Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Truyện cười

Truyền cười là truyện kể về cái đáng cười (hiện tượng buồn cười), thể hiện ở hành vi của nhân vật (bao gồm cả hành động nói năng), nhằm tạo ra tiếng cười với mục đích giao tiếp nhất định.

Hiện tượng buồn cười (cái đáng cười) là hiện tượng về bề ngoài có vẻ hợp tự nhiên, hợp lẽ thường, nhưng về thực chất thì trái tự nhiên, trái lẽ thường (hoặc khác hẳn lẽ thường). Một ví dụ đơn giản như khi bà hỏi: “Cháu ngủ chưa” thì đứa cháu nhanh nhảu trả lời: “Cháu ngủ rồi ạ”. Đã ngủ rồi sao có thể trả lời nhanh như vậy được? (trái tự nhiên). Vì vậy, tiếng cười trong truyện cười chỉ bật ra khi người đọc, người nghe phát hiện ra cái đáng cười, hay là nhận thức được bản chất của hiện tượng buồn cười. Cái cười ở đây đòi hỏi hai điều kiện: một là phải có hiện tượng buồn cười; và hai là người đọc, người nghe phải tự nhận ra cái đáng cười (tiếng cười phát hiện/tiếng cười nhận thức). Thiếu điều kiện thứ nhất thì tất nhiên không thể có tiếng cười. Nhưng thiếu điều kiện thứ hai thì cũng chẳng thấy tiếng cười đâu. Chẳng thế mà có người cười trước, có người cười sau, có khi về đến nhà mới thấy…buồn cười, thậm chí có người không cười được.

Tiếng cười, hiện tượng buồn cười, cái đáng cười luôn tồn tại trong cuộc sống, là một phần tự nhiên trong sinh hoạt đời thường của con người. Tiếng cười có từ lâu đời, do đó truyện cười cũng ra đời sớm. Nhưng thể loại truyện cười thường nở rộ ở thời điểm lịch sử mà những rối ren và mâu thuẫn xã hội, những thói hư tật xấu bộc lộ phổ biến. truyện cười góp phần phê phán xã hội mạnh mẽ, là tiếng nói đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp, công bằng. Ở Việt Nam, các thế kỉ XVI, XVII, XVIII là các thế kỉ mà chế độ phong kiến bộc lộ sự suy yếu, những hạn chế của lực lượng cầm quyền thống trị được phơi bày rõ nét. Thực tế cho thấy các truyện cười có tính hệ thống đều phát triển tập trung trong giai đoạn này như truyện cười Xiển Bột (cuối đời Lê), truyện Trạng Quỳnh (thời Lê – Trịnh)…

Theo tiêu chí kết cấu, truyện cười có hai tiểu loại chính: truyện cười kết chuỗi gồm nhóm truyện xoay quanh một nhân vật hoặc một vài nhân vật chính, như nhóm truyện cười về nhân vật Trạng Lợn; Trạng Quỳnh; Xiển Bột, Thủ Thiệm, Ông Ó…; truyện cười không kết chuỗi gồm những truyện có kết cấu độc lập, khép kín, hoàn chỉnh. Căn cứ vào nội dung truyện, tức là căn cứ vào bản chất của cái đáng cười (hiện tượng buồn cười) thì có tiểu loại truyện cười khôi hài (mục đích giải trí là chủ yếu); truyện cười trào phúng, châm biếm (mục đích phê phán, đả kích là chủ yếu). Sự phân loại này chỉ có tính chất tương đối, bởi ranh giới giữa hài hước, khôi hài và châm biếm, đả kích không phải lúc nào cũng rõ ràng, rành mạch.

Ngoài ra, còn có một tiểu loại truyện cười được gọi là truyện làng cười. Đó là nhóm truyện cười xuất hiện dày đặc ở một vùng quê cụ thể, có một số đặc điểm thi pháp chung, có thể kể, trình diễn trong các sinh hoạt đời thường và trên cả sân khấu như hội thi kể truyện cười của làng. Có một số làng cười nổi tiếng như làng cười Văn Lang (Tam Thanh, Phú Thọ), làng cười Đồng Sài, Trúc Ổ, Can Vũ, Yên Từ, Đông An…(Bắc Ninh); làng cười Kẻ Xe, Kẻ Chối (Kha Lý, Cao Lôi, Bắc Giang); làng cười Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh, Quảng Trị)…

Chức năng quan trọng nhất của truyện cười là đem đến tiếng cười giải trí, hài hước song nó cũng có tính chất phê phán nhẹ nhàng những thói xấu, những lầm lẫn, hớ hênh, sơ suất trong đời thường của những người bình dân, và mạnh mẽ hơn nữa là đả kích, vạch trần cái ác, cái xấu có tính bản chất của lực lượng cầm quyền trong xã hội. Nếu như xung đột, mâu thuẫn được phản ánh trong truyện cổ tích là mâu thuẫn đạo đức thiện-ác, mâu thuẫn trong truyện ngụ ngôn là mâu thuẫn giữa cái dại và cái khôn, chân lý và ngụy lý, chủ quan và khách quan trong nhận thức của con người thì mâu thuẫn được phản ánh trong truyện cười là mâu thuẫn giữa sự thực và điều dối trá (điều dối trá là hình thức bên ngoài có vẻ hợp với tự nhiên nhưng sự thật bên trong lại trái với tự nhiên). Tiếng cười được bật ra khi người ta nhận thức được mâu thuẫn đó. Chính vì vậy ng ta nói truyện cười bao giờ cũng là một sự phát hiện (một sự “nhận thức lại”). Sự “nhận thức lại” này tạo thành một thủ pháp gây cười đặc biệt đó là thủ pháp “lật ngược các khái niệm” ở trong truyện cười, giúp cho truyện cười có khả năng lột mặt trái của xã hội, có tính phê phán mạnh mẽ. Bậc vua chúa lý tưởng thì phải là minh quân, thiên tử nhưng thực tế lại là hôn quân, bạo chúa (trong hệ thống truyện trạng); bậc quan lại lý tưởng thì “văn tài thao lược, võ giỏi kiếm cung” nhưng thực tế thì lại dốt chữ, bất tài, sợ chết, không có võ nghệ (trong các truyện Mẹ tròn con vuông, Diệu kế, Thần bia trả nghĩa…); bậc cường hào, lí trưởng không phải cha mẹ của dân mà lại là kẻ cướp của dân, tham ăn, mê gái, sợ vợ (truyện Quan huyện thanh liêm..); sư sãi không sống thanh tịnh mà lại mê gái, thích ăn thịt động vật (truyện Con thanh tịnh ; Chó biết nói…) ; thầy đồ mà đến một chữ bẻ đôi không biết (Ngưu là con bò tót…); thầy lang chữa bệnh chỉ gây chết người (Bốc thuốc theo sách ; Phù thủy sợ ma…)…

Truyện cười sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật gây cười như thủ pháp phóng đại; thủ pháp gói kín mở nhanh (dẫn dắt người nghe đi từng bước, từng bước đi xa và thắt lại, kết thúc bất ngờ giống như một vở kịch ngắn); thủ pháp chiết tự, chơi chữ, hoặc gia giảm một vài yếu tố đố tục giảng thanh nhằm tạo ra tiếng cười sảng khoái.

Truyện cười không chỉ đơn thuần là câu chuyện giải trí, mua vui mà còn là tiếng nói phản biện xã hội, góp phần đưa đến những nhận thức sâu hơn về thực tại, hướng tới những giá trị tốt đẹp. truyện cười thể hiện tinh thần lạc quan, yêu tiếng cười và sự thông minh, trí tuệ của người sáng tác và chia sẻ nó.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Chính, Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1979
  2. Trần Quốc Thịnh, Những làng cười dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, HN, 1988
  3. Đỗ Bình Trị, Thi pháp thể loại văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN, 1990
  4. Đỗ Bình Trị, « Truyện cười và việc phân tích truyện cười », in trong Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, HN, 1999.