Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vùng dân cư bị ô nhiễm

Vùng dân cư bị ô nhiêm có thành phần môi trường bị ô nhiễm gây tác động xấu đến sức khỏe con người, cụ thể, có môi trường nước hoặc môi trường không khí hoặc môi trường đất hoặc cả hai hoặc ba thành phần môi trường bị ô nhiễm. Vùng dân cư bị ô nhiễm, vì vậy, có thể là những đô thị lớn bị ô nhiễm không khí, những khu vực xung quanh các cơ sở công nghiệp xả thải các chất gây ô nhiễm không được xử lý, những vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu,… Ô nhiễm môi trường ở các vùng này có thể gây ra những bệnh về đường hô hấp, bệnh ung thư,… đối với con người cũng như tác động xấu lên các loài động, thực vật.

Việc xác định vùng dân cư ô nhiễm có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Mục đích của việc xác định khu vực ô nhiễm là để khoanh vùng, thực hiện các biện pháp kiểm soát đồng thời cải tạo, phục hồi môi trường. Căn cứ để xác định vùng dân cư ô nhiễm là kết quả quan trắc chất lượng các thành phần môi trường so với các giới hạn trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vùng dân cư ô nhiễm có thể được phân loại theo mức độ ô nhiễm, gồm vùng ô nhiễm, vùng ô nhiễm nghiêm trọng và vùng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả quan trắc, phân tích môi trường cũng sẽ xác định các chất gây ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm để có các biện pháp xử lý thích hợp. Vùng dân cư ô nhiễm ở Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường.

Các vùng dân cư ô nhiễm ở nước ta bao gồm:

  • Các đô thị lớn bị ô nhiễm môi trường nước, không khí, điển hình như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh
  • Các làng nghề bị ô nhiễm, như các làng nghề tái chế kim loại, giấy, nhựa, chế biến thực phẩm,… nhiều nhất là ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng
  • Các làng “ung thư” do bị ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, điển hình như làng Thạch Sơn ở tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh các vùng dân cư ô nhiễm, Nhà nước cũng đã xác định: 4.295 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê năm 2002, cần được xử lý đến năm 2012 (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003) và 451 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xác định năm 2013, cần được xử lý đến năm 2020 (theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01.10.2013); các khu vực ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, gồm 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, 95 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường trên cả nước được xác định năm 2010, cần được xử lý đến năm 2025 (theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21.10.2010) và các khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin do chiến tranh để lại ở các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai). Đến năm 2019, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg được xử lý đạt khoảng 93%, theo Quyết định 1788/QĐ-TTg khoảng 66%. Về cơ bản đã xử lý xong ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng, đưa sân bay Phù Cát ra khỏi diện phải xử lý ngay, đang triển khai kế hoạch dự án xử lý ô nhiễm đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa. Tuy vậy, nhiều vùng dân cư ô nhiễm, nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường như các đô thị lớn, các làng nghề, các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật,… đang là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quốc hội Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, 2020.
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003.
  3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010.
  4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013.