Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Tuyến nội tiết

Tuyến nội tiết là các tuyến không có ống mà tiết thẳng vào trong máu các chất hóa học được gọi là hormone có tác dụng điều hòa môi trường bên trong không chỉ đối với tế bào, các cơ quan, mà còn đối với toàn cơ thể.

Tuyến nội tiết bao gồm: tuyến tùng, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến ức, tuyến thượng thận, tuyến tụy, tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn) tạo thành hệ nội tiết.

Vùng hạ đồi[sửa]

Vùng hạ đồi, là tuyến nội tiết ở trong não có tác dụng là một trung tâm điều khiển hệ nội tiết thông qua tuyến yên, một tuyến nhỏ bằng hạt đậu ở ngay dưới nó điều khiển hoạt động của tất cả các tuyến còn lại. Vùng hạ đồi có tác dụng tiết ra các hormones: GNRH, TRH, CRH, somatostatin và vasopressin (dự trữ ở thùy sau tuyến yên). Tuyến yên có tác dụng tiết ra các hormones: GH, TSH, LH, ACTH, MSH, vasopressin, oxytocin và prolactin.

Tuyến giáp[sửa]

Tuyến giáp, một tuyến ở vùng cổ, có tác dụng tiết ra các hormone T3-T4. Các hormones này làm tăng quá trình chuyển hóa, giúp tuyến giáp điều hòa chuyển hóa cơ thể. Tuyến cận giáp, có tác dụng tiết ra hormone PTH điều hòa lượng calci và phosphat trong máu, thông qua việc làm tăng Ca2+ huyết thanh qua các tác động tại xương, gan và thận.

Tuyến thượng thận[sửa]

Tuyến thượng thận, ở cực trên của thận, được chia thành vỏ và tủy thượng thận. Tuyến vỏ thượng thận sản xuất ra các hormone androgens, mineralcoritcoids và glucocorticoids có tác dụng về mặt nội tiết - sinh dục, chuyển hóa muối nước và chuyển hóa các đường, protein - acid amin và chất béo trong cơ thể, đặc biệt trong đáp ứng với stress. Tuyến tủy thượng thận sản xuất ra các catecholamines bao gồm: adrenaline, noradrenaline là chất tác động chính lên hệ thần kinh giao cảm.

Tuyến tụy[sửa]

Tuyến tụy nội tiết có tác dụng tiết ra các hormones như: insulin, glucagon có tác dụng điều hòa đường máu và chuyển hóa; gastrin điều hòa tiết acid dạ dày.

Tuyến sinh dục[sửa]

Tuyến sinh dục bao gồm tinh hoàn với nam và buồng trứng với nữ, có tác dụng điều hòa phát triển sinh dục, rụng trứng và phát triển cơ quan sinh dục, thông qua các hormones testosteron đối với nam; estrogen, progresteron đối với nữ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. The Endocrine System: Miraculous Messengers, New York: Torstar Books, 1985.
  2. Janz DM. Chapter 13 - Endocrine System. In: Ostrander GK (ed.), The Laboratory Fish, Handbook of Experimental Animals, London: Academic Press, DOI: 10.1016/B978-012529 650-2/50016-0, 2000, pp. 189 - 217.
  3. Hendry C., Farley A., McLafferty E., et al., Endocrine system: part 2, Nursing Standard (Royal College of Nursing (Great Britain): 1987), 28 (39), DOI: 10.7748/ns.28.39.43.e7778, 2014, pp. 43 - 48.
  4. Johnstone C., Hendry C., Farley A., et al., Endocrine system: part 1, Nursing Standard (Royal College of Nursing (Great Britain): 1987), 28 (38), DOI: 10.7748/ns.28. 38.42.e7471, 2014, pp. 42 - 49.