Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Truyền thông bạo lực và hành vi bạo lực (Tên cũ: Truyền thông và hành vi bạo lực)

Truyền thông bạo lực và hành vi bạo lực (Tên cũ: Truyền thông và hành vi bạo lực) là hành vi sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm truyền đạt thông tin có chứa đựng nội dung bạo lực từ người gửi tới người nhận tin gây tổn thương về thể chất và tinh thần một cách có ý thức hoặc vô thức.

Ví dụ, phim trên ti vi có nội dung bạo lực, game bạo lực…

Hành vi bạo lực là hành vi được con người (cá nhân, nhóm) thực hiện với mục đích gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho người khác (cá nhân, nhóm) một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ, hành vi gây gổ, bắt nạt hoặc đe dọa người khác ở học sinh.

Khi nói tới truyền thông cần phân biệt rõ nội dung truyền thông và phương tiện truyền thông. Nội dung truyền thông là ý nghĩa của nội dung thông điệp mà người gửi thông điệp muốn truyền đạt tới người nhận tin. Ví dụ, truyền thông về dịch bệnh Covid-19, truyền thông về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu đe dọa sự tồn tại của các loài trên trái đất… Phương tiện truyền thông là yếu tố trung gian có khả năng chứa đựng nội dung truyền thông (vật mang tin) ví dụ, đài phát thanh, ti vi, báo, internet, tờ rơi, pano… Hiện nay trong khoa học truyền thông người ta chia ra làm 7 loại hình cơ bản của truyền thông là: báo in, sách, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, internet, băng đĩa hình ảnh và âm thanh.

Các quan điểm và hướng tiếp cận nghiên cứu[sửa]

Truyền thông bạo lực và hành vi bạo lực thường được các nhà tâm lý học, xã hội học, truyền thông học và giáo dục học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi khoa học có cách tiếp cận nghiên cứu riêng. Dưới góc độ tâm lý học truyền thông là quá trình tương tác xã hội, ảnh hưởng lẫn nhau giữa con người với con người (cá nhân hoặc nhóm), vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông việc sử dụng các quy luật và cơ chế tâm lý trong tương tác xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hoạt động truyền thông trong xã hội đương đại có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội và hình thành hành vi xã hội. Nếu nội dung truyền thông không được kiểm soát (có nội dung bạo lực) có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi con người đặc biệt là trẻ em trong đó có hành vi bạo lực.

Các nghiên cứu những năm 1990 về nội dung bạo lực trên truyền hình ở Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào số lượng, thời gian kéo dài bạo lực, tần số lặp lại bạo lực… Kết quả thống kê cho thấy gần hai phần ba số chương trình trên truyền hình Hoa Kỳ có nội dung bạo lực. Các nghiên cứu hiệu ứng của truyền thông bạo lực đối với người xem vẫn còn được tiếp tục cho tới ngày nay. Tuy chưa có nghiên cứu so sánh về bạo lực trên phim truyền hình với trò chơi điện tử nhưng nhiều phân tích kết quả điều tra đã cho thấy bạo lực ở các trò chơi điện tử là phổ biến hơn. Thông thường các nghiên cứu tác động của việc tiếp xúc bạo lực trên các phương tiện truyền thông: truyền hình, trò chơi điện tử và âm nhạc, video… đều hướng tới việc trả lời câu hỏi bạo lực đã tác động tới suy nghĩ, thái độ và cảm xúc của trẻ sau khi tiếp xúc như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa việc tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông và hành vi bạo lực ở trẻ em.

Một số nghiên cứu tập trung vào đặc điểm tâm lý của trẻ em nhằm xác định nhóm trẻ nào có khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi bạo lực trên phương tiện truyền thông? và trong những trường hợp nào trẻ bị ảnh hưởng?. Các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào các phương tiện truyền thông có tính tương tác mạnh như trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến đã ảnh hưởng tới hành vi bạo lực ở trẻ thế nào? Kết quả các nghiên cứu bạo lực truyền thông và hành vi bạo lực của trẻ đã cho thấy những nhóm trẻ em tiếp xúc thụ động với phim ảnh bạo lực trên truyền hình thường bị tác động mạnh nhất.

Cơ chế lý thuyết[sửa]

Các nhà tâm lý học, truyền thông học và xã hội học đã xây dựng các mô hình lý thuyết giải thích mối quan hệ giữa bạo lực truyền thông và hành vi bạo lực, xâm khích. Một số mô hình lý thuyết mô tả bản chất nhận thức xã hội của các quan hệ, tương tác của trẻ với cha mẹ, bạn bè đã tập trung vào cách mọi người học, suy nghĩ và cư xử trong quan hệ xã hội thực và trong một thế giới ảo do các phương tiện truyền thông tạo ra. Các nhà tâm lý học đã phân biệt giữa các cơ chế tác động truyền thông với hiệu ứng ngắn hạn và các cơ chế tác động dài hạn. Hiệu ứng ngắn hạn thường thông qua ý tưởng nhận thức, bắt chước, sự đánh thức và kích thích. Ý tưởng nhận thức được giải thích dựa trên mạng liên kết nơron thần kinh, trong đó các ý tưởng được kích hoạt bởi các tác động từ môi trường xã hội. Khi tiếp xúc với các cảnh bạo lực truyền thông có thể kích hoạt các suy nghĩ, cảm xúc và kịch bản bạo lực. Một khi những suy nghĩ, cảm xúc, kịch bản này được kích hoạt sẽ trở thành bộ máy sàng lọc, diễn giải các sự kiện từ đó kích thích hành vi bạo lực, xâm khích. Cách giải thích này tập trung vào một thực tế là khi xem bạo lực đã làm cho trẻ em và thanh thiếu niên phấn khích. Sự phấn khích này còn sót lại sau khi xem bạo lực truyền thông có thể tiếp tục chi phối xu hướng hành vi của người xem làm cho họ có thể bị kích động và trở nên xâm khích hơn.

Trò chơi điện tử có thể gây kích động rất đặc biệt vì các video điện tử trong trò chơi thường liên quan đến việc sử dụng bạo lực lặp lại nhiều lần, lâu dài trên cơ sở đó thúc đẩy hành vi xâm khích của người chơi. Theo các nhà nghiên cứu hiệu ứng ngắn hạn và dài hạn của bạo lực truyền thông được cho là kết quả của việc học tập. Hành vi bạo lực học được trên phương tiện truyền thông được thúc đẩy bởi một số yếu tố trong đó có các yếu tố cá nhân và môi trường. Mô hình hành vi bạo lực hấp dẫn đối với người xem có khả năng làm tăng bạo lực ở người xem là: Hành vi bạo lực sau khi tiếp xúc với bạo lực trên phương tiện truyền thông ở người xem phụ thuộc vào khả năng nhận dạng mô hình và ngữ cảnh bạo lực trên thực tế cũng như cách thức củng cố nó (thưởng thay hay trừng phạt). Muốn có được hiệu ứng truyền thông lâu dài thì môi trường xã hội cần củng cố các hành vi đã học được trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, việc học không giới hạn bởi tính đặc trưng của bạo lực truyền thông. Khi nhận thức được các kịch bản hành vi và tương tác xã hội trên cơ sở đó hình thành thái độ đối với phương tiện truyền thông bạo lực. Hiệu ứng “mồi” thường được coi là ngắn hạn, nhưng kết quả nghiên cứu nhận thức xã hội đã chỉ ra rằng những tác động đó có thể có những ảnh hưởng lâu dài. Nếu môi trường truyền thông thường xuyên mang tính bạo lực thì những suy nghĩ và cảm xúc bạo lực có thể tác động tới ý nghĩ và hành động bạo lực làm cho các tương tác xã hội được diễn giải một cách thiên vị, gây hấn.

Việc tiếp xúc lâu dài với bạo lực trên các phương tiện truyền thông có thể dẫn đến hiệu ứng “giải cảm” cảm xúc giống như trải nghiệm xảy ra trong quá trình điều trị giải cảm - một kỹ thuật điều trị ám ảnh rất có hiệu quả. Bản chất của hiệu ứng này là bạo lực trên các phương tiện truyền thông có thể làm giảm lo lắng hoặc sợ hãi liên quan đến ám ảnh và khiến khách hàng ít bị kích động hơn. Các tương quan giữa giải cảm cảm xúc với bạo lực, hành vi xâm khích hiện nay chưa được nghiên cứu làm rõ.

Đặc điểm của người xem: không phải tất cả các cá nhân tiếp xúc với bạo lực trên phương tiện truyền thông đều có hiệu ứng giống nhau. Một số đặc điểm cá nhân có thể kiềm chế tác động của truyền thông bạo lực tới hành vi xâm khích của họ. Tuổi người xem có ảnh hưởng tới ứng truyền thông bạo lực, thông thường người trẻ tuổi, trẻ em thường dễ có hành vi bạo lực, xâm khích hơn. Giới tính của người xem bạo lực trên các phương tiện truyền thông và hành vi bạo lực cũng là vấn đề phức tạp. Nghiên cứu ban đầu cho thấy bạo lực truyền thông tác động lớn hơn đối với trẻ em trai so với các em gái; tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây đã không xác nhận sự khác biệt này. Một số nghiên cứu khác cho thấy nam và nữ thể hiện các mô hình gây hấn khác nhau, với các em trai có xu hướng thiên về hành vi bạo lực thể chất trực tiếp, trong khi đó, các em gái có xu hướng thiên về hành vi bạo lực gián tiếp. Sự tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông ở lứa tuổi càng trẻ thì sẽ làm tăng xu hướng hành vi xâm khích gián tiếp ở phụ nữ (nói dối, coi thường người khác do tức giận). Tính xâm khích ở người xem cũng ảnh hưởng tới việc tiếp nhận hành vi bạo lực từ các phương tiện truyền thông. Trẻ em có tính xâm khích cao thường thể hiện khả năng tìm kiếm các phương tiện truyền thông bạo lực nhanh và tích cực học tập theo hoặc dễ bị kích thích bởi bạo lực truyền thông. Trí thông minh của người xem hầu như không liên quan đến các hiệu ứng bạo lực truyền thông. Tuy nhiên, trẻ em có khuynh hướng tri giác ổn định thường xác định nhanh hơn các tác nhân bạo lực và cho rằng bạo lực truyền thông là một thực tế cuộc sống thể hiện khuynh hướng tích cực của họ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  2. Bandura, A., Social cognitive theory of masscommunication, In J. Bryant & D. Zillmann (Eds.), Mediaeffects: Advances in theory and research, 1994, pp. 61 - 90.
  3. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  4. Anderson, C. A., & Bushman, B. J., Effects of violentvideo games on aggressive behavior, aggressive cognition, aggressive affect, physiological arousal, and prosocialbehavior: A meta-analytic review of the scientificliterature, Psychological Science, 12, 2001, pp. 353 - 359.
  5. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  6. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  7. Anderson, C. A., Berkowitz, L., Donnerstein, E., Huesmann,L. R., Johnson, J. D., Linz, D., et al., Theinfluence of media violence on youth, Psychological Science in the Public Interest, 4 (3), 2003, pp. 81 - 110.