Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Truyền thông môi trường

Truyền thông môi trường là những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ năm 1972. Trong báo cáo tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người, Stockholm, từ ngày 5 đến ngày 16 tháng 6 năm 1972, Chương trình Hành động về Giáo dục, Đào tạo và Thông tin cộng đồng, truyền thông được xác định là một trong các biện pháp hỗ trợ cho các ưu tiên chính của hoạt động bảo vệ môi trường toàn cầu, đánh giá và quản lý môi trường. Nhóm quan tâm về truyền thông môi trường cho rằng truyền thông môi trường là “việc sử dụng các quá trình truyền thông và các sản phẩm của các phương tiện truyền thông một cách có kế hoạch và có chiến lược nhằm hỗ trợ việc thực hiện dự án, việc tham gia của công chúng, và việc đưa ra quyết định một cách hiệu quả, nhằm hướng tới sự bền vững về mặt môi trường”. Truyền thông môi trường là quá trình tương tác hai chiều, giúp cho mọi đối tượng tham gia vào quá trình đó cùng tạo ra và cùng chia sẻ với nhau các thông tin môi trường, với mục đích đạt được sự hiểu biết chung về các chủ đề môi trường có liên quan và từ đó, có năng lực cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường với nhau.

Mục tiêu của truyền thông môi trường là mang lại sự hiểu biết đối với môi trường và các vấn đề môi trường, mang lại kiến thức để giải quyết các vấn đề môi trường, tạo ra động lực để hợp tác nhằm hướng tới các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường. Truyền thông môi trường là công cụ cơ bản trong công tác quản lý môi trường, nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Nó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong cộng đồng từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất và không chỉ tự mình tham gia mà còn lôi cuốn những người khác cùng tham gia tạo nên những kết quả chung của toàn xã hội.

Một trong những yếu tố cơ bản và cũng là hoạt động trung tâm của truyền thông môi trường là xây dựng thông điệp truyền thông môi trường. Một thông điệp truyền thông tốt là thông điệp chuyển tải được 6 nội dung giáo dục sau đây: giáo dục nhận thức, giáo dục kiến thức, giáo dục kỹ thuật, giáo dục ý thức, giáo dục đạo đức và giáo dục hành vi. Với mục tiêu giáo dục nhận thức, thông điệp môi trường phải chứa đựng thông tin sao cho người tiếp nhận thông tin hiểu được những tác hại đối với môi trường là có thật và bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Giáo dục kiến thức nhằm nâng cao sự hiểu biết về môi trường, về suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường đến đời sống, sức khỏe của con người. Giáo dục kỹ thuật cung cấp những kỹ năng liên quan đến việc xử lý các vấn đề môi trường, ví dụ, cách thức phân loại rác thải trong mỗi gia đình hàng ngày. Giáo dục đạo đức môi trường hướng tới xây dựng những phép tắc, quy tắc ứng xử đúng đắn, đó là cơ sở của xử sự đúng đắn đối với môi trường. Sau cùng, giáo dục hành vi là mức độ cao nhất mà thông điệp môi trường có thể mang đến cho người nhận thông điệp: xây dựng sự đối xử, hay là hành vi đúng đắn đối với môi trường.

Để tiến hành thực hiện chiến lược truyền thông hiệu quả, theo nhóm quan tâm về truyền thông môi trường, cần có 10 bước trong chiến lược truyền thông môi trường. Các bước này bao gồm: phân tích tình huống và nhận ra vấn đề; phân tích người tham gia và kiến thức, thái độ, hành vi; xây dựng các mục tiêu truyền thông; phát triển các chiến lược truyền thông; tham gia của các nhóm liên quan; kết hợp và lựa chọn các phương tiện truyền thông; thiết kế thông điệp; sản xuất và kiểm tra thử; thực hiện truyền thông và áp dụng trên thực tế; ghi nhận, giám sát và đánh giá. 10 bước này rất cần được tiến hành trong chiến lược truyền thông môi trường, nhất là việc áp dụng các bước này qua một dự án hay một chương trình môi trường hay liên quan đến môi trường cụ thể. Có thể nói rằng truyền thông môi trường đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Interest Group on Environmental Communication. Environmental Communication - Applying Communication Tools Towards Sustainable Development: Working Paper of the Working Party on Deverlopment Cooperation and Environmental. OECD, 1999.
  2. Nguyễn Tuấn Anh, Giáo trình Xã hội học Môi trường, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
  3. Vũ Cao Đàm, Nguyễn Nguyên Cương, Mai Quỳnh Nam, Truyền thông môi trường. Trong Vũ Cao Đàm (Chủ biên), Xã hội học môi trường, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, 176-208, 2002.