Truyện ngụ ngôn loại truyện dân gian kể về một sự tích hoàn toàn tưởng tượng, bằng văn xuôi hoặc văn vần, qua đó gửi gắm những bài học kinh nghiệm sống, răn dạy con người về luân lý, đạo đức, cách đối nhân xử thế.
Sự xuất hiện của truyện ngụ ngôn đánh dấu thời điểm mà ý thức xã hội và trình độ tư duy trừu tượng, tư duy nghệ thuật của tác giả dân gian đã phát triển cao. Khi tư duy mới ở dạng cụ thể, biểu vật thì có lẽ ngụ ngôn chưa xuất hiện. Chỉ khi người ta biết dùng biểu niệm, biểu cảm thay cho biểu vật; dùng sự vật, sự việc này để bóng gió, tỉ dụ về sự vật, sự việc khác thì ngụ ngôn mới thành hình. Theo nhiều nhà nghiên cứu, một trong những tiền thân của truyện ngụ ngôn là các truyện cổ tích về động vật. Loại truyện này phản ánh đặc điểm của loài vật, cung cấp cho người đọc những tri thức về giới tự nhiên qua những câu chuyện sinh động. Nhưng khi quan hệ của các con vật đồ chiếu quan hệ của xã hội loài người và hướng đến ngụ ý một đạo lý, một kinh nghiệm sống…(gọi chung là lời quy châm) thì lúc bấy giờ chúng ta có thể loại ngụ ngôn.
Cách thức diễn đạt[sửa]
Lời quy châm có khi được diễn đạt một cách trực tiếp qua nhan đề của câu chuyện (phương thức tư duy: diễn dịch), cũng có khi được tổng kết lại qua câu văn cuối bài (phương thức tư duy: quy nạp), nhưng thường xuyên là được diễn đạt một cách kín đáo, ý nhị, ẩn giấu dưới lớp ngôn từ thông qua phương pháp ẩn dụ, người đọc phải tự suy ngẫm mà rút ra. Nói cách khác, truyện ngụ ngôn bao giờ cũng có hai phần, phần nghĩa đen và phần nghĩa bóng, phần xác và phần hồn, phần truyện kể và phần bài học kinh nghiệm. Mục đích của truyện ngụ ngôn là hướng người đọc đến việc lĩnh hội những bài học kinh nghiệm đó. Trong kho tàng folklore, tục ngữ cũng là thể loại nêu lên những nhận xét, phán đoán, bài học kinh nghiệm, cũng chở tải những nét nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng tục ngữ là một câu nói dùng trong lời nói hàng ngày, nêu lên bài học kinh nghiệm một cách trực tiếp thông qua các sự kiện thực tế, cụ thể, nên người nghe có thể nhận thức dễ dàng, ngay lập tức. Còn truyện ngụ ngôn thì thể hiện bài học một cách bóng gió qua cả một câu chuyện có nhân vật, hội thoại, xung đột và kết thúc bất ngờ, giống như một vở kịch ngắn.
Nội dung truyền tải[sửa]
Truyện ngụ ngôn thường dẫn người ta đến những nhận thức đúng đắn bằng cách nêu lên những kết quả tai hại do nhận thức sai lầm gây ra, dẫn dắt người ta đến với chân lý bằng cách chỉ ra cái nguỵ lý mà người ta rất dễ mắc phải trong cuộc sống. Cách làm này có hiệu quả mạnh mẽ trong việc tác động trực tiếp vào quá trình tự nhận thức, tự đốn ngộ bài học của người đọc. Có thể tìm thấy điều này trong nhiều ví dụ, như truyện Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Chân Tay Tai mắt Miệng…Người đọc nhận ra rằng tất cả những suy nghĩ của Ếch, của các thầy bói, của Chân, Tay, Tai Mắt…đều là nguỵ lý (cái nguỵ lý này dễ che mắt con người, làm lệch lạc nhận thức của con người), bài học rút ra từ câu chuyện mới là chân lý. Ví như các thầy bói (Thầy bói xem voi) nghĩ rằng: Sờ được cái vòi của con voi nó sun sun như con đỉa thi cả con voi nó phải sun sun như con đỉa. Nhưng đó chỉ là ngụy lý, chân lý phải là: Xét một vật gì phải có cái nhìn tổng hợp giữa bộ phận và tổng thể, chủ quan và khách quan, tránh phiến diện, áp đặt. Các nhân vật Chân, Tay, Tai, Mắt (Chân Tay Tai Mắt Miệng) nghĩ rằng lão Miệng chỉ việc nếm và nuốt, như thế là lão không phải làm gì mà chỉ việc hưởng thụ. Nhưng đó cũng chỉ là ngụy lý, chân lý là: Nếm, nuốt chính là công việc của lão Miệng, công việc này không chỉ đem lại lợi ích cho riêng lão Miệng mà còn cho tất cả các bộ phận khác; không nên kết luận mọi thứ khi chỉ nhìn bề ngoài.
Bên cạnh đó, truyện ngụ ngôn cũng phản ánh xung đột xã hội, nêu lên những lời bình luận và phê phán xã hội. Ở một số truyện, xung đột giữa các nhân vật là hình ảnh khúc xạ cho xung đột giữa kẻ áp bức và người bị áp bức. Bằng cách nói ẩn dụ, bóng gió kín đáo, truyện ngụ ngôn đã giúp tác giả dân gian vạch mặt, chỉ tên những bản chất, đặc điểm, tính cách của kẻ mạnh, kẻ gian ác, xảo quyệt trong xã hội từ đó phần nào rút ra kinh nghiệm ứng xử, đối phó cho những người hiền lành, thật thà, bị lâm vào thế yếu. Chẳng hạn, truyện Khi chúa sơn lâm ngọa bệnh: Chúa sơn lâm bị thương, nằm trong hang. Con Cò vào thăm, Chúa sơn lâm hỏi Cò: Ta đau thì thơm hay thối. Cò thật thà trả lời: Thối lắm ạ. Nó liền bị Chúa sơn lâm rượt đánh vì tội “xúc phạm quân vương”. Cáo láu lỉnh vào thăm, trả lời rằng: Thơm lắm ạ, nhưng nó cũng bị rượt đánh vì tội “nịnh hót”. Con Chuột vào thăm, trả lời khôn khéo là: Mấy hôm nay tôi bị ngạt mũi nên không ngửi thấy mùi gì, nhưng ngay cả nó cũng bị rượt đánh vì tội “lừa dối”. Bài học mà truyện ngụ ngôn rút ra là: đối với Chúa sơn lâm thì nói thật không được, nịnh hót không xong và vờ vĩnh cũng chẳng lọt. Chúa sơn lâm ở đây chính là ẩn dụ cho kẻ mạnh, kẻ cầm quyền, không chỉ đầy bạo ngược mà còn bất chấp lí lẽ và logic, thật khó biết tâm địa và khó chiều.
Thi pháp truyện ngụ ngôn dành một khoảng không thật rộng lớn cho nhân vật, là bất cứ vật gì trong vũ trụ, là đủ mọi thứ có trên đời (động vật, thực vật, đồ vật, các bộ phận cơ thể,..). Mặc dù vậy, nhân vật trung tâm và có mặt thường xuyên nhất trong truyện ngụ ngôn vẫn là các con vật. Các nhân vật này bao giờ cũng xuất hiện trong một tình huống giả định được định trước theo một chủ kiến, một ý đồ, một mục đích nhất định mà trên hết vẫn là mục đích đồ chiếu vào quan hệ xã hội của con người, rút ra cho con người những bài học đạo đức, kinh nghiệm sống. Khả năng đồ chiếu đó được tạo ra bởi phương thức tỷ dụ, có nghĩa là: những nhân vật con vật, đồ vật…luôn luôn được xuất hiện với những công lệ, những quy ước ngầm có ý nghĩa phổ biến và được mọi người công nhận, như tỉ dụ cho một tính cách, tỉ dụ cho một phương thức hành động và hành vi sinh tồn; tỉ dụ cảm xúc... Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa nhân vật con vật ở truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật. Truyện cổ tích về loài vật thực hiện chức năng tổng kết những tri thức của con người về thế giới loài vật, do đó nội dung chủ yếu của hình tượng con vật ở đó chỉ là những miêu tả về đặc điểm và tập tính sinh học của chúng.
Hình thức và dung lượng[sửa]
Về hình thức và dung lượng, truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam có tính phức thể: có truyện ngắn (bằng một cặp lục bát), có truyện lại khá dài (hàng trăm câu thơ), có truyện ngụ ngôn văn xuôi, lại có cả truyện ngụ ngôn văn vần. Hình thức văn vần của ngụ ngôn là các truyện thơ ngụ ngôn Trê Cóc, Lục Súc tranh công, Trinh thử, Hoa điểu tranh năng…và nhiều bài ca dao ngụ ngôn như “Con Mèo mà trèo cây cau,/ Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà/ Chú Chuột đi chợ đường xa,/Mua mắm mua muối giỗ cha chú Mèo”; hay “Chì khoe chì nặng hơn Đồng,/ Sao Chì chẳng đúc nên cồng nên chiêng?”….
Đa số các truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam được nảy sinh từ thực tế cuộc sống của dân chúng, của xã hội Việt Nam. Ở một số truyện ngụ ngôn người Việt còn có thể nhận thấy không khí “làng xã” của làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 là rất rõ (ví dụ Đeo nhạc cho mèo, Trê Cóc…). Ngoài ra, cũng có một số truyện ngụ ngôn có nguồn gốc ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Phật giáo đem vào Việt Nam nhiều truyện ngụ ngôn Ấn Độ. Hán học cũng đem vào Việt Nam nhiều truyện ngụ ngôn của Trung Quốc. Bên cạnh những truyện ngụ ngôn dân gian, vô danh lại có truyện ngụ ngôn thành văn, có tác giả (truyện ngụ ngôn của Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Trọng Thuật, Bùi Huy Cường…). Một bộ phận truyện ngụ ngôn vô danh, nhưng xuất hiện từ sau năm 1975 thì được gọi là truyện ngụ ngôn hiện đại. Loại truyện này quan tâm đến những vấn đề thời sự, chính trị xã hội hiện đại như vấn đề bỏ phiếu, tranh cử, bầu cử, tự do ngôn luận, công bằng xã hội, mâu thuẫn danh và thực…Chúng được sưu tầm và xuất bản trong một số công trình như 650 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại, 109 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại…
Với nội dung “dạy khôn”, với nghệ thuật ẩn dụ, tỉ dụ hấp dẫn, với thi pháp kết cấu và nhân vật đặc thù - truyện ngụ ngôn là thể loại sáng tác dân gian uyên bác, có tính triết lý cao, thu hút người đọc nhiều lứa tuổi và vẫn còn được tiếp tục sáng tạo, lưu truyền.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phạm Minh Hạnh, Truyện ngụ ngôn Việt Nam và thế giới (thể loại và triển vọng), Nxb. Khoa học xã hội, H.1993
- Vygovski, Tâm lí học nghệ thuật, Nxb. Khoa học xã hội – Trường viết văn Nguyễn Du, H.1995.
- Trương Chính, Bình giải ngụ ngôn Việt nam, Nxb. Giáo dục, H.1997
- Lê Trường Phát, Thi pháp văn học dân gian, Nxb. Giáo dục, H.2000
- Nhiều tác giả, 109 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại, Nxb. Thời đại, H.2003
- Dương Văn Thoa, 650 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại, Nxb. Lao động, H.2009