Mục từ này cần được bình duyệt
Văn học hiện thực

khái niệm thường được dùng trong các công trình nghiên cứu văn học, phê bình và lịch sử văn học chỉ một xu hướng, một trào lưu, một phương pháp sáng tác. Nhưng, về mặt thuật ngữ, văn học hiện thực rộng hơn khái niệm chủ nghĩa hiện thực bởi khi nói đến một chủ nghĩa là nói đến những nguyên tắc tư tưởng và thẩm mỹ, đến những tác phẩm đã thành thục đến độ điển hình, còn khái niệm văn học hiện thực bao hàm cả những hiện tượng xét về tổng thể có thể xếp vào xu hướng ấy nhưng vẫn chưa đạt tới sự hoàn chỉnh như những sáng tác của A.Pushkin ở Nga thời kỳ đầu và ở ta như những truyện của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao khi mới cầm bút.

Văn học hiện thực là xu hướng văn học có tính phổ quát, mang tính quy luật ở hầu hết các nền văn học trên phạm vi toàn thế giới, đầu tiên hình thành ở các nước như Pháp, Anh, Nga… từ nửa sau thế kỷ XIX. Văn học hiện thực ra đời và nhanh chóng trở thành một xu hướng văn học có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình văn học nhân loại, để lại nhiều ảnh hưởng to lớn đến tư duy văn học của các nền văn học khác nhau mà không xu hướng văn học nào có thể so sánh với nó. Sự ra đời của văn học hiện thực gắn liền với thời kỳ xã hội đã có sự phân hóa sâu sắc, khi sự đối kháng xã hội đã tạo ra những tiền đề để xuất hiện các vấn đề của con người như những cá nhân riêng biệt, đã hình thành những điều kiện chín muồi để xuất hiện một lớp nhà văn kiểu mới, giúp họ nhìn thấy và cắt nghĩa các nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người không phải từ những ý định chủ quan, những yếu tố thần bí nào mà do các quan hệ xã hội của con người gây nên. Về quan niệm xã hội, thì tư tưởng quyết định luận xã hội trở thành nền tảng cho việc cắt nghĩa kết quả của quá trình ấy.

Văn học hiện thực có tuyên ngôn về tư tưởng văn học, thái độ xã hội của các nhà văn và tiêu chuẩn thẩm mỹ khác với các xu hướng khác. Về quan niệm triết học, văn học hiện thực chịu ảnh hưởng quan trọng của triết học duy vật, coi mọi sự vật, vấn đề, con người đều có liên hệ với nhau theo nguyên tắc nhân quả; bản chất con người mang tính xã hội trong tất cả mọi quan hệ, được thể hiện ra trong tất cả các hoạt động của con người. Về mặt mỹ học, văn học hiện thực đề cao quan niệm cái đẹp là sự thật; về nguyên tắc phản ánh, văn học hiện thực đề cao việc tái hiện đời sống chân thực, lịch sử trong những hình thức của bản thân đời sống, dưới dạng những điển hình văn học vừa tiêu biểu cho những đặc tính phổ quát của các hiện tượng cùng loại, vừa mang những nét riêng chỉ hiện tượng ấy mới có trong những hoàn cảnh mang tính vừa khái quát, vừa điển hình, là ‘‘con người này’’ (Hegel), ‘‘là người lạ quen biết’’ (Belinsky).

Văn học hiện thực đánh giá cao vai trò chỗ đứng của nhà văn, thái độ của họ trước đời sống. Khác với các xu hướng văn học trước nó, văn học hiện thực mở rộng phạm vi phản ánh ra đến không cùng, xem xét hiện thực như một quá trình lịch sử và con người trong quá trình ấy như một sản phẩm lịch sử cụ thể của các quan hệ xã hội, nhìn thấy vị trí của mỗi cá nhân trong dòng chảy của lịch sử như một số phận mang ý nghĩa điển hình, ý nghĩa biểu tượng cho con người trong giai đoạn lịch sử ấy.

Các đại diện ưu tú nhất của văn học hiện thực có thể kể đến như Dickens, Thackeray, J.Eyre… ở Anh; Balzac, Flaubert, Maupassant, Stendhal, Zola… ở Pháp; Pushkin, Gogol, Dostoevsky, Chekhov, Tolstoy… ở Nga; Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Đây được coi như những nhà văn hiện thực cổ điển của nhân loại ở sự gần nhau trong quan niệm nghệ thuật, cách viết. Tiểu thuyết, truyện ngắn là những thể loại tiêu biểu của văn học hiện thực. Ở Việt Nam, các đại diện ưu tú nhất của văn học hiện thực là Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao.

Văn học hiện thực ra đời khi triết học duy vật đã khẳng định vai trò của nó trong tư duy về xã hội, con người. Thế giới với tư cách là khách thể thẩm mỹ đã được các nhà hiện thực xem xét như một quá trình lịch sử, mang tính quy luật mà ở đó tính xã hội của mọi quan hệ thuộc về con người giữ vai trò quan trọng nhất. Xã hội được nhìn nhận như một quá trình lịch sử, có quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của cá nhân nhưng mọi thể chế chính trị, tư tưởng, đạo đức, giá trị… lại do những cá nhân và những tập đoàn có vị trí xã hội chi phối. Con người cũng được coi như một sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và sự xuất hiện của cá nhân ở mức độ này hay khác luôn được đặt ra trong những tương tác với các quan hệ xã hội, luôn xung đột với nhau vì các giá trị mà nó tự xác lập cho mình. Điều này trở thành cơ sở xã hội cho văn học hiện thực khai thác. So với các xu hướng khác, văn học hiện thực đặc biệt quan tâm tới việc lý giải số phận của các cá nhân trong bối cảnh lịch sử xã hội mà nó được sản sinh ra, lý giải những căn nguyên dẫn tới những xung đột này. Điều này đặc biệt rõ ở những tác phẩm đề cập trực tiếp tới những xung đột xã hội còn ở những tác phẩm chỉ nói tới những xung đột ở bình diện đạo đức, ở những xung đột ít gắn với những vấn đề xã hội thì suy cho cùng dấu ấn của các quan hệ xã hội cũng là yếu tố tiên quyết chi phối cuộc sống của các nhân vật. Bởi vậy mà không ít nhà nghiên cứu đã coi quyết định luận xã hội như là nền tảng để xem xét vấn đề hoàn cảnh xã hội của văn học hiện thực.

Mỹ học của văn học hiện thực là sự thật. L. Tolstoy cho rằng, nhân vật của ông đã, đang và sẽ mãi mãi là đẹp, đó là sự thực. Balzac khẳng định nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại, Vũ Trọng Phụng khẳng định “tiểu thuyết là sự thực ở đời” là xét theo ý nghĩa văn học hiện thực tôn trọng tối đa sự thực, coi việc tái hiện mọi vấn đề của đời sống dưới những biểu hiện chân thực, sinh động nhất là nguyên tắc cao nhất. Ngay cả khi quan điểm chính trị, xã hội của nhà văn hiện thực có những điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn với hiện thực đời sống thì nhà văn hiện thực sẵn sàng từ bỏ quan niệm của cá nhân để tuân theo tính chân thực của hiện thực mà họ phản ánh. Quan niệm cái đẹp là cái thực đã dẫn tới việc các nhà văn hiện thực cố gắng cao nhất tái hiện đời sống trong những hình thức của nó, ở cả tầm vĩ mô và những trạng thái tâm lý nhỏ nhất của con người. Mô hình hiện thực trở thành mục tiêu của sự thể hiện. Tính lịch sử cụ thể của hoàn cảnh, cá nhân, quy luật điển hình hóa của văn học hiện thực (thể hiện những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình) trở thành những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của văn học hiện thực. Chưa bao giờ vai trò của chi tiết lại được các nhà văn hiện thực coi trọng như vậy, bởi chi tiết tạo ra tính lịch sử, cụ thể của hoàn cảnh sống, của tính cách nhân vật.

Văn học hiện thực mang tinh thần nhân đạo cao cả ở chỗ các tác giả của xu hướng văn học này luôn chọn chỗ đứng ở phía đối lập với mọi thế lực (thể chế xã hội, tổ chức, cá nhân…) áp bức con người, phê phán, tố cáo những thế lực ấy với lòng căm thù mãnh liệt, bênh vực, bảo vệ các số phận bị lăng nhục, đầy đọa. Tinh thần nhân văn của văn học hiện thực là mạch cảm hứng xuyên suốt xu hướng văn học này trên hai phương diện tố cáo các thế lực chà đạp con người và thái độ bênh vực công khai những số phận bị áp bức, bất công. Chưa có ở xu hướng văn học nào, các nhà văn lại thể hiện trực tiếp, công khai, mạnh mẽ thái độ bảo vệ những người bị “lăng nhục và đầy đọa” như văn học hiện thực. Chính vì vậy mà có người đã định danh cho xu hướng này là văn học hiện thực phê phán.

Có một số nhà nghiên cứu đã nói đến văn học hiện thực thời Phục hưng, thời Khai sáng như những giai đoạn trước của văn học hiện thực thế kỷ XIX, XX thường được gọi là văn học hiện thực cổ điển theo nghĩa văn học giai đoạn này đã trở nên mẫu mực, hoàn chỉnh. Xu hướng hiện thực ở các nước Mỹ Latin (đặc biệt là trong các tác phẩm của G.Marquez), được gọi là văn học hiện thực huyền ảo, bởi trên cái nền của tái hiện hiện thực, các nhà văn Mỹ Latin đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật mang những đặc trưng văn hóa - lịch sử Mỹ Latin là cái huyền ảo (có người gọi là kỳ ảo) để phản ánh xã hội Mỹ Latin.

Nhưng nếu coi khái niệm văn học hiện thực như một phạm trù văn học mang tính lịch sử thì không thể mở rộng biên độ của xu hướng văn học này về những thời kỳ trước đó một cách rộng đến vô bờ bến như vậy. Văn học hiện thực hiểu theo tính chặt chẽ của khái niệm này chỉ có thể xuất hiện vào thời kỳ xã hội đã phân hóa gay gắt, những xung đột giữa các lực lượng xã hội đã trở thành các phong trào xã hội, số phận cá nhân, vấn đề con người trở thành vấn đề xã hội cấp bách; về triết học thì tinh thần duy vật đã thấm sâu vào trong nhận thức của nhà văn; về mỹ học thái độ đối với hiện thực, tôn trọng tính khách quan của sự phản ánh đã trở thành nguyên tắc chi phối mọi góc nhìn của nghệ sỹ, cảm quan lịch sử ngày một đậm nét trong cách nhìn về xã hội và con người. Theo cách nhìn đó, văn học hiện thực chỉ có thể xuất hiện trong tiến trình văn học nhân loại từ giữa thế kỷ XIX đến thế kỷ XX. Cho đến nay, cảm quan hiện thực vẫn còn tồn tại trong các xu hướng hậu hiện đại nhưng văn học hiện thực cổ điển đã không còn tồn tại như là một khâu của tiến trình văn học nhân loại.

Về mặt thể loại, truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết), kịch và phóng sự là những thể loại tiêu biểu của văn học hiện thực. Thơ hiện thực không thành công bởi mỹ học hiện thực không thích hợp với thơ ca. Trong hội họa và điêu khắc, nhất là hội họa, xu hướng hiện thực đã để lại những dấu ấn đậm nét trong một số nền hội họa, nhất là ở Nga và Pháp thế kỷ XIX. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng, những thể loại này cũng gắn với sự trưởng thành của tư duy văn học nhân loại, đến độ thành thục của các phương thức phản ánh và tái hiện đời sống như nó vốn có. Việc phanh phui, mổ xẻ các ung nhọt của đời sống trở thành cảm hứng chủ đạo cho các phóng sự và tiểu thuyết hiện thực. Tuy vậy vẫn có những tác phẩm chứa đựng một cái nhìn đầy tình yêu về những điều tốt đẹp và những con người mạnh mẽ, hướng về tương lai.

Văn học hiện thực trong giai đoạn ngày nay không trở thành dòng chủ đạo như văn học hiện thực cổ điển thế kỷ XIX và XX nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Nó vẫn thể hiện những vấn đề của đời sống nhưng với góc nhìn khác, không thực hiện việc tái hiện đời sống như nó vốn có theo phương thức điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại, có những góc nhìn mới về xã hội và con người.

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam (2 tập), Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1979.

2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003.

3. Phan Cự Đệ chủ biên, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004.