Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là một bệnh lý ác tính phát triển từ các mô thuộc thực quản, đoạn nối và dẫn thức ăn từ hầu xuống dạ dày.

Mô tả[sửa]

Theo số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong năm 2020, ung thư thực quản đứng thứ 9 về tỷ lệ mắc (604.100 trường hợp mắc mới) và thứ 6 về tỷ lệ tử vong (544.076 ca) trên toàn thế giới. Trong năm 2020, cứ 18 ca tử vong do ung thư thì có 1 ca do UTTQ. Xấp xỉ 70% ca mắc xảy ra ở nam giới và có sự khác biệt gấp 2 – 3 lần về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong giữa hai giới trên toàn thế giới và giữa các khu vực. Tại Việt Nam, ung thư thực quản đứng thứ 14 về tỷ lệ mắc với 3.281 ca mắc mới và đứng thứ 9 về tỷ lệ tử vong với 3.080 ca.

Hình ảnh nội soi của một bệnh ung thư biểu mô thực quản (esophageal adenocarcinoma)

Trong ung thư thực quản, ung thư biểu mô tế bào vảy là loại phổ biến nhất, chiếm 90% tổng số ung thư thực quản trên toàn thế giới. Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể phát triển ở bất kỳ điểm nào dọc theo chiều dài thực quản, nhưng phổ biến nhất là ở 1/3 trên, tiếp đến là 1/3 giữa.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân chính xác của ung thư thực quản vẫn chưa được biết rõ, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng tắc nghẽn thực quản mạn tính là thủ phạm chính. Hầu hết các yếu tố nguy cơ được xác định thường biểu hiện tình trạng kích ứng mạn tính như:

- Tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính. Hút thuốc và uống rượu đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Tác động của 2 yếu tố này là tác dụng hiệp đồng làm tăng nguy cơ gấp 25 – 100 lần.

- Tuổi và giới: tuổi > 50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam gấp 2 – 3 lần nữ giới.

- Trào ngược dạ dày thực quản.

- Thức ăn chứa Nitrosamin, thiếu hụt hay quá độ yếu tố vi lượng, thiếu Vitamin A, E, thức ăn và đồ uống nóng...

- Vệ sinh miệng kém, nhiễm xạ, nhiễm Asbestos.

- Tiền sử ung thư vùng tai mũi họng và ung thư phổi.

- Béo phì, bệnh xơ bì.

- Vết thương thực quản do acid hoặc kiềm, co thắt tâm vị.

- Các yếu tố hiếm gặp khác: Vách ngăn thực quản, túi thừa thực quản, ung thư vòm mũi họng, HPV (vi rút gây u nhú ở người)…

Triệu chứng[sửa]

Giai đoạn đầu triệu chứng còn mờ nhạt, dễ bị bỏ qua, đến khi triệu chứng rõ ràng hơn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng thường gặp:

- Nuốt nghẹn là triệu chứng hay gặp nhất, nuốt nghẹn tăng dần, mới đầu chỉ là cảm giác khó chịu khi nuốt, nuốt vướng sau đó nuốt nghẹn các thức ăn rắn, về sau là thức ăn lỏng, rồi đi đến nghẹn hoàn toàn. Gặp trong 90% các trường hợp.

- Cảm giác nóng rát, hơi tức ngực và nói khàn.

- Nuốt đau cũng là triệu chứng làm hạn chế độ mở của thực quản. Nó có thể dẫn đến nôn trớ thức ăn, giảm cân, suy nhược cơ thể và thiếu dinh dưỡng.

- Chảy máu dạ dày, dẫn tới ỉa phân đen.

Chẩn đoán[sửa]

- Chụp Xquang có sử dụng thuốc cản quang đường uống sẽ có hình ảnh đọng thuốc, hình ảnh giãn và chít hẹp thực quản.

- Nội soi thực quản dạ dày ống mềm là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán. Bác sĩ có thể quan sát trực tiếp hình ảnh tổn thương thực quản, qua đó xác định vị trí, kích thước u, độ chít hẹp lòng thực quản, tình trạng bệnh lý dạ dày, tá tràng… Nội soi thực quản thường kết hợp với sinh thiết làm giải phẫu bệnh. Siêu âm nội soi đánh giá mức độ xâm lấn của u vào các thành phần thành thực quản, các tổ chức xung quanh và tình trạng di căn hạch.

- Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ: đánh giá vị trí, kích thước, xâm lấn u, di căn hạch và di căn xa.

- Xạ hình xương: đánh giá di căn xương.

- Chụp PET/CT đánh giá giai đoạn trước điều trị, đáp ứng điều trị và đánh gái tình trạng tái phát, di căn.

- Xét nghiệm mô bệnh học: chẩn đoán xác định bệnh và týp bệnh học.

- Xét nghiệm đột biến HER-2 xem xét chỉ định sử dụng Trastuzumab.

- Dấu ấn sinh học khối u CEA, CA 19-9, SCC và cyfra 21-1 trong theo dõi đáp ứng điều trị, tái phát và di căn xa.

Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]

Phân loại mô bệnh học chủ yếu dựa vào phân loại của WHO (2019), ung thư thực quản bao gồm:

Ung thư biểu mô (chiểm 90-95%) bao gồm ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến.

Khối u không phải biểu mô (5%): u mỡ, u cơ, u mô đệm đường tiêu hoá, sarcoma cơ vân, sarcoma Kaposi, melanoma ác tính…

Chẩn đoán giai đoạn bệnh[sửa]

Chẩn đoán giai đoạn bệnh ung thư thực quản theo phân loại TNM của AJCC phiên bản 8 (2017) dựa trên các yếu tố: Đặc điểm u (mức độ xâm lấn các lớp mô học thực quản và tình trạng xâm lấn các cấu trúc lân cận như màng phổi, màng tim, cơ hoành, thân đốt sống…), số lượng hạch vùng di căn, tình trạng di căn xa, độ biệt hoá của khối u và vị trí u.

Điều trị[sửa]

Đưa ra chiến lược điều trị phải dựa trên từng bệnh nhân cụ thể phù hợp với giai đoạn bệnh và tình trạng sức khoẻ chung của họ. Quan trọng nhất là xác định bệnh nhân có thể điều trị triệt căn được hay không.

Phẫu thuật[sửa]

Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị ung thư thực quản là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản hoặc cắt bỏ một phần thực quản và phần trên của dạ dày. Phần thực quản bị cắt bỏ sẽ được thay thế bằng dạ dày hoặc bằng một đoạn ruột giúp cho bệnh nhân có thể nuốt được thức ăn. Phẫu thuật ung thư thực quản là một phẫu thuật nặng nề song vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu. Mở thông dạ dày cũng là phương pháp duy trì dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các phương pháp điều trị khác.

Hoá trị[sửa]

Hóa trị bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch đơn thuần sẽ không chữa khỏi ung thư thực quản nhưng việc áp dụng các phương pháp điều trị này trước phẫu thuật, có thể kết hợp với xạ trị giúp thu nhỏ khối u và tăng xác suất loại bỏ ung thư bằng phẫu thuật. Liệu pháp hóa trị giảm nhẹ có thể làm giảm các triệu chứng của ung thư giai đoạn muộn nhưng sẽ không làm thay đổi kết quả của bệnh.

Xạ trị[sửa]

Xạ trị có thể kết hợp với hoá trị trước hoặc sau phẫu thuật giúp nâng cao hiệu quả của cuộc phẫu thuật. Xạ trị giảm nhẹ có vai trò làm giảm triệu chứng khó nuốt ở những bệnh nhân không thể điều trị khỏi. Xạ trị hữu ích nhất khi kết hợp với hoá trị, có thể hoá xạ triệt căn, hoá xạ tiền phẫu trước phẫu thuật hoặc hoá xạ bổ trợ sau phẫu thuật là những phương pháp giúp điều trị dứt điểm bệnh.

Điều trị đích, điều trị miễn dịch[sửa]

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đích hiệu quả với ung thư thực quản. Các nghiên cứu gần đây cho thấy lợi ích khi điều trị các thuốc Pembrolizumab và Trastuzumab ở giai đoạn tiến triển, không phẫu thuật được hoặc di căn đã điều trị với hoá trị trước đó.

Chăm sóc giảm nhẹ[sửa]

Ngoài phẫu thuật, hoá trị và xạ trị, các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ khác có thể giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nong hoặc đặt stent thực quản là các biện pháp giúp giảm triệu chứng khó nuốt trong thời gian ngắn.

Điều trị thay thế[sửa]

Liệu pháp quang động lực hay quang động liệu pháp có thể được sử dụng để chăm sóc giảm nhẹ nhưng nó cũng được dùng để điều trị khỏi một số ung thư thực quản giai đoạn đầu trong các nghiên cứu sơ bộ.

Liệu pháp laser nội soi là việc sử dụng các chùm tia laser ngắn, cường độ mạnh để điều trị các khối u thông qua nội soi. Nó giúp cản thiện tình trạng nuốt khó nhưng cần phải thực hiện nhiều lần và hiếm khi có lợi ích lâu dài.

Tiên lượng[sửa]

Vì hầu hết bệnh nhân ung thư thực quản được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn nên tiên lượng rất kém. Nói chung, không quá nửa ung thư thực quản được chỉ định điều trị triệt căn. Ngay cả khi điều trị khỏi, ung thư thực quản cũng rất dễ tái phát.

Phòng ngừa[sửa]

- Không uống rượu, hút thuốc lá.

- Giảm ăn các thức ăn chứa nitrosamin, bổ sung các vitamin thiết yếu.

- Điều trị triệt để bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

- Khám sức khoẻ định kỳ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Abeloff, Martin D., et al. Abeloff’s Clinical Oncology. 4th ed.

Philadelphia: Churchill Livingstone/Elsevier, 2008.

  1. Sabiston, David C., et al. Sabiston Textbook of Surgery: The

Biological Basis of Modern Surgical Practice. Philadelphia: Saunders/Elsevier, 2008.

  1. American Cancer Society, 1599 Clifton Rd. NE, Atlanta,

GA, 30329, (800) 227-2345, http://www.cancer.org.

  1. National Coalition for Cancer Survivorship, 1010 Wayne Ave., Suite 770, Silver Spring, MD, 20910, (301) 650-9127, Fax: (301) 565-9670, (888) 650-9127, [email protected], http://www.canceradvocacy.org.
  2. Stephen B., Frederick L. G., et al (2017), “AJCC Cancer Staging Manual eighth edition”, Springer, pp.649-659.
  3. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai. Ung thư thực quản. Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2010, Tr.113-126.
  4. Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa. Ung thư thực quản, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu – Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học, 2020, Tr. 264-280.
  5. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang. Ung thư thực quản. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2019, Tr.150-163.