Sarcoma Kaposi | |
---|---|
Tên khác | Ung thư Kaposi |
Sarcoma Kaposi trên da một bệnh nhân AIDS | |
Chuyên khoa | Ung thư học |
Triệu chứng | Thương tổn da |
Loại | KS cổ điển, KS đặc hữu, KS do điều trị, KS liên hệ AIDS |
Nguyên nhân | Herpesvirus liên hệ sarcoma Kaposi (KSHV) |
Yếu tố nguy cơ | Chức năng miễn dịch kém |
Chẩn đoán | Sinh thiết mô |
Điều trị | Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp đích |
Số người mắc | 34.270 (2020)[1] |
Số người chết | 15.086 (2020)[1] |
Sarcoma/Sacôm Kaposi (KS) là rối loạn tăng sinh mạch có căn nguyên do virus và bệnh sinh đa yếu tố xoay quanh loạn chức năng hệ miễn dịch.[2] Căn bệnh mang tên bác sĩ Moritz Kaposi, người đã mô tả nó lần đầu vào năm 1872 ở một vài người đàn ông châu Âu lớn tuổi.[3] Hiện có bốn biến thể KS được công nhận, loại Kaposi nhận diện ban đầu là KS cổ điển hay lẻ tẻ chủ yếu thấy ở người già gốc Địa Trung Hải hoặc Do Thái.[4] Ở châu Phi tồn tại dạng KS đặc hữu biểu hiện bệnh hạch bạch huyết ở trẻ em.[3] Một dạng khác xảy ra với người bị suy giảm miễn dịch do điều trị như người nhận ghép tạng.[4] Cuối cùng, KS thu hút sự chú ý của dư luận khi nó được báo cáo tác động những người đồng tính nam ở Hoa Kỳ vào năm 1981.[4] Sự xuất hiện của biến thể KS mới này là một trong những điềm báo về đại dịch AIDS và về sau nó được gọi là KS liên hệ AIDS hay KS dịch.[5]
KS do KS herpesvirus (KSHV) hay còn gọi là herpesvirus ở người 8 (HHV-8) gây ra.[6] KSHV lây truyền chủ yếu qua nước bọt nhưng tương đối kém hiệu quả,[5] đòi hỏi tiếp xúc gần và nhiều.[6] Nhiễm KSHV là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hình thành KS bởi còn thiếu những yếu tố về gen, miễn dịch, môi trường.[2] Tỷ lệ mắc bệnh ở người ghép tạng và bệnh nhân AIDS cao hơn rất nhiều dân số nói chung, lần lượt 500 và 20.000 lần.[2] Hơn 50% người đồng nhiễm HIV và KSHV không nhận liệu pháp kháng retrovirus sẽ bị KS.[5] Giống những herpesvirus khác, KSHV tạo sự cân bằng giữa kích động và kìm chế phản ứng miễn dịch để duy trì nhiễm trùng tiềm ẩn kéo dài đến hết đời vật chủ.[4] Khác những herpesvirus khác, KSHV không phổ biến toàn cầu mà chỉ ở châu Phi hạ Sahara và phần nào là các nước Địa Trung Hải.[3]
Triệu chứng lâm sàng điển hình nhất của KS là nhiều thương tổn da không đau, phẳng hoặc nhô; ban đầu là những dát hay sẩn nhỏ có màu từ hồng nhạt đến tím.[4] Đôi khi, thương tổn tạo ra các u lồi, loét, xuất huyết có thể liên hệ với phù nề đau đớn.[4] Ngoài da, KS còn khả năng xuất hiện ở những địa điểm khác như niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hạch bạch huyết, phổi.[5] Thương tổn miệng phổ biến ở KS liên hệ AIDS, rủi ro gây khó nuốt và nhiễm trùng thứ phát.[4] Thương tổn phổi thường biểu hiện khó thở, ho khan, đôi khi ho ra máu, đe dọa tính mạng.[4] Thương tổn đường tiêu hóa thường không triệu chứng nhưng có thể xuất huyết hoặc gây tắc nghẽn.[4] Khác với KS cổ điển, KS liên hệ AIDS hay phân tán, diễn tiến nhanh, và dẫn đến tử vong.[5]
KS là kiểu ung bướu không bình thường.[7][8] Không như ung thư khác là hệ quả của một sự kiện biến đổi khiến tế bào tự sinh sôi, KS phản ánh hiệu ứng kết hợp của virus với tính chất tạo mạch và viêm cục bộ hay hệ thống.[8] Trong thương tổn da có chứa các tế bào hình thoi thường kèm xơ hóa, chất thâm nhiễm viêm, khe mạch, và hemosiderin.[5] Hồng cầu thoát mạch tạo cho thương tổn màu đỏ tía.[5] Các tế bào hình thoi là thành phần tăng sinh chính song không rõ nguồn gốc.[6] Chúng được tin thuộc dòng nội mô nhưng cũng có đặc điểm của tế bào cơ trơn và tế bào quanh mạch.[6] Một khối u thường được xem là không bị ảnh hưởng khi mất đi tác nhân kích thích, nhưng KS sẽ không duy trì nếu KSHV bị loại bỏ.[7] Thêm nữa, một tín điều được chấp nhận rộng rãi là mọi khối u phải là đơn dòng,[7] trong khi KS có thể là đơn dòng, thiểu dòng, hay đa dòng.[8] Chưa thể xác định bản chất của KS, liệu nó có thực sự là sarcoma hay đơn thuần chỉ là thương tổn phản ứng mãnh liệt do virus.[7]
Mặc dù trong bối cảnh thích hợp KS dễ nhận biết qua dấu hiệu lâm sàng nhưng vẫn cần chẩn đoán mô học để xác minh.[6] Chẩn đoán mô học cũng không chắc đơn giản, còn tùy vào giai đoạn của thương tổn.[6] Thương tổn giai đoạn sớm ở dạng dát hay mảng dễ nhầm lẫn với những tình trạng viêm da khác, còn dạng cục giai đoạn sau thì đặc trưng nên thuận lợi.[4] Về điều trị thì không có liệu pháp tiêu chuẩn do KS không đồng nhất, thay vào đó là một vài lựa chọn khác nhau.[2] Với KS cổ điển thì vận dụng hóa trị hay xạ trị và nhìn chung hiệu quả.[3] KS do điều trị thì ngừng liệu pháp ức chế miễn dịch, nếu không được thì xạ trị.[3] KS đặc hữu có thể cần trị liệu toàn thân với các chất kìm tế bào, kết quả tùy vào độ nghiêm trọng của bệnh.[2] Số ca KS liên hệ AIDS giảm nhiều kể từ khi có liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART).[2]
Tham khảo[sửa]
- ↑ a b Kaposi sarcoma (PDF), International Agency for Research on Cancer, 2020, truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2023
- ↑ a b c d e f Ruocco, Eleonora; Ruocco, Vincenzo; Tornesello, Maria Lina; Gambardella, Alessio; Wolf, Ronni; Buonaguro, Franco M. (tháng 7 năm 2013), "Kaposi's sarcoma: Etiology and pathogenesis, inducing factors, causal associations, and treatments: Facts and controversies", Clinics in Dermatology, Elsevier BV, 31 (4): 413–422, doi:10.1016/j.clindermatol.2013.01.008, PMC 7173141, PMID 23806158, S2CID 20111482
- ↑ a b c d e Rusu-Zota, Gabriela; Manole, Oana Mădălina; Galeș, Cristina; Porumb-Andrese, Elena; Obadă, Otilia; Mocanu, Cezar Valentin (ngày 16 tháng 5 năm 2022), "Kaposi Sarcoma, a Trifecta of Pathogenic Mechanisms", Diagnostics, MDPI AG, 12 (5): 1242, doi:10.3390/diagnostics12051242, PMC 9140574, PMID 35626397, S2CID 248845157
- ↑ a b c d e f g h i j Cesarman, Ethel; Damania, Blossom; Krown, Susan E.; Martin, Jeffrey; Bower, Mark; Whitby, Denise (ngày 31 tháng 1 năm 2019), "Kaposi sarcoma", Nature Reviews Disease Primers, Springer Science and Business Media LLC, 5 (1), doi:10.1038/s41572-019-0060-9, PMC 6685213, PMID 30705286, S2CID 5299997
- ↑ a b c d e f g Gonçalves, Priscila H.; Uldrick, Thomas S.; Yarchoan, Robert (ngày 10 tháng 9 năm 2017), "HIV-associated Kaposi sarcoma and related diseases", AIDS, Ovid Technologies (Wolters Kluwer Health), 31 (14): 1903–1916, doi:10.1097/QAD.0000000000001567, PMC 6310482, PMID 28609402, S2CID 13677515
- ↑ a b c d e f Schneider, Johann W.; Dittmer, Dirk P. (ngày 21 tháng 3 năm 2017), "Diagnosis and Treatment of Kaposi Sarcoma", American Journal of Clinical Dermatology, Springer Science and Business Media LLC, 18 (4): 529–539, doi:10.1007/s40257-017-0270-4, PMC 5509489, PMID 28324233, S2CID 12603375
- ↑ a b c d Indave Ruiz, Blanca Iciar; Armon, Subasri; Watanabe, Reiko; Uttley, Lesley; White, Valerie A.; Lazar, Alexander J.; Cree, Ian A. (ngày 25 tháng 2 năm 2022), "Clonality, Mutation and Kaposi Sarcoma: A Systematic Review", Cancers, MDPI AG, 14 (5): 1201, doi:10.3390/cancers14051201, PMC 8909603, PMID 35267506, S2CID 247134166
- ↑ a b c Schulz, Thomas F; Cesarman, Ethel (tháng 10 năm 2015), "Kaposi Sarcoma-associated Herpesvirus: mechanisms of oncogenesis", Current Opinion in Virology, Elsevier BV, 14: 116–128, doi:10.1016/j.coviro.2015.08.016, PMID 26431609, S2CID 2166928