luật, Voltaire hướng đến con đường sáng tác đầy chông gai và phiêu lưu. Khởi nghiệp với những vần thơ châm biếm, ông đã phải nếm những tháng ngày tù tội vì tinh thần chống đối. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp thơ ca của Voltaire là trường ca Nàng trinh nữ xứ Orléans ca ngợi người anh hùng của dân tộc Jeanne d’ Arc.

Trong lĩnh vực sân khấu, Voltaire chiếm một vị trí nổi bật với 54 vở, trong đó có 30 vở bi kịch, 12 vở hài kịch và một số vở ca kịch. Tiếp thu truyền thống bi kịch cổ điển từ Corneille, Racine… nhưng Voltaire đã có những tìm tòi đổi mới phần nào rút ra từ kinh nghiệm kịch nước Anh với kịch của Shakespeare. Từ hình thức đến nội dung, kịch của Voltaire qua một số tác phẩm tiêu biểu như Œdipe, Bratus, Zaire… đã thể hiện tinh thần sâu sắc tinh thần của thế kỷ Ánh sáng, ngợi ca lý trí, lên án sự chuyên chế của quyền lực, phê phán triều đình phong kiến thối nát và sự cuồng tín mê muội của tôn giáo. Voltaire đã lưu danh hậu thế đặc biệt trong thể loại truyện triết lý, vừa thâu nhận từ truyện dân gian hình thức dung dị, nhưng lại thấm đẫm tư tưởng xã hội, chính trị của thời đại. Với các tác phẩm tiêu biểu như Zadig hay số mệnh (1747), Candide hay chủ nghĩa lạc quan (1759), Chất phác (1767) v.v. truyện của Voltaire thể hiện một góc nhìn hài hước châm biếm, hướng đến những vấn đề trọng đại của thế kỷ, góp phần lớn lao trong quá trình phát triển của văn xuôi Pháp thế kỷ XVIII.

Có lẽ Bách khoa toàn thư của thế kỷ XVIII sẽ không thể hoàn thành nếu không có người chèo lái vĩ đại Diderot (1713-1784), một con người “bách khoa toàn thư” thực sự. Gần cả cuộc đời, Diderot cống hiến cho công trình vĩ đại này, thế nhưng ông vẫn đủ thời gian và công sức dành cho những hoạt động đa dạng khác. Ông được biết đến không chỉ như một nhà triết học, một nhà lý luận, nhà văn, mà còn là tác giả phê bình hội họa sâu sắc qua hàng nghìn trang giới thiệu, bình luận về các phòng triển lãm, hoặc các tùy bút và những suy nghĩ tản mạn về hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thơ ca. Có thể nói, nhà triết học Diderot xuất hiện sớm hơn và được khẳng định qua một loạt tác phẩm trước khi nhà văn Diderot được nổi tiếng. Về mặt văn học, có thể nhắc đến một vài vở kịch của ông, nhưng thực sự đóng góp cho thể loại này là một số tác phẩm liên quan đến lý luận sân khấu như Ý kiến ngược đời về diễn viên (1830) và Thư gửi d’Alembert về sân khấu (1758). Đặc biệt, đáng kể trong sự nghiệp sáng tạo vĩ đại của ông là các kiệt tác gắn liền với sự nổi tiếng là sự long đong, lận đận của tác giả. Tiểu thuyết Nữ tu sĩ ông hoàn thành năm 1760, nhưng sau khi ông qua đời 12 năm, tác phẩm mới được xuất bản (1796). Cháu ông Rameau sáng tác khoảng năm 1761, nhưng lưu lạc sang Đức đến năm 1823 tác phẩm mới được dịch từ tiếng Đức ra tiếng Pháp và gần cuối thế kỷ XIX nguyên bản tác phẩm mới được phát hiện. Cuốn tiểu thuyết Jacques người theo thuyết định mệnh sáng tác năm 1773 cũng phải đợi 23 năm sau mới có dịp xuất bản (1796). Ba tác phẩm với các đề tài khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm là phơi bày mặt trái của xã hội và tố cáo mãnh liệt xã hội phong kiến Pháp đã đến lúc phải lật đổ, đồng thời thể hiện rõ hình ảnh những con người đang vật lộn, trăn trở để tự khẳng định mình. Với những tìm tòi và đổi mới về mặt nội dung cũng như hình thức, ba tác phẩm Nữ tu sĩ, Jacques người theo thuyết định mệnh, Cháu ông Ramau thực sự là những tác phẩm bất hủ ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học Pháp nói riêng, văn học phương Tây nói chung.

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là nhà văn, nhà triết học Pháp đã gắn cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình vào “triết lý tự nhiên”, thể hiện từ tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên Luận về khoa học và nghệ thuật (1750) cho đến những tác phẩm cuối cùng. Ông chủ trương chống lại nền văn minh, hay nói đúng hơn, chống lại nền quân chủ, sự bất bình đẳng và những bất công trong xã hội đương thời. Thậm chí ông đi đến cực đoan cho rằng, mọi xấu xa trong xã hội đều do tiến bộ của văn minh, của khoa học và nghệ thuật gây ra, điều dẫn ông đến việc ông đoạn tuyệt với nhóm Bách khoa toàn thư.

Những mâu thuẫn trong các quan điểm triết học của ông không ngăn cản được tài năng của một nhà văn xuất chúng. Ngoài các bản luận văn nổi tiếng mang đặc trưng của một nền văn xuôi triết lý thế kỷ Ánh sáng, Rousseau đã cống hiến cho lịch sử văn học Pháp những tác phẩm bất hủ. Tiểu thuyết Julie hay nàng Héloїse mới (1761) đã có những tác động lớn lao không chỉ về mặt đạo đức tới công chúng, mà còn về mặt văn học, nhiều nhà văn đã chịu ảnh hưởng từ cuốn tiểu thuyết đánh dấu sự Phục hưng của trữ tình và chủ nghĩa tình cảm trong văn học Pháp. Hướng về con người tự nhiên, chủ trương tôn trọng thiên nhiên, trong tác phẩm Émile hay là về giáo dục Rousseau cho rằng giáo dục đào tạo ra những con người lương thiện, trong sáng không bị xã hội làm vẩn đục bởi những bất công của nó. Những luận điểm triết học về con người tự nhiên được thể hiện xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tạo của ông, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học Pháp thế kỷ XVIII.

VĂN HỌC THẾ KỶ XIX

Thế kỷ XIX là thế kỷ của những cơn chấn động lớn từ trong chính trị, xã hội đến văn học nghệ thuật, những tác động rung chuyển từ cách mạng Pháp 1789. Đó là thế kỷ của những cách mạng trong văn học nghệ thuật với sự tồn tại của các trào lưu, trường phái văn học khác nhau như: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng…

Phê bình văn học có tính chất chuyên ngành đã dần hình thành từ những năm 30 của thế kỷ. Chiếm vị trí quan trọng hàng đầu là nhà lý luận đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn bà de Staël với tác phẩm nổi tiếng Về văn học xét về mối tương quan với các thể chế xã hội (1800). Ngoài các tác phẩm phê bình, lý luận do chính các nhà văn nhà thơ viết, hai tên tuổi sáng giá trong phê bình văn học thế kỷ này là Sainte-Beuve (1804-1869) và Hippolite Taine (1828-1893). Nếu như sự đóng góp lớn lao của Sainte - Beuve là nhấn mạnh sự đồng nhất của nhà phê bình với tác giả được nghiên cứu và xây dựng nên phương pháp phê bình tiểu sử nổi tiếng, thì Taine nhà phê bình thực chứng lại đưa sự tính toán khoa học, chặt chẽ vào phê bình nghiên cứu. Dù rằng cách tiếp cận theo lý thuyết của hai ông không tránh khỏi hạn chế, nhưng không thể phủ nhận những tác động mạnh mẽ và lâu dài từ các phương pháp phê bình tiểu sử và thực chứng không chỉ ở Pháp mà còn ở nước ngoài.

Nếu như ở thế kỷ XVIII thơ không phát triển thì thế kỷ XIX là thế kỷ “phục sinh” của thơ Pháp. Nửa đầu thế kỷ, vào những năm 20-30 thơ lãng mạn ghi dấu ấn rõ rệt với các sáng tác của Alphonse Lamartine (1790-1869), Alfred de Vigny (1797-1863) và đặc biệt là Victor Hugo (1802-1885). Nhóm thi sơn (Parnasse) quy tụ một số nhà thơ vào khoảng những năm 60 của thế kỷ chống lại chủ nghĩa lãng mạn, tách rời khỏi xã hội và công chúng, chủ trương không nhập cuộc, các nhà thơ thuộc nhóm này tôn sùng cái đẹp tuyệt đối, đề cao nghệ thuật thuần túy. Nửa cuối thế kỷ XIX thơ Pháp chứng kiến những cuộc cách tân mãnh liệt qua các tác phẩm của Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé, Verlaine …

Kịch cổ điển đã bị các nhà lãng mạn Pháp coi là lỗi thời và nhất thiết phải xây dựng một nền kịch mới. Tiếc là sau thắng lợi vẻ vang từ vở Hernani của chủ soái lãng mạn chủ nghĩa Victor Hugo kịch lãng mạn không chiếm được vị trí đáng ước ao của nó. Suốt thế kỷ, về cơ bản sân khấu kịch Pháp thế kỷ XIX chỉ có thể làm tròn bổn phận hài lòng thị hiếu công chúng. Đến cuối thế kỷ, “trận Hernani” của phái tiền phong với hài kịch Vua Ubu của tác giả trẻ Alfred Jarry (1873-1907) đã khép lại một giai đoạn khá bình lặng của sân khấu Pháp và báo hiệu những cuộc bão tố mới ở thế kỷ XX.

Có thể nói, về mặt thể loại, tiểu thuyết mới thực sự là thể loại của thế kỷ XIX với tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết tự nhiên, tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu thuyết kỳ ảo v.v.

Xét theo trào lưu, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX tuy có những điểm khác biệt về quan điểm, nhưng trong thực tế các tác phẩm thuộc hai trào lưu này nhiều khi đan xen, quan hệ mật thiết với nhau. Tình hình cũng tương tự nếu đề cập đến tiểu thuyết lãng mạn và tiểu thuyết hiện thực. Tiểu thuyết lãng mạn của Hugo, G.Sand không thiếu những yếu tố hiện thực gây khó khăn cho những ai muốn tách bạch rõ ràng, trong khi đó trong tiểu thuyết của “ông trùm” hiện thực Balzac lại xuất hiện một số dấu ấn của tiểu thuyết lãng mạn. Cùng với những tác phẩm độc đáo của tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa đứng đầu là Zola, tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX gây dấu ấn sâu sắc trong lịch sử văn học Pháp nói chung bằng sự phát triển mạnh mẽ, mà còn bởi sự đa dạng, phong phú đầy sức sống của nó. Có thể thấy một trong những đặc điểm của văn học Pháp thế kỷ XIX là ở đội ngũ tác giả hùng hậu trên mọi lĩnh vực gồm các thể loại khác nhau.

Victor Hugo (1802-1885) xứng đáng được coi như đứa con của thời đại không phải bởi cuộc đời của ông trải suốt thế kỷ, mà chính là bởi tài năng xuất chúng của ông thể hiện trên nhiều thể loại khác nhau và bởi sức sáng tạo mãnh liệt hiếm thấy của ông.

Là nhà thơ đầu tiên được chôn cất tại Panthéon, bên cạnh các bậc đế vương và các tướng lĩnh nổi tiếng từ tác phẩm đầu tay Đoản thi Tạp thi (1822) đến tác phẩm cuối cùng Bốn ngọn gió cuối cùng (1881) hơn nửa thế kỷ thơ của Hugo đã để lại cho đời những vần thơ của một nhà thơ – người dẫn đường. Những cách tân mạnh mẽ gắn liền với tài năng đa dạng của nhà thơ lãng mạn lớn nhất thế kỷ kết hợp với giọng điệu của một con người nhập thế đã mang lại tầm vóc vĩ đại trong thơ ông, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ sau này.

Trên lĩnh vực sân khấu, ngay từ đầu, ông đã tỏ rõ bản lĩnh và sức mạnh vĩ đại của Phái mới qua “trận Hernani”. Mặc dù kịch lãng mạn nói chung, kịch của Hugo nói riêng không phát huy thế mạnh của mình so với các thể loại khác, nhưng dấu ấn Hernani (1830) cùng với những quan điểm về cái thô kệch trong lời Tựa cho vở Cromwell (1827) đã thực sự mang lại những nhân tố mới, có tác động lớn lao cho sân khấu Pháp đương thời. Nếu như nói thế kỷ XIX ở Pháp là thế kỷ của tiểu thuyết thì ngay lập tức người ta nhớ đến tiểu thuyết của Hugo với những tác phẩm xứng tầm thời đại từ Nhà thờ Đức bà Paris (1831), Những người khốn khổ (1862), Người cười (1869), Chín mươi ba (1874)… Với sự tiếp nối nhau về chủ đề vươn tới lý tưởng cao cả, tiểu thuyết Hugo thể hiện những cách tân quan trọng, vừa dựa vào truyền thống, vừa hấp thụ những điều mới mẻ từ trong cuộc sống đương thời từ kỹ thuật đến những vấn đề cấp thiết bức xúc nhất của thời đại.

Nếu xét về góc độ tiểu sử, Honoré de Balzac (1799-1850) không trường thọ như Hugo, nhưng hai ông lại giống nhau ở tầm vóc vĩ đại: hai cây đại thụ xum xuê của văn học Pháp thế kỷ XIX. Không thể hiện tài năng ở các thể loại văn chương như Hugo, Balzac kiệt xuất với tư cách nhà tiểu thuyết. Bắt đầu từ tác phẩm đầu tiên Những người Suăng (1829), Balzac đã chứng tỏ cho gia đình và cho cuộc đời sức làm việc phi thường và năng lực sáng tạo vô biên của mình. Có lẽ trong lịch sử văn học Pháp nói riêng, văn học thế giới nói chung hiếm ai có thể có sức làm việc “năng sản” như Balzac. Ông xuất bản đều đặn, mỗi năm vài tác phẩm, đến mức có người đặt vấn đề nghi ngờ về hiệu quả sáng tác của ông. Dù thế nào đi chăng nữa, tên tuổi Balzac vẫn gắn liền với sự nghiệp đồ sộ có tên là Tấn trò đời tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của ông gồm 97 tác phẩm. Từ nhiều nguồn ý tưởng, đề cương, công trình Tấn trò đời được dự kiến từ năm 1833 đến năm 1841. Năm 1841, Balzac viết Lời nói đầu cho Tấn trò đời thể hiện những quan điểm văn học của ông, đặc biệt liên quan đến chủ nghĩa hiện thực, gắn liền với lý thuyết về điển hình: tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Đó là một tuyên ngôn văn học, tiêu biểu cho phê bình sáng tạo, một mạch nguồn quan trọng trong lý luận phê bình văn học nói chung.

Tuyên bố Tấn trò đời là lịch sử của nước Pháp thế kỷ XIX, trong nhiều tác phẩm như Gobseck (1830), Eugénie Granget (1833), Lão Goriot (1834) v.v. Balzac đã lên án xã hội đồng tiền ngự trị và những tấn bi kịch cuộc đời ở nhiều mức độ khác nhau. Với hơn hai ngàn nhân vật, Tấn trò đời của Balzac đã thể hiện sinh động và sâu sắc xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Nhà văn đã thực hiện một cách xuất sắc nhiệm vụ “người thư ký” của thời đại, xứng đáng với tên gọi là “người thầy của chủ nghĩa hiện thực”, người đã giúp tiểu thuyết Pháp có những bước tiến mới có tính chất đột phá và có những ảnh hưởng lớn lao trong văn học Pháp và văn học thế giới.

Gustave Flaubert (1821-1880) và sự nghiệp sáng tác của ông có thể coi như một nhánh rẽ ngang, hoặc một chặng đường mới, khác lạ của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX. Xuất hiện trên văn đàn Pháp với tư cách là nhà tiểu thuyết, Flaubert viết không nhiều, nhưng với một số tác phẩm chính như Bà Bovary (1856), Salammbo (1862), Giáo dục tình cảm (1869), ông thực sự ghi dấu ấn đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX. Các tác phẩm của ông mang lại cho văn học Pháp nửa cuối thế kỷ XIX những luồng gió mới, những sắc thái lạ, thậm chí khiến cả công chúng rộng rãi cũng như giới phê bình không dễ tiếp nhận. Trong tiểu thuyết của Flaubert không còn nữa những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, không còn nữa những bức tranh xã hội hiện lên chân xác và sinh động như trong tiểu thuyết “truyền thống” của Balzac và Hugo. Nhà văn đi chệch khỏi dòng chảy lớn, chủ trương viết hay về cái tầm thường, điều đó khiến các tiểu thuyết của ông chịu nhiều thiệt thòi bởi đương thời không đánh giá hết các giá trị của chúng. Những cách tân báo hiệu cho sự xuất hiện của tiểu thuyết hiện đại trong tác phẩm của ông phải chờ sang thế kỷ XX mới tìm được người tri âm. Vậy nên không khó hiểu trước tình trạng cho đến những năm đầu thế kỷ XXI độc giả, thậm chí giới nghiên cứu đương thời hầu như đều ít nhắc tới tiểu thuyết của Balzac, Hugo, trong khi đó thì Flaubert vẫn được đề cập tới bởi tính chất “cách mạng” trong văn chương từ tiểu thuyết của ông.

Thể loại truyện ngắn ở thế kỷ XIX cũng như ở thế kỷ khác không thuộc thể loại “lớn”, nhưng đã có một tác giả truyện ngắn được xếp vào “hàng các bậc thầy”, “người kể chuyện giỏi nhất ở xứ sở xưa nay truyện kể vốn rất nhiều và rất hay”, đó là Guy de Maupassant (1850-1893). Là người khâm phục Zola và kết thân với nhóm chủ nghĩa tự nhiên, nhưng Maupassant lại chịu ảnh hưởng từ Flaubert trực tiếp “học nghề” từ ông thầy khó tính Flaubert. Maupassant thử bút ở nhiều thể loại, nhưng thành công rõ rệt nhất là trong lĩnh vực truyện ngắn. Đối với ông, truyện ngắn có những khả năng thể hiện rất lớn. Trong khoảng 300 truyện ngắn của mình, Maupassant luôn hướng đến cái mới, cái chưa có người đề cập đến, tìm đến những dáng vẻ khác nhau, đến những điều chưa được khai thác. Trong phạm vi nhỏ hẹp của truyện ngắn, tác phẩm của Maupassant ca ngợi những tấm lòng yêu nước, những hành động anh hùng của con người bình thường trong chiến tranh, lên án những hành động xấu xa, thói ích kỷ, giả dối trong xã hội. Truyện của ông dung dị nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa cùng với nụ cười châm biếm đã gây ấn tượng mạnh nơi độc giả, đem lại cho văn học Pháp thế kỷ XIX một nét vẽ thanh, nhẹ mà sâu sắc.

Charles Pierre Baudelaire (1821-1867) nhà thơ lớn của Pháp, giống Flaubert là phải ra tòa vì tác phẩm của mình và cũng giống Flaubert phải chờ rất lâu mới tìm được những người thấu hiểu ông. Là người có công dịch và giới thiệu tác phẩm của nhà văn Mỹ Edgar Poe ra tiếng Pháp, là người nhiệt thành ngưỡng mộ các sáng tác của Hugo, Gautier… chỉ với tập Những bông hoa Ác xuất hiện lần đầu năm 1857, Baudelaire có một vị trí đặc biệt không chỉ trong làng thơ Pháp thế kỷ XIX. Thơ ông nối tiếp truyền thống thơ lãng mạn Pháp với những chủ đề quen thuộc như sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng, nỗi buồn chán… nhưng lại như một lời phủ định nền thơ lãng mạn với kết hợp độc đáo của những tương ứng giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh, mở đầu cho thơ tượng trưng về sau này. Đoạn tuyệt với chế độ tư sản và văn học đương thời, ông ở vị trí cực đoan nhất của thơ nổi loạn chống lại mọi quyền lực, thể chế đặc biệt là những thể chế văn chương. Những bông hoa Ác, một tác phẩm “ngoài chuẩn mực” mang những cách tân hiện đại đã được những người đọc sau ông hàng thế kỷ đón nhận và thấu hiểu.

VĂN HỌC THẾ KỶ XX

Văn học Pháp thế kỷ XX gắn liền với một thế kỷ của các đảo lộn trong chính trị, xã hội trong khoa học công nghệ, trong đời sống của các khoa học nhân văn và văn học nghệ thuật với các chủ nghĩa, các trào lưu, trường phái hoặc tồn tại cùng nhau nhau hoặc nối tiếp, hoặc vừa tồn tại, vừa phủ định nhau… Đó là một nền văn học không dễ nắm bắt, tóm lược bởi nó cực kỳ đa dạng, phong phú nhiều sắc thái không chỉ về chủ đề, về nội dung thể hiện, mà còn bởi những cuộc cách tân, những đổi mới trong từng nhà văn, nhà thơ, trong từng trào lưu, trường phái, trong từng thể loại văn học.

Đầu thế kỷ XX, thơ Pháp chứng kiến sự chuyển mình trong ngôn ngữ. Paul Valéry (1871-1945) thường được coi là nhà thơ đại diện cho một kiểu tân cổ điển, nhưng đã đề cập đến một khuynh hướng mới của thơ coi trọng từ ngữ. Sáng tác của Charles Péguy (1873-1914) và Paul Claudel (1868-1955) cũng báo hiệu đến những xu hướng mới của thơ với sự phát triển của thơ văn xuôi và thơ tự do. Có thể thấy, những sự đổi mới ấy trong thơ của Guillaume Apollinaire (1880-1918) một nhà thơ hết sức độc đáo, luôn tìm tòi, luôn sáng tạo, chấp nhận những cách tân táo bạo, thậm chí đến cực đoan, đồng thời lại là tác giả của những câu thơ hết sức trữ tình làm mê hoặc độc giả hàng trăm năm nay. Thơ siêu thực gắn với tên tuổi của André Breton (1896-1966) với Tuyên ngôn (1924) và các đại diện nổi tiếng của nó như Paul Eluard (1895-1952), Louis Aragon (1897-1982)... đã thực sự gây dấu ấn trong lịch sử văn học Pháp thế kỷ, tuy thời gian tồn tại của nó không dài. Hướng đến những cách tân đặt lại vấn đề của ngôn ngữ thơ còn có sáng tác của các nhà thơ kén độc giả như Henri Michaux (1899-1978), Francis Ponge (1899-1988)… Bắt nguồn từ thơ siêu thực, là một con người nổi loạn, con người xê dịch ưa khám phá, Michaux đã đi xa hơn, vượt ra khỏi các đường biên đã vạch sẵn tìm đến một bút pháp thơ độc đáo, cuồng nhiệt, gây sửng sốt cho người đọc bởi thơ ông chính là một kiểu phản-thơ. Cùng với các tác phẩm hội họa, thơ của ông tạo nên một quá trình chuyển động qua các không gian thời gian khác nhau để tìm đến một thế giới mới. Nhà thơ không chấp nhận những vết mòn quen thuộc trong sáng tác, không chấp nhận thế giới cũ. Theo ông, nhà thơ phải giải thoát mình bằng ngôn ngữ mới, ngôn ngữ có sức mạnh công phá. Hình thức thơ của ông thường phức tạp, bởi thơ ông mang tính tượng trưng và đa nghĩa. Với một lối ngôn ngữ mới như vậy thơ ông không dễ tiếp cận đối với độc giả rộng rãi, nhưng lại góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển chung của thơ Pháp thế kỷ XX.

Kịch Pháp từ đầu thế kỷ đã thể hiện những toan tính đổi mới gắn liền với hoạt động của Jacques Copeau (1879-1949), vừa là diễn viên, vừa là người quản lý sân khấu và người sáng tác. Vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX, trong các tác phẩm của Paul Claudel (1868-1955) và đặc biệt kịch của Giraudoux (1882-1944) thể hiện những cách tân mạnh mẽ trong lĩnh vực sân khấu. Năm 1928, vở Siegfried của Giraudoux được trình diễn đánh dấu một dấu mốc quan trọng, chinh phục đông đảo khán giả bởi nội dung bán sát thời đại, hướng tới vấn đề vai trò của con người trong xã hội và xung đột giữa các dân tộc. Với hình thức sân khấu đổi mới gắn chặt với văn học, cụ thể là thơ ca, vở kịch góp phần tích cực vào những cách tân giai đoạn đầu thế kỷ. Không phải vô cớ mà Giraudoux nhà viết kịch được đặt tên là “nhà thơ của sân khấu Pháp” bởi ngôn ngữ đầy chất thơ trong các vở kịch đề cập đến nhiều vấn đề trọng đại của ông khiến khán giả say mê và ngưỡng mộ. Tiếp theo, kịch Pháp ghi dấu ấn với Jean Anouille (1910-1987) người ảnh hưởng sâu sắc kịch Molière và gần với ông nhất là Giraudoux bởi cảm hứng sáng tác từ các vấn đề nóng bỏng của một thời đại đầy biến động với những mâu thuẫn đủ loại tầng tầng, lớp lớp. Một số vở kịch của hai nhà hiện sinh J.-P. Sartre và A.Camus cũng tạo thêm những sắc thái mới cho kịch Pháp.

Có lẽ gây sóng gió, tranh luận nhiều nhất trên sân khấu Pháp thế kỷ XX là kịch phi lý mà thực ra đã có nguồn gốc từ đầu thế kỷ với vở Vua Ubu nổi tiếng của Jarry (1873-1907) và Antonin Artaud (1816-1948) với những vở kịch làm náo loạn sân khấu và những đề nghị rất mới về kỹ thuật sân khấu. Hai nhân vật tiêu biểu nhất cho kịch Mới, kịch phi lý là Eugene Ionesco (1912-1994) và Samuel Beckett (1906-1989), những người đã góp phần tích cực vào “cuộc cách mạng trên sân khấu Pháp” thế kỷ XX. Ionesco với gia tài 30 vở kịch phi lý của mình đã khiến khán giả Pháp nói riêng, khán giả phương Tây nói chung đi từ ngạc nhiên, bối rối đến say mê thán phục. Khai thác triệt để thế giới tiềm thức của con người, kịch của Ionesco không có cốt truyện, hành động, xung đột như kịch thông thường, gây ngỡ ngàng không ít cho khán giả. Vì vậy, ông tự gọi kịch của mình là phản kịch hay kịch huyền thoại. Kịch của ông đề cập đến sự tha hóa của con người, nhân vật kịch của ông là những con người không lý trí, không tình cảm, tồn tại như những cái bóng vật vờ với những câu nói ngu ngơ vô nghĩa. Đã có nhà nghiên cứu cho rằng, kịch của Ionesco là “sân khấu của tuyệt vọng” và không phải tất cả đều thấu hiểu và yêu thích tác phẩm của ông, nhưng sự kiện vào năm 1974 người ta chứng kiến lễ mừng lần thứ 6.000 buổi công diễn vở Nữ ca sĩ hói đầu cùng vở Bài học (lần đầu công diễn cùng cặp vào năm 1952) cùng với việc Ionesco được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và vào năm 1971 Toàn tập Ionesco được ra mắt ở bộ La Péiade nổi tiếng là những sự khẳng định xứng đáng với vị thế khá đặc biệt của tác giả.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Beckett không chỉ viết kịch mà còn viết tiểu thuyết, nhưng chiếm một vị trí lớn trong văn đàn Pháp nói chung, kịch Pháp nói riêng là một tác gia kịch phi lý với nhiều tác phẩm trở thành kinh điển. Giải Nobel văn học năm 1969 càng làm nổi tiếng hơn. Những đột phá trong kịch phi lý của ông gắn liền với sự xuất hiện của vở Trong khi chờ đợi Godot (1953), vở kịch gây tốn nhiều bút mực của giới phê bình, gây tranh luận sôi nổi ở công chúng. Những tác phẩm của Beckett thực sự là những dấu mốc quan trọng buộc người ta phải thay đổi, phải cách tân, làm mới hơn. Cùng với những vở khác như Tàn cuộc, Ôi những ngày tươi đẹp…. kịch của Beckett quan tâm đến thân phận con người qua những cách tân triệt để về nghệ thuật, tạo nên những cú hích quan trọng trong quá trình phát triển của kịch Pháp thế kỷ XX.

Có thể coi thế kỷ XX là thế kỷ của tiểu thuyết bởi vì sự phát triển vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp và nhiều thành tựu của nó. Mang một đặc điểm chung của thế kỷ là mong muốn đổi thay, tránh những lối mòn truyền thống từng thể hiện rõ trong thơ ca và kịch, nhưng tiểu thuyết khẳng định rõ hơn sự quyết liệt qua các cuộc thể nghiệm sáng tạo có tính chất đột phá muôn màu muôn vẻ cách tân từ quan niệm sáng tác, nội dung thể hiện đến các hình thức nghệ thuật.

Mở đầu thế kỷ, Marcel Proust (1871-1922) đã dựng tượng đài tiểu thuyết với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất, “một bức họa khổng lồ” của xã hội Pháp thời hoa lệ đầu thế kỷ XX gồm 7 quyển, in thành 16 tập từ 1913 đến 1927, dày trên 4.000 trang. Có thể thấy, bộ tiểu thuyết Proust gợi nhớ tới Tấn trò đời của Balzac, nhưng với tham vọng của một tác giả và những hiệu quả nghệ thuật gắn chặt với thế kỷ của những đứt đoạn, nổ tung và những xáo trộn. Tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất thường được coi là tác phẩm Mẹ của thế kỷ XX với cả “dinh thự mênh mông của hoài niệm” đã hình thành một quan niệm mới về tiểu thuyết, với những cách tân táo bạo vượt khỏi tiêu chuẩn thẩm mỹ của tiểu thuyết thời Balzac. Trở thành một trong những sự kiện văn học lớn nhất thế kỷ, bộ tiểu thuyết mở đầu bằng câu nổi tiếng: “Trong một thời gian dài, tôi đã thường đi ngủ sớm”, đánh dấu những tìm tòi về kỹ thuật kể chuyện của nhà văn, một dấu mốc lớn: tiểu thuyết trước và sau Proust. Ông đã đưa vào tiểu thuyết những hoài niệm, những giấc mơ bất tận, những “dòng ý thức” bí ẩn, phá vỡ kiểu kể chuyện mang tính sử thi của tiểu thuyết cũ.

Là người đương thời với Proust, người luôn bị hấp dẫn bởi cái mới, không hài lòng với trạng thái tĩnh tại nên André Gide (1869-1951) đã đánh giá được những cách tân táo bạo của Proust qua bài viết Về Marcel Proust, đồng thời trong sự nghiệp sáng tạo đa dạng của mình, ông hướng tới các cuộc tìm kiếm, đến những chân trời mới mà ở đó các tư tưởng lớn thường gặp nhau. Hơn 60 năm cầm bút, Gide cho ra đời 60 đầu sách, trong đó duy nhất một cuốn Bọn làm bạc giả (1926) ông coi là tiểu thuyết. Những tác phẩm trước đó ông coi là truyện kể với kiểu viết truyện truyền thống. Gide từng say mê đọc tác phẩm của các nhà văn Nga, Anh và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các tác phẩm nước ngoài. Trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, tiểu thuyết Pháp hướng tới các tìm tòi đổi mới, đã có sự chuyển động trong sáng tác, trong phê bình nghiên cứu qua các hội thảo, nhưng nói chung các nhà tiểu thuyết vẫn khá e dè và thận trọng trong việc cách tân. Bên cạnh việc xuất hiện bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Proust, tiểu thuyết Bọn làm bạc giả của Gide thực sự gây xôn xao trong giới văn chương thời đó. Tác phẩm của ông thực sự là bước đột phá mang nhiều tầng ý nghĩa với cái tên “tiểu thuyết về tiểu thuyết” và như Klaus Mann đã nhận định: “Sự nghiệp của Gide chắc chắn là một đỉnh cao của thời đại chúng ta, còn về tác phẩm Bọn làm bạc giả… là một đỉnh cao trong sự nghiệp của ông”. Cùng với Proust, Gide thuộc diện những nhà văn Pháp thế kỷ XX được nghiên cứu nhiều nhất Pháp và trên thế giới. Năm 1947, ông được nhận giải thưởng Nobel về văn học.

Cùng hòa vào dòng chung hướng tới những đổi mới trong tiểu thuyết của thế kỷ XX, có hai đại diện của chủ nghĩa hiện sinh Pháp là Jean-Paul Sartre (1905-1980) và Albert Camus (1913-1960), cả hai người đều đoạt giải Nobel: Sartre (năm 1964, không nhận giải); Camus: năm 1957.

Là nhà triết học của chủ nghĩa hiện sinh, tác phẩm của của Sartre nổi tiếng đến nỗi được mệnh danh là “nhà triết học best-sellers”. Ông là một trong những tác giả được nghiên cứu và bình luận nhiều nhất ở thế kỷ XX. Từ năm 2000 đến năm 2005 đã có tới 59 cuốn sách viết về ông với nhiều đề tài và các cách tiếp cận khác nhau. Là nhà văn “đa thể loại”, trong lĩnh vực tiểu thuyết Sartre viết không nhiều. Trong tác phẩm Buồn nôn (1938) tác giả hiện lên không phải là một nhà cách tân bạo liệt, thậm chí vẫn có thể coi là nhà văn truyền thống, nhưng ông đã ghi tên mình vào một vị trí xứng đáng của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX với những sắc thái riêng. Qua nhân vật Roquetin trong tiểu thuyết Buồn nôn, tác giả đã thể hiện rõ tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh: đời là vô nghĩa và phi lý, con người sống một cách cô đơn, không định hướng. Nhưng rồi con người cố gắng thoát ra khỏi tình thế khó chịu của mình trong cảnh sống xám xịt, ẩm mốc. Roquetin đã tự chấp nhận mình và chọn cho mình một lối thoát. Về mặt kỹ thuật tiểu thuyết, Sartre đã đóng góp phần mình qua việc dùng ngôi thứ nhất số ít và động từ hiện tại để kể chuyện qua cái nhìn chủ quan của nhân vật, như vậy người đọc có dịp hòa đồng hơn trong câu chuyện.

Có phần nào giống Sartre ở chỗ tiểu thuyết không nhiều, nhưng chỉ với tác phẩm Người xa lạ và Dịch hạch, Camus đã có vị trí đặc biệt trong tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX nói riêng, trong lịch sử văn học văn học thế giới nói chung. Người xa lạ (1942) là một trong bộ ba tác phẩm của Camus đề cập đến cái phi lý qua nhân vật Meursault, một con “người chống Chúa”, dửng dưng, xa lạ với cuộc sống xung quanh mình, là “người xa lạ” ngay đối với bản thân. Cuốn tiểu thuyết gây nhiều tiếng vang bởi sự đa âm của nó khiến độc giả có thể tiếp cận nó bằng nhiều cách đọc khác nhau. Hai nhà văn Sartre và Camus đã đặt ra trong tác phẩm những vấn đề hệ trọng liên quan đến thân phận con người. Tác phẩm của họ là những tiếng nói chống lại một trật tự xã hội phi lý, những ràng buộc cũ kỹ lỗi thời. Dù cách thể hiện có khác nhau, kỹ thuật tiểu thuyết có khác nhau, tác phẩm của họ buộc người ta phải suy nghĩ và hành động. Tiểu thuyết Buồn nôn của Sartre, Người xa lạ, Dịch hạch của Camus là những tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình vận động của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX.

Nửa sau thế kỷ XX, tiểu thuyết Mới xuất hiện không với tư cách một trường phái, một trào lưu, có “thủ lĩnh”, có tuyên ngôn riêng như một số trường phái ở nửa đầu thế kỷ XX. Cho đến nay, tiểu thuyết Mới vẫn là một hiện tượng đặc biệt trong văn học nói chung, đối với thể loại tiểu thuyết và được gắn liền với những tính từ “đột phá”, “cách tân triệt để”. Các nhà văn thường được ghép chung vào nhóm tiểu thuyết Mới gồm có N. Sarraute, A.Robbe-Grillet, M. Butor, C. Simon… Hầu hết các nhà tiểu thuyết Mới đều vừa là các nhà sáng tác, vừa là người viết lý luận, các tác phẩm của họ đều được xuất bản ở nhà Minuit, một nhà xuất bản gắn bó với tác phẩm tiên phong.

“Nhóm” tiểu thuyết Mới trong thực tế có nhiều điểm khác nhau cả trên lĩnh vực sáng tác và lý luận, nhưng nói chung, họ gặp nhau ở chỗ không thỏa mãn với tiểu thuyết truyền thống, phủ nhận những yếu tố xây dựng nên tiểu thuyết hiện thực theo kiểu Balzac như cốt truyện, nhân vật v.v, đồng thời hướng tới những bậc thầy văn chương Pháp và thế giới như Dostoievsky, Joyce, Faulkner, Kafka, Proust, Gide, Borgès… Nhấn mạnh hai yếu tố ngôn ngữ và thế giới đồ vật, tiểu thuyết Mới kiếm tìm một ngôn ngữ mới thích hợp với quan niệm mới về sáng tác. Đề cập đến những “biến đổi với tốc độ chóng mặt” của thế giới đương đại, tiểu thuyết Mới tìm đến những cách biểu đạt mới, những hình thức mới thuộc về ngôn ngữ, kỹ thuật, cách sắp xếp, cấu trúc... đồng thời mời người đọc cùng sáng tạo, hi vọng vào sự hợp tác tích cực và có ý thức của người đọc.

Khẳng định tiểu thuyết Mới là cuộc kiếm tìm, là một bước tiến cần thiết trong sự vận động không ngừng của thể loại tiểu thuyết, các nhà tiểu thuyết mới thể hiện tham vọng thay đổi triệt để, hòa chung ước nguyện thay đổi với nhiều nhà tiểu thuyết trên thế giới. Thời gian tồn tại của tiểu thuyết Mới không dài, nhưng dư âm của nó vẫn tiếp tục theo đuổi sang thế kỷ XXI, thể hiện sức sống mãnh liệt của những mong muốn tìm tòi đổi mới, hướng tới những chân trời mới.

Alain Robbe-Grillet (1922-2008) thường được coi là nhà văn tiêu biểu cho tiểu thuyết Mới. Từ những tác phẩm đầu tiên được công bố vào những năm 50 cho đến suốt cuộc đời sáng tác, Robbe-Grillet không mấy quan tâm đến trật tự, niên biểu và thời gian tuyến tính, ông hướng tới một kết cấu chặt chẽ, đến không - thời gian của các giấc mơ hay hồi ức, khai thác các hình ảnh huyền thoại… Tiểu thuyết Ghen (1957) là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp tiểu thuyết của Robbe-Grillet nói riêng, cho các tiểu thuyết Mới nói chung thể hiện một hình thức tự sự đặc biệt với một kiểu ngôn ngữ khác lạ. Cuốn tiểu thuyết đã gây nên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, có la ó, có phản đối, có đồng tình và ủng hộ, nhưng cuối cùng người ta đi đến thống nhất là với tác phẩm này, Robbe-Grillet đúng là nhà văn của đồ vật, hay của “trường phái cái nhìn”, người ta đã ghi tên vào một trang sử cách tân và đổi mới của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX.

Việc nhấn mạnh quyền lực sáng tạo trong ngôn ngữ còn được một số nhà tiểu thuyết Pháp thể hiện trong sáng tác của mình. Từ nhà tiểu thuyết thuộc đầu thế kỷ XX như Louis-Ferdinand Céline (1984-1961) với tác phẩm Cuộc du hành đến cuối đêm đen sáng tạo ra một cách nói mới, một hình thức văn học mới đến Raymond Queneau (1903-1976) chủ trương giải phóng ngôn ngữ ra khỏi các ràng buộc quen thuộc và cũ kỹ, đánh giá cao sức sống mãnh liệt của ngôn từ hiện đại, đưa tiếng nói thông thường vào tác phẩm bởi theo ông, tất cả các loại ngôn ngữ đều là ngôn ngữ văn chương.

Vào những năm 60, văn đàn Pháp dường như đã khá “mỏi mệt” bởi các cuộc cách tân (nhiều khi dẫn đến cực đoan) thì một làn gió mới xuất hiện với tác phẩm của Le Clézio (sinh 1940), một tác giả trẻ ngay lập tức được “xếp hạng” trên văn đàn của một thời kỳ khó khăn. Đã có nhà nghiên cứu cho rằng, cùng với một số nhà văn khác như C.Simon (1913-2005), M.Duras (1914-1996)… Le Clézio và tác phẩm của ông khiến người ta lạc quan hơn với sự tồn tại và tương lai của tiểu thuyết, tiểu thuyết sẽ không chết như người ta đã từng lo ngại. Người ta đã dùng đến một “chủ nghĩa hiện thực mới” khi viết về tiểu thuyết của Le Clézio, đương nhiên không thể là tiểu thuyết của thế kỷ XIX. Trong các tiểu thuyết của ông: Biên bản (1963), Cơn hồng thủy (1966), Sa mạc (1980), Người tìm vàng (1985), Cá vàng (1977)… thể hiện một lối viết “vỡ tung”, trong đó ta có thể bắt gặp những kỹ thuật nào đó “giống như” ở tiểu thuyết Mới, những điểm liên quan đến “huyền thoại cá nhân”, đến những ký hiệu, đến mã. Nhấn mạnh sự quan tâm đến lối viết, đến tác động của người đọc, tiểu thuyết của Le Clézio là “cách viết địa chấn học”, là sự xâm nhập của nhiều thể loại. Trong tiểu thuyết của ông có cả thơ, có dấu ấn sử thi, có tiểu luận, huyền thoại và cổ tích. Được nhận giải Nobel vào năm 2008, tiểu thuyết của Le Clézio đã ghi dấu ấn của mình vào thời điểm kết thúc thế kỷ XX để hướng tới những chuyến “xa khơi” mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Hữu Ngọc, Phác thảo chân dung văn học Pháp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997.

2. Xavier Darcos, Lịch sử văn học Pháp (Phan Quang Định dịch), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.

3. Patrick Bruel, Văn học Pháp thế kỷ XX (Nguyễn Văn Quảng dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.

4. Lê Nguyên Cẩn, Thơ Pháp thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.

5. Nguyễn Duy Bình chủ biên, Một số vấn đề tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam, Nxb. Đại học Vinh, 2016.