Văn hóa Phật giáo cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có chức năng thông tin lý luận và nghiên cứu khoa học mang tính đặc thù của tôn giáo, là công cụ đánh giá kết quả các công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt của đạo Phật cùng những bài viết chắt lọc mang tinh hoa văn hóa Phật giáo đến gần hơn với cuộc sống đời thường.
Tạp chí Văn hóa Phật giáo (VHPG) phát hành mỗi tháng 2 kỳ; tòa soạn tại số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3, Tp. HCM; Điện thoại: (028) 38484 335; Email:[email protected]; Website: https://tapchivanhoaphatgiao.com.
Tạp chí VHPG được khởi nguồn từ Tập Văn, một tập san của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động từ tháng 4.1985, do Cư sĩ Võ Đình Cường bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa, làm Chủ nhiệm và được sự chấp thuận của Giáo hội. Tập Văn được phát hành mỗi năm 3 số vào các dịp Xuân, Phật đản và Vu-lan, mỗi số gần 1.000 bản. Tập Văn hoạt động được 19 năm (1985 - 2004), gồm 56 số. Cuối năm 2004, trên cơ sở nền tảng là Tập Văn, Tạp chí VHPG chính thức được thành lập theo Quyết định số 96/GP-BVHTT ngày 13 tháng 10 năm 2004 của Bộ Văn hóa -Thông tin, theo đó, cơ quan chủ quản của Tạp chí là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay Tạp chí VHPG hoạt động theo Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp số: 1878/GP- BTTTT ngày 14 tháng 11 năm 2011.
Kể từ khi thành lập, kiên định tôn chỉ, mục đích phục vụ, Tạp chí VHPG đã không ngừng cải tiến hình thức và nội dung, từng bước tạo lập được uy tín và vị thế vững chắc. Các công trình đăng trong Tạp chí chủ yếu tập trung vào nghiên cứu về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, triết học của Phật giáo; những tinh hoa văn hóa Phật giáo Việt Nam; các bài khảo cứu về các công trình kiến trúc tôn giáo, di tích Phật giáo. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đăng trong Tạp chí được giới chuyên môn đánh giá cao, có giá trị học thuật xứng tầm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính thực tiễn cao, góp phần trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa Phật giáo, những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, tôn vinh truyền thống văn hóa nhân bản của dân tộc Việt Nam, góp phần làm tốt đời, đẹp đạo.
Ngày 18 tháng 8 năm 2020, Tạp chí VHPG đã được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã số ISSN 2734-9128 tại quyết định số 23/TTKHCN-ISSN.
Cụ thể hóa tinh thần Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (Hà Nội), trong nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017- 2022) tại điểm thứ 8 có nêu nội dung trọng tâm: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi - Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí VHPGđã, đang cách tân, từng bước hội nhập cùng hệ sinh thái số với nhiều ứng dụng công nghệ số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến cùng với những giá trị cốt lõi trong xu thế phát triển toàn cầu hóa. Tạp chí đã thành lập website chính thức tapchivanhoaphatgiao.com, tạo Fanpage trên Facebook đồng thời mở kênh YouTube, lan tỏa cùng Zalo, Viber… Ngày 20 tháng 09 năm 2020, tại lễ công bố Mã số chuẩn quốc tế xuất bản ấn phẩm nhiều kỳ ISSN, Tạp chí VHPG đã chính thức công bố logo nhận diện và đưa website, app ứng dụng của Tạp chí đi vào hoạt động.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Đại Đồng, Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008), NXBTôn giáo, H, 2008.
- Thích Tâm Hải, Tổng quan lịch sử Báo chí Phật giáo Việt Nam, Tài liệu giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
- Website: https://tapchivanhoaphatgiao.com/.