Truyện cổ tích là một thể loại văn học dân gian, thuộc loại hình tự sự, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Yếu tố kỳ ảo là một thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của truyện cổ tích, được xem là phương tiện để tác giả dân gian thúc đẩy diễn biến câu chuyện theo ý muốn, hướng đến một kết thúc có hậu. Ngoài một bộ phận giải thích nguồn gốc các sự vật, hiện tượng, truyện cổ tích thể hiện những câu chuyện về sự tương tác giữa con người với thiên nhiên, về số phận cá nhân, những vấn đề của đời sống gia đình, xã hội ở thời kỳ đã có sự hình thành của gia đình và có sự phân chia các giai cấp trong xã hội, và thường thể hiện quan niệm về đạo đức hay ước mơ của người dân về cuộc sống công bằng, tốt đẹp hơn.
Truyện cổ tích thường bắt đầu từ những câu chuyện gắn với những nhân vật, sự vật, hiện tượng đáng chú ý ở một địa phương, và lan truyền từ nơi này sang nơi khác với những chi tiết được thêm thắt hay lược bỏ, những sự cải biên và những dị bản,... truyện cổ tích của các địa phương khác nhau lại cũng có thể có những nội dung hết sức giống nhau, với những kiểu truyện (type) và các motif giống nhau. Điều này được giải thích bởi tính phổ quát của truyện kể hay bởi sự di chuyển của câu chuyện từ vùng này đến vùng khác. truyện cổ tích có mối liên hệ mật thiết và giao thoa nội dung với các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn,... Một số tác phẩm vừa có thể xem là cổ tích, vừa có thể xem là thần thoại, hay truyền thuyết, hay truyện ngụ ngôn,...
Truyện cổ tích thường được phân thành các tiểu loại: truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt xã hội và truyện cổ tích về loài vật (còn gọi là truyện cổ tích động vật). truyện cổ tích thần kỳ có yếu tố thần kỳ là thủ pháp nghệ thuật nổi trội, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức câu chuyện. Một số truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam có nội dung thể hiện các quan hệ gia đình thời kỳ bắt đầu hình thành các gia đình (từ công xã thị tộc) và sự chuyển đổi từ chế độ quần hôn sang hôn nhân đối ngẫu (tiêu biểu như truyện Trầu Cau). Các kiểu truyện phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ bao gồm những câu chuyện xoay quanh các nhân vật mồ côi, người con riêng, người em út, người đội lốt thú, dũng sĩ,... truyện cổ tích sinh hoạt xã hội có yếu tố thần kỳ mờ nhạt hơn, thường thể hiện các mối quan hệ gia đình và các mối quan hệ xã hội, những ứng xử của con người trong đời sống. Các mối quan hệ phổ biến trong truyện cổ tích sinh hoạt xã hội bao gồm quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa mẹ con, anh chị em, bà cháu, quan hệ chủ tớ, bạn bè, quan hệ xóm giềng,... Tiểu loại cổ tích này chủ yếu thể hiện các bài học luân lý, đạo đức và những câu chuyện về trí tuệ của con người (qua các nhân vật nổi bật là chàng ngốc, người thông minh). truyện cổ tích về loài vật bao gồm những truyện về các vật tổ gắn với tín ngưỡng của người dân thời nguyên thủy, những truyện về đặc điểm của loài vật và những truyện mang tính ngụ ngôn dùng chuyện về loài vật để nói về con người. Cổ tích về loài vật có nội dung gần gũi với thần thoại về nguồn gốc và truyện ngụ ngôn.
Nhân vật của truyện cổ tích mang tính chất điển hình, chưa có dấu ấn cá nhân rõ rệt và thường được chia thành tuyến chính diện và phản diện rõ ràng. truyện cổ tích thường xác định thời gian xảy ra câu chuyện là một thời điểm quá khứ (với câu mở đầu phổ biến “ngày xửa ngày xưa...”), không gian của câu chuyện là một nơi phiếm định (chẳng hạn “ở một làng nọ,...”), có thể là không gian hiện thực hay không gian kỳ ảo. truyện cổ tích có kết cấu truyện tuyến tính, điều gì xảy ra trước thì được đề cập trước, nội dung thường tuân theo luật nhân – quả, chuyện xảy ra ở địa điểm này rồi tới địa điểm khác.
Mặc dù có cốt truyện chủ yếu kể về đời sống, con người hay tạo vật chủ yếu ở trần thế nhưng truyện cổ tích thường mang yếu tố hoang đường, kỳ ảo. Các yếu tố kỳ ảo được thể hiện qua những sự vật, hành vi siêu phàm, không có thực, những nhân vật thần tiên như tiên, Bụt,... truyện cổ tích có ý nghĩa giáo dục, giải trí. truyện cổ tích được không chỉ trẻ em mà cả người lớn ưa chuộng, và thường được thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau qua các buổi kể chuyện trong gia đình, trong cộng đồng. Ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp in ấn, xuất bản và công nghệ truyền thông đa phương tiện, truyện cổ tích được lưu truyền qua các dạng thức tài liệu in và các tài liệu đa phương tiện khác. Truyện cổ tích cũng được kể thông qua các phần mềm và trang web với thiết kế đồ họa, âm thanh, và các trải nghiệm tương tác sống động, giúp thay đổi những cách thức truyền thống về việc kể và nghe truyện cổ tích.
Truyện cổ tích đem lại cảm hứng và chất liệu sáng tác văn chương cho nhiều nhà .văn. Có nhiều nhà văn vận dụng các yếu tố của truyện cổ tích trong tác phẩm của mình hoặc phóng tác, viết lại truyện cổ tích. Có những tác giả sáng tác truyện cổ tích (cũng được gọi là truyện cổ tích nhà văn) với việc vận dụng những thi pháp đặc trưng của thể loại này, như nhà văn Hans Christian Andersen người Đan Mạch, nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ,... ở Việt Nam. truyện cổ tích đem lại chất liệu dồi dào cho nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình, và nhiều ngành giải trí khác. Hãng Disney đã có những thành công trong việc chuyển hóa những câu chuyện Cô bé Lọ Lem, Nàng tiên cá, Nàng công chúa ngủ trong rừng,... thành các tác phẩm điện ảnh và xây dựng những công viên giải trí theo chủ đề, các sản phẩm trò chơi, đồ lưu niệm,... dựa trên truyện cổ tích. Có thể thấy rằng truyện cổ tích trong xã hội cổ truyền hay xã hội hiện đại với các dạng thức tồn tại khác nhau đều hướng đến nuôi dưỡng những ước mơ của con người về cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 1972.
- Lê Chí Quế (chủ biên), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
- Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2010.
- Vũ Anh Tuấn (chủ biên), Giáo trình văn học dân gian, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2012.