U sầu là một thuật ngữ thường dùng để chỉ trạng thái cảm xúc âm tính nặng nề: buồn bã, u ám, sầu thảm. Trong hoạt động thực hành, các nhà lâm sàng thường dùng thuật ngữ u sầu để chỉ trạng thái trầm cảm nặng nhằm phân biệt với những đau khổ, buồn rầu do mất mát, ví dụ như mất người thân.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Freud đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa trạng thái u sầu bệnh lý và đau khổ theo lẽ thông thường. Trong tác phẩm “Tang tóc và u sầu” (Mourning and Melancholia) xuất bản năm 1917, Freud đã phân biệt giữa u sầu và tang tóc. Đều là buồn rầu, đau khổ nhưng tang tóc là đau khổ vì mất người thân (mất đối tượng) và sự đau khổ này nằm ở tầng bậc ý thức. Trong u sầu, chủ thể không ý thức được đối tượng bị mất mát bởi vì nó nằm ở tầng vô thức. Tang tóc là một quá trình tự nhiên còn u sầu là một trạng thái bệnh lý.
Trong lâm sàng trước đây, u sầu được dùng để chỉ mức độ nặng của trầm cảm. Hiện nay, trong các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm của DSM-5 và trước đó là DSM-IV, có nhấn mạnh (biệt định) những trường hợp trầm cảm có các triệu chứng u sầu (chứ không phải là tất cả các trường hợp trầm nặng).
Một số đặc điểm chính của trầm cảm u sầu:
- Cá nhân hoàn toàn chìm đắm vào một trạng thái buồn ghê gớm, triền miên, không có được cảm giác vui vẻ dù trong chốc lát. Trạng thái này còn được gọi là “đau khổ về tinh thần”, đặc trưng bởi nỗi buồn sâu sắc, bi quan tuyệt vọng, cho rằng tương lai đã khép lại và không thể thay đổi được. Trạng thái buồn bã được thể hiện rõ trên nét mặt đơn điệu. Ngoài ra cá nhân còn phàn nàn rằng cảm xúc của mình đã tê liệt, trống rỗng, cảm giác đau đớn vì không thể yêu. Điều đáng lưu ý là không có một sự kiện đáng kể nào trong cuộc sống của cá nhân có thể được quy cho là nguyên nhân gây ra trạng thái u sầu này.
- Cá nhân thờ ơ, không có đáp ứng với các hoạt động mang tính chất giải trí, vui vẻ. Mọi nỗ lực kéo người bệnh vào các hoạt động nhằm giúp cho họ “khuây khỏa” hầu như không có tác dụng.
- Cá nhân trong tình trạng trầm cảm, u ám nặng hơn vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Những người xung quanh khó nhận biết được biểu hiện này. Họ không hiểu tại sao sau một đêm ngủ dậy, bệnh nhân lại lề mề, chậm chạp trong việc vệ sinh cá nhân, chẳng chịu nhúc nhắc làm việc gì. Tâm trạng u sầu có chút nhẹ đi vào buổi tối.
- Cá nhân mất ngủ hoặc ngủ được rất ít. Họ thường hay tỉnh giấc vào nửa đêm và khó ngủ tiếp. Cũng có những trường hợp thức giấc vào lúc hai, ba giờ sáng và không thể nào ngủ lại được. Những khi thức giấc ban đêm, họ thấy đêm thực sự dài và trong những lúc như vậy họ cảm thấy bệnh của mình thực sự là nặng. Mất ngủ cũng thường là nguyên nhân gây ra tỉnh trạng ngồi lì trên giường, không đi vệ sinh cá nhân. Cá biệt có những người từ lúc tỉnh giấc đến lúc ra khỏi giường có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
- Cá nhân ăn kém hoặc từ chối ăn. Người bệnh, nếu phải ăn thì ăn một cách uể oải. Họ phàn nàn không có cảm giác ngon miệng, ăn cơm như ăn rơm. Thậm chí có người thường xuyên bỏ bữa/từ chối ăn và hậu quả là sút cân.
- Cùng với trạng thái nặng nề của cảm xúc là sự chậm chạp của vận động của chủ thể. Người có trạng thái u sầu rất ít vận động. Không phải vì họ không thích vận động mà đây là một trạng thái trì trệ. Một số nhà nghiên cứu lý giải rằng trì trệ trong vận động, một phần đáng kể là do sự trì trệ trong tư duy. Mãi mà ở trong đầu không có một ý nghĩ gì và do vậy cũng chẳng muốn làm một việc gì. Đang nằm chẳng muốn dậy, đang ngồi chẳng muốn đứng lên để làm một việc gì.
- Cá nhân tự buộc tội bản thân. Nhận biết được hạn chế của mình nhưng không thể cố gắng để khắc phục những hạn chế đó. Và điều này dẫn đến những ý nghĩ tự buộc tội bản thân, cho rằng mình như thế là yếu đuối, rằng làm khổ người thân, mình là gánh nặng cho họ. Cũng chính trên nền của những ý nghĩ tự buộc tội, phán xét mà ở bệnh nhân u sầu có thể xuất hiện hoang tưởng. Trên nền đó có thể xuất hiện ý định hoặc hành vi tự sát.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 415.
- Mijoolla A. (Editor in chief), International Dictionary of Psychoanalysis, Thomson Gale, 2002, pp. 1.037 - 1.039.
- Kahn A.D., Fawcett J., The Encyclopedia of Mental Health, 3rd Ed., Fact On File, Inc, 2009.
- Bhatia M.S., Dictionary of Psychology and Allied Sciences, New Age International Publisher, 2009, pp. 258.
- Matsumoto D., (General editor), The Cambridge Dictionary of Psychology, Cambridge University, 2009, pp. 302.
- VandenBos G.R. (Editor in chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 350.