Truyền thuyết là một thể loại trong loại hình tự sự của nghệ thuật ngôn từ dân gian (verbal art). Theo lối duy danh tên gọi của thuật ngữ truyền thuyết (legend) trong folklore các nước Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp đều xuất phát từ chữ Latinh (legenda) có nghĩa là “những cái để đọc” ; thuật ngữ này trong folklore Đức là saga, sagen cũng có nghĩa là “châm ngôn” hay “điều đã được nói”; trong folklore Trung Quốc là truyền thuyết gần với “truyền văn” và “truyền ngoa”, chỉ những việc hoang đường kỳ quái lưu truyền trong dân gian mà người kể không tai nghe mắt thấy; thuật ngữ này ở Hoa Kỳ được dùng để chỉ những câu chuyện mơ hồ, khó nắm bắt nhưng có liên quan đến lịch sử và phản ánh một cách cụ thể các trải nghiệm đời sống của người Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, truyền thuyết trước đây được coi là những truyện kể dân gian có cái lõi là sự thật lịch sử được thêu dệt thêm những điều huyền diệu; các nghiên cứu gần đây cho rằng, truyền thuyết là những truyện kể dân gian về những điều kỳ lạ được người kể tin là có thật đã từng xảy ra trong những thời gian, địa điểm mà người kể được chứng kiến.
Với nghĩa là “những cái để đọc”, truyền thuyết ở châu Âu gồm hai loại: truyện kể về sự tích các Thánh (giai đoạn trước trung đại), truyện kể về người anh hùng (từ thời trung đại) với đặc điểm là cốt truyện có sự kết hợp yếu tố lịch sử với yếu tố hư cấu mang đậm màu sắc huyền thoại. Việc nhận diện đặc trưng thể loại truyền thuyết được coi là xuất hiện đầu tiên trong bộ sách 2 tập Truyền thuyết Đức (Deutche Sagen, 1816-1918) của Jacob Ludwig Karl Grimm (1785-1863) và Wilhelm Karl Grimm (1786-1859). Nhận định của các tác giả công trình này về sự khác biệt của thể loại truyền thuyết so với thần thoại và truyện cổ tích ở mối liên hệ giữa thể loại truyền thuyết với lịch sử đã là một định hướng hằn sâu trong nghiên cứu truyền thuyết vài thập kỷ. Cho đến thập niên 60 của thế kỷ XX, thể loại truyền thuyết trở thành chủ đề của nhiều cuộc hội thảo quốc tế của của Hội nghiên cứu tự sự dân gian quốc tế (The International Society for Folk-Narrative Research - ISFNR), việc sưu tầm nghiên cứu thể loại này trên toàn thế giới mới bắt đầu được tập trung chú ý. Cũng vào khoảng thời gian này, ở Hoa Kỳ, việc sưu tầm và nghiên cứu truyền thuyết có một bước đột phá, tách khỏi truyền thống nghiên cứu truyền thuyết như một thể loại văn học dân gian có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử như ở châu Âu. Với việc mở rộng biên độ truyền thuyết không chỉ là những câu chuyện về các nhân vật phi thường của tôn giáo và dã sử mà còn là các nhân vật nửa hư nửa thực mang đậm chất đời thường, và người kể các câu chuyện đó không chỉ là nông dân mà còn là dân thành thị, không chỉ là người già mà còn là lớp trẻ, không chỉ là truyền thống đã hoàn kết mà còn là mới mẻ, thậm chí đang trong giai đoạn thành hình, nhà truyền thuyết học người Mỹ gốc Hungary Linda Dégh (1918-2014) đã làm nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu thể loại này. Bộ phận truyền thuyết được khởi xướng từ Linda Dégh và được tiếp tục bởi các nhà truyền thuyết học Hoa Kỳ được gọi là truyền thuyết đương đại (contemporary legend), hoặc truyền thuyết đô thị (urban legend). Nghiên cứu truyền thuyết ở các nước châu Á cũng chỉ mới thực sự bắt đầu vào cuối thế kỷ XX, chủ yếu với các truyền thuyết về các nhân vật anh hùng, sang đến đầu thế kỷ XXI, được bổ sung thêm các truyện kể về phép lại đời thường, dù rằng, truyền thuyết đương đại và truyền thuyết đô thị chưa được chú ý nhiều.
Ở Việt Nam, truyền thuyết Việt Nam đã được văn bản hoá sớm trong các thư tịch thời trung đại như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và việc biên soạn thành các thần tích ở các đình, đền, miếu với những công thức chung. Ở thế kỷ XX, các truyền thuyết được diễn xướng trong các lễ hội, các truyền thuyết dân gian cho đến những năm 70 của thế kỷ XX vẫn chưa được sưu tầm và xuất bản. Chính vì thế, truyền thuyết với tư cách là một thể loại văn học dân gian ngay từ đầu chưa được giới nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam thống nhất chấp nhận. Trong khi các nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Đổng Chi, Kiều Thu Hoạch thừa nhận có một thể loại là truyền thuyết thì Đinh Gia Khánh cho rằng, truyền thuyết chỉ là dã sử và nên xếp vào sử. Cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, nhận thức về thể loại truyền thuyết đã được thống nhất trong giới nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu về đặc trưng thể loại và các truyền thuyết cụ thể (Thánh Gióng, Hùng Vương, Hai Bà Trưng…) đã được tiến hành, đưa lại những nhận thức mới về thể loại truyền thuyết.
Cho đến nay, các nghiên cứu đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cấu tạo nên nội dung thể loại truyền thuyết, bất kể là tiểu loại truyền thuyết nào, đó là yếu tố niềm tin. Câu chuyện trong truyền thuyết dù được kể theo dạng hư cấu nào thì đều là những trải nghiệm của người kể mà họ luôn muốn thuyết phục người nghe tin vào điều mình kể là có thật, câu chuyện đó dù hoang đường, quái đản nhưng đều liên quan tới người kể và người nghe. Chính bằng cách này, người kể muốn kêu gọi sự chia sẻ, đồng tình hoặc cổ vũ của người nghe. Câu chuyện của truyền thuyết, vì thế, dù là kể về các nhân vật phi thường trong quá khứ (các vị thánh toàn năng, các anh hùng có chiến công phi thường) hay các phép lạ diễn ra trong đời thường hôm nay (ma, quỷ, thần tiên, điều huyền bí) đều là câu chuyện của đương đại, và là những câu chuyện bám theo suốt đời người.
Về nghệ thuật tự sự, truyền thuyết là một câu chuyện có thể có kết cấu hoàn chỉnh, nhưng đa phần là lỏng lẻo, đôi khi còn là sơ giản dưới dạng một vài chi tiết, tùy thuộc vào dạng trải nghiệm nào mà người kể muốn cung cấp, dạng thông tin nào mà người kể muốn chia sẻ. Như vậy, so với các thể loại tự sự dân gian khác, truyền thuyết là một thể loại có tính động và tính lỏng cao nhất, nó luôn sản sinh, biến đổi để ứng hợp với nhu cầu được trao đổi và chia sẻ của con người đương đại về những câu chuyện bí ẩn liên quan trực tiếp đến đời sống của họ.
Không gian trong truyền thuyết là không gian thiêng nhưng gắn với các nơi chốn cụ thể, thời gian trong truyền thuyết là thời gian được gán cho các mốc lịch sử-cụ thể với niềm tin rằng, câu chuyện đó đã thực sự xảy ra, đã và đang liên quan trực tiếp đến đời sống đương đại. Việc diễn xướng truyền thuyết trong các lễ hội cũng chính là sự biểu thị niềm tin của con người đương đại mà tiền nhân của họ đã gửi gắm vào truyền thuyết và trao truyền cho họ từ đời này qua đời khác.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bascom, William, Folklore Form: Oral Narrative (Hình thức folklore: Tự sự truyền miệng), Journal of American Folklore, No 78, 1965, p. 3-20
- Kiều Thu Hoạch, “Truyền thuyết anh hùng trong thời kì phong kiến”, in trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1971, Hà Nội.
- R.M. Dorson, Defining the American Folk Legend, Béaloideas, 1971, tr.112
- Hand, Wayland D. edited, American Folk Legend - A Symposium, University of Calofiornia Press, 1971.
- Dégh, Linda, Legend and Belief: Dialectics of a Folklore Genre, Indiana University Press, USA, 2001.
- Lỗ Tấn, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Lương Duy Tâm dịch, Lương Duy Thứ hiệu đính, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
- Trần Thị An, Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH., Hà Nội, 2014.